Skip to main content

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

 

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên quan đến thuật ngữ này, với sắc thái lý thuyết riêng, còn bao gồm cả thuật ngữ siêu việt nhân (transhuman) và phản nhân (antihuman).

Đúng như tên gọi, đặc điểm nổi bật của hậu nhân luận chính là sự kháng cự/từ chối của nó đối với nhân bản luận truyền thống phương Tây. Mặc dù tự thân thuật ngữ “nhân bản luận” có thể được áp dụng cho một tập hợp phức tạp các giả thiết và thỏa ước giới hạn vốn đã phát triển qua nhiều thế kỷ (từ sơ kỳ Phục Hưng đến cuối thế kỷ XX), nhưng các học giả hậu nhân tập trung vào một vài đặc điểm cốt lõi: trên hết là, quan niệm cho rằng nghiên cứu thích đáng về con người chính là con người. Theo định danh, nhân bản luận chính là việc lấy con người làm trung tâm; nhân bản luận như hiện tượng lịch sử đã thu hút việc đánh giá lại theo nghĩa là tái tân và tái kiến giải tu từ học và văn minh Hy-La, thông qua việc đặt con người (chứ không phải Thượng Đế) ở vị trí trung tâm của dự trình văn chương và triết lý. Khoa học hiện đại khởi đi từ thời Phục Hưng đã tìm cách đạt được nhận thức về thế giới tự nhiên vốn dựa trên năng lực quan sát và lý trí của con người để khám phá các quy luật phổ quát. Như chủ thể tư duy trong trường phái triết học Descartes, con người có thể nghiệm xét thế giới và lý giải vận hành của nó một cách khách quan khoa học – như Galileo đã nêu ra một cách cừ khôi bằng ngôn ngữ toán học. Quan điểm xem con người như tác nhân tự trị, tách biệt khỏi tự nhiên dù vẫn gắn bó với tự nhiên, lại càng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Khai Sáng. Các học giả hậu nhân xem sinh học Darwin, kinh tế học Marx và tâm lý học Freud như dấu hiệu ban đầu của sự đổ vỡ chủ thể Khai sáng thống nhất này. Tuy nhiên, dù việc tách biệt con người khỏi thế giới tự nhiên và việc đặt con người ở vị trí cao hơn thế giới tự nhiên đã bị đưa vào vòng nghi vấn bởi đà phát triển của sinh học, tâm lý học và kinh tế học thế kỷ XIX, nhưng khoa học thực chứng vẫn tìm cách duy trì sự phiên biệt chủ thể-khách thể thậm chí tới tận thế kỷ XX.

Hậu nhân luận, hậu cấu trúc luận, hậu hiện đại luận

Thời đại nghệ thuật và chính trị hiện đại (khoảng nửa đầu thế kỷ XX) có thể được nhận thức như là biểu hiện sau cùng của hệ hình chủ thể tự trị khai sáng. Sang nửa sau thế kỷ XX, nhiều nhà lý thuyết hậu cấu trúc và hậu hiện đại đã tham gia vào dự trình thay thế [hệ hình tư duy đó]. Những gì mà họ tìm cách thay thế chính là những chân lý của chủ nghĩa hiện đại: những giả định về cái đẹp khả dụng phổ quát và nhận thức luận có giá trị phổ quát. Hậu cấu trúc luận đặc biệt phê phán việc phân tích cấu trúc ngôn ngữ, văn chương và văn hóa. Có ảnh hưởng hơn cả chính là các nhà hậu cấu trúc, gồm: Jacques Derrida, Roland Barthes, Michel Foucault, và Paul de Man. Các lý thuyết gia phê phán đã phát triển chủ nghĩa hậu hiện đại thành ra phạm trù lý thuyết tổng quát – một sự phát triển được thể hiện qua hai công trình cực kỳ khác biệt, đó là: The Postmodern Condition (1979/1984) của Jean-François Lyotard và Postmodernism (1991) của Fredric Jameson. Công trình của Lyotard nêu ra sự phê phán về cái được gọi là những đại tự sự, mà ông đã xác định được trong các ý hệ và thực hành giao tiếp của thời hiện đại. [Trong công trình của mình], Jameson khởi đi từ nghệ thuật với mỹ học và cho rằng những đặc điểm thẩm mỹ hậu hiện đại không thể được xem xét trong cách thế tách biệt khỏi điều kiện kinh tế hậu công nghiệp. Hậu cấu trúc luận và hậu hiện đại luận là sự hồi ứng có tính cách phê phán đối với những gì được nhận thức như là các thực hành và tu từ học toàn quát hóa của kỷ nguyên hiện đại. Trong mỗi trường hợp, sự hồi ứng này là một nỗ lực nhằm lật đổ những tuyên bố về tính thống nhất, tính đơn phương và tính phổ quát [của chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa hiện đại]. Những dấu hiệu lật đổ đó đều có thể được xem như đặt nền móng cho cái mà Hassan [trong bài báo năm 1977] định danh như là văn hóa hậu nhân. Công trình của Gilles Deleuze và Félix Guattari, vốn khó phân định là thuộc về hậu cấu trúc hay hậu hiện đại, cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết hậu nhân.

Cyborg như chủ thể hậu nhân

Những nhà hậu hiện đại có ảnh hưởng hơn cả chủ yếu quan tâm đến nghệ thuật, văn chương, lịch sử và triết học. Việc giải cấu trúc của họ trong các lĩnh vực này có thể được xem như những tiền đề hay các liên đề cần thiết cho việc lập thành hẳn hỏi hậu nhân luận của một nhóm nhỏ các nhà lý thuyết theo sau đó – những nhà lý thuyết mà trước tác của họ tập trung vào khoa học công nghệ và sinh học hơn là nghệ thuật và văn chương. Donna Haraway (với công trình Simians, cyborgs, and women: The reinvention of nature, 1991) là nhân vật chủ chốt trong việc khám phá đặc điểm mềm xốp của các ranh giới tương liên giữa máy móc-con người-động vật. Bà đề xuất thuật ngữ cyborg[1] như ẩn dụ văn hóa đương đại để nắm bắt tình trạng mâu thuẫn tư niệm của tồn tại người đương đại, những người mà cơ thể họ sẵn sàng đón nhận các hình thức cải biến và can thiệp của công nghệ. Sự ẩn dụ đó một mặt gợi lên những viễn cảnh của hư cấu khoa học, mà ở đó chi giả hay thuốc không chỉ khắc phục khiếm khuyết của nhân vật mà còn có thể khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, thông minh hơn và nói chung là khác biệt với con người thường tình. Hư cấu khoa học thường là lĩnh vực của siêu việt nhân, vốn đề cập đến tình trạng vẫn được xem như là sự mở rộng và tăng cường của nhân bản luận truyền thống hơn là bác bỏ nó. Nhưng “người sáu triệu đô”[2] vẫn là con người theo cảm quan văn hóa truyền thống. Còn cyborg của Haraway không chỉ là siêu việt nhân, mà còn là hậu nhân, bởi sự kháng cự và tái cấu lập các giá trị của chủ thể nhân văn truyền thống. Mặt khác, ẩn dụ cyborg còn chỉ ra rằng phiên bản hậu nhân luận nữ quyền của Haraway không chối từ công nghệ như là nguồn cơn cho việc tái cấu lập con người. Với ẩn dụ cyborg của mình, bà ấy tìm cách duy trì những thúc bách và khả năng điều hòa bằng công nghệ mà thậm chí có thể mang lại hiệu quả ở cả phạm vi chính trị.

Haraway và những nhà hậu nhân khác cũng chú ý đến việc xóa nhòa ranh giới nữa, đó là: ranh giới giữa con người và động vật phi nhân. Từ quan điểm của họ, điểm trọng tâm của nhân bản luận chính là sự nhấn mạnh của nó vào hố thẳm không thể vượt qua giữa con người và động vật. Truyền thống nhị nguyên luận có sức ảnh hưởng của Descartes đã khẳng định rằng yếu tính của con người là tri nhận và rằng động vật chỉ là cỗ máy quá phức tạp, là bộ phận của thế giới vật chất trong thế đối lập với thế giới tâm trí. Như đã lưu ý ở trên, việc nhấn mạnh vào cách biệt triệt để giữa người và động vật đã vấp phải hàng loạt thách thức trong thế kỷ XIX và XX, chủ yếu khởi đi từ cách mạng của Darwin trong khoa sinh học, và trong những thập kỷ gần đây các nhà tư tưởng hậu nhân đã tung ra những cuộc đột kích về mặt lý thuyết vào truyền thống [nhân bản luận]. Việc gia tăng sự phức tạp của hệ hình khoa học thực chứng đã thúc đẩy thiện chí ngày càng tăng trong việc nhấn mạnh tính liên tục hơn là tính tách biệt trong thế giới sinh học. Những tiến bộ trong di truyền học và kỹ thuật di truyền cơ hồ cung cấp minh chứng xác thực cho tính chất mềm xốp của những rào cản giữa các chủng loài và lẽ đó làm phức tạp thêm quan niệm chủng loài. Thực tế là các nhà khoa học thời nay có thể nhân bản ngay cả một số động vật có vú (minh chứng nổi tiếng là chú cừu Dolly, ra đời 1996), dường như là biểu trưng cho một số vấn đề giới hạn quan trọng đối với các nhà hậu nhân. Một trong số bài học rút ra được từ việc nhân bản và các kỹ thuật di truyền khác không cho thấy rõ ràng rằng “tự nhiên” đặt ra bất kỳ giới hạn nào trên trường phổ liên tục của sinh học. Nhưng nếu con người không được tách biệt khỏi tự nhiên thì phạm trù chính trị liệu có còn chỉ riêng thuộc về con người hay không? Các tác giả hậu nhân khởi đi từ các nền tảng khác nhau ngày càng có xu hướng đi tới việc coi quyền động vật như là vấn đề triết học và chính trị xã hội nghiêm túc. Trước tác của họ tiêu biểu cho các hoạt động tương ứng thuộc về lý thuyết và học thuật của phong trào bảo vệ quyền động vật và môi trường ngày càng phát triển rộng rãi.

Nghiên cứu khoa học-công nghệ và hậu nhân luận

Thực tiễn và lý thuyết khoa học trong thế kỷ XX (không chỉ trong khoa sinh học mà còn trong vật lý học) đã góp phần vào sự phá vỡ các ranh giới và bản thể học truyền thống. Ở nửa sau của thế kỷ này, lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ (STS) khởi lên như liên minh linh hoạt của các nhà xã hội học, nhân học, lịch sử và nghiên cứu văn học. Bruno Latour và nhiều người khác nữa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ đã xem xét khoa học đương đại ở những gút mắc mâu thuẫn giữa tu từ học thực chứng và thực tiễn phức tạp mơ hồ của nó. Trong We Have Never Been Modern (1993), Latour đã tranh luận về sự đổ vỡ của cái mà ông gọi là “thiết chế hiện đại”, tức khuôn khổ nhận thức luận đã chi phối tư duy khoa học Tây phương hàng thế kỷ. Nhận thức luận đó đã mặc nhiên công nhận các chia biệt sâu sắc, như chia biệt giữa xã hội và tự nhiên, chia biệt giữa nhân loại và phi nhân loại. Các chia biệt này đã bị đe dọa bởi sự phát triển mau lẹ của các loài lai ghép mà chính khoa học đã tạo ra. Để lý giải cho sự lai ghép như thế, Latour, John Law và những người khác nữa đã phát triển lý thuyết mạng lưới tác nhân (ANT), tức lý thuyết giúp mô tả hiện tượng xã hội dưới góc độ tương hỗ giữa nhân tố (hoặc diễn tố) nhân loại và phi nhân loại. Từ vựng ANT cấu thành sự kháng cự/bác bỏ các ranh giới cơ hồ an toàn trong khoa học và triết học nhân văn truyền thống, và lẽ đó nó đã có đóng góp ảnh hưởng đến dự trình hậu nhân. Trong khi đó, một số nhà hậu nhân khác lại dựa vào “lý thyết hệ thống tổng quát” của nhà xã hội Niklas Luhmann để tái nghĩ xét về sự phân biệt chủ thể-khách thể như nền tảng căn cơ cho cả khoa học thực chứng và triết lý nhân văn[3].

Nữ quyền luận và hậu nhân luận

Trong luận đề của mình về cyborg và một số vấn đề khác, Haraway cho thấy làm thế nào mà nữ quyền luận như lập trường lý thuyết có thể đóng góp cho hậu nhân luận. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nữ quyền luận lý thuyết đã cấu thành một loạt quan điểm lập trường khác nhau với chi lưu trong xã hội học, văn hóa học, sinh học và chính trị học, cũng như nhiều cây viết nữ quyền có sức ảnh hưởng nhất đã đóng góp cho các chủ đề của hậu nhân luận. Như đã lưu ý ở trên, tự thân nhân bản luận mặc nhiên công nhận hoặc đơn giản chỉ là coi đàn ông như là tiêu chuẩn và quy tắc của chính con người. Trước tác của các tác giả và nhà lý thuyết nữ quyền từ Simone de Beauvoir cho tới Julia Kristeva, Luce Irigaray, Judith Butler cùng nhiều người khác nữa đã hoán chuyển đàn ông khỏi vị trí trung tâm trong định danh con người và thách thức sự cô kết về giới như một phạm trù. Ví dụ như trong Gender Trouble (1990), Butler lập luận rằng giới và tính dục, thay vì được ấn định bởi tự nhiên, thì lại được dựng xây và diễn hoạt bởi cá nhân trong khuôn khổ diễn ngôn và đè nén văn hóa. Bởi vì tầm quan trọng của vấn đề giới đối với căn tính, Butler kết luận rằng tự thân căn tính có tính diễn hoạt – một lập trường hoàn toàn trái ngược với nhân bản luận truyền thống.

[…]

Hậu nhân luận và các ngành nhân văn

Sau hết, hậu nhân luận có những hệ quả về mặt thiết chế. Các thực hành và giả định của nhân bản luận đã được cụ thể hóa hàng trăm năm qua trong các trường đại học, các học viện quốc gia và được hỗ trợ bởi những hình thức bảo trợ công và tư khác nhau. Lẽ đó, tương lai của nhân bản luận thành ra là câu hỏi về tương lai của các ngành nhân văn, đặc biệt là trong đại học thời nay[4]. Các lý thuyết gia hậu nhân đề xuất không gì khác hơn là một sự tái cấu lập triệt để các ngành nhân văn – một sự tái cấu lập nhằm loại trừ chủ đề tự do khỏi trọng tâm của truy vấn về nhân tính. Họ đòi hỏi các hướng tiếp cận mới cũng như thay đổi chất liệu nghiên cứu. Chẳng hạn như, các nhà hậu nhân thường đề xuất STS như hướng tiếp cận liên ngành có kiểm soát – một hướng tiếp cận mà có thể thông suốt các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trên hết, hậu nhân luận đối kháng với bản chất luận mà nó nhận thấy trong các thực hành luận giải nhân văn truyền thống. Nó tham gia vào sự kháng cự này bởi trong những thập kỷ gần đây hậu cấu trúc luận, hậu hiện đại luận, nghiên cứu hậu thuộc địa, nghiên cứu nữ quyền và nghiên cứu văn hóa, tất cả đều có được vị trí trong các phân khoa nhân văn.

Võ Quốc Việt lược dịch

Nguồn: Jay David Bolter (2016). Posthumanism. In: The International Encyclopedia of Communication Theory and Philosophy, 2016; available online at: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1002/9781118766804.wbiect220



[1] ND. Cyborg trong nhãn quan của Haraway là sự kết hợp giữa hư cấu khoa học viễn tưởng và thực tiễn vật chất; là sự kết hợp giữa thân thể sinh học và thân thể cơ giới hóa. Thuật ngữ này thể hiện sự bác bỏ của Haraway đối với các ranh giới tách biệt con người khỏi động vật và tách biệt con người khỏi máy móc.

[2] ND. Tức loạt phim “The Six Million Dollar Man” công chiếu từ 1973 đến 1978, thể hiện nhãn quan siêu việt nhân luận (transhumanism). Nhắc đến điều này, tác giả bài viết có ý cho rằng nhãn quan của siêu việt nhân luận không triệt để vượt qua nhân bản luận.

[3] Wolfe, C. (2010). What is posthumanism? Minneapolis, MN: University of Minnesota Press.

[4] Xem Chương 4 trong công trình nghiên cứu của Braidotti, R. (2013). The posthuman. Cambridge, UK: Polity.

Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...