LADY
GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN
Võ
Quốc Việt
(lược
dịch và luận giải)
***
Là
nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm
của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại
tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô
cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ
nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó
là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ
thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có
thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ
cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó
là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua
các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê
phán với lập trường giải cấu trúc, hay có thể nói là sự truy vấn có tính cách
phê phán về phía nghĩa lý thực sự của con người. Việc này có thể xem như đã xông
thẳng vào thành trì cốt tủy của khái niệm người vốn đã được chủ nghĩa nhân văn
thiết lập và bảo vệ.
Âm
nhạc của Lady Gaga khám phá vào tận cốt tủy của hiện thân người như là sự cấu hợp
với và cấu hợp cùng những “cái khác” – tức toàn bộ cái không phải người thành
ra một hiện thân mang tính phức hợp chứ con người không phải một cá thể tự trị
độc lập riêng biệt. Theo lập luận của Sarah Lucie, “nhãn quan hậu nhân hướng đến dịch chuyển xuyên vượt qua giới hạn nghĩ
tưởng chia biệt con người với tự nhiên, con người với sự vật và con người với
công nghệ”. Sự sụp đổ của các ranh giới chia biệt này được thể hiện khá đầy
đủ trong tác phẩm nghệ thuật của Gaga. Đó là album Artpop (2013), tác phẩm được
xem như album của kỷ nguyên này. Gaga xuất hiện trong hình thể bán nhân (tức thực
thể tích hợp cơ thể sinh học và cơ thể cơ giới) trong video bài hát Applause thông qua việc tham chiếu lăng
kính rô bốt trong bộ phim phản địa đàng Metropolis
(1927) của Fritz Lang. Cũng trong video đó, đầu cô ấy được ghép vào cơ thể
thể con thiên nga đen, còn trong video G.U.Y. (An ARTPOP Film) đầu cô ấy được
ghép vào mô hình lego. Kỳ thực, từ những sản phẩm âm nhạc trước đó, người xem
đã nhận thấy một số biểu hiện của hiện thân hậu nhân. Trong Album Born This Way
(2011), ảnh bìa của album này cho thấy Gaga là một phần của chiếc xe máy, trong
khi hai tay là phuộc xe. Còn trong video You
and I của album này, Lady Gaga hóa thân thành Jo Calderone. Hình tượng này
thể hiện góc nhìn phê phán đối với sự phân biệt giới, đồng thời phá vỡ tình thế
nhị nguyên lưỡng tính nam nữ của hiện thân người vốn đã quen thuộc. Jo
Calderone là hình tượng Gaga cải nam trang, nhân vật này được xây dựng dựa trên
việc Gaga tự định vị xu hướng tính dục và bản dạng giới của cô là một người đồng
tính. Nhân vật này đồng thời diễn hiện ra như là có cả nam tính lẫn nữ tính. Tuy
nhiên, video cho thấy những khao khát và tưởng tượng dị tính lãng man và đầy nhục
cảm, chính những biểu hiện này cho thấy các tiền đề tư tưởng nhị nguyên dị chuẩn
hóa của Lady Gaga khi thực hiện video.
Lady Gaga hóa thân vào chủng loài giống như tiên cá với xu hướng tính dục xuyên chủng loài. Ảnh chụp màn hình từ video âm nhạc You and I. |
Tuy
nhiên cũng ở video này, sự dung hợp của Gaga với động vật, trái lại nêu ra một
xu hướng tính dục xuyên chủng loài khi cô ấy hóa thân thành hình tượng tiên cá
với cả vây và mang, tiếp đó là cảnh quan hệ tình dục với người đàn ông. Điều
này thậm chí còn đẩy vấn đề xuyên vượt thiết chế nhân tính đi xa hơn, vượt qua
khỏi tình thế nhị nguyên giữa nam và nữ để đi tới việc xuyên vượt giới hạn nhị
nguyên giữa người và thú, và nó hướng tới sự nghĩ xét có tính cách phê phán về
vướng mắc nhập nhằng trong quan niệm xuyên chủng loài. Cũng trong video You and I, Gaga lại xuất hiện với cánh
tay cơ giới hóa cùng những dây nhợ thiết bị và ống truyền mọc ra từ hai vai. Nó
khiến ta liên tưởng tới việc tạo ra hình tượng nữ trong video này được thực hiện
theo cách thức tạo ra “quái vật” Frankenstein (trong tiểu thuyết của Mary
Shelley). Tựu trung, những đặc điểm này của hình tượng sinh vật trong video của
Gaga rõ ràng là những đặc điểm hiện thân được tạo ra từ việc thoát ly các bản dạng
người của chủ nghĩa nhân văn. Để từ đó, Gaga tìm cách sáng tạo những hiện thân
mới với sự lai ghép, tích hợp. Việc này đã gián tiếp phá vỡ đặc thù bản thể học
của nhân chủng.
Sự
gián đoạn hay đứt gãy bản thể học nhân chủng như thế cơ hồ đã phá vỡ thành trì
tôn nghiêm của quan niệm con người trong chủ nghĩa nhân văn. Thế nên, chủ thể
tính của Gaga, vốn xuất hiện từ các hành động nội tại với các hiện tượng khác
trong các thời điểm khác nhau, đã thể hiện tư tưởng hậu nhân một cách rõ ràng
và bao quát. Như Costa và cộng sự có lập luận rằng “một trong số những tái thiết lý thuyết quan trọng nhất của bước ngoặt hậu
nhân hay phi nhân chính là sự lật đổ của nó đối với tất cả những phạm trù nhị
nguyên, đặc biệt là cặp nhị nguyên tự nhiên/văn hóa và đặc quyền của con người
dựa trên quan niệm nhị nguyên đó để gây tổn hại cho các thực thể và tác nhân
khác”. Cách thức mà Lady Gaga nêu ra các ảnh hưởng khác nhau của tự nhiên,
văn hóa và công nghệ đã lý giải cho “việc
xóa nhòa những ranh giới, sự phân hủy của “khả lực duy trì bản thể học” – cái
khả lực đã tạo ra đường ngăn cách khiến con người tách biệt khỏi tự nhiên và
máy móc suốt ba trăm năm qua trong văn hóa phương Tây”. Như Graham lý giải,
nhãn quan của chủ nghĩa nhân văn mà ở đó “biệt ngã” biểu thị ra như “tác nhân tự
trị” thông qua “thực hành luận lý” vốn chỉ “là một ảo tưởng”. Dựa trên hậu nhân
luận phê phán như sự phóng chiếu của nhân bản luận từ nội tại, ta có thể nhận
thấy cách thức mà tác phẩm của Gaga đã trở nên biểu hiện của hậu duy nhân trung
tâm luận (postanthropocentric) trong phạm vi của nó, nó còn minh chứng cho việc
thừa nhận sự vướng mắc/chồng lấn của chủ thể tính giữa người, động vật, máy
móc, khách thể và toàn bộ những “cái khác”. Điều này được minh chứng trong
album phòng thu thứ bảy đã phát hành ngày 09/5/2020 của Gaga, album Chromatica.
Sản phẩm âm nhạc này bộc lộ tư duy liên căn phi tuyến tính (rhizomatic thinking,
vốn xuất phát từ nhãn quan của các nhà hậu cấu trúc luận như Deleuze, Guattari)
và tư tưởng hậu duy nhân trung tâm với khẩu hiệu “Ở Chromatica không cái nào vĩ
đại hơn cái nào”. Ngụ ý rằng con người cũng như các chủng loài khác, gồm tất cả
các chủng loài không phải người, không có cái nào ở vị trí trung tâm, không cái
nào quan trọng hơn cái nào, không cái nào vĩ đại và vượt trội hơn cái nào. Điều
này phá vỡ tư duy trung tâm luận vốn đặt con người vị trí trung tâm và xuất
chúng hơn các chủ loài khác. Nó cũng phá vỡ sự ngạo mạn của con người trong
tương quan với chủng loài khác. Hay nói như Braidotti, nhà hậu nhân và nhà nữ
quyền người Ý, rằng: hậu nhân luận đã phá tan ảo tưởng về tính ưu việt và đặc
quyền của con người. Đồng thời, hậu nhân luận – qua sự thể hiện của các thực thể
hậu nhân – đã bác bỏ hầu như toàn bộ khái niệm căn tính người còn sót lại của
chủ nghĩa nhân văn.
Sự
xuất hiện của các thể nghiệm hiện hữu và chủ thể tính khác nhau xuyên suốt các
tuyển tập âm nhạc của Lady Gaga đã gợi mở cho cuộc khám phá hậu nhân. Graham khởi
đi từ hình tượng quái vật để khám phá giới hạn giữa con người và tiệm nhận (almost-humans).
“Quái vật không những chỉ rõ các đường đứt
gãy mà còn có tác dụng lật đổ và báo hiệu sự yếu ớt của các giới hạn đó”.
Đáng nói, Gaga với danh hiệu Mẹ Quái Vật như khẳng định thêm thực thể hậu nhân
và không gian hiện thân hậu nhân với tất cả tính chất quái dị, bất định của giới
hạn người và căn tính người. Nhưng ngay cả từ “quái dị” cũng là từ ngữ võ đoán
và từ này chỉ có nghĩa là nó đã tố cáo tính chất thiên kiến và độc đoán của nó
trong nhãn quan nhìn về giới phi nhân.
Có thể nói, tính chất hậu nhân ngày càng thể hiện rõ nét hơn trong sản phẩm âm nhạc của Gaga. Từ việc kết hợp người với yếu tố cơ giới, kết hợp người với động vật, kết hợp người với tồn tại kỹ thuật số, đến mức trong các video chỉ còn khuôn mặt của Gaga là biểu hiện cho cơ thể sinh học. Nhưng vì sao ta có thể xác quyết Gaga thông qua âm nhạc đã bộc lộ tư tưởng hậu nhân với các thực thể hậu nhân. Liệu đó có phải chỉ là cách thức tạo lập “vân tay âm nhạc” của cô ca sĩ này? Xuất hiện ở MTV Video Music Awards (VMA) năm 2020, Gaga đã thể hiện việc cơ giới hóa thực thể sinh học bằng việc sử dụng mặt nạ hồi ứng âm thanh do Smooth Technology thiết kế và sản xuất.
Lady
Gaga biểu diễn với mặt nạ hồi ứng âm thanh do Smooth Technology phối hợp với
Diego Montoya sản xuất. Ảnh chụp màn hình buổi biểu diễn của Gaga tại VMA
2020. |
Màn
biểu diễn của Gaga tại sự kiện này phá vỡ thế nhị nguyên con người-công nghệ và
cho thấy công nghệ đã góp phần vào sự nối dài hiện thân của con người. Gaga như
truyền đi thông điệp (hẳn nhiên có tính chất thẩm mỹ) về việc dung hợp tồn tại
sinh học và tồn tại cơ giới. Hơn thế, thông điệp cho thấy sự giao cắt giữa diễn
ngôn nghệ thuật và trực quan vật chất để làm nổi bật sự tồn tại của thực thể hậu
nhân trong cuộc sống. Thực thể hậu nhân không chỉ một khái niệm, không chỉ một tồn
tại kỹ thuật số mà còn là tồn tại vật chất ngay trong thực tiễn mà con người
đang sống. Việc này cũng khiến cho David Inglis bàn luận đến chiếc khẩu trang
thời đại dịch Covid-19, cho thấy sức tác động của bối cảnh sống mới/bối cảnh
bình thường mới mà ở đó những người chưa từng quen với việc đeo khẩu trang cũng
trở nên thường xuyên sử dụng nó. Sức tác động của bối cảnh bình thường mới do
đó cho thấy công nghệ sẽ chi phối việc hình thành lối sống mới. Mặt nạ của Gaga
không chỉ chứa ý nghĩa văn hóa, lịch sử mà còn thể hiện hàm lượng công nghệ
cao. Như sản phẩm âm nhạc, như màn trình diễn, công nghệ bấy giờ khiến dẫn ta
nghĩ đến nhiều vấn đề liên quan mỹ học công nghệ đương thời.
Điều
quan trọng cần làm nổi bật ở đây chính là sự khác biệt giữa cái nhìn Gaga như
cyborg – tức sinh thể điều khiển học – với tác phẩm của Gaga như việc làm của
nhà hậu nhân luận phê phán biểu hiện ở sự nhập nhằng của hậu duy nhân trung tâm
luận và việc phá vỡ trạng thái biệt ngã như là “cá vị”. Sự kết hợp công nghệ
không chỉ liên quan đến biểu hiện cyborg, vốn khơi gợi sự thống trị của con người
với máy móc, mà còn là sự phá vỡ thuộc về phía hậu nhân luận giữa con người và
máy móc nơi mà chúng bị vướng víu và chủ thể tính nảy sinh. Nhưng điều này khiến
ta nghĩ hầu hết sản phẩm âm nhạc biểu diễn trực tiếp đều có sự tham gia hỗ trợ
của thiết bị công nghệ để tăng cường, điều chỉnh, khuếch đại âm thanh và rất
nhiều thiết bị công nghệ khác nữa. Ta không chỉ nghe giọng của Gaga, cái ta
nghe là thứ âm thanh dung hợp giữa âm thanh của người và âm thanh của những cái
không phải người, và không thể tách rời cái này khỏi cái kia. Nhưng chính sự
đón nhận hiện trạng vướng víu này giữa con người và máy móc khiến cho sản phẩm
của cô trở nên hiện tượng thực thể hậu nhân. Chủ thể tính nảy sinh từ tình trạng
đó trở nên tín hiệu thẩm mỹ chủ đạo truyền đi thông điệp nghệ thuật của Gaga.
Khi
Gaga chấp nhận sự vướng víu này, chấp nhận sự nảy sinh và hành động nội tại của
vật thể, nghệ thuật, cái khác, động vật và máy móc thì cương vực bất khả xâm phạm
của biệt ngã trong chủ nghĩa nhân văn đã bị sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng, ta vẫn
có thể tìm thấy dấu vết của chủ nghĩa nhân văn, có thể xem đó như các mảnh vỡ của
căn tính người. Trong khi cơ thể của cô có thể được gia cố, tăng cường, điều chỉnh;
thì phần đầu của Gaga - vốn biểu trưng cho lý trí và tình cảm - trong các video
vẫn còn nguyên. Có những cách sử dụng bộ phận giả trên khuôn mặt Gaga trong Applause cũng như một số cải tiến công
nghệ được sử dụng trong You and I;
nhưng cải tiến công nghệ này chỉ mang tính xâm lấn hạn chế và khuôn mặt của
Gaga vẫn còn là khuôn mặt người và có thể nhận diện được. Điều này dường như
hàm ý rằng hậu nhân luận phê phán không có nghĩa phủ nhận, triệt tiêu hoàn toàn
căn tính người.
Tựu
trung, mặt nạ được Gaga sử dụng trong VMA 2020 thể hiện sự can thiệp vào nhãn
quan thẩm mỹ và có thể xem như lần đầu tiên một nghệ sĩ thể hiện rõ sự dung hợp
giữa giọng hát và công nghệ. Điều này cũng cho thấy ngay cả những gì vốn được
xem như đã rành rành trước mắt, thì Gaga với tài năng âm nhạc của mình đã khiến
nó trở nên không còn thiêng liêng nữa, không còn bất khả xâm phạm nữa, không
còn sáng rõ nữa mà trở nên bất định. Do đó, Gaga không chỉ phá vỡ những ranh giới
chia biệt giữa con người-máy móc-động vật, ngã-tha, nam-nữ trong hình thức thẩm
mỹ, mà còn trong cách thức trình diễn cũng cho thấy “sự dính mắc vật chất trực
tiếp với thế giới” – nghĩa là chủ thể tính và căn tính người không thể tách biệt
với toàn bộ giới phi nhân, cũng không thể lập thành nếu không tích hợp với toàn
bộ giới phi nhân. Cô ấy can thiệp vào “biệt ngã” để phá vỡ tính đặc thù mà quan
niệm “biệt ngã” đã gợi ra.
Trong
âm nhạc của Lady Gaga, ta có thể nhận ra đồng thời cả khuynh hướng hậu nhân luận
phê phán lẫn hậu nhân luận công nghệ. Cụ thể là việc Gaga sử dụng thiết bị công
nghệ để biến mình thành thực thể hậu nhân tích hợp đặc điểm của thực thể lai
ghép, đặc điểm của thực thể điều khiển học, đặc điểm của thực thể xuyên vượt chủng
loài. Nhưng một cách tổng thể, sản phẩm âm nhạc của Gaga là ý hướng có tính
cách phê phán các thiết chế nhân tính thâm căn cố đế, các quan niệm bất khả xâm
phạm của chủ nghĩa nhân văn. Nhưng tinh thần phê phán của Gaga không có nghĩa
hư vô hóa nhân tính. Trái lại “phần đầu nguyên vẹn” của Gaga trong các video
cho thấy, rốt cuộc hậu nhân luận không phải mối đe dọa tiêu biến nhân bản luận
mà hơn thế là sự tái thiết và tân tạo nhân tính.
Theo Poppy Wilde.
Trích xuất ngày 09/11/2020.
Nguồn bài viết
và ảnh: https://criticalposthumanism.net/lady-gaga/
Comments
Post a Comment