TÌM
HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN
(Võ
Quốc Việt)
*
Trong bối cảnh văn
hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa,
công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi
“hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “vừa nhận
diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện
và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả
những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và
thẩm mỹ của nó đằng sau đó”[1].
Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một
số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân
(posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image).
Trong đó, chủ thể hậu
nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật
chất (informational-material entity[2])
của Katherine Hayles trong How We Became Posthuman. Đặc điểm của
thực thể thông tin vật chất này chính là ý thức ở trạng thái tri nhận phân tán
(distributed cognition[3])
– “toàn hiện thức”. Chính nó dẫn đến khái niệm “hậu nhân bất khả định”
(dislocated posthuman). Phê bình hậu nhân đặc biệt chú ý thực thể này trong các
tác phẩm khoa học viễn tưởng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Khác biệt căn bản của
phê bình hậu nhân với phê bình nhân văn nằm ở cách tiếp cận hình tượng “con
người”. Trước hết, phê bình hậu nhân phân tích diễn ngôn văn học để phá vỡ ưu
thế, đặc quyền, vị trí trung tâm và định vị nhân tính của hiện thân người. Phê
bình hậu nhân phân tích các diễn ngôn áp bức, diễn ngôn huyền thoại hóa nhân
tính duy chủ trung tâm. Sự phân tích đánh giá việc loại trừ, suy giảm và thủ
tiêu nhân tính của quan niệm Tây phương trung tâm (Western-centrism), Hán trung
tâm (Sinocentrism), thủ đoạn làm tiêu biến bản sắc văn hóa, kỳ thị chủng tộc,
kỳ thị giới tính-xu hướng tính dục, kỳ thị giai cấp, phân biệt vùng miền, đàn
áp tôn giáo-tín ngưỡng, … trong văn bản văn học đều thuộc vào phạm vi phê bình
hậu nhân. Lẽ đó, nó có thể được xem như giải luận diễn ngôn duy chủ
trung tâm hóa ở các cấp độ, phạm vi khác nhau.
Nếu giải cấu trúc chú
tâm vào phân tích diễn ngôn nhân tính trên phương diện ngôn ngữ thì phê bình
hậu nhân chú tâm vào phân tích diễn ngôn nhân tính trên phương diện hiện thân.
Nó vừa gắn bó vừa kháng cự mô hình khoa học thực nghiệm (vốn tìm cách minh định
quan hệ nhân quả, độ tin cậy, tính giá trị) và nhắm đến phương diện vật chất
của tư duy và tồn tại. Phê bình hậu nhân sử dụng các phương pháp định tính và
định lượng. Nghiên cứu định lượng hậu nhân tức “điều tra thực nghiệm có hệ
thống” các biểu hiện vật chất nối dài/cải tiến của chủ thể hậu nhân như thực
thể vượt qua giới hạn nhân hình vốn có. Nghiên cứu định tính hậu nhân tập trung
vào đặc điểm thuộc về chủng tộc, sắc tộc, giới tính, xu hướng tính dục, giai
cấp, văn hóa, tôn giáo-tâm linh, ngôn ngữ và các phương diện khác để định vị
bản dạng hiện thân người.
“Trong phê
bình văn học hậu nhân, tính sáng tạo và tính phê phán là sự thực hành đồng thời
và năng động nhằm kích hoạt và cởi bỏ giới hạn của các bản dạng cứng nhắc và
hình thành các chủ thể thực tồn và thay thế. Nó khước từ tính chất tuyến tính
và đặt ra truy vấn về sự hiện hữu của Chân Lý cũng như tính trung tâm của Con
Người trong văn bản”[4]. Và “phê bình văn học hậu nhân tham gia vào loạt truy
vấn phê phán trong nền Nhân Bản Mới như phản ứng đối với các thách thức liên
kết toàn cầu của khủng hoảng sinh thái, bất bình đẳng giới và sắc tộc, cũng như
những khám phá và thử nghiệm gây tranh cãi trong khoa học đời sống, y sinh,
khoa học năng lượng và công nghệ kỹ thuật số”[5].
Nhưng phê bình hậu
nhân không chỉ xoáy vào việc đạp đổ thiết chế nhân luận như phản nhân bản luận[6] mà
nó nhận thấy vốn dĩ nhân luận của chủ nghĩa nhân bản đã tự thân biến đổi. Nên
phê bình hậu nhân nhắm tới việc thúc đẩy, điều hướng diễn biến nhân tính này
trong thời đại hậu công nghiệp – thời đại mà dù muốn dù không thì nhân hình
nhân tính cũng phải vận động biến đổi để thích nghi. Phê bình hậu nhân không
dừng lại và thực tế đã vượt qua tính phê phán để trở thành “tương lai học”
trong văn học.
Đến nay, phê bình hậu
nhân chí ít có hai khuynh hướng tiếp cận: từ hậu nhân luận đến diễn ngôn nghệ
thuật; và từ diễn ngôn nghệ thuật đến hậu nhân luận.
Trước hết, hậu nhân
luận được ứng dụng để khảo sát, phân tích và luận giải những tác phẩm văn học
có biểu hiện “hậu nhân tính”. Theo lối này, The
Birthmark (1843) của Nathaniel Hawthorne khiến Leon Kass đặt ra những
truy vấn về đạo đức công nghệ sinh học hiện đại. Và khi đối diện những bất toàn
của con người, ta nên cải tiến hay chỉnh sửa nó. Qua đó, bạn có thể thấy văn
học đóng vai trò nhất định trong hành động triết lý về phía hậu nhân. Thậm chí
văn học đóng vai trò cơ chế rà soát tư tưởng hậu nhân luận công nghệ. Như thực
hành triết lý, Andrew John Hicks luận giải diễn ngôn hậu nhân trong các tiểu
thuyết của Kurt Vonnegut qua chuyên khảo Posthumanism in the Novels of
Kurt Vonnegut (2021). Xuất phát từ giả thiết nhân bản luận để phát
hiện các vấn đề hậu nhân, Hicks soi chiếu vào tác phẩm Kurt Vonnegut. Hicks tập
trung mổ xẻ biểu hiện xuyên ngôn ngữ của các vấn đề nhân hình-nhân tính. Trong
tác phẩm của Vonnegut, Hicks phân tích vấn đề đạo đức hậu nhân để đặt truy vấn
về nhân tính[7].
Trong trường hợp này, hậu nhân luận đóng vai trò nền tảng cho nghiên cứu văn
học là hậu nhân luận phê phán.
Trong tập sách The
Cambridge Companion to Literature and the Posthuman (2017), các nhà
nghiên cứu (Bruce Clarke, Manuela Rossini, Ridvan Askin, R. L. Rutsky, Claire
Colebrook) phân tích diễn ngôn nghệ thuật để tìm kiếm luận đề hậu nhân. Các
luận đề này đồng thời là những khái niệm cốt lõi của hậu nhân luận (phản nhân,
phi nhân, bán nhân, tri thức phân tán, …). Theo đó, các nhà nghiên cứu phân
tích và đánh giá sự biểu hiện của văn bản văn học cũng như các loại hình nghệ
thuật và sản phẩm văn hóa đại chúng khác nhau đối với diễn tiến thời đại hậu
nhân[8].
Ngoài ra, phê bình hậu nhân còn xuất phát từ việc khảo sát thể loại (văn xuôi
khoa học viễn tưởng, truyện tranh, hồi ký) và phương thức tồn tại (điện ảnh,
sân khấu, văn học điện tử) của diễn ngôn nghệ thuật để trình bày các khía cạnh
thực tiễn hậu nhân mà con người đã và đang tiếp tục đối diện[9].
Một số công trình lại
khai thác nhóm đề tài để rút kết yếu điểm hậu nhân luận. Ví dụ như Posthuman
Pathogenesis: Contagion in Literature, Arts, and Media (2023) do Başak
Ağın và Şafak Horzum biên soạn. Ở đây, các học giả tập trung khai thác đề tài
dịch bệnh. Sự bùng phát dịch bệnh dẫn tới thảm họa tận thế và hậu tận thế. Họ
đặt ra và giải quyết một số vấn đề thực hành hậu nhân (đặc biệt thời kỳ hậu
Covid-19) để phát hiện: những mầm bệnh hậu nhân (Posthuman Pathogeneses). Một
trong số mầm bệnh đó: nỗi bất mãn. Họ khảo sát, phân tích và đánh giá các tác
động của mầm bệnh hậu nhân trong diễn ngôn văn học nghệ thuật và truyền thông.
Đại dịch bất mãn gây ra cho con người (đặc biệt người trẻ) những phản ứng cực
đoan. Người trẻ không nhìn thấy bản thân họ trong tương lai. Nên họ từ chối nỗ
lực, từ chối phấn đấu, từ chối sống. Nhưng trong khi khao khát người bị kỷ
nguyên hậu nhân bóp chết, người trẻ vẫn không thể không khao khát – không thể
sống mà không khao khát. Chỉ là, họ khao khát cuộc đời khác, sinh mệnh khác,
hành tinh khác, dạng sống khác. Đúng hơn: khao khát về nhân loại khác bởi vì
đời sống văn minh đương đại đang vùi lấp và tiêu biến con người.
Chính vậy Stefan Herbrechter cho rằng: “Chủ nghĩa nhân văn là thành tựu vĩ đại nhất (mà cũng là nguy hiểm nhất) của loài người”[10]. Điều này được ông phân tích qua trường hợp nhân sinh quan bi thảm Camus. Ông đặc biệt chú ý “khát vọng người” trong kỷ nguyên hậu nhân. Dường như kỷ nguyên này đã bóp chết khát vọng người của con người. Herbrechter quay lại với Dịch Hạch của Albert Camus để lập định một số vấn đề tự do cá nhân, quyền con người, công bằng xã hội, đối thoại đa nguyên hóa, … từ đó phân tích biểu hiện người trong thời đại dịch và nêu lên một số đặc trưng thời hậu nhân. Stefan Herbrechter đã chứng minh: con người nhất thời không thể từ bỏ quan niệm con người trung tâm nhưng cũng phải cay đắng thừa nhận khái niệm “người” phổ biến đã không còn phù hợp cho cuộc sống đang và sẽ diễn ra[11]. Trong khi đó, André Vasques Vital phân tích “đại dịch niềm vui trong Gumball”. Ông chú ý kịch bản loạt phim truyền hình hoạt họa và truyện khoa học viễn tưởng. Thông qua đó, ông phân tích cách nhận thức, nỗi âu lo và niềm khát vọng về một thời đại mới. Vấn đề này cũng nằm trong phạm vi quan tâm của giới sử học đương đại[12]. Từ việc phân tích kịch bản loạt phim The Amazing World of Gumball (2011-2019) cụ thể phần “The Joy” (phát sóng 19/6/2014) xoay quanh đại dịch niềm vui, truyền nhiễm thông qua cái ôm, André Vasques Vital cho thấy đặc trưng phổ phát của dòng diễn ngôn này trong việc phản ánh biến đổi quyền lực xã hội, tái cấu trúc quan niệm về thời gian và lịch sử, tái nhận thức quan niệm tiến hóa tuyến tính. Đặc biệt nó đặt ra truy vấn bản chất thời gian; đề cập đến quyền lực sinh học chính trị trong việc lựa chọn ai được sống và ai phải chết thông qua cái ôm truyền bệnh[13]. Ở chiều hướng khác, nhà phê bình hậu nhân bắt đầu từ việc khảo sát thực tiễn biến đổi hoàn cảnh hậu nhân để phân tích sự phản ánh những vấn đề này trong văn chương. Thông qua các tác phẩm phản ánh đại dịch, Ruth Clemens và Max Casey khảo sát quan hệ tồn tại người-vi rút và chứng minh rằng đại dịch liên quan đến vi rút đã phá vỡ quan niệm thời tính của nhân bản luận[14].
Công trình Posthuman
Capital and Biotechnology in Contemporary Novels (2019) của Justin
Omar Johnston dựa trên nền tảng thực nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học
và nguồn vốn nhân lực để phân tích vấn đề nhân bản vô tính trong Never
Let Me Go (2005) của Kazuo Ishiguro. Ông cho thấy sự trỗi dậy của
khuynh hướng đời sống hậu nhân trước quyền lực thống trị của quá trình nhân bản
hóa vô tận[15].
Trong tiểu thuyết Oryx and Crake (2003) của Margaret Atwood,
ông lại quan tâm đến vấn đề lai tạo thú-người, qua đó đi sâu vào bản chất nhân
tính. Trong bối cảnh không-thời gian hậu diệt chủng, nó tạo ra xã hội hư cấu,
hàm ẩn quan niệm phản địa đàng (dystopia) xoay quanh việc phản ánh thảm họa môi
trường, sự phi nhân, bá quyền thống trị, thoái hóa quan hệ xã hội. Khi phân
tích diễn ngôn hậu nhân trong tiểu thuyết The Stone Gods (2007)
của Jeanette Winterson, Justin Omar Johnston đưa ra nhận định:
“Do những hạn chế
về mặt lịch sử và tưởng tượng nảy sinh từ hệ thống của tính gia trưởng [quan
niệm con người trung tâm], chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa nhân văn; thì
Winterson và các nhà văn đương đại khác đã tranh đấu để “trình bày tính tương
lai” dựa trên những hình thức mới của đời sống: người nhân bản, Robo Sapiens,
dị nhân độc hại. Những hiện thể mới này không đơn thuần chỉ là phụ phẩm phản
địa đàng của tân nhân bản luận ngày nay; mà chúng còn là sự phản ánh đời sống
“xuyên vượt tình thế hiện tại của nó” trong nền chính thể sinh học nhân văn.
Chúng là những chủng loài lai tạo bất xác định mà chúng ta đang trở thành, và
chúng nhắc nhở ta một cách gay gắt về tính lai tạo bất định mà ta vốn có”[16].
Như bước chuyển từ
thi pháp ngôn từ sang thi pháp văn hóa, phê bình hậu nhân còn mổ xẻ văn hóa du
mục dưới tác động xã hội kỷ nhân sinh. Nó tìm hiểu phận đời du mục trong hoang
địa đô thị hậu công nghiệp (chẳng hạn phận người du mục đô thị trong bộ
phim Nomadland ra mắt năm 2020 do Chloé Zhao kiêm đạo
diễn, biên kịch). Từ phận người du mục đô thị, Joseph David Clark đặt lại mối
tương quan “nhân”-“phi nhân”. Đời du mục (nomadism) trong diễn ngôn nghệ thuật
xuyên phương tiện trở thành sự khuếch trương hậu nhân luận. Clark khiến ta nhận
ra: đây là hệ quả (hầu như tất yếu) của bất kỳ xã hội nào vận động theo hướng
công nghiệp hóa để trở nên xã hội tiêu thụ[17].
Hậu công nghiệp đang “mờ hóa” hiện hữu người hoặc chí ít khiến hiện hữu người
thành ra dạng hiện hữu khác (thường cực đoan, kỳ quái, dị dạng). Clark phân
tích hiện tượng người du mục phá vỡ/vượt thoát các hệ thống chuẩn hóa, hệ thống
bình thường hóa. Ví dụ: sự chuẩn hóa dựa trên nền chính trị sinh học
(bio-politics) – sự chuẩn hóa mà ở đó con người bị định đoạt cách sống, cách
chết, cách tương tác xã hội. Những hiện thân người như thế là các hạt tự do.
Clark xem họ như các entropy (tức hiện thể tồn tại ở trạng
thái bất định, mất trật tự, hỗn loạn, cơ ngẫu, không chắc chắn). “Ở đây, tôi
sử dụng thuật ngữ khoa học entropy để tạo ra hình tượng người du mục như phân
tử bị phá vỡ và phân tán, cũng giống như tâm lý người du mục theo cách nghĩ của
Deleuze mà tôi sẽ trình bày trong phân tích văn bản của mình”[18] (ở
đây Clark muốn nói tới quan niệm du mục của Gilles Deleuze[19]).
Chủ thể hậu nhân bấy giờ được xem như entropy trong hệ thống xã hội hậu công
nghiệp – nơi mà kể từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 thậm chí xa hơn – con người dần nhận ra: tiến trình các cuộc
cách mạng công nghiệp làm tăng tốc quá trình đột biến nhân hình nhân tính, đồng
thời gia tăng xung đột và tích lũy thảm họa ở mức độ, quy mô, phạm vi ngày càng
khốc liệt.
Phê bình hậu nhân
khiến những tiên báo của văn học nghệ thuật xuyên phương tiện trở nên vấn đề
thực tiễn và trực diện.
Như trào
lưu tư tưởng phương Tây đương đại, hậu nhân luận vẫn đang tiếp tục vận động
phát triển. Nó có những tiền đề sinh khởi nhất định. Phần đông học giả cho rằng
hậu nhân luận khởi đi từ việc phê phán quan niệm con người trung tâm của nhân
bản luận và khởi đi từ việc giải cấu trúc tập trung vào hiện thân người. Nó
biểu thị quá trình “giải nhân tính hóa-dịch nhân tính hóa-tái nhân tính hóa”
diễn ra phổ biến trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại với chiều kích, phạm
vi, mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, hậu nhân luận biểu hiện như hướng nghiên cứu
liên ngành được thúc đẩy bởi gia tốc công nghệ nhiều lĩnh vực. Gia tốc công
nghệ thời hậu công nghiệp lý giải tính tất định của xã hội hậu nhân với những đặc
điểm văn hóa hậu nhân như bước tiến mới của nền văn hóa đại chúng đầu thế kỷ
XXI. Hậu nhân luận phản ánh vận động thực tiễn và lý luận của thời đại hậu công
nghiệp (với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, … làm biến đổi
toàn diện xã hội loài người).
Như quá
trình hậu nhân hóa diễn ngôn nghệ thuật, văn học hậu nhân chí ít có hai chi
lưu: văn học hậu nhân mang ý hướng giải nhân luận và văn
học hậu nhân mang ý hướng tân nhân luận. Văn học hậu nhân mang ý hướng giải
nhân luận như diễn ngôn phê phán, thách thức hai quan niệm của nhân bản luận:
chủ nghĩa con người trung tâm và chủ nghĩa ngoại trừ (exceptionalism). Khuynh
hướng này có thể hiểu như việc mở rộng và phi trung tâm hóa những gì vốn ở
trung tâm của nhân bản luận. Nó là văn học của Cái Khác qua việc tái định vị
triệt để bản tính người. Văn học hậu nhân mang ý hướng tân nhân luận phản ánh
thông điệp gắn liền với hình tượng hậu nhân liên quan đến biến đổi khí hậu,
tuyệt chủng, trí tuệ nhân tạo, người máy, hậu nhân sinh kỷ
(postanthropocentrism), truy vấn thú tính, tương lai nhân/phi nhân, bán nhân
hóa (cyborgisation), công nghệ thông tin, … cũng như các phát tiến khoa học
đương đại. Vượt qua quan niệm cho rằng văn học phản ánh hiện thân hậu nhân quá
ngây thơ hoặc thiếu nền tảng khoa học, vượt qua sự ái ngại đối với các tiên báo
của văn học hậu nhân, chí ít ta phải công nhận rằng: văn học hậu nhân đã “giúp
cho ta nghĩ tưởng các vấn đề, kiểm tra các hệ thống và giả thiết, cũng như mở
rộng trí tưởng tượng của chúng ta”[20].
Trong nghiên cứu văn
học và các loại hình nghệ thuật xuyên phương tiện, phê bình hậu nhân phổ biến
hai chiều hướng tiếp cận: (a) ứng dụng hậu nhân luận như nền tảng lý luận cho
việc phân tích diễn ngôn nghệ thuật; (b) xem diễn ngôn nghệ thuật như sự nối dài,
khuếch trương, hưởng ứng, thúc đẩy hậu nhân luận. Tuy nhiên phải hiểu rằng trên
thực tiễn, hai chiều hướng này không có sự phân định rạch ròi mà đôi khi tương
hỗ bổ trợ lẫn nhau. Trên nền hậu nhân luận, phê bình hậu nhân tái khái niệm
nhân vị không như chủ thể mà như tính tương quan (relationality). Tính chất này
nảy sinh từ tương tác giữa nhân với toàn bộ giới phi nhân nhưng không đặt
“nhân” ở trung tâm phóng chiếu. Nó khước từ các định chế khái niệm người vốn
quen thuộc và phổ quát hóa. Đó là quá trình giải đồng nhất hóa
(dis-identification) để thế giới không còn hiện lên qua ánh mắt người mà con
người hiện lên qua tương tác với tất cả những gì không phải người. Thông qua
nhịp cầu phê bình hậu nhân, văn học hậu nhân đóng vai trò như cơ chế kiểm
nghiệm; chứng minh sự tồn tại; bổ trợ mở rộng nội hàm và ngoại diên của hậu
nhân luận. Phân tích diễn ngôn nghệ thuật trong bối cảnh văn hóa đại chúng, phê
bình hậu nhân không giới hạn trong văn bản văn học mà còn hướng đến các loại
hình nghệ thuật xuyên phương tiện. Việc ứng dụng
phê bình hậu nhân trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam theo chiều hướng đó có
thể mở ra nhiều vấn đề mới.
Tựu
trung, từ hậu nhân luận đến văn học hậu nhân và phê bình hậu nhân, bài viết
bước đầu gợi mở và phác họa vài chủ điểm nền tảng. Trong khi hậu nhân luận vẫn
đang tiếp tục vận động phát triển nên bài viết trông đợi thêm nhiều chuyên luận
bổ sung và mở rộng lĩnh vực nghiên cứu này.
Rừng
Dầu, 29/10/2023
Võ
Quốc Việt
(Nguồn: Võ Quốc Việt (2023). Hậu nhân luận và
Nghiên cứu văn học. Tham luận hội thảo "Những vấn đề mới trong nghiên cứu
và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại". Viện Văn học).
Comments
Post a Comment