PHÁC THẢO VĂN HỌC HẬU NHÂN
(Võ Quốc Việt)
Hậu nhân luận (posthumanism) có thể xem như hồi ứng, rà soát, tiếp nối, dịch chuyển, tái tạo nhân bản luận (vốn dựa trên quan niệm con người trung tâm: humancentricism/ Anthropocentrism/ homocentricism). Đây là trào lưu tư tưởng chí ít khởi hoạt từ giữa thế kỷ XX, ngày càng định hình ở nửa cuối thế kỷ XX và phát triển rộng rãi đầu thế kỷ XXI. Bấy giờ, dưới cái nhìn Hậu nhân luận, con người không còn là con người như vốn được biết từ trước đến nay. Bản thân trào lưu này bao gồm nhiều chiều kích giải luận khác nhau. Hậu nhân luận còn được xem như có liên hệ hoặc thù thuộc phạm vi nghiên cứu của Tương lai học (Futures studies/ futurology). Bản thân nó bao gồm quá trình vận động đồng thời: giải nhân tính hóa-dịch nhân tính hóa-tái nhân tính hóa. Theo đó, bài viết bàn luận về hậu nhân luận như trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại; như quá trình hậu nhân hóa (posthumanisation) hay văn học hậu nhân (posthumanist literature); và hậu nhân luận như lý thuyết nghiên cứu văn học hay phê bình hậu nhân. Trong đó, phê bình hậu nhân khả dĩ gợi mở những khám phá mới xoay quanh mối quan hệ văn học và công nghệ. Nghiên cứu văn học trên nền tảng hậu nhân luận hứa hẹn nhiều triển vọng.
*
Hậu nhân luận như
quá trình hậu nhân hóa hay văn học hậu nhân
Trước
khi hậu nhân luận định hình như lĩnh vực học thuật ảnh hưởng đến nhận thức thực
tiễn đời sống, văn học hậu nhân (posthumanist
literature) đã có quá trình phát triển đáng kể. Thậm chí, có thể nói văn
học hậu nhân với nhiều tiên kiến đáng kinh ngạc đã mở đường cho khoa học tương
lai. Trí tưởng tượng con người có khả năng vượt trước thời đại.
Tiền
cách mạng công nghiệp, yếu tố hậu nhân trong văn học ít nhiều biểu hiện qua mối
quan hệ con người-vật dụng. Cổ Hy Lạp, Aristotle đặt vấn đề giải phóng sức lao
động con người nhờ vật dụng “thông minh”. Việc tạo ra vật dụng “thông minh” tự thực
hiện công việc được ông xem như biện pháp tối ưu giải phóng sức lao động nô lệ.
“Vì nếu mọi khí cụ có thể tự thân hoàn thành
công việc của nó, tuân theo hoặc đoán trước ý muốn của người khác, giống như những
bức tượng của Daedalus, hoặc những cái giá ba chân của Hephaestus, mà có nhà
thơ từng nói, “tự biết bước vào nơi luận bàn của chư thần”, và nếu cũng tương tự
như vậy, con thoi tự biết dệt, phím gảy tự biết đàn, thì người thợ cả không cần
thợ phụ, cũng như chủ cả không cần nô lệ”[1].
Những
suy nghĩ của Aristotle cơ hồ gợi tưởng “hình bóng hậu nhân”/thiết bị tự động có
khả năng giải phóng lao động. Đồng thời các thiết bị thông minh, trong suy nghĩ
Aristotle, nối dài khả năng giúp người vượt qua giới hạn thể chất.
Thời
Phục Hưng, Thomas More với Utopia
(1516) phác họa viễn tưởng “địa đàng trần gian”, “hòn đảo không tưởng” (nên tác
phẩm này được xem như một trong những dấu ấn tiên phong của dòng văn học giả tưởng).
Ở đó, More bộc lộ vấn nạn nhân tính. Đó là nguồn cơn khiến cõi trần trở nên hỗn
loạn. Trong vở Doctor Faustus (ra đời
khoảng 1589-1593) của Christopher Marlowe, nhân vật John Faustus biểu tượng cho
khát vọng vượt qua giới hạn người. Faustus bằng lòng giao kết với quỷ để nhận lại
sự cung phục của Mephistopheles. Anh ta muốn lợi dụng ác quỷ để vượt qua hạn chế
thân người, ngược lại tên ác ma càng cho Faustus nhận ra giới hạn thân người một
cách nghiệt ngã. Ở trường hợp khác, hai nhân vật Caliban và Ariel – người tuân
phục mệnh lệnh Prospero trong vở The
Tempest (1610-1611) của William Shakespeare – gợi vấn đề siêu kết nối. Đây
là các “thực thể” có khả năng tồn tại như mạng lưới phân tán (distributed
networks). Prospero sử dụng các “thực thể” này để sinh tồn trên đảo và thực hiện
kế hoạch phục thù. Ông ta sai khiến hai nhân vật này vào nhu cầu thường nhật và
những việc làm siêu nhiên (mà người thường không có khả năng thực hiện). Đặc biệt
Ariel là tinh linh (không giới tính) giúp Prospero kết nối với giới tự
nhiên/siêu nhiên trên hòn đảo. Ariel sử dụng khả năng tích hợp của nó với các tồn
tại khác trên đảo để thực hiện mệnh lệnh của Prospero. Nhưng Ariel và Caliban
cũng bộc lộ tinh thần phản kháng trước sự kiểm soát của Prospero. Hư cấu của
William Shakespeare tương đồng với suy tư về khả năng mất kiểm soát, nguy cơ AI
tạo phản trong nhiều tác phẩm viễn tưởng đương đại. Ngoài ra New Atlantis (1626)
của Francis Bacon, Gulliver's Travels
(1726) của Jonathan Swift, … cũng chứa đựng nhiều gợi tưởng hậu nhân. Một số dấu
hiệu hậu nhân thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp đã thể hiện khát vọng vượt qua
giới hạn sinh học người, đồng thời dự báo về trí thông minh đa liên kết và bộ
phận giả hỗ trợ. Dù thời đại này vẫn đặt con người ở vị trí trung tâm nhưng đã
tự nội sinh các yếu tố hậu nhân. Các yếu tố này phần nhiều phản ánh hai vấn đề:
giới hạn/khiếm khuyết của con người và khát vọng giải phóng con người khỏi những
ràng buộc đó, tức khát vọng trở nên nhân bản mới ưu việt hơn.
Đến
thế kỷ XIX, văn học hậu nhân có bước phát triển mới nhờ tiến bộ khoa học làm
thay đổi nhãn quan thực tiễn của người cầm bút. Mary Shelley – nữ văn sĩ người
Anh – nổi danh với tiểu thuyết Frankenstein:
Or, The Modern Prometheus (1818) và The
Mortal Immortal (1833). Bà ảnh hưởng lớn đến thế hệ nhà
văn viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về sau. Trong Frankenstein, Tạo Vật của Mary Shelley là Cái Khác/Phi Nhân/Phản
Nhân, hoặc chí ít nằm ngoài “tập xác định” của nhân bản luận. Được tạo ra từ
“khoa học đen”, hắn khẳng định: hắn cũng là sinh vật sống và cũng cần có hạnh
phúc. Đây là tuyên ngôn chính thức lần thứ nhất của Hậu Nhân. Tác phẩm của Mary
Shelley vừa phơi bày vừa có khuynh hướng giải nhân trung tâm luận. Đồng thời,
tác phẩm đặt ra quan tâm về chủng loài khác, mở rộng khái niệm chủng loài sống
có trí khôn. Bên cạnh Mary Shelley, trong phạm vi thể loại tiểu thuyết khoa học
viễn tưởng, Herbert George Wells cũng có vị trí và sức ảnh hưởng đáng kể. Trang
phê bình, khảo luận, xã luận của ông cũng nhất quán với địa hạt hư cấu khoa học
viễn tưởng. Ông có những bài bình luận tiên báo về “hậu nhân” rất đáng chú ý.
Do đó có thể xem ông như một trong những nhà tương lai học tiên phong và nhà
văn tầm cỡ trong dòng văn học phản ánh vấn đề hậu nhân từ cả hai phía: trình bày
quan niệm hậu nhân và tiên báo hậu nhân bằng cách kết hợp các thành tựu khoa học
thực tiễn với chi tiết viễn tưởng phi thường một cách tài tình, khiến cho sáng
tác hư cấu khoa học viễn tưởng của ông có tính thuyết phục cao. Ông có những tiểu
thuyết khoa học viễn tưởng nổi bật như: The
Time Machine (1895), The Island of
Doctor Moreau (1896), The Invisible
Man (1897), The War of the Worlds
(1898); A Modern Utopia (1905), When the Sleeper Wakes (1910), ... Trong
đó, quyển The Time Machine đề cập đến
bối cảnh hậu tận thế, quyển The Island of
Doctor Moreau khắc họa nhân vật nhà khoa học “điên” tạo
ra các dạng người-thú (chimeras) bằng phương pháp giải phẫu.
Với
tinh thần khoa học viễn tưởng Gothic, đầu thế kỷ XX, các tác giả có khuynh hướng
phê phán (không phải tính tự phụ về sự ưu việt của con người từ thời Khai Sáng)
mà phê phán rủi ro công nghệ trong việc can thiệp định dạng nhân hình. Ý hướng
này phần nào được trình bày trước đó bởi Nathaniel Hawthorne với The Birthmark (1843) và Rappuchini’s Daughter (1844). Tiểu thuyết
Brave New World (1932) của Aldous
Huxley phác họa thế giới tương lai. Câu chuyện xảy ra vào năm 632 (AF) tức năm
2540 theo Tây lịch. Tác phẩm đề cập một số vấn đề: công nghệ sinh sản (con người
được sinh ra từ tử cung nhân tạo) nhưng kèm theo đó là những nguy cơ tiềm ẩn. Đầu
thế kỷ XX, thêm nhiều nhà văn bắt đầu “nghi ngại” những hứa hẹn và rủi ro công
nghệ: Clare
Winger Harris với The Evolutionary
Monstrosity (1929); Edmond Hamilton với The Man Who Evolved (1931); Dorothy Quick với Strange Orchids (1937); Harry Bates với Alas, All Thinking! (1935); … Cuối XIX-đầu XX, hình thức truyện hư
cấu khoa học viễn tưởng kết hợp tư tưởng nữ quyền tạo ra dấu ấn độc đáo.
Văn
học Hoa Kỳ chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt cây bút nữ như: Elizabeth
Burgoyne Corbett, Alice Ilgenfritz Jones, Ella Robinson Merchant, Charlotte
Perkins Gilman, … Trong đó, Mary E. Bradley Lane (1844-1930) là nữ tác giả tiên
phong của thể loại truyện khoa học viễn tưởng Hoa Kỳ. Đồng thời bà còn là nhà
văn tiêu biểu của phong trào nữ quyền đầu thế kỷ XX. Tiểu thuyết Mizora của
bà được đăng nhiều kỳ trong khoảng thời gian 1880-1881. Tác phẩm này thuộc trào
lưu hư cấu phản địa đàng (dystopian fiction) trong vài thập niên cuối thế kỷ
XIX. Nó thuật lại câu chuyện “nữ nhi quốc” và sinh sản đơn tính. Dựa trên thuyết
trái đất rỗng, thuyết ưu sinh, Mizora
thể hiện niềm tin về thế giới tốt đẹp hơn khi không có đàn ông. Quyển Herland
(1915) của Charlotte Perkins Gilman cũng đề cập xã hội “nữ nhi quốc” biệt lập,
sinh sản đơn tính. Đó là xã hội nữ lý tưởng, ngầm ý không có đàn ông sẽ không
có thống trị, không có chiến tranh. Elizabeth Burgoyne Corbett (hay Mrs. George
Corbett) nổi tiếng với tiểu thuyết New
Amazonia: A Foretaste of the Future (1889). Tác phẩm đề cập
giả thiết thành công cải tiến xã hội, nơi phụ nữ tiến hóa thành chủng người
Amazon phiên bản mới với tuổi thọ hàng trăm năm. Đó là xã hội nữ giới toàn trị ở
tương lai. Leslie F. Stone với Out of the
Void (1929) và Lilith Lorraine với Into
the 28th Century (1930) phác họa xã hội mà việc sinh sản dưới sự chi phối
và điều hành của phụ nữ sẽ tạo ra thế giới tốt đẹp, xán lạn và bất tử.
Từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, hàng loạt tác
giả xuất hiện khiến dòng văn học hậu nhân (trong mối quan hệ mật thiết với công
nghệ) ngày càng vận động vào khu vực trung tâm của văn hóa đại chúng – đặc biệt
khi văn học gắn kết chặt chẽ với điện ảnh. Những tác giả đáng chú ý: William
Gibson (với Neuromancer, 1984), Bruce
Sterling (với Crystal Express, 1989);
Richard Powers (với Galatea 2.2,
1995), China Miéville (với Perdido Street
Station, 2000); Michel Faber (với Under
the Skin, 2000); Margaret Atwood với (với Oryx and Crake, 2003); David Mitchell (với Cloud Atlas, 2004); Kazuo Ishiguro (với Never Let Me Go, 2005); Jeanette Winterson (với The Stone Gods, 2007); … Jeff Wallace
cho rằng văn học hậu nhân thực sự hiện diện trong sinh hoạt nghệ thuật ngôn từ
khoảng gần cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Thời kỳ này có những vấn đề hậu
nhân đáng chú ý: người máy ở thập niên 1980; mạng lưới kết nối ở thập niên 1990;
vấn đề tuyệt chủng, sinh thái và tận thế những năm 2000; trí tuệ nhân tạo ở thập
niên 2010; … Về nội dung, văn học hậu nhân chí ít phản ánh ba phương diện: (+)
nhận thức nhân hình và nhân tính bất toàn với nhiều khiếm khuyết; (+) chủ đích
chỉnh sửa tồn tại để cải tiến năng lực và giải phóng trí tuệ người; (+) niềm
tin vào phương tiện khoa học công nghệ đối với sự phát triển nhân hình nhân
tính đồng thời với nỗi nghi ngại về nguy cơ và thách thức công nghệ trong tương
lai. Ba phương diện chủ yếu của văn học hậu nhân kéo theo hàng loạt giả thiết
và truy vấn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức, giáo dục, …
Theo Stefan Herbrechter, Những Hiện Thể Phi
Nhân Trung Tâm (nonhuman-centred ones) mang ít nhiều ý hướng phê phán tồn tại
thế giới là đặc trưng cốt lõi của văn học hậu nhân[2].
Nhưng nếu quan niệm văn học hậu nhân như vậy thì, đây chỉ là di chuyển từ trung
tâm hóa này sang trung tâm hóa khác. Phải chăng không nên hiểu hậu nhân luận
như sự phủ định thuần túy đối với nhân bản luận mà là sự nối dài, mở rộng và
tái cấu trúc (hay nói theo Cary Wolfe là tái cấu trúc sự giải cấu trúc). Do đó,
văn học hậu nhân không chỉ phản trung tâm hóa mà hơn thế giải-phi trung tâm
hóa. Điều này phản ánh tiến bộ trong nhận thức của con người vì chính vị trí của
mình trong thế giới, dần tẩy trừ những hạn chế thiên lệch cố chấp trong tư duy
lý trí thực chứng của nhân loại. Trí tưởng tượng của con người vốn đã vượt xa
khoa học. Bằng trí tưởng, con người đã phác họa nên tương lai. Bởi nó biểu thị
khát vọng con người, cho thấy những “điềm báo” tương lai. Lẽ đó, truyện khoa học
viễn tưởng ngày càng được tương lai học chú ý và khảo sát một cách nghiêm túc. Thứ
nữa, văn học hậu nhân phản ánh quá trình hậu nhân hóa được thúc đẩy và đồng thời
với toàn cầu hóa và tình trạng phân rã, tình trạng chuyển biến mau lẹ của cục
diện địa chính trị-địa kinh tế-địa chiến lược. Theo Boxall, đó là sự phân rã
sâu sắc giữa sinh giới vật chất thực tế và các hình thức thẩm mỹ-chính trị-công
nghệ mới mẻ đang diễn ra trong các mối quan hệ toàn cầu[3].
Vấn đề này được ông thâu tóm trong thuật ngữ sự hậu nhân hóa toàn cầu hóa (globalised posthumanisation).
“Văn bản
khoa học thường làm được, điều mà văn chương không thể, đó là việc biểu lộ các
giả thiết nền tảng mang lại phạm vi lý thuyết và hiệu quả giả định đối với hướng
tiếp cận cụ thể. Còn văn bản văn chương thường làm được, điều mà công trình
khoa học không thể làm được, đó là việc biểu lộ những vấn đề văn hóa, xã hội và
biểu đạt phức tạp gắn liền với những bước ngoặt nhận thức và phát kiến công nghệ”[4].
Đánh giá về văn học hậu nhân/dịch nhân,
Robert Ranisch và Stefan Lorenz Sorgner cho rằng:
“Như một phương tiện phản ánh, văn học có
vai trò rất quan trọng. Qua sự hỗ trợ của các văn bản hư cấu, ta có thể nghĩ tới
viễn cảnh khác nhau, các cơ hội và rủi ro khả dĩ của dịch nhân luận trong phạm
vi trần thuật cũng như hậu quả khả dĩ của những quan niệm phổ biến của chúng ta
về “nhân tính” hay “bản chất người””[5].
Điều đó cho thấy: nghiên cứu văn học hậu nhân vừa cần thiết vừa nhiều triển vọng.
Kèm theo đó hẳn có những thách thức nhất định: hoặc sa đà vào tinh thần lạc
quan công nghệ trong việc chỉnh sửa, cải tiến tồn tại người; hoặc bi quan khủng
hoảng trước tác động công nghệ đến nhân hình nhân tính. Tồn tại người cần cuộc
cách mạng chứ không phải chắp vá, chỉnh sửa.
Tựu trung, văn học hậu nhân được minh định dựa
trên: diễn ngôn hậu nhân (posthumanist discourse) và hình tượng hậu nhân (figure
of the posthuman). Diễn ngôn hậu nhân là những luận giải liên quan: hậu nhân
tính, hậu nhân hóa và văn hóa hậu nhân. Hình tượng hậu nhân - hiện thể hậu nhân
(AI, bán nhân, vô tính nhân, người lai ghép, …) - có một số đặc điểm: tích hợp,
xuyên loài, thông tin hóa, đa liên kết[6].
Sự trở nên hậu nhân trong văn học không chỉ được thúc đẩy bởi khát vọng xuyên
vượt hiện thân người mà còn được thúc đẩy bởi hậu nhân luận công nghệ. Có thể
nói, hậu nhân luận triết lý như động cơ; hậu nhân luận công nghệ như phương tiện
cho văn học hậu nhân hoạt diễn. Theo Paul Sheehan, có bốn dạng hiện thể hậu
nhân trong văn học hậu nhân: +hiện thể điều khiển học (cybernetic body) chẳng hạn
trong Do Androids Dream of Electric Sheep
(1968) của Philip K. Dick; +hiện thể nhân bản (the cloned body) chẳng hạn trong
Never Let Me Go (2005) của Kazuo
Ishiguro; +hiện thể ăn thịt đồng loại (cannibal body) chẳng hạn trong The Road (2006) của Cormac McCarthy; +hiện
thể xác sống (zombie body) chẳng hạn trong Zone
One (2011) của Colson Whitehead[7].
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
nhất và thứ hai, văn minh nhân loại phì đại và gia tăng tương tác. Tiến bộ khoa
học công nghệ cũng đồng thời thúc đẩy trí tưởng tượng con người. Từ đầu thế kỷ
XIX, dòng văn học hậu nhân ghi dấu ấn với nhiều tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Giai đoạn nửa cuối XIX đầu XX, dòng văn học này càng phát triển mạnh mẽ và để lại
nhiều thành tựu đáng kể. Đây là tiền đề nghệ thuật cùng với tiến bộ khoa học ở
nửa sau thế kỷ XX khiến văn học hậu nhân phát triển bùng nổ. Từ hai thập niên
cuối thế kỷ XX đến nay, văn học hậu nhân đã tích hợp cùng các loại hình nghệ
thuật xuyên phương tiện trở nên diễn ngôn nghệ thuật và tư tưởng góp phần phát
triển văn hóa đại chúng trên phạm vi toàn cầu.
"Quyển Herland (1915) của Charlotte Perkins Gilman cũng đề cập xã hội “nữ nhi quốc” biệt lập, sinh sản đơn tính". "Về nội dung, văn học hậu nhân chí ít phản ánh ba phương diện: (+) nhận thức nhân hình và nhân tính bất toàn với nhiều khiếm khuyết; (+) chủ đích chỉnh sửa tồn tại để cải tiến năng lực và giải phóng trí tuệ người;..." Tây du ký có tất, vậy có thể xem Tây du ký là tác phẩm hậu nhân luận.
ReplyDeleteTôi nghĩ những tương đồng về đặc điểm biểu hiện bên ngoài có lẽ chưa đủ để ta xác định một tác phẩm nào đó thể như văn học hậu nhân. Có lẽ nên dựa trên bản chất của biểu hiện đó cũng như cách thức mà các biểu hiện nhân hình nhân tính đó được tạo nên. Mặc dù vậy, dù chưa bàn sâu đến bản chất, chỉ xét ở phương diện bên ngoài, ta cũng có thể thấy Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân dường như được tạo nên bằng loạt chi tiết tưởng tượng kỳ ảo, còn không gian hậu nhân (trong một số tác phẩm mà bài viết có nhắc tới) được tạo nên bằng thực chứng, thực nghiệm (hoặc giả thiết công nghệ nào đó). Do đó về phương thức tạo dựng không gian hậu nhân đã rất khác nhau bạn ạ! Một vài chia sẻ! Cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ ý kiến! Chúc bạn vui!
Delete