NGHIỆT TỬ CỦA BẠCH TIÊN DŨNG
VÀ VĂN XUÔI HIỆN ĐẠI ĐÀI LOAN THẬP
NIÊN 1950-1980
(Võ Quốc Việt)
Thông qua “Nghiệt tử” của Bạch Tiên Dũng, bài viết phác họa và trình bày quá trình vận động của văn học hiện đại Đài Loan. Dựa trên quan điểm tự sự học hậu hiện đại, chúng tôi làm rõ thêm vài khía cạnh của văn xuôi hiện đại Đài Loan thập niên 1950 đến 1980. Từ đó, phương pháp phân tích và so sánh văn học hướng đến mục đích phát hiện đặc trưng tương đồng và khác biệt giữa văn xuôi hiện đại Đài Loan và văn xuôi đô thị miền Nam Việt Nam (1954-1975) (trường hợp Bạch Tiên Dũng cùng tạp chí Văn học hiện đại và Mai Thảo với tạp chí Sáng tạo). Việc này khả dĩ mang lại cái nhìn thấu đáo hơn về sự nghiệp văn học Bạch Tiên Dũng và tầm vóc của tiểu thuyết Nghiệt tử, đồng thời góp phần đưa văn học Đài Loan đến gần hơn với độc giả Việt Nam, cũng như gợi mở cái nhìn rộng hơn về quá trình hiện đại hóa văn chương ở khu vực Đông Á nửa sau thế kỷ XX.
1. Mở đầu: Lược trình hiện đại hóa văn học Đài Loan.
Đài Loan từ 1895 đến 1945
Thời
Minh Trịnh thế kỷ XVII, giai đoạn nhận thức và định hình văn hóa Đài Loan, bao
gồm luật pháp, phong tục, tập quán, cơ cấu văn giáo bước đầu hình thành, nền
văn học khoa bảng được gieo trồng bên cạnh ý thức tự chủ (Ye, 2018, p.8). Đến
1683, hòn đảo bị sáp nhận vào đế quốc Thanh, hơn 200 năm vận động trong vòng
quay văn học truyền thống với nền học vấn Nho giáo.
Sau
Giáp Ngọ đại chiến, quần đảo Bành Hồ và đảo Đài Loan rơi vào tay đế quốc Nhật
theo hòa ước Shimonoseki (17/4/1895). Văn học mới thời Nhật trị có thể tạm chia
thành 3 giai đoạn: 1920-1925 (gầy dựng); 1926-1937 (chín muồi); 1937-1945 (chiến
tranh) (Ye,
2018, p.41). Thập niên 1910-1920 phong trào thi hội, thi xã, tạp chí phát triển;
góp phần hình thành văn học mới thời Nhật chiếm đóng (Ye, 2018, pp.26-27). Đến
năm 1930, chính quyền Nhật Bản cấm sáng tác vằng Hán văn, giới trí thức buộc phải
dùng tiếng Nhật phản ánh hiện thực tâm tư con người Đài Loan thời bấy giờ. Tuy
nhiên, làn sóng lan tỏa từ cách mạng Tân Hợi và phong trào Ngũ Tứ của giới trí
thức đại lục “thức tỉnh” Đài Loan cùng thực hiện cải cách ngữ văn, xây dựng văn
học dân tộc chống Nhật (Ye, 2018, p.30). Sau nửa thế kỷ, dưới ách cai trị Nhật
Bản, văn học mới Đài Loan hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nêu cao tinh thần chiến đấu
quật cường và khẳng định tinh thần dân chủ tiến bộ của người dân hòn đảo (Ye,
2018, p.90).
Những năm 1945-1950
Năm
1945, Đài Loan quang phục. Sau khi Nhật thất trận, từ 15/8/1945 đến 17/10/1945,
hơn sáu mươi ngày tự quản của người Đài Loan trong trật tự và bình yên, rất
đáng tự hào (Ye, 2018, p.92). Người dân hòn đảo đã hân hoan rồi hụt hẫng. Lạm
phát, nghèo đói, dịch bệnh … vắt kiệt hòn đảo.
Thời
kỳ này, văn đàn Đài Loan chịu ảnh hưởng một số nhà văn như Lỗ Tấn, Ba Kim, Mao
Thuẫn… đồng thời tiếp thu văn học Nga-Xô. Trong bối cảnh đó, giới trí thức nổ
ra tranh luận sôi nổi định hướng phát triển văn học Đài Loan, tiếp nối văn học
đại lục hay là học tập văn học phương Tây tầm nhìn thế giới. Khi đó, tư duy nghệ
thuật của Lạc Đà Anh rất đáng chú ý, với quan niệm Tân Tả thực (Ye, 2018, p.101).
Ngoài ra, khuynh hướng văn học dân chủ (từ bỏ văn học vị nghệ thuật) xuất phát
từ đòi hỏi tình hình mới, mong muốn gắn kết phong trào giải phóng dân tộc ở đại
lục, hướng ngòi bút đến cuộc sống nhân dân; bên cạnh còn khuynh hướng đề cao
thành tựu văn học mới, nâng cao tính địa phương và tự chủ cho nền văn học Đài
Loan (tiêu biểu có Dương Quỳ, Ngô Trọc Lưu, Chung Lý Hòa, Long Anh Tông, Diệp
Thạch Đào, Hoàng Côn Bân, …).
Thập niên 1950-1960
Năm
1949, Tưởng Giới Thạch rời bỏ đại lục, sang đảo Đài Loan. Từ đây, văn học Đài
Loan càng tách biệt văn học đại lục bởi đôi bờ eo biển. Văn đàn hòn đảo tiếp nhận
giới trí thức đại lục sang. Nhà văn di cư từ đại lục có đóng góp củng cố và tạo
động lực mới cho đời sống chữ nghĩa trên hòn đảo. Phải thừa nhận, văn đàn Đài
Loan thời kỳ này bột phát trở nên sôi động, phong phú, đa dạng nhưng cũng kéo
theo tệ lậu từ lối văn quan phương và tiểu thuyết phong hoa tuyết nguyệt, ủy mị,
xa rời đời sống bình dân, thiếu thực tế.
Trong
bối cảnh đó, nhiều sáng tác phản ánh tâm thế tiêu cực, thất vọng chán nản, cô độc,
thậm chí hận thù (Le, 2006, pp.70-73) phổ biến trong dòng văn học hoài hương và
phản cộng. Dần dà phát sinh khuynh hướng từ bỏ quá khứ và các vấn đề chính trị trở
lại hiện thực thường ngày, đời sống tâm hồn tình yêu đôi lứa, khiến cho tiểu
thuyết phái Uyên Ương Hồ Điệp sống lại (kéo dài đến thập niên 1980) (Ye, 2018,
p.120). Khuynh hướng văn học đại chúng tiêu biểu có Quỳnh Dao với nhiều tiểu
thuyết tình cảm tâm lý xã hội.
Đáng
nói, vai trò các nhà văn nữ dần được khẳng định, thậm chí ngày càng nổi bật. Có
lẽ công chúng Đài Loan quá chán ngán với các tác phẩm mang hơi hớm chính trị nặng
nề u ám đầy hận thù nên văn xuôi nữ mang nội dung xã hội, tình cảm, gia đình,
đi sâu phản ánh tâm lý con người đương thời vừa gần gũi vừa thiết thực, ngày
càng dành được tình cảm bạn đọc. Có thể kể đến: Lâm Hải Âm (Tảo lục và trứng
muối, Hiểu Vân, Chuyện cũ thành nam, Hành trình của Mạnh châu); Phan Nhân
Mộc (Cô em họ Liên Y); Tạ Băng Oánh (Tự truyện của nữ binh);
Quách Lương Huệ (Khóa tim, Trái cấm, Mộng bạc); Lưu Phương (Nước
trôi), Đồng Chân (Lò hương cũ, Hồ Thúy Điểu); Trương Thấu Hàm (Bí
mật Lục Bảo, Giấc mộng Thúy Điểu); Phồn Lộ (Hồ Dưỡng Nữ); Nghiêm Hữu
Mai (Đàn không tiếng); Ngải Văn (Lời thề sinh tử); Mạnh Dao (Dưới
mái nhà, Tà huy); …
Về
thể loại, tản văn và truyện ngắn rất được ưa chuộng. Phải chăng vận hội đời sống
khiến tâm hồn bức bách ngột ngạt, văn chương cũng cần dồn nén với dung lượng vừa
phải, đủ ngắn để đáp ứng tức thời mối ưu tư trước mắt (Ye, 2018, p.134). Về nội
dung, có thể tạm phân thành hai hướng: “phong hoa tuyết nguyệt” và “tinh thần
chiến đấu”. Tản văn nữ có: Từ Chung Bội (Trở về từ London, Tôi ở Đài Bắc),
Chung Mai Âm (Hoài niệm về mẹ, Nỗi lòng suối lạnh, Lầu nhỏ nghe mưa),
Vương Văn Y (Tình yêu và con thuyền, Viên minh châu đến muộn); ngoài ra
còn có: Trương Tú Á, Phan Kỳ Quân, Vương Đạm Như, Lâm Hải Âm, Trần Hương
Mai, Trương Tuyết Nhân, … Tản văn nam có: Lương Thực Thu, Phượng Hề, Lưu
Tâm Hoàng, Tuyên Kiến Nhân, Quý Vi, Chu Quân Lượng. Bá Dương, Tư Mã Thanh
Sơn, Ứng Vị Trì, Trình Triệu Hùng, ….
Trong
giai đoạn này, đáng chú ý có tạp chí Văn học hiện đại, quy tụ các văn sĩ như
Vương Văn Hưng, Âu Dương Tử, Lý Âu Phàm và đặc biệt Bạch Tiên Dũng (白先勇/BTD).
Nhóm văn sĩ (tạm gọi Nhóm Văn học hiện đại/ VHHĐ) xiển dương tiếp thu văn học
phương Tây (Âu-Mỹ). Giới thiệu, khảo luận, nghiên cứu văn chương của Camus,
Henrry James, Faulkner, Thomas Mann, Beckett, v.v…. Họ chủ trương: “bỏ kế thừa
dọc”-“bứng trồng ngang”, nương theo dòng phát triển văn học thế giới để tiếp bước,
mang khát vọng xây dựng nền văn học Đài Loan hiện đại, độc lập. Thành tựu khó nói
hết, nhưng việc này góp phần hiện đại hóa văn học Đài Loan, đẩy văn chương hòn
đảo hòa nhập dòng chảy văn học thế giới, càng tách biệt văn học đại lục, thông
qua tiếp thu và ứng dụng một số kỹ thuật sáng tác Tây phương: dòng ý thức (Stream
of Consciousness/ Le courant de conscience); phản văn xuôi (Nouveau roman); chủ
nghĩa siêu thực (Surréalisme); chủ nghĩa hiện sinh (Existentialisme), …
Ngoài
ra, văn giới tồn tại xu hướng dần định hình tính cách “địa phương” riêng biệt với
văn học đại lục. Không “cấp tiến” và “bứng ngang” như nhóm VHHĐ, một số nhà văn
tiền bối như Ngô Trọc Lưu thành lập tạp chí Văn nghệ Đài Loan (4/1964). Mục
đích tiếp nối dòng chảy văn học mới thời Nhật chiếm đóng. Vì giai đoạn này ít
nhiều độc lập với văn học đại lục (khoảng nửa thế kỷ, được xác nhận là dòng
chính thống của văn học Đài Loan). Họ thúc đẩy nền văn học mang dấu ấn “địa
phương”, sau gọi văn học (sắc thái) hương thổ, phản ánh hiện thực đời sống con
người Đài Loan. Quy tụ ở khuynh hướng này có một số nhà văn lão thành như:
Trương Ngạn Huân, Liêu Thanh Tú, Dương Quỳ[1] (刘登翰 et al., 1991, p.489), Trương Văn Hoàn,
Long Ánh Tông, Hoàng Đắc Thời, Trịnh Hoán, Lâm Chung Long, Văn Tâm, Diệp
Thạch Đào v.v…
Ở
địa hạt thơ, chuyên san Lạp (thành lập 6/1964), cũng trong tinh thần gắn kết
dòng chảy văn học mới. Nội dung phản ánh xoay quanh đời sống bản thổ, có tính
phê phán xã hội. Một số nhà thơ đáng kể: Trần Thiên Vũ, Đỗ Quốc Thanh,
Triệu Thiên Nghi, Lâm Hưởng Thái, Vương Hiến Dương, Chiêm Băng, Cổ Bối, …. Tất
nhiên, hai chiều hướng (tiếp thu tinh thần tiền vệ phương Tây và sắc thái hương
thổ trong thơ lẫn văn xuôi) đều có những đóng góp và hạn chế riêng nhưng rõ
ràng thúc đẩy bối cảnh văn học sôi động, đa chiều (Ye, 2018, p.159); minh chứng
cuộc trở mình đáng kể của văn học Đài Loan trên tiến trình hiện đại hóa. Để
tránh sa vào chỗ hạn chế của hai khuynh hướng tiền vệ Tây phương và sắc thái
hương thổ, khuynh hướng thứ ba hình thành bằng cách dung hòa tinh thần dân tộc
và nghệ thuật tự sự hiện đại phương Tây. Qua đó, họ hướng đến phản ánh đời sống
con người Đài Loan ở các khía cạnh như: đời sống công nghiệp hóa, sự xâm lấn
về văn hóa, lòng người trong xã hội tiêu dùng, băng hoại nhân cách (Ye,
2018, p.164).
Thập
niên 1970
Thời
gian này sôi nổi khuynh hướng văn học hương thổ. Thuật ngữ này có từ khi xây dựng
văn học mới thời Nhật chiếm đóng (Ye, 2018, p.194). Nhưng đến nay, trước yêu cầu
xây dựng văn học quốc gia mang bản sắc riêng thì văn học hương thổ lại được
mang ra bàn luận. Cuộc tranh luận kéo dài từ 1976-1979, kết thúc bằng sự kiện
Cao Hùng. Văn học hương thổ là gì ? Theo Hà Hân, văn học hương thổ “là văn
học tương đương với chủ nghĩa địa khu (regionalism) trong văn học phương
Tây cộng với sắc thái địa phương (localcolor)” (Ye, 2018, p.197). Theo
Triệu Quang Hán, văn học hương thổ là văn học quốc dân, “tổng hợp ba
nhóm hình thức: văn học dân tộc, văn học bình dân và văn học xã hội”
(Ye,
2018, p.198). Một đàng ủng hộ văn học hương thổ cho rằng cần thiết xây dựng
cách thế “ăn nói” riêng. Đàng khác phản đối bởi cho rằng không nên để văn học
Đài Loan tách khỏi dòng chảy văn học đại lục cũng như quan niệm văn học hương
thổ sẽ đẩy văn học Đài Loan trở thành nền văn học Sơn Lâm (tức là khiến cho văn
học Đài Loạn trở nên tự cô lập với dòng chảy văn học thế giới, chỉ hướng đến
khía cạnh đặc thù mà không phản ánh được tính cách nhân sinh/nhân tính phổ biến).
Họ có quan điểm duy trì nhận thức một Trung Hoa (nhưng cách nghĩ này ngày càng suy
yếu và trở nên lạc lỏng). Điều này phản ánh xu thế dần lan rộng trong lòng người
Đài Loan: khát vọng độc lập, dân chủ, tiến bộ vì sự phát triển đa dạng đậm tính
bản địa.
Thập
niên 1980
Sau
nhiều cuộc tranh luận xoay quanh văn học hương thổ và sự kiện Cao Hùng, thuật
ngữ này được thay bằng văn học Đài Loan. Thời kỳ này cho thấy hai xu hướng chủ
đạo: + Xuất phát từ tinh thần lịch sử và nhu cầu tự do dân chủ, một số văn sĩ
nhắm đến tiểu thuyết chính trị và thơ chính trị để chuyển tải các đề tài thuộc
“vùng cấm” (như Trịnh Thanh Văn, Lý Kiều, Trần Ánh Chân, Thi Minh Chính,
…); + Số khác không trực tiếp mổ xẻ vấn đề chính trị, mà nhắm đến phân tích đời
sống khó khăn của người dân. Tác phẩm gián tiếp khiến công chúng phát hiện vấn
đề chính thể. Trang viết như lương tri thời đại. Những nhà văn như Hoàng Phàm
xem việc này là trách nhiệm của mỗi nhà văn, cần khách quan phản ánh, làm người
“thư ký” thời cuộc trung thực.
Khuynh
hướng nữa lúc bấy giờ: đại chúng hóa văn học. Bằng cách kết hợp hoặc đưa văn học
vào sinh hoạt hình thái nghệ thuật khác: văn học và điện ảnh, văn học và sân khấu,
văn học và nhiếp ảnh, … Hướng Dương và một số người khác, muốn nối dài đời sống
văn học, đưa chữ nghĩa vào đời sống bình dân, khiến văn học trở nên phổ biến, gần
gũi hơn. Cũng có thể xem như xu hướng xã hội hóa văn học. Việc này góp phần mở
rộng biên độ phản ánh, mở ra cơ hội lớn cho tiểu thuyết ngôn tình, khoa học viễn
tưởng, võ hiệp, trinh thám, phóng sự. Thời này đáng kể có: Ứng Phương Hoàng,
Lưu Hoàn Nguyệt, Đỗ Văn Tĩnh, Hoàng Hải, Tịch Mộ Dung, Chung Ly Tuệ, Tam
Mao, …Ngoài ra, phải kể đến đóng góp của nhiều nhà văn nữ với các vấn đề xoay
quanh đời sống tâm tư “nữ tính hiện đại”. Có thể nhắc đến: Lý Ngang với Giết
chồng, Đêm tối; Hoàng Lệ Hồng với Nghìn sông có nước nghìn sông
trăng, Cảng Quế hoa; Tiêu Tĩnh với Hán Sinh con trai tôi
(truyện ngắn); Cậu thiếu niên A Tân (truyện dài), Như mộng lệnh
(truyện dài).
Sau
khi dở bỏ thiết quân luật, đời sống xã hội và văn đàn Đài Loan có điều kiện tái
nhận thức (rethinking) tái định vị (redefinition) các giá trị văn chương, tạo
đà cho việc chuyển dịch toàn bộ hệ hình của văn học quốc gia trong thời đại mới.
Văn học Đài Loan, ngày càng “Đa nguyên”, “Đa chủng”, quan tâm đến các vấn đề về
người đồng tính và môi trường tự nhiên.
Chí nghiệp của Bạch Tiên Dũng dầu không bắt đầu từ văn học mới thời Nhật trị, nhưng đã trải qua hầu như mọi sóng gió của văn đàn Đài Loan từ buổi chia cách đôi bờ eo biển tới nay. Từ Người Đài Bắc đến Nghiệt tử là quá trình đi từ thừa hưởng bạch thoại văn chương cổ điển, tiếp nối tinh thần Ngũ Tứ, tiếp nhận văn chương tiền vệ Tây phương cho tới các vấn đề hậu thuộc địa, đô thị hóa và xã hội tiêu thụ thời hậu công nghiệp, … Do đó, ta có thể đặt vấn đề từ góc nhìn Nghiệt tử của Bạch Tiên Dũng để khai mở vài đặc điểm văn xuôi Đài Loan thập niên 1950-1980. Từ đây, sự trỗi dậy - định hình - phát triển văn học hiện đại Đài Loan hẳn sẽ có nhiều bài học cho quá trình vận động văn học Việt Nam trong bối cảnh văn học khu vực và thế giới. Hẳn sẽ đem lại nhiều suy ngẫm cho bản thân người làm văn chương ở nước Việt đương thời.
2. Nội dung
2.1. Hiện
đại hóa văn học Đài Loan: trường hợp Bạch Tiên Dũng và tạp chí Văn học hiện đại
Xã
hội và văn chương Đài Loan sau 1949 rơi vào lầm than, khủng hoảng. Những năm cuối
thập niên 1940, xu hướng mở cửa tiếp nhận văn học Âu Mỹ đã xuất hiện (Ye, 2018,
p.101). Cho tới cuối 1950 đầu 1960, yêu cầu hiện đại hóa toàn diện đời sống chữ
nghĩa càng trở nên cấp thiết. Thậm chí Diệp Thạch Đào còn nhận định vấn đề quan
trọng của văn học hiện đại Đài Loan chính là kết hợp văn học phong cách dân tộc
truyền thống và văn học tiên phong Tây phương hình thành đặc trưng văn học Đài
Loan mang tầm thế giới (Ye, 2018, p.2). Xu hướng này, tiêu biểu có BTD và nhóm
VHHĐ. Trước VHHĐ, thì Literary Review (1956) cũng báo hiệu thời kỳ mới
trong lịch sử văn học Đài Loan. BTD tỏ ra tán đồng với chủ trương từ bỏ nỗi khổ
não và niềm hy vọng ảo tưởng của giới văn sĩ lưu vong thế hệ đầu tiên di cư
sang Đài Loan, để ủng hộ đề xướng phản ánh tinh thần thời đại và lên tiếng cho
sự thật (Pai, 1976, p.206), lột tả thân phận con người và trạng thái hỗn loạn tại
Đài Loan bấy giờ.
a)
Lập trường văn chương của
Tạp chí Văn học hiện đại:
Tạp
chí Văn học hiện đại tồn tại trên 20 năm, 73 số với hơn 1400 bài viết,
đóng góp thúc đẩy dịch chuyển văn học Đài Loan từ văn học mới thời thuộc địa
và hậu nội chiến sang nền văn học hiện đại. Bản thân tạp chí cũng
là đối tượng đáng nghiên cứu cùng hoạt động “nhập khẩu” văn chương tiền vệ
phương Tây (qua dịch thuật, giới thiệu, khảo cứu). BTD cho rằng cần thiết phổ cập
hóa (universalize) (Pai, 1976, p.207) các tên tuổi lớn của văn học Tây phương
trên văn đàn.
Về
lập trường, Bạch Tiên Dũng và VHHĐ chủ trương:{ 我們打算分期有系統地翻譯介紹西方近代藝術學派和潮流,批評和思想,並盡可能選擇其代表作品。我們如此做並不表示我們對外國藝術的偏愛,僅為依據『他山之石』之進步原則……我們感於舊有的藝術形式和風格不足以表現我們作為現代人的藝術情感。所以,我們決定試驗,摸索和創造新的藝術形式和風格 } (郭馨蔚, 2017, p.25). Ý hướng khởi sự của nhóm VHHĐ
cho thấy khoảng trống trong văn học Đài Loan sau quang phục; trong khi những
văn sĩ di cư từ đại lục vẫn chưa thực sự “bén rễ” hoàn cảnh mới để có thể “trổ
nở chữ nghĩa” trên vùng đất mới. Nên nhu cầu bức thiết văn giới Đài Loan bấy giờ
là khởi sự vận hội mới. Nhóm VHHĐ tìm kiếm luồng gió mới từ đời sống văn học
phương Tây. Việc này bởi lẽ: +có thể khai thác “nguyên vật liệu” chữ nghĩa mới;
+có thể tạo đà hội nhập văn giới quốc tế. Nhóm VHHĐ xác định: trong bối cảnh mới,
cần có phương thức biểu hiện mới. Đòi hỏi phương thức biểu hiện, nghĩa là tư
duy nghệ thuật đòi hỏi vận động và phát triển, cũng là nhu cầu không thể né
tránh trong văn giới Đài Loan. Chính tư duy nghệ thuật mới đóng vai trò cốt lõi
trong việc hiện đại hóa văn học. Nếu dừng lại ở phương thức biểu hiện mới thì
cuộc vận động mà họ thực hiện chỉ mang tính duy mỹ thuần túy hoặc là “thói hư
danh” phù phiếm; nhưng niềm thúc bách ở tâm hồn của người cầm bút trong tình thế
mới, đời sống mới buộc họ phải tìm đến và thay đổi toàn diện tư duy nghệ thuật.
Có lẽ đóng góp của nhóm VHHĐ chính là ở chỗ đã cách tân và thúc đẩy tư duy nghệ
thuật trên đảo Đài Loan tiến thêm một bước, song hành với việc tái thiết xã hội.
Như
đã nói, họ tìm kiếm phương thức biểu hiện mới trước hết qua việc phiên dịch. Dường
như đây cũng là nét tương đồng giữa văn học đô thị miền Nam Việt Nam 1954-1975
với văn học Đài Loan trong cuộc “tao ngộ” với văn nghệ Tây phương. Cuộc tao ngộ
này khiến BTD và nhóm VHHĐ chịu không ít gièm pha chế giễu. Các tác giả thời
danh được chuyển dịch và giới thiệu như: Kafka, Joyce, Woolf, Faulkner,
Dostoevsky, Chekhov, … Từ dịch thuật, bình luận, khảo cứu đến sáng tác, ta nên xác
định trong thế đan xen đồng thời tương hỗ lẫn nhau. Trong đó, việc dịch thuật
đóng vai trò khá quan trọng (đánh thức hình thành tư duy sáng tác lẫn hình
thành độc giả mới). Qua đó góp phần hình thành cuộc diện văn học mới với những
con người đánh mất kết nối quá khứ, loay hoay với hiện tại, không ngừng dày vò
đấu tranh với hiện hữu.
b)
Sáng tác dưới ảnh hưởng của
văn học tiền vệ phương Tây:
Mặc
dù tiếp thu, chịu ảnh hưởng văn học tiền vệ phương Tây nhưng không thể phủ nhận
BTD cũng như nhiều nhà văn di cư thế hệ thứ hai ít nhiều vẫn tiếp nối lối văn
xuôi bạch thoại cổ điển Trung Quốc. Dễ hiểu, bởi ngôn ngữ chính là sợi dây đỏ
xuyên suốt kết nối các thế hệ bằng lối diễn ngôn riêng; ta chẳng thể tách rời với
lối diễn ngôn của tiếng mẹ đẻ dẫu cho có ăn vận nói năng tân kỳ. BTD đại diện
cho thế hệ đứt gãy và chắp nối. Bởi trong tiềm thức và diễn ngôn, ông vẫn gắn
bó với văn học cổ điển Trung Quốc, nhưng ánh mắt và tâm thế mở ra đời sống văn
nghệ Tây phương. Bằng chứng có Người Đài Bắc, đầy rẫy bóng hình kẻ thất
trận sa sút, người trí thức cũ thất thỉu đặt chân lên hòn đảo, người thiếu phụ
vượt qua ám ảnh chồng chết trận để hòa nhập cuộc sống mới, và hồ như bóng hình
cố hương, đóa hoàng hoa ám chỉ buổi suy tàn của văn hóa Trung Quốc,... Người
Đài Bắc chất chứa đâu đó bóng hình Lão Xá và ký ức thời hưng thịnh của giai
cấp tư sản thượng lưu một thời. Nhưng ta cũng thấy ở Người Đài Bắc văn phong
của James Joyce (Pai, 2018-a, p.xviii) trong Người Dublin. Văn phong của
BTD trong tập truyện này khiến cho “Đài Bắc” trở thành đô thị ám ảnh ma mị -
vùng không gian ảo tưởng mộng du (Pai, 2018-a, pp.xi-xiv). Thay vì gán ghép cho
rằng BTD và VHHĐ là những kẻ mất gốc hoặc lãng du vô định thì có lẽ nên xác định
họ là những nhà văn tiên phong, đi về phía hiện đại chủ nghĩa. Qua ánh sáng của
Roland Barthes và F. Nietzsche, Gorgio Agamben cho rằng tính chất đương đại của
một đối tượng chính là đặc trưng “lạc thời/the untimely” (Pai, 2018-a, pp.xi-xiv).
Kẻ đó là hạt giống mùa sau, là lời hứa hẹn, là bậc tiên tri, là kẻ mãi mãi lạc
lõng giữa đồng loại trong hiện tại; bởi vì luôn cự tuyệt hiện tại cho nên họ
mãi mãi là người của đương đại. Lạc thời vì thế cũng là phi thời, và gần gũi với
mọi thời. Niềm lạc loài của Nietzsche cho tới sự lạc lỏng của BTD, kỳ thực cùng
bản chất.
Ngoài
BTD, Vương Văn Hưng cũng có nhiều sáng tác đáng kể dưới ảnh hưởng văn học hiện
đại phương Tây. Khuynh hướng phản kháng hệ thống giá trị luân lý phong kiến: Gia
biến của Vương Văn Hưng thể hiện tư duy nghệ thuật táo bạo, kích động tiếp
nhận của công chúng, nhằm chuyển tải nhận thức về bối cảnh đời sống mới, kêu gọi
hình thành giá trị luân lý mới cho đời sống bấy giờ. “Ngoài ra, Vương Văn Hưng
là người thuộc trường phái cực đoan phản nghịch. Trong tác phẩm Gia biến
(1973), ông đã thể hiện rất rõ quan điểm dám vứt bỏ đi đạo đức luân lí cũ. Những
điều này cũng thể hiện khát vọng muốn thoát khỏi những vấn đề mang tính truyền
thống, theo đuổi trải nghiệm bản chất văn học của họ” (Ye, 2018, p.156).
Một
trong nhiều biểu hiện văn học tiền vệ phương Tây mà nhóm VHHĐ tiếp thu là chủ
nghĩa hiện sinh (存在主義/Existentialism/ L'existentialisme). Dấu ấn
hiện sinh bào trùm văn đàn Đài Loan từ phiên dịch, thảo luận và sáng tác. Hiện
sinh thuyết nở rộ trong giai đoạn cuối thập niên 1950s và thập niên 1960s. Kỳ
thực, dấu ấn hiện sinh thuyết đã phôi thai từ trước với các bài viết nhỏ lẻ và
hầu như mang tính giới thiệu trên nhiều nhật báo thập niên 1940 (民聲日報, 自強晚報, 聯合報, 徵信新聞 …). Trên
phương diện dịch thuật, nhiều tác giả thời danh của hiện sinh thuyết Tây phương
được dịch có hệ thống, nhắm đến yếu chỉ trong tư tưởng và phương thức sáng tác
của F. Nietzsche, A. Camus, F. Kafka, ngoài ra còn có S. Freud, cùng những tư
trào phê bình mới, văn học so sánh (Ye, 2018, p.167), … Trên phương diện sáng
tác, ta có thể xác lập văn học khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa Đài Loan dựa
trên sự xuất hiện của những tác giả và tác phẩm trên hai tạp chí khá tiêu biểu:
Văn học tạp chí (文學雜誌) và Hiện đại văn học tạp chí (現代文學雜誌). So
ra, VHHĐ vẫn là mảnh đất màu mỡ hơn cả bởi sự hưởng ứng nhiệt thành của những
văn sĩ sáng lập như đã trình bày ở phần trước, bằng chứng là số lượng bài viết
phong phú đa dạng. Ngoài ra, một số tạp chí khác cũng cho thấy dấu ấn hiện sinh
như: Bút Hội (筆匯), Văn học quý san (文學季刊), Liên hiệp báo (聯合報),
Trung Quốc thời báo (中國時報), ….. Hưởng ứng khuynh hướng này có thể
nhắc đến một số tác giả tiêu biểu: Trần Nhược Hy (陳若曦), Bạch
Tiên Dũng (白先勇), Vương Văn Hưng (王文興), Âu Dương Tử (歐陽子),
Tùng Tô (叢甦), Lưu Đại Nhiệm (劉大任), Vương Trinh Hòa (王禎和), Trần
Ánh Chân (陳映真), Mân Tân (汶津), Uất Thiên Thông (尉天驄), Thất
Đẳng Sinh (七等生), Thi Thúc Thanh (施叔青), Lâm Hoài Dân (林懷民), Lý
Ngang (李昂), Vương Thượng Nghĩa (王尚義), Chiêm Tích Khuê (詹錫奎), …
Thông
qua việc tiếp thu có hệ thống từ tư tưởng triết học, thực tiễn sáng tác và lý
luận phê bình Tây phương, BTD với nhóm VHHĐ nói riêng và văn giới Đài Loan nói
chung, đã thúc đẩy dịch chuyển hệ hình văn học thuộc địa thời Nhật chiếm đóng
sang văn học hiện đại chủ nghĩa với nhiều thành tựu trên nhiều phương diện. Cần
nói thêm, hiện đại hóa văn học Đài Loan, chủ yếu là nhà văn thế hệ thứ hai sau
di cư. Mối gắn kết với đại lục rất hời hợt. “Ông nói ông ở Mỹ bảy năm mà chỉ
như kẻ “ăn nhờ ở đậu”. Khi về tới căn nhà của mình, ông không hề cảm thấy mình
đã về nhà mà chỉ là kẻ lang thang phiêu bạt. Bạch Tiên Dũng là người Quế Lâm,
Quảng Tây, song ông nói: “Tuy nhiên tôi cũng không cảm thấy nhà mình ở Quảng
Tây. Thời ấy kháng chiến mà, nơi chúng tôi ở đầu tiên là Quế Lâm, sau đó đến
Trùng Khánh”” ( 白先勇,
2012-a). Tâm thế lạc loài, không biết đâu quê hương. Ra đời trong thời đệ nhị
thế chiến, họ là vết tích đau thương. Lại thêm môi trường học tập (chẳng hạn Bạch
Tiên Dũng, Vương Văn Hưng du học) cho phép họ có điều kiện kết nối với văn học
phương Tây hơn là văn học đại lục. Tóm lại, khuynh hướng văn học trước khi nhóm
VHHĐ bước vào văn đàn chẳng hạn: văn học chống Cộng, phái Uyên ương hồ điệp, hoài
hương,… Vượt ra phạm vi đó, BTD và VHHĐ chủ trương phản ánh đời sống hiện tại
và bây giờ, xây dựng hình tượng con người Đài Loan mới) khá gần gũi với những
ưu tư Tây phương về thân phận và hiện hữu. Do đó, với những gì làm được, BTD
cũng như nhóm VHHĐ thổi luồng sinh khí mới vào văn giới Đài Loan: từ tư duy nghệ
thuật, phương thức sáng tác, cũng như gieo những hạt mầm cho mùa sau.
2.2. Nghiệt
tử và khuynh hướng Hậu hiện đại qua diễn ngôn giới như là Đa tự sự
Nghiệt
tử (Crystal Boys 孽子
/ Nièzǐ, 1983) một trong số ít tác phẩm lấy đề tài người đồng tính trong cộng đồng
Hoa ngữ thời bấy giờ, tiên phong trong việc chuyển tải đời sống tâm hồn “kẻ yếm
thế” nói chung trong xã hội đô thị. Buổi đầu ra mắt, Nghiệt tử thường được mọi
người nhắc đến ở khía cạnh quan hệ gia đình và lối ẩn dụ chính thể giữa Đài
Loan và đại lục. Cuộc sống tâm tư người đồng tính nam trong tác phẩm xoay quanh
Tiểu Thanh và nhóm bạn ít được quan tâm. Có lẽ giới phê bình ít nhiều còn dè dặt
vấn đề xu hướng tính dục và diễn ngôn giới.
Bước
đường lưu lạc của cánh chim cô đơn, cuộc gặp gỡ của những tâm hồn bơ vơ giữa trời
giông bão đã tao ngộ ở cái tổ chim “công viên Đài Bắc”. Nỗi niềm u uẩn trong
ánh mắt và đằng sau vẻ mặt của những người mại dâm nam mịt mù bóng tối. Biểu tượng
hồ hoa súng hiu quanh, có ý nghĩa nhân văn. Dường như nó chất chứa bao trăn trở
trong tâm hồn tác giả. Niềm nhức nhói rỉ rả tỉ tê trong đêm tối Đài Bắc và cuốn
album của người cao niên đồng tính làm bằng chứng bi đát cho thân phận lạc giới.
Sau hết, tình người vẫn là cái sưởi ấm trái tim cô quạnh của loài chim lạc bước
- những cánh chim hải đảo hoang dại. Từ Nghiệt tử, công chúng và giới phê bình
bắt đầu nhìn lại, đánh giá đúng mức ý nghĩa đóng góp của văn học đồng tính, thậm
chí còn xác lập dòng văn học đồng tính trong cộng đồng Hoa ngữ; mở rộng đến các
hình thức nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu, truyền hình[2].
Vượt
qua cấm địa, các tác phẩm đề tài đồng tính vốn ít được chú ý thì nửa sau XX cho
đến đầu XXI, văn học đồng giới dần hòa vào chủ lưu như bộ phận không thể chối bỏ
của văn chương đương đại. Văn học đồng giới định hình kéo theo “phê bình giới”
hay Queer Theory (Thuyết Lệch Pha). Cách định danh khuynh hướng phê bình có chỗ
chưa ổn thỏa. Bởi đồng giới về phương diện khoa học đã được thừa nhận bình đẳng
như mọi biểu hiện tự nhiên của nhiều xu hướng tính dục khác; cho nên không thể
nói đến đồng giới bằng tính chất dị thường, kỳ quặc. Đồng giới cũng tự nhiên
như mọi xu hướng tính dục khác. Do đó, định danh đề tài này như cái gì kỳ quặc
(queer) và cách dịch sang tiếng Việt (Lệch Pha) chưa nói lên chính xác đối tượng
cần nghiên cứu. Thậm chí thuật ngữ này duy trì cách hiểu sai lệch trong giới
phê bình đối với tính dục đồng giới. Vấn đề này cần nghiêm túc xác lập, sao cho
đúng với thực chất hiện tượng và đối tượng được nói đến. Trên thực tế, khoa học
nghiên cứu về xu hướng tính dục bắt nguồn (có liên quan) đến Nữ quyền luận. Nên
chăng có thể xác lập khoa nghiên cứu văn học đồng giới như là phê bình văn học
LGBTQ+ (LGBTQ+ literary criticism).
Trở
lại vấn đề diễn ngôn là gì ? Hễ nhắc tới diễn ngôn (discourse), người ta lại
lôi Paul Ricœur, Roland Barthes, Jacob Torfing, Michel Foucaul, Jacques
Darrida, Julia Kristeva, Jean Baudrillard, Philippe Beneton,… ra để hành tội luận
bàn dù các ông đã mồ yên mả đẹp trong văn giới từ đời nào, nghĩ cám cảnh thương
cho các tiên sinh. Ví như Foucault, dẫu đã hơn nửa thế kỷ từ khi Foucault “lỡ
miệng” bàn luận đến diễn ngôn, cho đến nửa thế kỷ sau của thời bây giờ, người
ta vẫn lấy ông ra để bàn và luận về ngôn như là diễn (Tran, 2015, pp.45-57). Việc
này khác gì ta nhắm mắt mạo hiểm đi cầu khỉ qua sông mà không chịu phá cầu xây
mới. Vì thói hà tiện và lười biếng, ta chấp nhận đánh đổi ngặt nghèo tư niệm để
lệ rồi thuộc và lắm khi rơi xuống vực chữ nghĩa. Cầu diễn ngôn Foucault vẫn cứ
phải oằn lưng chống chịu lẽ thi phi của đời từ hơn nửa thế kỷ qua từ khắp cõi
Đông Tây, Á Âu Phi Mỹ. Giả tỷ ai đó hiểu và thương cho diễn ngôn Foucault sẽ biết
rằng text có cái môi sinh của nó vậy thì diễn ngôn như là diễn ngôn của
Foucault cũng phải đặt trong chính môi sinh lập thành diễn ngôn Foucault, tức
là tử thi diễn ngôn Foucault phải được xác định trong chính huyệt mộ Foucault của
sinh hoạt tư tưởng Pháp quốc hơn nửa thế kỷ trước. Vậy thì hãy mạnh dạn xây cầu
diễn ngôn khác, hãy buông tha cho cây cầu khỉ Michel Foucault và để nó yên thân
như món kỷ vật của quá khứ vàng son vang bóng một thời.
Từ
phía tâm lý và cái nhìn hiện tượng nên hiểu diễn ngôn như là diễn hoạt vô hạn của
ý hướng tính (intentionality) (ý hướng căn cơ khởi sinh bởi tương tác giữa ngã
với phi ngã). Một khi ý hướng khởi tạo, nó không ngừng tương tác va chạm với vô
hạn ý hướng khác, tiếp tục thành ra vô hạn phái sinh ý hướng, rồi vô hạn phái
sinh ý thướng cứ thế tiếp tục va chạm. Đó là diễn của ngôn. Diễn ngôn cũng giống
như phân hạch và nhiệt hạch đồng thời diễn ra. Khả năng lưu hoạt diễn ngôn vì
thế cũng vô bờ bến. Nhờ có đặc trưng này, nói tới diễn ngôn mặc nhiên nói tới
tính đa dạng, tính khác biệt của ý hướng cá thể và phi cá thể. Theo thể cách diễn
ngôn, ta có thể xổ tung các đại tự sự. Ta có thể biến đại tự sự thành lò phản ứng
hạt nhân mà vô hạn ý thướng của cái đại tự sự đó không ngừng tương tác với
chính nó trở thành phi-nó, nó với phi nó lại tiếp tục tương tác thành ra phi nó
với phi-phi-nó, cứ thế …! Bạch Tiên Dũng tỏ ra khá thành thạo phương pháp phân
hạch, khiến cho câu chuyện dị giới và đồng giới nẩy nở ra muôn vàn câu chuyện
(quá trình từ đại tự sự đến phi đại tự sự tới đa tự sự). Tầm
vóc Nghiệt tử chính ở sức dung chứa đa-tự-sự (multi-narative).
Được
tái hiện dưới góc nhìn của Thanh nhưng câu chuyện không dừng lại ở việc đi
hoang. Cuốn album của lão Quách là bộ sưu tập những cánh chim bi thương bay
trong mưa gió hải đảo, biểu tượng cho tính chất đa tự sự, quy tụ những cánh
chim lạc gió đến công viên mới Đài Bắc, để ở đó thân phận bóp chết từng cánh
chim thanh xuân (Pai, 2018-b, p.114-115). Hình tượng cánh chim hải đảo lạc loài
cũng như phận nhược tiểu, mất tổ, bay tán loạn; khi vút lên không trung, khi
lao xuống vực thẳm. Đời Long và Phượng với cuộc tình tan hoang; đời Chuột trong
mái gia đình như “cái hang” khác gì nấm mồ; đời Ngọc với bao nhiêu ảo vọng
không thành; đời Mẫn tha thứ mù quáng tên nhân tình khốn nạn; có người điên loạn
đợi chờ vô vọng, có kẻ đau tình nhảy sông tự vẫn; kiếp tài tử thuở nào hào
nhoáng trên sân khấu bây giờ ngồi yên nhìn “bầy chim non” bay nhảy mịt mù; bao
nhiêu bi kịch gia đình bởi lằn rành và tường thành thời cuộc làm sụp đổ tiếc nuối
không thể cứu chuộc (ông tướng day dứt ám ảnh về đứa con trai tự sát bỏ lại cả
tương lai xán lạn). Bộn bề đời sống Đài Loan, có thể nói gọn lại hai từ “Nghiệt
tử”.
Xoay
quanh chuyện đời của những thế hệ người đồng tính nam ở Đài Loan, nhưng tác phẩm
đã mở ra vấn đề diễn ngôn giới kết thông vấn đề phi trung tâm (decentralization),
Tiểu tự sự (Petit Narrative) trong tinh thần hậu hiện đại. Tiểu tự sự phơi bày
hiện thực đời sống khác, nơi những anh chàng đồng tính sống kiếp bán dâm của đời
du mục trong thời đô thị hóa của nền hậu công nghiệp. Ẩn tàng nhưng vẫn ở đấy,
chân thực và khốc liệt hơn bề nổi cuộc đời dễ nhìn thấy. Những con thiêu thân
Thanh, Mẫn, Chuột, Ngọc, Long, Phượng, dưới ngọn đèn đường vàng võ u tối trên
những ngã đường Đài Bắc sẽ còn đeo bám trong tâm trí bạn đọc. Dường như có đôi
mắt nhuộm đầy bóng tối vẫn ở đó nhìn con đường hoang vắng cô tích dài hun hút
trong đêm.
Diễn
ngôn hay diễn trình ý hướng, mỗi ý hướng tồn tại như biểu tượng. Vận động diễn
hoạt ý hướng của Thanh và cha đại diện cho hai luồng ý hướng tương nghịch giữa
đại tự sự và tiểu tự sự. Việc bứt phá khỏi quy phạm nhận thức trong cộng đồng,
khiến cho câu chuyện luyến ái giữa Thanh và bạn học trở thành câu chuyện về sự
áp chế của đám đông với những người cô thế (thành phần nhược tiểu trong xã hội
hiện đại nói chung). Từ đó, câu chuyện đặt ra vấn đề đa dạng giới tính đưa tới
xác lập tính đa dạng về nhận thức bản dạng và ý hướng sống. Không dừng lại ở giới
tính, Nghiệt tử còn mở rộng cho người đọc những vấn đề khác của xã hội, đâu
chỉ có người đồng tính nam, tác phẩm còn hướng đến những thân phận nhược tiểu
khác trong cộng đồng. Khiến ta thấy đời sống là câu chuyện của sự khác biệt, thậm
chí khác biệt chính là sống. Vấn đề đáng nói chính là khác biệt và nhận thức bản
dạng ( iSEE,
2014, pp.61-72). Sự khác biệt phải là bản dạng, tránh sa vào khác biệt thuần
túy nghĩa là lập dị. Bản dạng không hoàn toàn tuyệt đối. Mỗi người trong cách
thế sống và tương tác xã hội cũng là một chủ thể/nhân vị tương đối. Bản dạng vì
thế có muôn vàn trắc diện, con người cũng có nhiều khía cạnh hiện hữu nếu đặt
vào những khung tham chiếu khác nhau. Đến nỗi, mỗi người là một bản dạng hoàn
toàn riêng biệt và độc đáo. Quả thực, Tiểu tự sự về giới giúp ta tránh sa vào lối
tuyệt đối hóa nhân vị. Mỗi người mỗi đặc thù. Sở dĩ đặc thù, riêng biệt vì luôn
biến đổi. Tiểu tự sự lồng vào hai con mắt nhìn đời trong tư thế vận động không
ngừng. Sự vận động ấy xuất phát trên lối kiến giải không ngừng của diễn ngôn giới.
Với Nghiệt tử, diễn ngôn giới được kiến giải liên hồi qua suy tưởng của
Thanh, cũng như lời văn tác giả, kết thông với suy tưởng bạn đọc, khiến cho diễn
ngôn giới trở thành cuộc vận động tán loạn toàn bộ sinh giới. Đọc Nghiệt tử,
ta không chỉ thấy cuộc đời u buồn hoang dại của những người đồng tính ẩn hiện giữa
công viên Đài Bắc quanh cái hồ hoa súng mà còn thấy vòng lẩn quẩn cuộc sống Đài
Loan bấy giờ. Cơn thúc bách tứ bề của vấn đề sống, giữa đau khổ và bất hạnh, giữa
yêu cầu chọn lựa sát nách, không thể chối chạy. “Tôi và La Bình, hai đứa
sánh vai nhau, sải bước chạy đi trên phần đường dành cho người đi bộ bên đường
Trung Hiếu không một bóng người. Bỗng dưng, tôi lại nhớ hồi còn đi học, trong
những giờ huấn luyện quân sự, tôi được chỉ định làm tiểu đội trưởng, những buổi
tập chạy trên sân thể dục, tôi đều dẫn đầu hô khẩu lệnh. Thế là trong từng hồi
pháo nổ đì đùng, tôi dẫn theo La Bình, cùng lao vào gió lạnh, trên đường Trung
Hiếu dài dằng dặc, vừa chạy, tôi vừa lẩm nhẩm hô khẽ: Mốt hai, mốt hai, mốt
hai, mốt hai” (Pai, 2018-b, p.539). Bạch Tiên Dũng “viết cho những đứa
trẻ, trong những đêm đen thẳm sâu, thẳm sâu nhất, một mình bơ vơ ngoài phố,
không một chốn về ” (Pai, 2018-b, p.15). Vấn đề Nghiệt tử vì cơn thúc bách
đó, chẳng bao giờ êm xuôi. Dẫu kết thúc câu chuyện ý hướng sống cơ hồ tan biến
vào đường khuya vắng vẻ đêm ngoại ô Đài Bắc, nhưng niềm thúc bách yêu-sống-hạnh-phúc
vẫn khôn nguôi.
Nhìn
từ phía Bạch Tiên Dũng với Nghiệt tử và Nhóm VHHĐ, ta có thể đặt vấn đề
dịch chuyển dòng chảy văn học Đài Loan từ chỗ thoát lý văn học mới thời Nhật
chiếm đóng đến chỗ thoát ly ảnh hưởng đại lục bằng việc hiện đại hóa (bứng
ngang). Sau đó văn đàn chứng kiến việc xác lập đặc trưng văn học quốc gia trong
bối cảnh văn học “đại chúng” thời hậu hiện đại. Vấn đề này tiếp tục được làm rõ
ở tiểu mục tiếp theo: phác họa đặc điểm văn xuôi Đài loạn thập niên 1950-1980.
2.3.
Phác họa vài đặc điểm văn xuôi Đài
Loan thập niên 1950-1980 (nhìn từ Nghiệt tử của Bạch Tiên Dũng)
Từ
Nghiệt tử của Bạch Tiên Dũng, chúng tôi không kỳ vọng bao quát toàn bộ đặc
điểm văn xuôi Đài Loan thập niên 1950-1980: giai đoạn định hình, trưởng thành
và phát triển theo hướng hiện đại vừa xác lập nền văn học quốc gia vừa hòa mình
vào văn chương khu vực và thế giới. Nghiệt tử khải dĩ khai mở một vài đặc
điểm văn xuôi bấy giờ. Hẳn nhiên, đặc điểm văn xuôi giai đoạn ấy có nhiều
phương diện đáng luận bàn. Nhìn từ phía Nghiệt tử và Bạch Tiên Dũng, chúng tôi
phát hiện vài đặc điểm khả dĩ; từ đó minh định thêm qua trường hợp văn sĩ và
văn phẩm khác hòng xác lập vài đặc điểm dễ nhìn thấy cho quá trình khảo cứu sâu
sắc và toàn diện hơn. Đây là ý hướng nghiên cứu ở mục này.
Dọc
đường phát triển và những biến cố chính trị trên đảo Đài Loan, dựa trên tiêu
chí nội dung phản ánh, có thể tạm nhắc đến quá trình phát triển văn học Đài
Loan với 9 khuynh hướng như sau: (1) Văn học mới thời Nhật chiếm đóng (日治時期新文學); (2) Văn học chống cộng (反共文學); (3) Văn học Hoài hương (懷鄉文學) (Le, 2006, pp.70-73); (4) Văn học
truyền thống Trung Quốc của Đài Loan (台灣傳統漢文);
(5) Văn học hương thổ (鄉土文學);
(6) Văn học chính trị (政治文學); (7) Văn học đa nguyên hóa (多元化文學); (8) Văn học mạng và truyền cảm hứng (網路與勵志文學); (9) Văn học dịch 翻譯文學.
(a)
Tính trữ tình
Từ
chất thơ của Nghiệt tử, nét trữ trình trong lối hành văn Bạch Tiên Dũng, bạn đọc
nhận ra ranh giới mờ nhạt giữa tiểu thuyết và tản văn/tùy bút. Nhân vật, bối cảnh, chi tiết, … đều phảng phất
chất trữ tình của tâm hồn lãng mạn, man mác niềm u hoài cô tịch từng trang viết.
Việc nhắc nhớ quá khứ, chiêm nghiệm biến đổi
thời cuộc biểu hiện qua cảnh vật chung quanh hồ hoa súng công viên Đài Bắc, gợi
niềm luyến tiếc như lời Dương giáo đầu hay như lời “tác giả của “Người Đài Bắc”
thở dài thườn thượt: “Đài Bắc đổi thay nhiều quá” ( 白先勇, 2012-a),
khiến ta liền ngã vào trường suy tưởng của những cánh chim già dặn gió sương.
Khai thác tính thời đại và chuyển biến tâm hồn con người qua thời cuộc bằng
cách khắc họa hai thế hệ người đồng tính. Những người như: lão Quách, Dương
giáo đầu đại diện cho số phận tang tóc năm cũ; những người như Thanh, Mẫn, Chuột,
Ngọc đại diện cho lạc loài bây giờ. Cụm từ “bầy chim thanh xuân” và câu
nói “lịch sử của công viên, đều tập hợp trong đây cả” (Pai, 2018-b,
p.119) mở ra cả phương trời dĩ vãng. Đời người đọng lại ở quá khứ, gợi nhớ quá
khứ cũng như động chạm đến miền cảm thức một phần thanh xuân chín phần sầu muộn
– lãng mạn trữ tình chính là ở chỗ đó. Từ phía Nghiệt tử, ta nhận ra đặc trưng
khá phổ biến trong văn xuôi Đài Loan thời ấy, thơ – tản văn – tiểu thuyết (thể
loại và tính chất) dung hợp hài hòa. Dẫu cho bứng ngang hay kế thừa dọc vẫn
đong đầy xúc cảm, dạt dào trữ tình, lãng mạn suy tưởng. Sức hấp dẫn của Nghiệt
tử chỗ khả năng thôi miên cảm xúc. Ngoài ra, ông có bút pháp ánh sáng (Pai,
2018-b, pp.102-111) rất tài tình kết hợp với nhiếp ảnh gia, họa sĩ gia. Nhà văn
sử dụng ánh sáng với màu sắc cường độ tụ tán khác nhau lột tả cảm thức sầu muộn,
nỗi buồn mơn man trong tâm hồn. Minh chứng tính trữ tình ở một số tác phẩm
khác. Tính trữ tình còn bộc lộ qua nỗi nhớ quê cũ, như tiểu thuyết “Đứa con côi
của Châu Á” của Ngô Trọc Lưu, “Cô độc” của Nhiếp Hoa Linh, hay “Người Đài Bắc”
của Bạch Tiên Dũng.
(b)
Tính phản tư (từ xác định đến bất định
hậu hiện đại)
Xu
hướng phản tư về thân phận. Cha của Thanh trong Nghiệt tử biểu tượng cho tàn
tích thời cuộc và gánh nặng “thiết quân luận”. Bộ phận trí thức di cư kéo theo
xu hướng văn học phản cộng tạo ra bầu không khí nặng nề, không đủ “dưỡng khí”
cho tâm hồn con người. Do đó những năm 1950, văn xuôi Đài Loan xuất hiện xu hướng
phản tư về thân phận từ những đổ vỡ thời đại. Ta thấy gì qua cuộc hôn nhân giữa
người quân nhân lỡ thời già cỗi và cô gái bản địa Đài Loan cơ cực mà thanh
xuân, thấy gì qua chuyện mẹ Thanh bỏ nhà theo trai, thấy gì khi Thanh trốn chạy
khỏi gia đình, thấy gì sau cái chết út em, và người cha huơ huơ cánh tay trong
bất lực vô vọng. Phải chăng ta nhìn thấy gánh nặng thời cuộc và cương tỏa quy
phạm xã hội không thể giam cầm tâm hồn và tim người, phanh phui vấn nạn sống và
phải tiếp tục sống (Pai, 2018-b, p.94-95). Điều này cũng cho thấy văn xuôi Đài
Loan giẫy giụa rứt mình khỏi quá khứ để tiến về phía đương đại. Lập trường tạp
chí VHHĐ càng minh chứng thực tế tâm hồn và thân phận hiện tại khiến họ tìm kiếm
thể nghiệm phương thức nghệ thuật mới, ngữ liệu mới. Con thuyền chữ nghĩa Đài
Loan đã ra khơi mang theo niềm ưu tư tồn hữu của thân phận. Ngòi bút hướng đến
cuộc sống đời thường, gần gũi, những gì con người phải đối mặt thường trực. “Ở
đây các nhà văn nhấn mạnh đến bước đường gập ghềnh, trắc trở của số phận nhân vật.
Tiểu thuyết “Người Đài Bắc” của Bạch Tiên Dũng phản ánh sự thay đổi của hiện thực
tàn nhẫn khiến “con người chẳng có một ngày vui, bông hoa không có một giờ khoe
sắc”. Đọc xong, người đọc thấy ngậm ngùi, một vị đắng đọng ở cổ họng”[3](Le, 2006, p.72). Từ Người
Đài Bắc đến Nghiệt tử quá trình đi từ dĩ vãng đến hiện đại và trở
thành đương đại (đa nguyên, đa chủng, đa văn hóa); từ xác định đến bất
tín/bất định trong xã hội phì đại hậu công nghiệp. Thân phận là cái gì đó thuộc
về nhân vị riêng biệt, không ai có thể chống chịu thay cho ai. Như BTD trải
lòng với Thanh: “Tôi biết, cậu đã trải qua cơn sang chấn tâm hồn ghê gớm nhất
trong cuộc đời mình. Trong khoảnh khắc ấy cậu đột nhiên phải đối diện với con
người thật của mình và nhận ra hóa ra số mệnh cậu lại trái ngược với vô vàn người
khác. Trong giây phút ấy, có thể cậu sẽ cảm thấy bản thân chính là người cô độc
nhất thế gian này, đột ngột bị nuốt chửng trong sự bàng hoàng chấp chới, bị bủa
vây trong nỗi khiếp đảm và đau thương không tên….. Bí
mật nặng trĩu ấy đè nghiến trái tim cậu, và trở thành nguồn cơn cho nỗi cô đơn
tuyệt vọng của cậu, bởi chẳng ai có thể chia sẻ nỗi đau thẳm sâu trong tim cậu,
nên cậu phải tự gánh cây thánh giá của vận mệnh lủi thủi lẻ loi đi tiếp đường đời”
( 白先勇, 2012-b).
(c)
Tính đô thị:
Văn
học hiện đại xuất hiện và định hình cùng với sự hình thành các đô thị khi Đài
Loan chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang đời sống công nghiệp (陳芳明, 2008), và bước đầu dịch chuyển vào thời
kỳ hậu công nghiệp. Diễn biến đời sống con người và xã hội Đài Loan có thể nhìn
thấy trong Nghiệt tử, qua sự mô tả của Bạch Tiên Dũng, đời sống thay đổi,
tâm hồn con người cũng thay đổi. Tính chất đô thị dần thay thế mối u hoài cố
hương; cũng như văn xuôi ngôn tình, uyên ương hồ điệp, đam mỹ, giả tưởng dần thay
thế văn phẩm phản cộng và chính trị. Đời sống thị dân thể hiện qua hình tượng
công viên Đài Bắc, với những khoảng u tối ung nhọt, buồn rũ rượi, trống rỗng
tan hoang, những đêm khuya cô độc trên đường, qua những bóng hình nhợt nhạt rập
rờn ẩn hiển như bầy chim ăn đêm; bị cảnh vệ “trấp nã” đàn chim ban tay loạn,
sau cơn giông gió từng bóng chim tụ về, nương tựa bám víu cái tổ chung “công
viên đài Bắc”. Thị dân là đối tượng phản ánh chủ yếu trong Nghiệt tử và khá
phổ biến trong văn xuôi Đài Loan bấy giờ. Quá trình hình thành đô thị, xây dựng
đời sống mới, phát triển văn hóa mới, có những người bị đẩy ra ngoài lề, sống ở
vùng biên của thân phận (phi trung tâm hóa). Tính đô thị còn biểu thị cuộc đời
“du mục” của xã hội hậu công nghiệp. Thanh và những cánh chim hải đảo hoang dại
minh chứng buồn bã cho thân phận du mục. Xã hội đô thị song hành với “phi trung
tâm hóa”, dần phì đại, bề bộn, khác biệt, hỗn tạp và biến dị. Đô thị như khối
ung nhọt đau nhức của phận người.
(d)
Từ đại tự sự sang tiểu tự
sự tới đa tự sự
Như
đã nói, văn xuôi BTD và văn xuôi Đài Loan thời kỳ này bộc lộ quá trình vận động
của xã hội Đài Loan trên con đường dịch chuyển từ xã hội thuộc địa sang xã hội
công nghiệp hiện đại và bước đầu biến đổi sang thời hậu công nghiệp. Bằng lối
biểu tượng hóa, nỗi buồn thầm kín mà day dứt của người đồng tính nam Đài Loan,
BTD phá vỡ đại tự sự (thời cuộc mà GUOMINGTANG trói buộc hòn đảo), quy tập những
kẻ bên lề đô thị về chung vương quốc. BTD thể như anh hùng Lương Sơn Bạc của những
tiểu tự sự. Và công viên Đài Bắc là đại bản doanh của tiểu tự sự thế nên đã trở
thành đa tự sự. Vương quốc của chúng tôi (Pai, 2018-b, pp.23&46) – công
viên Đài Bắc của những người đồng tính nam, cũng là những con chim lạc đàn
không mái gia đình. Bằng cách viết đầy ẩn dụ, BTD đặt tên nhân vật, địa danh, tụ
điểm, … đều có dụng ý. Quán cà phê Dã Nhân (Pai, 2018-b, pp.97-98) biểu tượng
cho những kẻ nửa người, bán người, phó người, (phi đại tự sự nhân vật) trong xã
hội Đài Loan. Không chỉ người đồng tính, còn có gái bán hoa sa lầy tình yêu với
quân nhân Mỹ, có đoàn tạp kỹ lưu diễn vòng quanh Đài Loan và những kẻ thiểu số
yếu thế khác trong xã hội,… biểu tượng cho thân phận du mục trong đêm tối đô
thành.
2.4.
Văn xuôi Đài Loan (từ Bạch Tiên Dũng
và tạp chí Hiện đại) với Văn xuôi đô thị miền Nam Việt Nam (từ Mai Thảo và tạp
chí Sáng Tạo)
Thời
cuộc rẽ hướng, mỗi cánh chim một hướng bay (ra biển Đông hoặc về phương Nam).
Nhưng tâm thế di cư và khát vọng tìm kiếm chân trời văn chương khả dĩ đủ sức
chuyển tải hiện thực đang hình thành, tạo ra chuyển biến đồng dạng ở hai đối tượng
văn học. Tao loạn, tính-người-tình-người-kiếp-người diễn tiến ra sao ở hai
phương trời. Rốt cuộc, thời thế chóng vánh nhân thế thường tồn, phàm cái gì tựa
vào thời thế khởi sinh ắt cũng hoại diệt cùng thời thế; phàm cái gì nương theo
nhân thế khởi tạo hẳn vẫn cùng nhân thế tồn lưu.
a.
Tương đồng
Sự
đóng góp của lớp nhà văn di cư và sự dịch chuyển sang hệ hình văn học hiện đại
chủ nghĩa sau biến cố thời đại, là nét tương đồng dễ nhận thấy của văn học Đài
Loan thập niên 1950-1980 và văn học đô thị miền Nam 1954-1975. Nguyễn Hiến Lê bàn
về mối tương quan giữa văn học Hoa lục và đảo Đài Loan như sau: “Ông (tức Hạ
Tế An – VQV) phân tích tình hình văn học trong mười năm 1949-1958; đọc xong
chúng ta có cảm tưởng rằng trên Hoa lục, phong trào văn nghệ rầm rộ bao nhiêu
thì ở đây quang cảnh lặng lẽ bấy nhiêu, không khác gì ở miền Nam nước Việt
chúng ta này. / Ở bên kia nhà cầm quyền coi văn nghệ là lợi khí của chính trị,
chỉ huy văn nghệ nhưng cũng đặc biệt khuyến khích văn nghệ; ở đây (Đài Loan)
nhà cầm quyền lưng chừng, không ra chỉ thị cho văn nghệ sĩ, nhưng vẫn hô hào họ
chống Cộng, và họ chống hay không thì cũng mặc; mà cũng không phải là cho họ tự
do hẳn, vẫn kiểm duyệt đấy nhưng cơ hồ như không có đường lối. Ở bên kia, nhà văn
hoặc được đề cao rất mực, hoặc bị trừng trị rất gắt; mỗi hành động bị theo dõi,
mỗi hàng chữ bị phân tích; ở đây họ muốn viết gì thì viết, miễn đừng “làm rộn”
chính phủ; họ sống ra sao thì sống, chính phủ không biết tới, và họ có “đầu độc”
thanh niên hay không, chính phủ cũng chẳng cần xét” (Nguyen, 1969,
pp.149-150). Lấy vấn đề ràng buộc giữa văn học và chính thể để đánh giá đời sống
văn chương, hẳn ta sẽ thấy đồng cảm với Nguyễn Hiến Lê; thấy rằng, ngẫm ngợi về
văn chương Đài Loan trong mười năm đầu sau di cư, rất có lý. Nhưng nếu ta đứng
trên lập trường tự do và ý hướng chuyển biến trong chính tâm tưởng người cầm
bút (nỗi băn khoăn trăn trở của người cầm bút đối với hành động viết), ta sẽ thấy
trong khi văn học Hoa lục vận động bởi sự thúc đẩy của ngoại lực (chính thể)
thì ở Đài Loan, văn chương vận động bởi thúc đẩy nội tại của cuộc nhân sinh và ý
thức người cầm bút. Ở góc độ này, ta thấy văn học Đài Loan thập niên 1950-1960
với văn học đô thị miền Nam 1954-1975 tương đồng tâm thế và hoàn cảnh sáng tác,
nhất là nhận thức nhân sinh nội tại của người cầm bút (đây là nguồn cơn dịch
chuyển hệ hình văn học). Vấn đề không gói gọn ở chỗ quản lý định hướng hay tự
do sáng tác. Văn giới Đài Loan lẫn văn đàn miền Nam đều bị kiểm duyệt (ở mức độ,
hình thức khác nhau), cốt lõi chỗ tâm thế đưa tới ý hướng nhận thức cuộc nhân
sinh. Một bên mang ý hướng phản ánh, quan
tâm, bận lòng, cảm hoài, nhức nhói phận người của văn giới Đài Loan và đô thị
miền Nam ; một đằng gánh vác ý hướng cách mạng vô sản trong văn học Hoa lục và
Bắc Việt. Thời cuộc xác lập thân thế và tâm thế sáng tác khác nhau, tạo ra ý hướng
trổ ra “bản diện” riêng biệt. Như vậy, ta chẳng nên lấy lập trường của bên nào,
chẳng thể phán xét bằng cấp độ, không nên đánh giá qua khung tham chiếu nào, mà
hãy đặt mỗi khu vực văn học trong chính sự khác biệt, để nhìn thấy đóng góp và
thành tựu của mỗi đối tượng. Về phía văn học Đài Loan thập niên 1950-1980 với
văn học đô thị miền Nam 1954-1975, ý hướng sáng tạo và sự tương đồng trong việc
dịch chuyển hệ hình văn học hiện đại chủ nghĩa hướng đến cảm nhận cuộc nhân
sinh, tạo ra bức tranh chữ nghĩa đa dạng nhiều màu sắc. Bức tranh ấy là dấu vết
cho thấy con người đã và đang sống để bày ra cuộc diện như thế nào trên cõi trần.
Sau rốt, chỉ còn sự có mặt và cách thế có mặt của của nhân tính trên cuộc thế.
Sự khác biệt đó chẳng gây chia cách mà còn tái kết, cùng ‘khóc ròng’ cho thảm
trạng nhân sinh mà đồng loại chúng ta đã bày ra trên mặt đất; để bàng hoàng tự
hỏi: ta đã làm gì cuộc đời ta ?
Đoạn
tuyệt với văn học truyền thống, tiếp biến văn học phương Tây: “bứng trồng
ngang” và “nhập khẩu chữ nghĩa”. Khái niệm truyền thống hiểu theo nghĩa tương đối.
Bởi vì, vốn liếng văn học sau quang phục và “tàn dư chữ nghĩa” tháo chạy đến đảo
Đài Loan sau 1949, không đủ sức chuyển tải tâm hồn con người thời bấy giờ. Văn
giới Đài Loan mà cụ thể Bạch Tiên Dũng và nhóm VHHĐ đã nói lời đoạn tuyệt với
văn học truyền thống (tức văn học đại lục), và văn học mới thời Nhật chiếm
đóng. Trong khi đó, văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng tiếp nhận trí thức
văn sĩ Bắc Việt. Trong đó, nhóm Sáng Tạo nổi lên, đề xướng quan điểm đoạn tuyệt
với văn học truyền thống, tức văn học tiền chiến. Cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo
mà ở đó Mai Thảo đóng vai trò chủ chốt, còn Thanh Tâm Tuyền là tiếng nói đoạn
tuyệt mạnh mẽ nhất. Rốt cuộc nhóm Sáng Tạo đã xác định lập trường rạch ròi với
văn học tiền chiến: “Chúng ta đã làm một cuộc thanh toán với thế hệ trước
qua việc xác định lại giá trị đích thực của văn chương nghệ thuật tiền chiến.
Chúng ta đã kiểm điểm nhận định trong ý thức hoàn toàn chủ quan của thế hệ
chúng ta với mục đích và hy vọng duy nhất: Cùng với nhau bỏ những ám ảnh quá khứ
để nhìn vào thực trạng, khởi mở một con đường tiến tới nghệ thuật hôm nay. Có
thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng
ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hóa của nghệ thuật. Nghệ
thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo” (Mai et al.,
1965, p.47.). Trùng hợp hơn, quan điểm này của nhóm Sáng Tạo vào 1960, cũng là
năm đầu tiên phát hành Tạp chí VHHĐ. Cho tới nay, thế hệ sau VHHĐ ở Đài Loan đã
tiến bước vào thời hậu công nghiệp, còn văn chương Việt Nam hiện thời hồ như vẫn
chưa dứt khoát làm cuộc đảo hoán. Nhìn chung, Bạch Tiên Dũng cũng như Mai Thảo
có thái độ hài hòa trong văn khí, văn luận lẫn thái độ sống (trong khi Thanh
Tâm Tuyền và Vương Văn Hưng có vẻ “táo bạo” và triệt để hơn). Mặc dù tiếp thu
quan điểm văn chương phương Tây nhưng dường như cả Mai Thảo lẫn Bạch Tiên Dũng
(Le, 2006, p.70) trong cốt tủy vẫn gắn liền với ký ức năm cũ và chất lãng mạn
trữ tình lẫn ưu tư thân phận khá tương đồng (Mai Thảo vẫn day dứt với Đêm
giã từ Hà Nội, và BTD đau đáu trong Người Đài Bắc về quá khứ ở đại lục).
Việc tiếp thu chuyển hóa văn học Tây phương không có nghĩa phủ nhận sạch trơn ký
ức văn nghệ dân tộc trước đó. Văn chương Mai Thảo và Bạch Tiên Dũng là bước
chuyển của thời đại bão táp và sự kết hợp của lãng mạn và thân phận.
Tương
đồng về sự phát triển chủ nghĩa hiện đại và sự trở mình “đô thị hóa” tại miền
Nam Việt Nam và Đài Loan. Tuy rằng nguyên do, hình thức và chừng mực đô thị hóa
ở hai khu vực là khác nhau nhưng dưới ảnh hưởng của việc đô thị hóa (ít nhiều
có sự viện trợ của Hoa Kỳ), tầng lớp văn sĩ mới xuất hiện cùng với lớp nhà văn
di cư đã thành danh trước đó, đồng thời xuất hiện tầng lớp độc giả mới, lại
thêm những điều kiện ngoại giao hỗ trợ gặp gỡ giao lưu văn hóa – văn học nước
ngoài. Xét kỹ hơn, ta nhìn thấy việc phủ nhận tiền chiến của Mai Thảo cùng những
bạn văn Sáng Tạo, kỳ thực là một hình thức phản tiếp nhận để tiếp bước con đường
mà thế hệ tiền bối đã khai mở từ nửa đầu thế kỷ XX. Trong khi đó, nền văn học
thời Nhật chiếm đóng sau khi Đài Loan quang phục để lại một khoảng trống mà ta
chỉ có thể nói tới chất trữ tình trong văn xuôi Đài Loan từ cuối thập niên
1950-1960. Thực trạng văn học đầy gian khó sau khi quang phục, khiến cho văn
xuôi Đài Loan triển ra nhiều phương hướng văn học khác nhau (như đã nói ở mục
trước). Cho nên, bên cạnh tương đồng, hẳn vẫn có tương biệt.
b.
Tương biệt
Dẫu
rằng cùng quay lại với thân phận con người bằng đường hướng suy tưởng và cách
thức phản ánh của văn học hiện đại phương Tây nhưng chiều hướng vận động này ở
Đài Loan và đô thị miền Nam Việt Nam có khác nhau. Việc dịch thuật in ấn, xuất
bản các tác phẩm Tây phương (cả thơ lẫn văn xuôi) đã có dòng chảy đều đặn trong
văn giới Việt Nam, và khi di cư vào Nam, việc dịch thuật in ấn xuất bản văn học
phương Tây nói riêng và văn học thế giới nói chung càng được phát đạt, mở rộng;
tình hình này ở đảo Đài Loan không thuận tiện lắm. Bởi sự đứt gãy địa chính trị,
văn giới Đài Loan hầu như bắt đầu lại từ đầu và theo góc nhìn của Hạ Tế An (Nguyễn
Hiến Lê có nhắc tới), cho là thiếu đứng đắn, nhưng không thể phủ nhận, thành tựu
sau đó của văn chương Đài Loan, giả tỷ có đạt được ít nhiều đóng góp thì công sức
của việc tiếp thu và du nhập “thiếu đứng đắn” văn học tiền vệ Tây phương của một
số người như Bạch tiên sinh và nhóm VHHĐ, cần phải được ghi nhận ở hàng đầu
(Nguyen, 1969, pp.154-155).
Bước
đầu, ta có thể tạm nhận thấy văn chương đô thị miền Nam có điều kiện thuận lợi
hơn văn giới Đài Loan trên phương diện dịch thuật, giới thiệu, biên khảo. Văn
giới đô thị miền Nam đã mang theo dòng chảy tiền chiến vào Nam, và tiếp bước
quá trình đó để chủ nghĩa hiện đại Tây phương tiếp nối những gì mà chủ nghĩa
lãng mạn, tượng trựng, siêu thực, tự nhiên, hiện thực, … tiếp tục phát triển và
tiến bước đến thơ siêu thực, thơ lập thể, thơ tân hình thức (Vo, 2013), văn
xuôi hiện sinh, phản văn xuôi (Vo, 2021, pp.153-171), …. Được đâm chồi nảy lộc.
Trong khi, văn giới Đài Loan hầu như bị đứt lìa với vận động văn học trước 1949
(nhất là ba thập niên 1910-1940) (Nguyen, 1969, p.155). Nhưng điều bất lợi này
của văn học Đài Loan không hạn chế thành tựu của giai đoạn văn học sau đó (giai
đoạn thập niên 1950-1980) mà ngược lại, càng thúc đẩy quyết tâm tiến bước tiệm
cận với văn học thế giới; minh chứng là những gì mà Bạch tiên sinh và nhóm VHHĐ
đã nghĩ và.
Bằng ấy ưu tư từ góc nhìn cá nhân khó thoát khỏi đôi chỗ chủ quan, nhưng nếu sợ chê bai, sợ thiếu sót cứ đứng ngó làm ngơ, giữ vẻ đạo mạo mực thước khép miệng làm thinh, dễ sa vào chỗ ‘vô tích sự’. Thôi thì đành làm kẻ ngông cuồng, lấy sự thành thực của mình, lạm bàn đôi ba điều quẩn quanh, ngõ hòng khơi gợi ít nhiều tâm tưởng cộng thông với tha nhân. Đồng điệu, phản bác, bồi dung, … dẫu gì đi nữa, cũng đã “đánh động” bằng sự “đánh liều” của riêng mình để kết nối với vô lượng tấm lòng thiên hạ, trông mong nhiều hồi âm chỉ giáo.
3. Vài lời kết
Suốt
quá trình hiện đại hóa, văn học Đài Loan liên hồi giằng co giữa hai ý hướng chủ
đạo: tái kết đại lục hay nâng cao tính khu vực đi tới nền văn học quốc gia. Minh
chứng lịch sử đã cho thấy, hòn đảo ngày càng tách biệt với đại lục, thói duy ý
chí không thể ngụy biện che đậy mong muốn thực sự của người dân hòn đảo. Nhất
là từ thế hệ nhà văn thứ hai sau di cư trở đi, xu hướng dân chủ tiến bộ tiệm cận
với văn học thế giới ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, tính chất địa phương, khu vực
hay tính bản địa dần lớn mạnh, cổ xúy chung tay xây dựng nền văn học độc lập
Đài Loan trong bức tranh toàn cảnh văn học Đông Á hiện đại.
Văn
học mới thời Nhật trị đến văn học sau di cư (nhất là thế hệ BTD), văn giới Đài
Loan trải qua quá trình dịch chuyển hệ hình văn học trên nhiều phương diện (thực
tiễn xã hội, lực lượng sáng tác, tư duy nghệ thuật, nội dung phản ánh, phong
cách nghệ thuật, thể loại, người đọc, …). Từ đó, văn giới hòn đảo tiếp tục vận
động, nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy văn học thế giới. Song hành quá trình
đô thị hóa, dần đến hậu công nghiệp, văn giới Đài Loan lại tiếp tục dịch chuyển
hệ hình vào quá trình đa trị/đa chủng/đa nguyên của thời hậu hiện đại. Xã hội
và văn học dần bộc lộ nhiều vấn đề hiện hữu thuộc về tiểu tự sự tới đa tự sự; trong
đó có vấn đề nhân tính và thân phận du mục hậu công nghiệp, giới tính, môi trường.
Nghiệt
tử
hay chuyện những người đồng tính nam buồn bã trong bối cảnh Đài Bắc thời đô thị
hóa, thiết chế xã hội cũ sụp đổ đồng thời bi kịch mới nẩy nở trên đống đổ nát của
thời đại bão táp. Không riêng người đồng tính Nam ở Đài Bắc, Nghiệt tử đặt
ra vấn đề diễn ngôn giới của tiểu tự sự dần trở thành đa tự sự. Thời hậu công
nghiệp biến con người trở thành kẻ du mục trong đô thị, ngày càng trực diện hơn
với khát vọng sống và hạnh phúc.
Từ
phía BTD và VHHĐ, ta có thể phát hiện vài đặc điểm văn xuôi Đài Loan thập niên
1950-1980. Tiếp nối tinh thần trữ tình lãng mạn, sự phản tư thân phận cùng đặc
trưng đô thị và đa tự sự, bộc lộ quá trình vận động liên tục về phía dân chủ tiến
bộ của người dân hòn đảo, hướng tới độc lập khẳng định nền văn học quốc gia
trong bối cảnh văn học khu vực và thế giới. Xuất phát từ tình thế và tâm thế
tương đồng, ta thử đặt văn xuôi Đài Loan thập niên 1950-1980 và văn xuôi đô thị
miền Nam 1954-1975 vào khung tham chiếu, chắc hẳn bài viết không thể bao quát
toàn bộ khía cạnh tương đồng, tương biệt. Phạm vi bài viết gợi ra vài nét so
sánh khả dĩ, qua đây gửi gắm kinh nghiệm văn chương cho văn giới Việt Nam đương
thời.
Bởi nhiều hạn chế khách quan và chủ quan, nhất là hạn chế tài liệu và tham vấn chuyên gia, bài viết thiên về ý nghĩa khai mở mối quan hệ giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung giữa Việt Nam và Đài Loan hiện nay.
Rất mong nhận được phản hồi, chỉ giáo của mọi người, trân trọng!
Võ Quốc Việt
CRYSTAL BOYS of PAI HSIEN-YUNG and MODERN TAIWANESE PROSE in the 1950s-1980s
Abstract
Through “Crystal Boys” by Bai Xianyong (Pai Hsien-Yung / Kenneth/ 白先勇) , the article outlines and indicates the movement process of modern Taiwanese literature. Based on the postmodern narrative standpoint, we clarify some aspects of Taiwanese modern prose in the 1950s-1980s. Since then, the method of literary analysis and comparison aims to detect similarities and differences of prose between modern Taiwanese literature and the Southern Vietnamese urban literature (1954-1975) (in the case of Bai Xianyong with the Modern Literature Magazine and Mai Thao with the Magazine of Creativity). This research paper can give a better insight into Bach Tien Dung's literary career and the magnitude of the novel Crystal Boys; at the same time contribute to bringing Taiwanese literature closer to Vietnamese readers, as well as suggesting a broader view of the literary modernization process in East Asia during the second half of the twentieth century.
Keywords: Bai Xianyong/Pai Hsien-Yung; Postmodern; Crystal Boys; Modern Literature Magazine; Modern Taiwanese literature.
[1] 杨逵主张
"文学是人生的反映 , 人生又那么复杂 , 我们不仅在文字上用功夫 , 更要为认识人生社会的奧秘而努力”.
[2] Tiểu thuyết Nghiệt
tử (孽子;
Nièzǐ) xuất bản 1983; Phim điện ảnh: Nie Zi / The Outsiders/Outcast (Chinese
with English subtitles) ra đời năm 1986; Chuyển thể thành phim truyền hình năm
2003; Dàn dựng thành kịch sân khấu năm 2014.
[3] Có lẽ Lê Huy Tiêu
nhầm lẫn. “Người Đài Bắc” không phải tiểu thuyết mà là tập truyện ngắn gồm 14
truyện ra đời khoảng những năm 1960 ấn hành năm 1971.
Comments
Post a Comment