Skip to main content

“AI” CÓ PHẢI MỘT VẤN ĐỀ VĂN HỌC?

 

Loạt bài: TỪ DỊCH NHÂN LUẬN ĐẾN HẬU NHÂN LUẬN

***

Kỳ 1: “AI” CÓ PHẢI MỘT VẤN ĐỀ VĂN HỌC?

(Võ Quốc Việt)

*

Khoa học công nghệ làm thay đổi điều kiện nhân sinh, kéo theo sự thay đổi nhân luận. Nên chăng, hiểu hậu nhân luận như bước diễn tiến của chủ nghĩa nhân văn hơn là sự đạp đổ/phủ định/bôi xóa. Có lẽ nên hiểu, hậu nhân luận như luận thuyết về vấn đề nhân bản/nhân tính trong điều kiện hậu công nghiệp. Cũng có thể xem nó là bản tường trình đương đại và viễn cảnh của chủ nghĩa nhân văn trong tương lai.

1. Có hay không “dịch nhân luận”?

Dịch nhân luận (transhumanism) là gì? Thuyết này bàn đến sự dịch chuyển/biến đổi cả tồn tại sinh học và tồn tại xã hội của con người trong điều kiện bị/được ảnh hưởng bởi khoa học công nghệ hiện đại[1]. Sự biến đổi điều kiện nhân hình-nhân tính dẫn tới biến đổi quan niệm về nhân bản. Dịch nhân luận căn bản thể hiện quan niệm về sự gia tăng và mở rộng quan niệm về con người, tức sự gia tăng/mở rộng nhân hình-nhân tính (từ N thành N’, từ nhân thành dịch nhân; và từ NHÂN đến HẬU NHÂN). Dù muốn dù không, sự phát triển khoa học công nghệ đã làm thay đổi toàn diện đời sống con người. Không có gì kỳ lạ khi nhận ra quan niệm người “trượng phu” trung đại quá khác biệt với quan niệm “công dân toàn cầu”, hay quan niệm “tao nhân mặc khách” với hình tượng “play boy” thời nay. Chỉ ra sự khác biệt hầu như hẳn nhiên và tất yếu này nhằm để nói đến quá trình dịch nhân cũng tất yếu và hẳn nhiên tương tự, để không ai phải ngờ ngợ, ngỡ ngàng hoặc nghi ngại khái niệm dịch nhân và dịch nhân luận. Điều này buộc chúng ta phải thừa nhận: nhân đã thành ra “dịch nhân” hoặc chí ít đã trở nên nhân hình-nhân tính khác. Biến đổi (thậm chí cực đoan hơn là đột biến) tất yếu và cần thiết cho sự phát triển. Phát triển vừa kết quả diễn hiện vừa khả lực tiềm tàng. Hẳn nhiên, biến đổi này cũng bao gồm cả nguy cơ khôn lường. Vấn đề dịch nhân luận khởi đi từ điều kiện nhân hình-nhân tính mới để xây dựng hệ thống quan niệm khác về con người với tất cả vận động đa dạng của nó trong điều kiện mới (cả cơ hội và thách thức). Trong đó, trọng tâm cứu xét nằm ở biểu hiện nhân hình, vận động nhân tính của hậu nhân, mở rộng khái niệm “nhân” tức là mở rộng khái niệm “nhân giới”. Người bây giờ gồm cả ý nói đến: chủng người mới, tổ hợp cơ giới điều khiển, thực thể kỹ thuật số độc lập, …

Như vậy dịch nhân luận và hậu nhân luận động chạm đến vấn đề căn cơ của định dạng nhân tính, không lý nào không can hệ đến sự phản ánh người và nhân sinh của văn học, và hẳn nhiên có thể can hệ đến nhãn quan tiếp cận văn bản văn học.

2. Dịch nhân và hậu nhân?

Vấn đề xác định khái niệm có vai trò tiên quyết và rất ngặt nghèo. Nhưng nên chăng, sự xác định dịch nhân và dịch nhân luận với hậu nhân và hậu nhân luận nằm ở mối tương quan của các khái niệm. Xác định mối tương quan của các khái niệm góp phần xác định khái niệm; chứ không thể định danh khái niệm theo lối “khu biệt hóa” hay “bỏ vào ngoặc” hay đưa khái niệm đó vào “phòng thí nghiệm”. Mỗi người có thể đặt khái niệm ấy trong điều kiện khởi sinh, nhìn nhận mối tương quan giữa chúng (nhânàdịch nhânàhậu nhân) trong quá trình vận động biểu hiện để xác định các khái niệm kéo theo. Thiết nghĩ, đó là cách định danh khả dĩ phù hợp.

Lẽ đó, dịch nhân luận tập trung nhiều hơn vào quá trình dịch chuyển/nguyên do dịch chuyển của NHÂN thành HẬU NHÂN. Trong khi đó, hậu nhân luận tập trung nhiều hơn vào viễn tượng khả dĩ của NHÂN trong tương lai. Ở khía cạnh này hậu nhân luận ít nhiều nằm trong phạm vi tương lai học (futurology). Nhưng điểm chung, cả dịch nhân luận và hậu nhân luận đều là sự “cách tân/tái tân” chủ nghĩa nhân văn.

Liệu việc này có cần thiết không? Có lẽ không bắt buộc bàn đến tính cần thiết của những bàn luận về dịch nhân và hậu nhân. Bởi vì vấn đề ấy đã và đang hiện diện “sát nách” trong cuộc sống nhân loại (sự thay đổi phương tiện và cách thức liên hệ người, phương pháp đông xác (cryonics), công nghệ gen, công nghệ nano, người máy, trí tuệ nhân tạo, …). Dù gì cũng không thể loại trừ biểu hiện và vận động “dịch nhân” trong cuộc sống thường nhật (trên cấp độ vi mô lẫn vĩ mô). Không nhất thiết đặt ra câu hỏi cần phải “tái tân” nhân văn chủ nghĩa hay không, mà cần thiết xác định nên xuất phát từ lập trường-nhãn quan nào cho việc thiết lập quan niệm về dịch nhân và hậu nhân. Vấn đề xác định nhãn quan tiếp cận còn “chí tử” hơn chính đối tượng tiếp cận. Bởi vì từ nhãn quan/lập trường mà dịch nhân hay hậu nhân có thể hiện ra như cánh cửa hoặc nấm mồ.

3. Tại sao phải đồng thời bàn đến dịch nhân luận và hậu nhân luận?

Nếu tách rời dịch nhân luận và hậu nhân luận, bạn đọc dễ nhìn nhận hậu nhân luận như một hệ thuyết hàm hồ, giả tưởng hoặc chỉ là thói viễn vông của một số học giả/khoa học gia mơ mộng. Hệ quả này khởi đi từ chỗ dịch nhân luận bám sát trên phương pháp nghiên cứu khoa học thực chứng và nghiên cứu trên tình trạng/bối cảnh/điều kiện phát triển kỹ nghệ mà con người dễ dàng nhìn thấy (dễ thuyết phục) hơn là nghiên cứu hậu nhân (vốn ít nhiều hướng đến viễn cảnh khả dĩ). Do đó, nếu tách rời hậu nhân luận và dịch nhân luận thì bạn đọc có thể đi đến chỗ phủ nhận khái niệm “hậu nhân”.

Một lý do nữa, khiến cho hậu nhân luận ít được phần đông người chấp nhận: Dịch nhân luận cho thấy niềm tưởng lạc quan vào sự phát triển kỹ nghệ (chí ít là mọi người dễ nhìn thấy ích lợi của công nghệ đối với sự phát triển đời sống con người), trong khi hậu nhân luận gợi ra nhiều nguy cơ tiềm tàng về viễn cảnh nhân sinh rủi ro. Thế nên, hậu nhân luận dễ bị đánh đồng với khoa học giả tưởng và thiên về hư cấu nghệ thuật hơn là vấn đề khả tín. Tuy nhiên, nếu bạn đặt dịch nhân luận và hậu nhân luận trong mối quan tâm đồng thời, bạn có thể nhận thấy ích lợi của việc này ở hai khía cạnh: (1) khiến dịch nhân luận trở thành kiểu xuyên vượt nhân luận (hyper-humanism); (2) khiến hậu nhân luận có thể tái thiết nhân bản luận (humanism).

Mở rộng ra, nhân bản luận (humanism) – dịch nhân luận (transhumanism) – hậu nhân luận (posthumanism) biểu thị tương liên biện chứng, cho thấy vòng khép kín hữu cơ cần thiết cho sự vận động nhân tính trong các điều kiện nhân giới khác nhau. Mà dịch nhân luận và hậu nhân luận (xét trên phương diện chức năng) chính là tái nhân tính hóa (rehumanization). Vòng khép kín hữu cơ ấy cũng biểu hiện đặc trưng của Thế nhân sinh (Anthropocene). Trong đó, chức năng nhân bản luận: kiến thiết định vị nhân tính và giá trị nhân tính; chức năng dịch nhân luận: thúc đẩy biến đổi nhân tính và hệ giá trị nhân tính; chức năng hậu nhân luận: tái nhân tính hóa dựa trên tái nhận thức nhân tính và giá trị nhân tính, hướng đến nền nhân tính mới/nhân bản mới. Vòng lặp này không chỉ đang diễn ra, mà đã từng diễn ra không ít lần.

Thiết nghĩ, tương quan nhân bản luận-dịch nhân luận-hậu nhân luận và cơ chế tái nhân tính hóa nên được chú ý trong việc cứu xét văn bản văn học trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn và văn hóa bản địa.

4. Phân kỳ dịch nhân luận và hậu nhân luận?

Hẳn nhiên quan niệm dịch nhân và hậu nhân đã tồn tại trong cách thế khác nhau, rải rác tư tưởng Đông Tây xưa nay. Thế nhưng các học giả Tây phương cho rằng nền tảng tư tưởng cho dịch nhân luận và hậu nhân luận khởi đi từ thời kỳ Khai sáng[2]. Việc này xem như cách để các học giả “thuận tiện” tiếp nối quan niệm nhân bản. Điều đáng quan tâm hơn, chính là: ngay ở đỉnh cao chói lọi của nhân bản luận thì mầm móng của dịch nhân và hậu nhân đã khơi mào. Giai đoạn kịch liệt của mối quan tâm về dịch nhân và hậu nhân có lẽ khởi đi từ sau thế chiến thứ II với nạn diệt chủng, chiến tranh ủy nhiệm và các biến động địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới. Nhất là trong cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh, song hành quá trình phát triển như vũ bão của khoa học kỹ nghệ hiện đại. Cho đến nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ nghệ ngày càng rộng mở, tốc độ ngày càng nhanh chóng. Nhất là từ thập niên 1990 trở đi[3]. Dựa vào đó, tạm có thể hình dung: Nhân bản luận (Trước và trong thời kỳ Khai sáng); Dịch nhân luận (Sau khai sáng tới Liên Xô sụp đổ); Hậu nhân luận (Sau khai sáng tới Liên Xô sụp đổ đến nay).

Quả thực, quá trình định danh-phân kỳ nhập nhằng và chồng lấn. Việc phân chia này mang tính tương đối không hoàn toàn rạch ròi mốc thời gian. Việc phân kỳ như vậy dựa trên nguyên động lực trong thực tiễn dẫn đến mối quan tâm và hoạt động nghiên cứu, đưa tới sự định hình của các vấn đề. Nhất là mối quan hệ song hành-đồng thời-gắn liền nhưng cũng có sự phiên biệt nhất định giữa dịch nhân luận và hậu nhân luận.

5. Dịch nhân luận, hậu nhân luận và nghiên cứu văn học nghệ thuật?

Một trong số nguyên nhân khiến công chúng quan tâm nhiều hơn đến dịch nhân luận và hậu nhân luận là trào lưu văn chương khoa học khoảng thập niên 1980. Nhiều sáng tạo văn chương khoa học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ gen, người máy, người nhân bản, … Chẳng hạn: Seth McEvoy với Not Quite Human (1980); Lawrence Watt-Evans với The Cyborg and the Sorcerers (1982); William Gibson với Neuromancer (1984), Bruce Sterling với Crystal Express (1989) … Trong điện ảnh, có một số bộ phim như: Cyborg 009: Legend of the Super Vortex (1980); Heartbeeps (1981); Blade Runner (1982); Born in Flames (1983); Tetsuo: The Iron Man (1989); ... Tất nhiên, những sáng tạo này không góp phần định hình khung khái niệm của dịch nhân luận như một hệ thuyết khoa học nhân bản nhưng đã góp phần truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu dịch nhân. Một số quan điểm xác định nguồn cơn hậu nhân luận khởi đi từ một số “chất điểm” tư tưởng trên chu trình vận động tư tưởng Tây phương, chẳng hạn như: Stefan Herbrechter xác định hậu nhân luận khởi đi từ quan điểm tái thiết hệ giá trị của Nietzsche và xem Nietzsche như người phát khởi không mấy dễ chịu của hậu nhân luận[4]; Neil Badmington xác định hậu nhân luận từ xã hội học Karl Marx và tâm lý học Freud[5]; hay Pramod K. Nayar xác định hậu nhân luận từ sự khởi xuất và cấu thành của các diễn ngôn gồm hậu cấu trúc luận, nữ quyền luận, thuyết đồng giới và khoa học kỹ nghệ[6]. Chỉ đến thập niên 1990, các vấn đề khái niệm, hoạt động tổ chức nghiên cứu ứng dụng phát triển rộng rãi thì dịch nhân luận coi như đi vào giai đoạn mới. Kể từ đây dịch nhân luận ngày càng khác đi so với niềm tin tưởng lạc quan ban đầu của các nhà dịch nhân khai mở. Bởi các tổ chức (như World Transhumanist Association/WTA chẳng hạn), đi vào phát triển thuyết dịch nhân đồng thời nhận diện và đối diện kịch liệt với các trở ngại và hệ lụy của lĩnh vực này.

Điều này cũng có nghĩa, khoa học văn học trong hệ thống khoa học nhân văn nói chung không thể không can hệ trong thực tiễn biến đổi nhân hình-nhân tính hôm nay. Dịch nhân luận và hậu nhân luận vừa như thực tiễn cần phản ánh trong văn chương vừa như hệ thống nền tảng lý luận cho việc nghiên cứu. Minh chứng là hàng loạt công trình đầu thế kỷ XXI, như: The New Human in Literature: Posthuman Visions of Change in Body, Mind and Society after 1900 (2013)[7]; Posthumanism in literature and ecocriticism (2016)[8]; Posthuman spaces of relation: Literary responses to the species boundary in primate literature (2016)[9]; The Posthumanist Methodology in Literary Criticism (2020)[10]; …

*

Dẫu không hoàn toàn rạch ròi nhưng chí ít cũng có sự phân định tương đối ranh giới dịch nhân luận và hậu nhân luận. Khởi đầu dịch nhân luận phác họa và hướng đến viễn tượng duy trì nhân tính với môi trường xã hội thuận lợi hơn cho sự tiến hóa tâm linh. Nhưng dần dà (nhất là trong thời chiến tranh lạnh), khoa học kỹ nghệ lại vượt qua ranh giới sinh học, ranh giới cơ học trong việc nhìn nhận nhân tính, khiến cho hệ giá trị nhân tính ít nhiều phá sản – đây cũng là bước ngoặt đẩy tới Hậu nhân luận bởi sự ra đời bán nhân (cyborg), vô tính nhân (Clone), hợp nhân/người hỗn hợp, hay có thể nói là một dạng phức tạp khó phân loại hơn; nhất là trí tuệ nhân tạo.

Điều thú vị đó là: văn học (dòng văn học khoa học viễn tưởng) đã truyền cảm hứng cho các nhà dịch nhân luận và các nhà hậu nhân luận để từ đó các nghiên cứu dịch nhân và hậu nhân được ứng dụng vào nghiên cứu văn học nghệ thuật và các phương diện nhân tính nói chung. Văn học nghệ thuật quả thực vừa chất xúc tác vừa một trong số đối tượng cho sự nghiên cứu dịch nhân và hậu nhân hôm nay.

Rừng Dầu, 11/06/2023

Võ Quốc Việt

Tham khảo

·         Badmington, N. (ed., 2000). Posthumanism. New York: Palgrave.

·         Herbrechter, S. (2013). Posthumanism: A Critical Analysis. London et al.: Bloomsbury.

·         Iovino, S. (2016). Posthumanism in literature and ecocriticism. Relations, 4(1), 11-20.

·         Kowalcze, M. (2020). The Posthumanist Methodology in Literary Criticism. Forum for World Literature Studies (vol. 12, no. 4, Dec. 2020), pp. 707-721.

·         Nayar, P.K. (2013). Posthumanism. Cambridge et al.: Polity Press.

·         Ranisch, R. and Sorgner, S. L. (eds., 2014). Post- and Transhumanism: An Introduction. New York: Peter Lang Edition.

·         Rosendahl Thomsen, M. (2013) The New Human in Literature: Posthuman Visions of Change in Body, Mind and Society after 1900, London: Bloomsbury.

·         Villanueva Romero, D. (2016). Posthuman spaces of relation: Literary responses to the species boundary in primate literature. Relations, 4(1), 81-94.

·         Wolfe, C. (2010). What is posthumanism? (Posthumanities series V.8). Minneapolis and London: University of Minnesota Press.

 




Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...