(Võ Quốc Việt)
***
Vì sao bạn có thể “điều trần”
Nguyễn Ngọc Tư?
Sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Tư, kể như đã hơn hai thập kỷ. Vậy là văn
chương Ngọc Tư không còn yếu tố bất ngờ và kích thích óc tò mò của bạn đọc nữa.
Đọc Ngọc Tư tức là tìm về một người quen cũ, lâu lâu trở đi trở lại trong trí
tưởng. Điều này còn có nghĩa là, văn chương Ngọc Tư (dù ít dù nhiều) cũng đã có
quá trình tác động lâu dài đến một “cộng đồng diễn giải”. Nói theo những người
trong showbiz, tức là Ngọc Tư đã có lượng fan nhất định. Do đó, ta có thể đặt
ra vấn đề: Nguyễn Ngọc Tư đã làm gì đời ta?
Chiêu thức sát thương
Nói theo kiểu Kim Dung thì đấy là chiêu thức của tiêu dao phái. Giọng
văn của Ngọc Tư thong dong, nhỏ nhẻ, hiền hậu, từ tốn, điềm đạm, thậm chí dưng
dửng đến mức ác nghiệt. Tốc độ kể chậm rãi, như thể “bạn đồng môn” lâu ngày gặp
lại, rủ nhau ra sau hè khoát nước rửa bụi đường, ngồi dưới hàng hiên rủ rỉ rù
rì ba điều bốn chuyện hồi nảy/hồi nay/hồi này. Còn nói theo Đỗ Long Vân đại hiệp
thì, Ngọc Tư cũng như Vương Ngữ Yên không hành tẩu mà thành giang hồ.
Với hành lý hư vô (khoảng 24 tập truyện ngắn/tản văn, 2 tiểu thuyết, 2
tập thơ), Ngọc Tư vẫn ở Mạn Đà sơn trang Cà Mau nhưng có thể bôn tẩu trong chốn
giang hồ. Tàng ẩn một cách tế nhị trong đó, có chút “tiếu ngạo” của Lệnh Hồ
Xung. Nhưng nét hàm tiếu của Ngọc Tư nhỏ nhẻ, không làm mếch lòng ai. Kiểu như
con Cộc cà khịa người đàn bà không biết mình đi đâu. “Đôi chân đàn bà dè dặt
bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một
cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị đòn nghe mậy". Nó dừng
lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: "Trời, vịt
gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ
vịt gì, thiệt tình” (Cái nhìn khắc khoải). Bên cạnh đó, văn chị còn có vẻ
nhu mì hồi còn son trẻ của nàng Châu Chỉ Nhược. Vẻ ngây thơ, trong sáng, có phần
dưng dửng của “Châu Chỉ Nhược” Cà Mau đôi khi khiến cho các anh Trương Vô Kỵ phải
bị thương tích. Văn Ngọc Tư thường không kích động, co giật và tung chiêu ình
ình, phô diễn nội công. Văn Ngọc Tư như Thái Cực Quyền Võ Đang, uyển chuyển, từ
tốn, bình dị, lặng lẽ. Ngòi bút tưởng chỉ lờn vờn, khều khều đôi ba chuyện
nhưng có thể hóa tán lục phủ ngũ tạng người ta. Ví như, “Con Cộc mổ vô ống
quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại
không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm
đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn
khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc
ngoái nhìn” (Cái nhìn khắc khoải). Con Vịt Cộc hay hết biết, nó nhìn ra
chiêu thức sát thương của Ngọc Tư.
Và chiêu thức Tiểu lý phi đao: tức là sao? Nghĩa là cách thức sát
thương bằng ám khí. Nhỏ, nhanh, với lưỡi sao sắc bén. Bén là vì những chi tiết
truyện. Chỉ một vết nhỏ xíu mà cứa đứt ruột người ta. Phi đao của Ngọc Tư là
chi tiết. Và Ngọc Tư phi thẳng vào người ta ở những lúc người ta ít cảnh giác
nhất. Mà cũng bởi giọng kể dìu dịu, tốc độ kể chậm rãi, nên khi Ngọc Tư ra tay,
thiên hạ thường không cảnh giác, khi phi đao cắm sâu ruột rà mới thấy thốn! “"Cậu
diện áo đầm đi dễ té, sao không mặc quần hai ống giống như con cho gọn",
tôi nói. Những câu nói nhân danh tình thâm được rải lền khên trong suốt mấy
ngày chúng tôi ở lại nhà cậu Năm”. Ngây thơ, trong sáng nhưng rất “ăn hại”,
nghĩa là không hề “vô hại”. Truyện Từ Bỏ của Ngọc Tư cơ hồ khiến người
đọc nghĩ tới Danny Boy, Nghiệt Tử của Bạch Tiên Dũng. Và những chi tiết rất hững
hờ như vậy khiến ta thấy Ngọc Tư và Bạch Tiên Dũng ít nhiều tương đồng. Nhưng
văn Bạch Tiên Dũng như cú siết của loài trăn lớn. Còn văn Ngọc Tư với nhiều chi
tiết/phi đao như hằng hà gai nhọn của loài nhím hiền lành.
Thiền hành tiếp hiện
Từ không gian mang nhiều nét đặc trưng văn hóa Nam bộ, Ngọc Tư đã miệt
mài trên một hành trình dài. Không gian truyện cho tới “Sông” và sau này là “Biên
sử nước” cơ hồ đã mở rộng đến mức phiếm định. Bạn dường thấy một chân trời “hiện
thực huyền ảo” Mỹ Latin. Nghĩa là không hoàn toàn một không gian, địa điểm cụ
thể nào. Bởi phiếm định không gian, người đọc có thể tự mình gán ghép vào chính
không gian sống của họ. Bằng sự hiệp lực của bạn đọc, không gian truyện mở rộng
ra không giới hạn.
Về thời gian nghệ thuật, hẳn nhiên Ngọc Tư đã viết về hôm qua, hôm nay
và cả ngày mai nữa. Thế nhưng dầu là chiều kích thời gian nào, thì đều là thời
gian tỉnh thức. “Trời ơi, gió này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi
đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy... Mỗi lần gió về lại
cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó
đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày
bắt đầu rụng xuống...” (Trở gió). Tỉnh thức, bất giác, hốt nhiên nhận
ra điều gì đó. Kinh ngạc với sự nhận thức ấy. Đó là thời gian khoảnh khắc của sự
bừng nở về tâm trí.
Nói theo lối Thiền sư Nhất Hạnh, ấy là thời không của sự tiếp hiện. Sống
tỉnh thức ở giây phút hiện tại, nhận ra thực tại có mặt của bản thân hết sức gần
gũi mà vốn dĩ chẳng ngờ tới. Chánh niệm vậy! “Ni cô” Ngọc Tư đã sử dụng những
“công án” rất thường tình, thậm chí xoàng xĩnh, chẳng hạn như:
- chợt biết cái mình không biết: “Ra sàn nước ngồi rửa rau, cô ngó
sông, con nước rong đang dâng lé đé thềm nhà, cô hỏi, bỗng dưng, “Nhỏ, hồi nào
giờ có qua bên sông không? Bên sông có cái gì?”. […] Cô cũng vậy, cũng hoang
mang, mình đã nghiên cứu đến nền dân trị của Mỹ rồi mà ngơ ngác trước câu hỏi
chiều nay. Câu hỏi không chỉ cho đứa cháu gái vô tư kia, mà cho cả cô, riêng
cô, vì cô” (Bên sông); hỏi về sự không biết bên kia sông, cũng tức là bước
đầu khởi sinh ma ha bát nhã ba la mật đa – “Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate
Bodhi Svāhā”.
- biết lắng nghe (compassionate listening): “Đó là một người sẽ tận
hưởng được nhiều vẻ đẹp trên đời, bất kể giàu nghèo. Như má. Một người đàn bà
mà khi nhắc tên ai cũng buột miệng kèm theo mấy chữ, “sao mà biết sống quá xá”.
Cái khái niệm biết sống này cũng vô chừng, mỗi người mỗi kiểu, nhưng nhìn một
lượt, chừng như người biết sống là biết đủ. Khi đó tham vọng thôi sôi réo, họ
trọn lòng lắng nghe những tiếng thì thầm ở quanh mình” (Biết sống);
- truy vấn-trực quan bản chất (l’intuition des essences/eidetic
insight): “Thành ra đi đường là một việc mệt nhọc và cơ cực. Tỉnh táo lắm giỏi
giang lắm mới né khỏi nước miếng của người đi trước, mới không xảy ra va quẹt,
không cán phải xác chuột hay một đống cơm cặn nát, không bị kẹt cứng giữa đám
đông, hay sụp vào một ổ trâu… Về tới cổng nhà mới dám thở hắt ra tin mình còn sống.
Một mình mạo hiểm đã sợ, nhưng mỗi ngày bạn vẫn phải chở trẻ con theo. Che chắn
bề nào cũng thấy rủi. Sợ cả cái cùi bắp, vỏ dưa hấu mà người ta vô tư rải trên
mặt đường, bởi bánh xe tránh được thì bạn cũng vấp vào câu hỏi của trẻ con, sao
người lớn không tốt như lời mẹ dạy… Đôi buổi đón con tới trước nhà rồi mới
sực nhớ suốt quãng đường về mình không nói câu nào với thằng nhỏ, trời đất!
Chung một xe mà đi như những thực thể cô đơn” (Bụi đường nháo nhác);
Có thể dễ dàng tìm thấy những “công án” như vậy trong tản văn Ngọc Tư.
Có lẽ, tản văn là thể loại thuận tiện cho những suy nghĩ “bâng quơ” của Ngọc Tư
diễn hiện. Bấy giờ, sự tỉnh thức sẽ vô tình xuất hiện trong những chi tiết nhỏ
nhặt vô tình. “Đốn ngộ” lưng chừng, bất ngờ!
Ấy vậy, ni cô Cà Mau đã khiến cho bạn đọc “hốt nhiên” nhận ra một cách
vi diệu. Ấy là “liễu ngộ” trong khoảnh khắc. Ngộ liễu về tha nhân, cuộc sống và
chính bản thân mình. Nhận ra sự có mặt của mình, nhận ra mình đã làm gì đời
mình, nhận ra mình đã làm gì đời người. Ta cũng nhận ra Ngọc Tư đã làm gì đời
ta? Đặc điểm lối viết này thường thấy ở tản văn/bút ký/tạp bút của Ngọc Tư.
Càng về sau, Ngọc Tư càng có khuynh hướng ấy. Bạn đọc tìm thấy ý vị thích thú
trong khi đọc rủ rỉ từng dòng của Ngọc Tư. Không cần thiết phải đọc để theo dõi
diễn biến sự việc, coi chừng nhân vật để xem biết nhân vật đang làm gì, ở đâu,
với ai. Bởi người đọc có thể tách rời vài dòng trên trang viết để “nhấm nháp”
như một sinh thể độc lập khỏi tác phẩm chính. Ví như đôi dòng như: “Bây giờ,
quây quanh tôi bao nhiêu là người, tôi lại thèm cảnh đồng nước vắng tanh...”
(Cánh đồng bất tận); “Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức
Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba
mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái,
những ngọt ngào …” (Ba mươi); “Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi
chênh vênh lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự
nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo” (Sư tử không ăn cỏ);
“Trật vuột mãi rồi cơ mặt cũng tạo được thứ gì đó giống như cười. Tím nhận
ra nó đã quên cách hoặc chưa từng cười với chính mình, nếu có thì đã ngó thấy
chỗ trống ba cái răng để lại sâu hút, đen ngòm như đáy vực” (Chừng như thất
lạc); “Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy
bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành” (Sẹo của
nước); …. Thành ra, không lạ gì khi bạn thấy có người dùng những câu văn ấy để
làm “sờ ta tút” trên mạng xã hội!
Có người nói mặt nước tĩnh lặng thì có thể phản chiếu mây trời lồng lộng.
Người tĩnh lặng như mặt nước trong sáng có thể phản chiếu tha nhân, cuộc đời và
nhất là phản chiếu chính mình. Ngọc Tư ít nói nhiều cười, hay lủi thủi tách đàn,
ngại chụp mình mà thích chụp cảnh. Bằng cách chụp ngoại cảnh, phản chiếu ngoại
hiện, Ngọc Tư đưa vào trang viết. Càng về sau, bạn đọc càng nhận ra, Ngọc Tư
không mấy chuộng những tình tiết giật gân, không quen tạo “drama”. Hay tại vì
“thâm niên” trên đời sống, mà sức nặng thời gian chồng chất khiến cho Ngọc Tư
có cái nhìn sâu và sắc hơn hồi xưa! Không dám chắc! Bởi bạn cũng không biết chắc
hồi xưa Ngọc Tư như thế nào! Chỉ chắc rằng, các cụ cao niên mỗi sáng uống trà
có vẻ hợp để đọc tản văn Ngọc Tư. Các bạn trẻ đọc Ngọc Tư cũng hợp vậy. Nhưng
có lẽ người trẻ với độ thanh xuân đang trương nở, thường tìm thấy ở Ngọc Tư những
lời rất êm, những câu rất tình, những chữ rất thính. Còn người cao niên, trang
viết Ngọc Tư như bình trà trong trái dừa. Có đó, ấm nóng, mà hớp vào dịu mát
thơi thới bụng dạ. Chợt nhận ra “tam thiên đại thiên thế giới” trong một hớp
trà. Không phải vì trang viết của Ngọc Tư có chứa cả tam thiên đại thiên thế giới.
Mà bởi vì, Ngọc Tư biết cách ướp trà vậy! Sạp trà của Ngọc Tư có những loại như
Ô Long “Yêu người ngóng núi”, Thiết Quan Âm “Khói trời lộng lẫy”, Trà Sen “Bánh
trái mùa xưa”, Trà Gừng “Ngọn đèn không tắt”, Trà Hoa Cúc “Giao thừa”, Trà Dâm
Bụt “Hành lý hư vô”, ... Cách ướp trà của Ngọc Tư thể theo điệu cô thôn nữ vô
ngôn đưa tay chỉ trỏ mà không nói lời nào. Cũng tức là tác giả không lấy sự tỉnh
thức của mình đặt làm sự tỉnh thức của bạn đọc, mà chỉ tạo ra “thuận duyên” cho
sự tỉnh thức của bạn đọc diễn ra. Mời bạn quẹo lựa, thưởng trà!
Thuật đắc nhân tâm
Mới đầu Ngọc Tư khiến ta THỐN, kiểu như cây gai đâm vào da thịt, như dằm
xóc vào chân tay; như cơn đau quặn thốn từ ruột non dồn xuống. Vậy rồi, sau khi
thốn, bạn đọc bắt đầu THỨC. Sự tỉnh thức trong cuộc sống, trong giây phút hiện
tại bằng những chuyện rất đời thường, thậm chí xoàng xĩnh vặt vãnh. Cũng như
tách trà trong đó có cả tam thiên vũ trụ. Đó là bởi vì “cộng đồng diễn giải” của
Ngọc Tư đã hiệp sức mở ra bằng trí tưởng. Sau hết, Ngọc Tư gieo lại một niềm THƯƠNG.
Thương mến, thương cảm, thương tâm, thương hại, thương yêu, thương hận, thương
tím ruột bầm gan, hoặc là thương sương sương thôi! Dầu gì, cũng là thương! Mỗi
người thương một kiểu. Như “tôi” thương cho cha, thương thằng Điền, thương cho người
đàn bà (Cánh đồng bất tận). Hoặc như anh Quý thương chị Đậm (Giao thừa)!
Hoặc như má thương vợ của chồng má hằng bao năm hỏi thăm khắp mặt người giữa
dòng nước ba bảy chín (Dòng nhớ). Như ông già thương chị thợ gặt bị người
ta lừa tình bỏ rơi (Cái nhìn khắc khoải), hay niềm thương hôm bữa con Ý
rời xa chú Đời nó mặc áo màu xanh (Đời Như Ý); … Ngọc Tư lấy thương để
thu phục lòng người!
Như thế, có thể nói là hư chiêu vậy! Tưởng không thương mà thương
không tưởng! Có vẻ như rất dửng dưng với sự thương, cơ hồ không màng đến
thương. Cái thương trong truyện Ngọc Tư như mẻ cá kho rều rệu. Nấu nhỏ lửa, để
riu riu trên bếp. Cái thương như cơn gió thoảng ngoài, nhợt nhạt. Ngọc Tư ra
chiêu bằng cách: Gợi nhớ làm thương. Ngọc Tư đắc cái nhân tâm bằng cách khêu dậy
nỗi nhớ xa xôi nào đó trong tiềm thức. Ngay cái phần yếu đuối của hồn người. Về
khía cạnh này, có thể xem Ngọc Tư là một tay thiện nghệ trong làng “ám thị”. “Bạn
tôi nói với tôi rằng, mười mấy năm qua, mỗi lần bước vào những siêu thị hàng
hóa bày bán hào nhoáng, nó vẫn thường nhớ tới tiệm của dì Hai, nó nói có một
cái gì đó đầy sự sống, ấm áp trong cái quán bề hộn, hỗn độn của dì. Nên nhớ nhiều
lắm. Nhớ đùm cốm gạo treo trên vách, mấy cái keo đựng bánh kẹp, bánh men, cái
diệm đựng củ cải muối để kế bên rổ hột vịt” (Quán nhớ). Ngọc Tư lấy nhớ để
vây bắt hồn người!
Kết
Tựu trung, Ngọc Tư làm tê liệt “thói cảnh giác” của ta, làm ta có tâm
thế tiếp nhận phù hợp để Ngọc Tư ra chiêu sát thương. Ngọc Tư đã làm ta “THỐN”
và thổn thức bằng những nỗi đau đời mà Ngọc Tư chọn lọc, kết tinh thành những
chi tiết truyện có vẻ ngoài xoàng xĩnh. Phi đao của Ngọc Tư là những “tiểu
ngôn” không tranh phần bá đạo với thiên hạ! Nhưng chiêu ám khí của con nhím hiền
lành mới thật là kinh khiếp. Vậy rồi, sau khi làm ta thốn, Ngọc Tư làm ta THỨC.
Sự tỉnh thức trong giây phút hiện tại, trong khoảnh khắc. Những “công án” tiếp
hiện của Ngọc Tư, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Thế nên, Ngọc
Tư chỉ là mồi lửa mà người đọc cầm lấy để nhóm cháy mớ lá khô ung mục trong
lòng. Việc này ví như dọn dẹp lại hồn mình sau nhiều năm tháng “chất hằng phỉ
phong”. Cuối cùng, ni cô Cà Mau gieo lại một “chủng tủ” THƯƠNG. Như giọt máu
oan nghiệt dẫu gì cũng sẽ có tên là Thương, là Nhớ, là Dịu, là Xuyến, là Hường,
… Truyện Ngọc Tư dẫu bắt đầu với nỗi đau THỐN nhưng rốt cuộc sẽ chuyển hóa
thành niềm THƯƠNG. Ấy là phần năng lượng tích cực trong văn Ngọc Tư vậy!
Còn bạn, Ngọc Tư đã làm gì đời bạn?
Rừng Dầu, ngày
23/02/2023
Võ Quốc Việt
Comments
Post a Comment