Skip to main content

ĐẠO ĐỨC SINH THÁI NAM BỘ


 ĐẠO ĐỨC SINH THÁI NAM BỘ

(Võ Quốc Việt)

***

Bước vào địa hạt khảo cứu, Trần Bảo Định tiếp tục quan tâm vấn đề văn hóa xã hội Nam bộ (Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm). Nhà văn lần tìm “Dấu thời gian”, nhắc nhớ “Khát vọng của người xưa” trên đường kiến thiết quê hương, phát triển giống nòi. Sau nữa, ông bàn tiếp mối quan hệ giữa người với trời đất vạn vật qua tập sách Lá rụng mùa – Mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam bộ được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022.

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “đáng quý hơn cả ở tập sách Lá rụng mùa – Mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam bộ chính là Trần Bảo Định (với bản tính chân quê vốn dĩ) đã bám chặt lấy quê hương để khai thác quan niệm sinh thái của người dân đồng bằng sông Cửu Long và ông góp phần chuyển tải quan niệm sinh thái nhân văn riêng biệt của người bình dân Nam bộ hòa vào mối quan tâm chung của nhân loại về vấn nạn môi trường sinh thái hôm nay”. “Thuật nhi bất tác”, Trần Bảo Định trân quý và nhận thấy cần gìn giữ, trao truyền kiến văn của người lao động bình dân. Chính vậy, ông mang đời sống tư tưởng người dân quê Nam bộ hòa vào mối ưu tư chung của nhân loại đương thời. Nhưng tư tưởng sinh thái dân gian Nam bộ không phải hệ thống lý thuyết mà biểu hiện nhuần nhuyễn trong sinh hoạt thường nhật gần gũi, dung dị.

Với tình quê thiết tha, Trần Bảo Định mong mỏi góp sức xây dựng đạo đức sinh thái hôm nay. Lời đề từ: “Cửu Long chín cửa tiêu hai cửa/ Tiền-Hậu đôi dòng kiệt nước son” khác gì lời kêu thương đứt ruột  trước sinh cảnh quê nhà. Do đó, vấn đề xây dựng đạo đức sinh thái càng trở nên cấp thiết. Để gợi mở, Trần Bảo Định đi từ đạo đức Phật giáo đến đạo đức dân gian (từ lý Duyên khởi đến ca dao tục ngữ Nam bộ). Tuy nhiên, ông không có ý định hệ thống hóa/lý thuyết hóa quan niệm sinh thái-đạo đức sinh thái của người bình dân Nam bộ mà những mong đạo đức sinh thái đi vào đời sống thường nhật.

Cùng trở về mái gia đình, ra đồng ruộng sông nước, ngó lên vòm trời cao, ngó xuống bụi bờ cây cỏ, Trần Bảo Định giúp bạn đọc nhận ra đạo đức sinh thái trên nền nhân bản dân gian của người nhà quê Nam bộ. “Chái bếp sau hè” không chỉ văn hóa ẩm thực Nam bộ mà còn vẻ đẹp nhân văn nhuần nhị và hành vi ứng xử đạo đức với môi trường sinh thái. “Cây cỏ vườn nhà” lại khiến bạn phát hiện “toàn tâm luận” của người dân quê. Bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra cõi dân gian sống động “toàn tâm” vốn đã trải rộng khắp chốn thôn xóm quê nhà trong khi nền thực chứng phương xa vẫn còn bỏ công minh định trên phương diện học thuật.

Độc giả có thể hiểu thêm “toàn tâm luận” dân gian Nam bộ trong bài viết “Tôi viết về thiên nhiên, văn hóa và con người Nam bộ như thế nào?”. Vốn chân quê, Trần Bảo Định không khảo cứu theo lối thực nghiệm mà “cảm nghiệm”.  Ông quan sát, ghi nhận rồi nghiền ngẫm và phát hiện. “Từ chỗ cảm rồi nghiệm, tôi phát hiện điều thú vị. Người nông dân Nam bộ dẫu rằng “ít chữ” hiểu theo chuyện học vấn trường quy nhưng ngược lại, nhận thức đời sống và tự nhiên của họ có nhiều điều đáng để suy ngẫm. […] Họ chẳng khác gì “địa long”. Người nông dân ngó thấy trùn đất, rồi từ đó cảm thấu lẽ tự nhiên, tức khắc biết cách sống chan hòa với tự nhiên”(tr.248-249). Sự “cảm nghiệm” của Trần Bảo Định chỉ thành tựu một khi cộng hưởng với bạn đọc. Chia sẻ với nhà văn, bạn tự mình nhìn lại thực tiễn đời sống xung quanh. Bấy giờ, chính bạn mới là người nghiệm xác những vấn đề môi trường sinh thái trong tư tưởng bình dân Nam bộ được bàn luận trong tập sách này.

Sau hết, Trần Bảo Định vẫn giữ niềm tin tưởng bền chặt vào hằng số nhân tính, sức đề kháng cái ác và khả năng Nam bộ hóa trong đời sống con người đủ sức cảnh tỉnh nhân sinh trước thảm trạng môi trường sinh thái đương thời. “Tôi vẫn giữ lòng tin tưởng lạc quan về tương lai tươi sáng. Nhân loại sẽ thức tỉnh, đập tan được những tri kiến sai lầm liên quan đến vấn đề phát triển và vấn đề hạnh phúc mới mong tránh khỏi một “nền văn minh hủy diệt” do sự cuồng vọng của con người lập thành”(tr.262).

Trần Bảo Định gửi lại chút lòng quê và tình quê qua đôi câu thơ:

“Người lắc chuông tim nhân loại thức

Đẩy lùi cái ác cứu tương lai”.

Rừng Dầu, 10/08/2022

Võ Quốc Việt

 

Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...