VỀ ẨM THỰC TRONG
VĂN XUÔI VŨ BẰNG VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH
(Võ Quốc Việt)
“Có thực mới vực được đạo”. Ăn là sinh hoạt thiết yếu, gắn liền đời sống con người. Thiên hạ cho ăn là đệ nhứt tứ khoái. Và ăn cũng một nghệ thuật. Nên ăn biết ngon cần có thiện nghệ. Tay sành ăn có thể xem nghệ sĩ. Bắc-Trung-Nam đều có nghệ thuật ẩm thực riêng biệt, độc đáo, phong phú. Văn sĩ ba miền không ít người bàn đến chuyện ăn. Ở Bắc Việt rồi vào Sài Gòn, Vũ Bằng bàn về cái ăn từ Bắc tới Nam-có thể xem “tay sành sỏi” trong làng ẩm thực. Với bộ sách “Đất và người Nam bộ mến yêu”, Trần Bảo Định cũng khắc họa đặc sắc ẩm thực phương Nam.
1.
Ở miền Nam, Vũ
Bằng không nguôi nhớ Bắc Việt. Do đó, ẩm thực trong trang văn Vũ Bằng là sự hồi
tưởng nhung nhớ. Trong khi đó, Trần Bảo Định “nấu nướng” chủ yếu để gợi suy tưởng.
“Món ăn thể hiện tính cách con người; đồng thời, nó cũng có thể tạo nên số
phận”[1].
Thiên về kể-tả, món ăn trong trang viết Vũ Bằng nổi bật với màu sắc, hình dáng.
Vũ Bằng nhạy bén ở đôi mắt và đầu lưỡi; còn “Ông già Nam bộ nhiều chuyện” nhạy
cảm ở khứu giác và vị giác. Trần Bảo Định chú ý đến mùi và vị bởi mùi vị có thể
làm sống lại trí tưởng sâu xa. Nếu trang viết Vũ Bằng khiến độc giả thèm thuồng
và nâng cao năng lực thẩm mỹ, thưởng thức; thì trang viết của Trần Bảo Định khiến
độc giả thương cảm, suy ngẫm để rồi biết trân quý giá trị văn hóa truyền thống.
Qua ngòi bút
Vũ Bằng, ẩm thực Bắc Việt (phở, rươi, bún chả, cốm Vòng, tiết canh cháo lòng, hẩu
lộn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu,…) được khắc họa với bề dày truyền thống
thẩm mỹ. Nhà văn khai thác giá trị thẩm mỹ trong sinh hoạt ẩm thực đời thường. “Bánh
cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm
thì thanh nhẹ, mát rượi đi. Ở trong thúng, bánh được xếp thành lớp kiểu như bực
thang, trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thanh; sắc trắng của bánh nổi
lên nhưng nổi bật lên một cách hiền lành; và người ta tưởng tượng đến những người
con gái bé nhỏ đứng ở dưới tầu tiêu đẹp một cách kín đáo và lành mạnh”[2].
Ẩm thực Bắc Việt như “cấu trúc thẩm mỹ” độc đáo; trong đó, cách thưởng thức của
người ăn là một bộ phận quan trọng hiệp thành “cấu trúc thẩm mỹ” ấy. Với Trần Bảo
Định, ẩm thực còn là bộ phận trong chỉnh thể “cấu trúc văn hóa” gắn liền lịch sử
xã hội Nam bộ. Đó là những món ăn của người lưu dân mở cõi (thường tùy nghi sản
vật sẵn có; giàu tính sáng tạo, mới mẻ, tiện dụng, nhanh chóng, tức thời; có gì
dùng nấy, cây nhà lá vườn). “Riêng dân hạng cá kèo như ba con, thì cơm độn
khoai ăn với khô cá bổi hoặc đường tán…đựng bằng mo cau. Một lần má rắn mắt, cắc
cớ giở lén mo cau cơm của ba con… chỉ có năm ba hột muối, và độc nhứt cục cơm
nguội trộn khoai lang được vắt cẩn thận thiệt khéo”[3].
Món ăn Nam bộ trong văn xuôi Trần Bảo Định gồm chứa ký ức văn hóa buổi đầu “sơn
trạch” bước chân trên vùng đất mới.
2.
Như đã nói, ẩm
thực trong trang viết Vũ Bằng khởi từ tiếc nhớ! Ngay từ đầu tập “Miếng ngon Hà
Nội”, nhà văn đã thổ lộ niềm “tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn, nhưng không
còn thấy”[4]. Sự
ăn thuộc về thời quá khứ phảng phất hương vị “vang bóng một thời”. “Người ta
không nặng lắm về hiện tại, nhưng thiết tha với quá khứ hơn”[5].
Bởi quá khứ Bắc Việt với bao kỷ niệm và hình bóng người thương không mờ phai. Hẳn
bạn cũng thấy, giữa xưa và nay, Vũ Bằng có khuynh hướng ngã về sự ăn năm cũ để
mà thương mà tiếc, để thỏa nỗi nhớ nhung trỗi dậy trong lòng. Và cũng từ đó, sự
ăn thiên về thụ hưởng thẩm mỹ, biến cảm thọ ẩm thực thành nghệ thuật. Thực vậy,
“ăn đuông không phải là chỉ ăn một con sâu, nhưng là ăn cả một sự diễn tiến
của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông là ăn cả hương hoa của đất thơm, là cỏ cây
mây nước, là ăn mấy chục năm buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng”[6].
Chắc hẳn Cậu Bảy Tân ở Cổ Chiêng cũng chưa nhận ra hết tinh túy món đuông dừa
như Vũ Bằng. Ẩm thực với Vũ Bằng là hoạt động thẩm mỹ-nghệ thuật đầy thi vị. Điều
này không có nghĩa trang văn Vũ Bằng không ẩn chứa triết lý, chỉ là ý hướng chủ
đạo đi về phía “thẩm mỹ”. Trái lại, sự ăn trong văn xuôi Trần Bảo Định sống động
tươi mới ở thì hiện tại. Trần Bảo Định có khuynh hướng khắc họa sự ăn bây giờ.
Dẫu rằng “Ông già Nam bộ nhiều chuyện” không ít lần nhắc nhớ món ăn ngày xưa
nhưng ở “thì hiện tại của quá khứ” để cho bạn nhìn lại “thảm trạng” sự
ăn hôm nay. Lấy xưa nhìn nay, cốt để “hôm nay” bày ra trên bàn ăn! Bạn nếm mùi
vị món ăn không chỉ luyến nhớ, thương tiếc mà còn phản tỉnh. “Từ ăn no mặc ấm;
chuyển một cái rẹt qua ăn ngon, mặc sang thì, cái ăn đứng đầu tứ khoái có cơ
mang gây biết bao điều hiểm họa”[7].
Nhà văn Trần Bảo Định hướng sự ăn vào việc khai mở nhân sinh quan bình dân nhằm
chuyển tải triết lý của người nhà quê Nam bộ. “Con người chém giết nhau từ
cái ăn, phúc họa từ cái lỗ miệng! Biết mà vẫn phải … mới đau!”[8]. Và món cá linh hấp mía còn ẩn chứa triết lý sống
chan hòa thấm đượm nghĩa tình; hướng đến hòa hợp, cân bằng chứ không áp chế, đè
nén. Quan niệm ấy được trao truyền qua nhiều thế hệ. “Về sau, tôi mới vỡ lẽ:
“hấp, ngữ nghĩa đậm chất chia sẻ ngọt bùi. Đã là chia sẻ ngọt bùi, mấy ai phủi
đít quên lúc đắng cay! Kho, nói lên sự áp chế khắc nghiệt nhau. Đã là áp chế khắc
nghiệt nhau, thiên hạ sẵn sàng muối mặt dù tiếng đời bia miệng!”. Tưởng rằng,
“cá hấp cá kho” là câu nói hời hợt, dễ dãi của hạng dân dã; nào dè nó thiệt sâu
và thiệt sắc của hạng người từng trải chốn phong trần”[9].
Với Trần Bảo Định, sự ăn nhằm thức tỉnh và phản tỉnh!
3.
Giữa bao đổi
thay, người Hà Nội vẫn trở về với nền nếp ẩm thực xưa cũ, vốn đã thành truyền
thống khuôn mẫu, chuẩn mực. Dù cho cao lương mỹ vị phương xa cùng với đời sống
văn minh kỹ nghệ Tây phương ùa vào xứ sở thì người Hà Nội vẫn nguyên phẩm chất
trong việc ăn uống. Phố xá, nhà cửa, quần áo có thay đổi mà cái ăn vẫn thế. “Người
Hà Nội rồi cũng quay về với những món ăn cổ truyền đặc biệt Hà Nội nó làm cho
chúng ta thèm nhớ”[10].
Và có lẽ, sự ăn khiến Vũ Bằng thèm-nhớ hơn cả chính là ẩm thực gia đình bên cạnh
sự ăn ngoài hàng quán phố xa kinh kỳ. Bởi gần gũi mến thương quá đỗi, bởi gợi
nhắc bóng người tần tảo gánh gồng, lẽ đó không thể không thương nhớ. Đây cũng
là điểm chung giữa Vũ Bằng và Trần Bảo Định. Trang văn Trần Bảo Định cũng đong
đầy niềm thương nhớ với những người phụ nữ lam lũ, vất vả: bà, mẹ, chị, và nhất
là người vợ không quản cơ cực chăm lo miếng cơm manh áo cho mái gia đình. Để rồi,
Trần Bảo Định mở rộng từ ăn trong gia đình đến ăn ngoài xã hội; ăn trong lễ hội
(gà trống luộc cúng Giao thừa, cháo vịt lên nề ghe, cốm dẹp cúng Trăng,…) đến sự
ăn tâm linh tín ngưỡng (cá lóc nướng trui cuốn lá sen non cúng Thần Nông, trứng-tôm-heo
cúng Tam sênh, bánh trôi nước cúng ma da, bánh tét cúng tổ tiên dịp giỗ quải tết
nhứt, …). Thông qua trang văn, Vũ Bằng lẫn Trần Bảo Định đều góp phần phác họa
không gian văn hóa Việt thấm đẫm nghĩa tình!
Từ góc nhìn văn
hóa, bạn cũng có thể nhận ra điểm chung (cũng như nét riêng) của mỗi nhà văn. Trang
viết của họ đều thể hiện tình yêu thiết tha, chân thành với văn hóa ẩm thực dân
tộc. Vũ Bằng viết về những món ăn như phở bò, phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh
khoái, cốm Vòng, rươi, gỏi, bún chả, cháo lòng, hẩu lốn, … bằng niềm luyến nhớ,
thèm thuồng, thiết tha trở về quê cũ. “Ăn vây, ăn bóng, ăn hải sâm, bào ngư,
gì rồi cũng chán. Một buổi sáng kia, thấy nản về sự tiêu hóa, ta chợt nhớ rằng
cơm trắng vẫn là lành và hợp với tạng phủ ta. Một bát phở khói bốc lên nghi
ngút, một mẹt bún chả thơm ngào thơm ngạt, hay một đĩa đậu rán phồng nống rẫy
lên, tự nhiên là cho ta nhớ ra rằng những cái đó đã tạo nên một phần nào linh hồn
của Hà Nội; sở dĩ ta thấy không thể quên được Hà Nội cũng vì những thức ăn đặc
biệt Hà Nội đó”[11].
Nhớ ôi là nhớ! Đặc biệt Vũ Bằng còn tỏ ra am tường cả ẩm thực Bắc-Nam. Trong
khi đó, Trần Bảo Định thấu hiểu tính chất “xuyên văn hóa” trong ẩm thực Việt-Hoa-Khmer
trên vùng sông nước Cửu Long hơn ba trăm năm qua (bánh tét, lúa ma, rượu Ba
Xuyên,…).
4.
Đối với “món lạ
miền Nam”, Vũ Bằng từ chỗ kinh ngạc thành ra thích thú, khoái trá. Lẽ thường,
phàm xa lạ dễ gây tò mò; mới đầu còn quái lạ (chuột nướng than hồng nhấm rượu đế
bìm bịp, bò kiến vàng rưới mắm nêm cặp với rau thơm, hay dơi thui cắt tiết, …).
Ông chưa hiểu vì sao có sự ngược đời nào là ăn cóc, ăn rùa, ăn chuột… Ông ái ngại
miễn cưỡng nhưng một khi có dịp thưởng thức thì ngỡ ngàng nhận ra: ăn một lần dễ
ghiền như chơi! Quả thực, Vũ Bằng đã “nhập gia tùy tục” và bạn cảm nhận được tình
yêu mến vẻ đẹp quê hương miền Nam trong trang viết của ông. Một số món như canh
rùa, khô, đuông, cháo cóc, dơi huyết, bò kiến, tóp mỡ ngào đường, … không ít bạn
miền Nam đọc trang viết Vũ Bằng cũng ngỡ ngàng nhận ra sự thú vị của món ăn quê
nhà vốn quen thuộc mà ít khi chú ý tới. “Vì thế, đừng tưởng ăn thế này là ta
chỉ ăn thịt cóc mà thôi, nhưng chính là ta ăn hương thơm đồng ruộng, ăn … những
bản nhạc dân ca, ăn … bao nhiêu cuộc “ân tình” “ra rít” vào lòng…”[12].
Rõ ràng, Vũ Bằng đâu có ăn thường tình mà còn đẩy lên thành hình thức cảm thụ
thẩm mỹ của hàng tao nhân mặc khách – cái ăn của tầng lớp trung lưu trí thức.
Với Trần Bảo Định,
bạn nhận ra sự ăn của người nhà quê không thạo chữ nghĩa. Dẫu sự ăn của người
Việt-Hoa-Khmer thẩy đều là hình thức ẩm thực của người bình dân quê mùa. Nhiều
nhất là các món bánh và mắm. Mắm có: mắm ba khía, mắm còng, mắm tôm chà, … Bánh
có: bánh tét, bánh tằm xíu mại, bánh giá chợ Giồng, bánh tằm Ngan Dừa, bánh hỏi
Bãi Xàu, … Canh có: canh chua cá bống kèo với bông so đũa và đậu rồng, canh
chua lá giang; và những món chim khìa, cháo cá lóc, ốc lát xào khóm, cá linh hấp
mía, … chưa kể món ăn cúng kiếng giỗ quải. Nếu sự ăn của Vũ Bằng thuộc về người
tao nhơn mặc khách thì sự ăn của Trần Bảo Định thuộc về người nhà quê miền sông
nước Cửu Long. Qua đó, bạn thấy được cuộc sống lam lũ ở vùng đất mới, khả năng
thích nghi và óc sáng tạo của người lưu dân trong việc nấu nướng, ăn uống.
5.
Thông qua ẩm
thực, Vũ Bằng đề cập đến mối quan hệ giữa người với loài vật. Nhà văn ít nhiều
ưu tư về vấn đề “nhân tính” trong việc ăn uống. “Nhưng muốn khôn đến chừng
nào thì khôn, dơi cũng thua mưu mẹo của loài người ma mãnh. Vì thịt của nó
ngon, vì mỡ của nó béo mà không ngấy, vì huyết của nó ngọt lại có tiếng là bổ
thận, trừ lao, người ta tìm đủ mọi cách để bắt nó đem bán để ăn và để nhậu”[13].
Đề cập trực diện hơn, Trần Bảo Định ưu tư rồi bàng hoàng về quan niệm “nhân chủ”/“con
người trung tâm” trong mối quan hệ giữa người với thế giới xung quanh. “Nhìn
con mắm còng trụi lủi thân, nằm trơ trọi trên dĩa thiếu hương vị đậm đà xứ sở,
tự dưng Sáu xốn xang lòng; và cũng đã rõ sự tệ bạc của con người đối với thiên
nhiên, đối với loài vật xung quanh. Còng mất dần và gần như tuyệt giống. Vả
chăng, nếu còn là còn cái danh bất hư truyền mà người đời nay thường nhắc tới:
“Bánh giá chợ Giồng/ Mắm còng Phú Thạnh””[14].
Trang văn Trần Bảo Định biểu hiện quan niệm “đạo đức sinh thái”, “diễn ngôn
sinh thái” mà cũng là “diễn ngôn nhân tính”. Viết về ẩm thực, dù ít nhiều, cả
hai nhà văn đều đề cao và khơi dậy lòng trắc ẩn trong hồn người.
***
Nhìn chung,
khi viết về ẩm thực, trang văn của Vũ Bằng thiên về tính thẩm mỹ, còn Trần Bảo
Định thiên về tính triết lý. Ở nhiều đoạn, cả Vũ Bằng và Trần Bảo Định đều có lối
kể chuyện dí dỏm, tinh nghịch. Nhưng câu văn Vũ Bằng mượt mà giàu biểu cảm, câu
văn Trần Bảo Định lại có phần gãy gọn, dứt khoát, sắc nét, nặng suy tư. Về giọng
điệu, sự ăn của Vũ Bằng dường như man mác, đượm vẻ buồn thương. Đó là ăn vì nhớ
hoặc vì nhớ nên sự ăn thành ra buồn thương khắc khoải. Còn Trần Bảo Định, sự ăn
hiện tại, tức khắc trong đời sống đang diễn ra nên giọng văn tươi tắn, sôi nổi,
hồ hởi và triết lý. Có thể nói, “chủ âm” trong trang văn Vũ Bằng là buồn
thương; “chủ âm” trong trang văn Trần Bảo Định là triết lý. Tựu trung, văn hóa ẩm
thực trong văn xuôi Vũ Bằng và Trần Bảo Định đều xuất phát từ tình yêu quê
hương thắm thiết; thể hiện lòng trân quý, nhớ thương món ăn quê nhà. Trang văn
đưa bạn đọc trở về quê cũ, khơi dậy trong lòng bạn nhận thức vẻ đẹp và giá trị
văn hóa truyền thống, chất chứa hồn Việt đậm đà!
Rừng
Dầu, 23/9/2022
Võ
Quốc Việt
Tài liệu tham khảo
·
Vũ Bằng (1989). Món lạ miền Nam (in lần
thứ hai). Đồng Nai: Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.
·
Vũ Bằng (2009). Miếng ngon Hà Nội (tái bản).
Hà Nội: Nxb. Lao động.
·
Trần Bảo Định (2015). Đời bọ hung. TPHCM:
Nxb. Văn hóa-Văn nghệ.
·
Trần Bảo Định (2017). Đất phương Nam ngày cũ.
Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
· Trần Bảo Định (2018). Bóng chiều quê. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
[1] Trần
Bảo Định (2017). Đất phương Nam ngày cũ. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.101.
[2] Vũ
Bằng (2009). Miếng ngon Hà Nội (tái bản). Hà Nội: Nxb. Lao động, tr.46-47.
[3] Trần
Bảo Định (2018). Bóng chiều quê. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.183.
[4] Vũ
Bằng (2009). Sđd, tr.15.
[5] Vũ
Bằng (2009). Sđd, tr.15.
[6] Vũ
Bằng (1989). Món lạ miền Nam (in lần thứ hai). Đồng Nai: Nxb. Tổng hợp Đồng
Nai, tr.59.
[7] Trần
Bảo Định (2015). Đời bọ hung. TPHCM: Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, tr.87.
[8] Trần
Bảo Định (2015). Sđd, tr.111.
[9] Trần
Bảo Định (2017). Sđd, tr.40.
[11] Vũ
Bằng (2009). Sđd,tr.20.
[12] Vũ
Bằng (1989). Sđd, tr.71.
[13]
Vũ Bằng (1989). Sđd, tr.79.
[14] Trần
Bảo Định (2017). Sđd, tr.113.
Comments
Post a Comment