Skip to main content

“TOÀN TÂM LUẬN” CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN NAM BỘ

“CÂY CỎ VƯỜN NHÀ” HAY “TOÀN TÂM LUẬN” CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN NAM BỘ

(Võ Quốc Việt)

***

Trong một số tập tiểu luận gần đây (Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm; Dấu thời gian – Khát vọng của người xưa; Lá rụng mùa – Mấy vấn đề môi trường sinh thái Nam bộ), Trần Bảo Định tiếp tục mang “dân gian triết” của người lao động bình dân đến gần hơn với độc giả đương thời. Ông nghĩ mình “thuật nhi bất tác”. Trang viết chỉ khai thác “trữ lượng” giá trị nhân bản sẵn có trong đời sống người nhà quê. Trong đó, tập sách “Lá rụng mùa – mấy vấn đề môi trường sinh thái Nam bộ” có nhiều vấn đề đáng chú ý: quan niệm sinh thái Phật giáo; ý thức sinh thái trong ca dao, tục ngữ; ý thức sinh thái trong văn hóa ẩm thực Nam bộ; v.v… Đặc biệt bài viết “Cây cỏ vườn nhà” giúp bạn đọc nhận ra tư tưởng “toàn tâm luận” (panpsychism) thực chất đã bàng bạc vùng sông nước Cửu Long. Người bình dân Nam bộ làm bạn ngỡ ngàng nhận ra nền nhân bản thâm trầm bình dị của quê hương không chỉ nhuần nhị mà còn rất tiến bộ.

1.

Toàn tâm luận vốn đã hiện diện trong đời sống tư tưởng Đông Tây xưa nay. Hệ thuyết này trở lại với đời sống tư duy nhân loại bởi mối liên hệ với hai trào lưu được quan tâm hiện nay: sinh thái học nhân văn (human ecology) và hậu nhân luận (posthumanism).

Toàn tâm luận lập thành trên quan niệm cho rằng thức/cơ trí/linh thức/tâm thức tồn tại một cách phổ biến-căn bản trong vạn hữu. Nội tại, hệ thuyết này bao chứa hai khuynh hướng chủ yếu: + Panexperientialism - xem trải nghiệm nhận thức là căn bản và phổ biến; + Pancognitivism - xem tư niệm là căn bản và phổ biến.  Thế giới hữu thức/ Vạn vật hữu thức. Toàn tâm luận xác lập trên nền tảng tái thiết và mở rộng quan niệm về ý thức/tâm linh/tinh thần. Theo đó, tâm linh (như sự biết thấy thuần túy) không nhất thiết đòi hỏi chủ thể tính, nghĩa rằng không nhất thiết đạt đến mức độ ngã thức. Chủ thể tính trong cách thế tư niệm nhân loại chỉ là cách con người tạo ra lằn ranh giữa ngã và phi ngã, ngõ hòng lập định ngã thức mà thôi!

Nhìn chung, toàn tâm luận vượt qua phạm vi của thuyết vật linh, vượt qua phạm vi của giới hữu cơ tiến vào giới vô cơ, thậm chí đi vào cấp độ lượng tử. Về phía vĩ mô, nó hướng đến phạm vi vũ trụ học (cosmology) với vấn đề tâm thức vũ trụ nhất thể. Ở cấp độ này, toàn tâm luận ít nhiều tương thích với quan niệm của thông thiên học (về sơ thức, ngã thức, thần thức). Tuy nhiên, nếu dừng lại đó, toàn tâm luận có thể trở thành một thuyết thần bí/huyền nhiệm. Nhưng không, hoạt động khảo cứu thực nghiệm của toàn tâm luận khiến cho hệ thuyết này dần được quan tâm, thừa nhận, nghiền ngẫm. Hẳn nhiên, việc xác lập hệ thuyết nào cũng không loại trừ những phản ứng trái chiều và những bổ sung cần thiết để kiện toàn.

2.

Vượt lên trên chỉ trích, toàn tâm luận vận động về phía thực chứng luận. Khuynh hướng này đẩy toàn tâm luận về phía vi mô. Điều này cũng khiến toàn tâm luận vượt qua phạm vi hữu cơ đến với địa hạt vô cơ. Vấn đề lập định quan niệm “thân-tâm” lung lay tận căn tủy. Từ đó, hệ thuyết này trở lại với các vấn đề khoa học xã hội nhân văn. Lẽ đó, nó được xếp vào phạm vi hậu nhân luận (posthumanism)[1]. Chính vì liên quan đến vấn đề ý thức vạn vật, dính líu thuyết vật linh (animism), cho nên toàn tâm luận cũng nằm trong phạm vi quan tâm của phê bình sinh thái.

Toàn tâm luận chịu dèm pha phải chăng vì nó đã giáng đòn vào quan niệm “con người trung tâm”. Do đó, nó cũng đánh động việc tái thiết khái niệm nhân tính-nhân văn-nhân bản. Trong đó, hệ thuyết này buộc con người nhìn lại các phạm trù đạo đức-luân lý. Đơn giản, nếu xem xét vũ trụ hữu thức vạn vật hữu linh, việc khai thác tài nguyên, sử dụng nguồn năng lượng, cũng như toàn bộ tập quán đối đãi với cây cối, loài vật xưa nay của con người đều vướng phải nguy cơ phản/vi phạm luân lý.

Nhưng thay vì khảo cứu hệ thuyết nghiêm ngặt của nền khoa học Tây phương đương đại, bạn có thể trở lại quê nhà, hòa mình vào dòng nước Cửu Long đỏ nặng phù sa và nhận ra: người dân quê mình vốn đã sống với vạn vật bằng tình quyến thuộc thủy chung. Đạo đức sinh thái trong lối sống với trời-đất (Tam Tài), vận động trao đổi thông tin sinh học có thể thấy qua nhận thức Ngũ Hành; và biểu hiện ra thật mộc mạc: “Người miền tây sông Hậu, khi phá rừng lên giồng làm rẫy lập nghiệp, bao giờ họ cũng cúng tam sênh (trứng vịt, miếng thịt heo ba rọi, con tôm – tất cả đều luộc chín) vái lạy xin phép cây cỏ, và đồng thời chọn lựa chừa lại một cây lớn nhất trong rừng cây để dựng miếu thờ Ông Tà cùng chư vị chiến sĩ trận vong cũng như hồn cây cỏ bị chặt phá chết oan[2]. Quan niệm đạo đức thống nhất hành vi ứng xử. Cho nên, thay vì cứu xét hệ thuyết toàn tâm/hệ thuyết vật linh/hệ thuyết hậu nhân; có lẽ bạn chỉ cần hòa mình vào đời sống dân gian, “cảm” và “nghiệm” để thấu hiểu nghĩa lý đơn sơ của nền nhân bản quê mùa ẩn chứa và sẵn có bao vẻ đẹp mến thương mà nền luận thuyết phương xa vẫn gắng sức minh định.

Nói vậy không có nghĩa bạn kéo phương xa về làm gần gũi, hay xuất khẩu gần gũi làm món đặc sản phương xa. Thực ra, bạn chỉ mong liên thông đôi chiều suy ngẫm. Cũng như cách nghĩ rất quen thuộc ở thôn quê, “nghĩ đi thì nghĩ lại”! Nhờ vậy, bạn nghiệm xác thêm lý luận phương xa và cũng nhờ lý luận phương xa mà thành ra hiểu thêm chính cố thổ quê nhà!

3.

Khoa học Tây phương với hệ thống khái niệm-luận lý chặt chẽ nghiêm ngặt khiến bạn khó nhìn thấy phần tri kiến sống động giữa dòng lưu hoạt! Kỳ thực, toàn tâm luận quá đỗi chân phương, dung dị và gần gũi. Lỡ nói ra, không chừng bà con quê mình lại nói: “tưởng gì chứ …!”. Trên phương diện thực chứng, cho đến nay, toàn tâm luận vẫn chưa được thừa nhận một cách chính thức. Nhưng với người bình dân Nam bộ nói riêng, nền minh triết phương Đông nói chung, quan niệm vạn vật hữu thức đâu có gì xa lạ, kỳ quặc, cần phải biện minh.

“Việc đoán định cây cối có ý thức (tình thức – theo quan điểm Phật giáo) vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và chưa thể nói dứt khoát về linh tính hay Phật tính của các loài cây cỏ. Thế nhưng, mối quan hệ hỗ tương giữa cây và người vẫn hằng có trong dân gian. Mối quan hệ này, thực tế đã xảy ra và có thật. Bởi, người chuyển cảm, đặt quan điểm thẩm mỹ và sự cảm thụ thẩm mỹ vào đối tượng, hay chính đối tượng đã kết liên trường năng lượng với người, khiến người khởi dậy mối tương giao cảm xúc. Nhiều cách giải thích khác nhau dưới nhiều quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng và khoa học. Dù chưa có cách giải thích nào rốt ráo, dứt khoát, phổ biến trong xã hội loài người nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của cây cối trong xã hội người như chỉnh thể thống nhất. Song, dẫu sao, người vẫn tin rằng cây cỏ vốn có sinh phách, sinh tình, sinh tính, sinh ý!”[3]

Biện minh theo lối thực chứng không phải cách nghĩ của người bình dân. Nhưng đối đãi, sống trải, hòa mình vào vạn vật hiện tồn, việc ấy tự khắc đã “biện” cho “minh” nền tư tưởng “toàn tâm” căn bản và phố biến trong mọi cấp độ hiện hữu. Liệu bạn có nhận ra quan niệm “toàn tâm” của người bình dân Nam bộ rất gần gũi với khuynh hướng “Panexperientialism: xem trải nghiệm nhận thức là căn bản và phổ biến”.

“Ở quê tôi, miền châu thổ Cửu Long, người dân chân lấm tay bùn đều nghĩ cây cao bóng cả là nơi trú ngụ của thần linh hoặc ma quỷ và họ, coi cây cỏ là loại sinh thể đặc biệt, một thực thể đầy sống động, có sức mạnh ngăn phong ba bão táp, có trí khôn che chắn các loài vật gặp lúc nguy nan, có cảm xúc chia ngọt sẻ bùi cùng đồng loại và hơn thế, những gì người mong muốn có khi cây cỏ cũng hiểu được. Do vậy, người nông dân quê tôi trọng thị xếp cây cỏ vườn nhà ngang tầm bằng hữu; đồng thời những lúc trái gió trở trời, họ biết dùng cây cỏ điều hòa môi trường sống và coi đó là mạch sống của con người. Nếu một ngày nào đó mạch sống ấy đứt, môi trường sinh thái không tồn tại và vạn vật sẽ tuyệt chủng”[4].

Đâu phải nói suông, Trần Bảo Định còn kể ra chuyện người thật việc thật để thấy mối giao tình và linh tính của cây cối vạn vật. Chẳng hạn chuyện Lê Xuân Giác, trung sĩ Brian, Tám Chí (Huỳnh Tấn Phát), Tư Bình (Vũ Đình Liệu), Chín Xanh (Ngô Văn Xanh), vợ chồng Tư Đực, … Nhận thức linh tính cây cỏ quê nhà rất đơn sơ, vừa có màu sắc vật linh vừa có khuynh hướng toàn tâm. Bạn không thể gán cho nhận thức bình dân có tính hệ thống như “toàn tâm luận” nhưng có thể xem nhận thức ấy là biểu hiện sống động cho hệ thuyết này. Và nếu nói đến địa hạt vi tế của toàn tâm luận thì có lẽ người bình dân không “thức” và “nhận” đến mức ấy, có chăng lối trực cảm về cõi siêu hình. Siêu hình hiểu như cõi giới vượt ngoài phạm vi tri giác-trí năng con người, không có nghĩa thần bí hay huyền nhiệm. Trực cảm khiến người tin. Niềm tin ấy không phải cuồng tín/mê tín mà hình thành hành vi đạo đức. Chưa vội nghiệm chứng độ tin cậy của “niềm tin”, nhưng rõ ràng niềm tin vạn vật hữu linh khiến con người sống tử tế trong nhân giới lẫn ngoài nhân giới.

4.

Với quan niệm ý thức thể như Dung-Dịch-Biến thông tin, điều này khiến bạn phải mở rộng phạm vi “sinh thể có ý thức”. Ý thức không còn “trái cấm” dành riêng cho nhân loại mà là phổ tính hiển hiện. Mở rộng nhân giới, mở rộng sinh giới, vạn hữu đều sở hữu ý thức chỉ là trong cách thế, đặc trưng, biểu hiện, diễn hoạt rất khác nhau. Rộng hơn, toàn tâm luận đánh động vũ trụ học, bởi quan điểm cho rằng vũ trụ là sinh thể/thức thể. Việc này không có gì xa lạ với các chân đạo sư Hy Mã Lạp Sơn.

Khái niệm vật chất và ý thức trong thế dị biệt là một cặp phạm trù rất nguy hại, bởi nó đào sâu khoảng cách biệt thăm thẳm trong lối tư duy nhị nguyên. Ý thức kỳ thực chỉ là cách gán danh cho những gì nằm ngoài phạm vi trực quan của trí năng người. Việc này dẫn đến lối tư duy “con người trung tâm”, gây ra không biết bao nhiêu sai lạc và thói độc tài trong mối quan hệ giữa con người và vạn vật.

5.

Với Trần Bảo Định, liệu có phải nhà văn phúng dụ và nhân hóa loài vật để mượn cớ bộc lộ quan niệm đạo đức, luân lý sinh thái? Nếu theo dõi bài tiểu luận “Cây cỏ vườn nhà” và truyện ngắn “Khổ qua”, có lẽ bạn đọc sẽ nhận ra: nhà văn không mượn cớ loài vật để nói điều mình nghĩ, cũng không nhân hóa, phúng dụ. Như ông vẫn nói, “thuật” chứ không “tác”. Tất cả tri kiến là kết quả quan sát, nghiềm ngẫm, nhận diện từ đời sống xung quanh trong đó có đời sống động vật, cây cỏ, … Quan niệm nhân loại trung tâm độc chiếm năng lực ý thức về phía người. Nhưng người bình dân Nam bộ không rành luận lý và giảng thuyết. Bằng chính kinh nghiệm sống, họ trải nghiệm và trực cảm linh tính vạn vật để ứng xử tử tế trong quá trình sống với vạn vật.

Sống một đời chan hòa với những loài cây cỏ khác nhau. Người với cây không biết đã giao tiếp ra sao, nhưng rõ ràng người với cây biết nương nhau mà sống. Nương nhau ở đây, là người dưỡng cây, cây dưỡng người. Nhưng, người còn biết nhìn cây để sống, học ở cây cỏ vườn nhà tính tình chan hòa hiền hậu. Lâu dần giữa người với cây có mối giao tình đặc biệt. […] Người miền châu thổ Cửu Long, xem cây cỏ vườn nhà có linh hồn và có đời sống riêng. Cây cũng cảm biết nhịp sống và tình cảm con người[5].

***

Tập sách “Lá rụng mùa – Mấy vấn đề môi trường sinh thái Nam bộ” vừa có phần khảo luận giàu tính khoa học, vừa có phần nghiêng về ký (văn hóa), lại kèm theo phần truyện xem như minh họa cho những vấn đề luận lý đã đề cập. Dường như, Trần Bảo Định mong mỏi bạn đọc chia sẻ đôi dòng chữ; và hơn hết, nhìn nhận lại thực tiễn đời sống con người Nam bộ với tất cả trắc diện tràn đầy sinh khí mỗi ngày mỗi khai mở, mỗi ngày một giàu có phong phú hơn. Nền nhân bản của thuyết toàn tâm, kỳ thực, đã sẵn có trong mọi ngóc ngách đời sống châu thổ. Người Nam bộ vốn đã sống hài hòa với cây cối, loài vật, tài nguyên (đất, nước, nắng, gió,…) bằng tình nghĩa chan chứa linh láng đồng ruộng Cửu Long.

Rừng Dầu, 08/2022

Võ Quốc Việt



[1] Arne Johan Vetlesen (2019). Cosmologies of the Anthropocene: Panpsychism, Animism, and the Limits of Posthumanism. London and New York: Routledge.

[2] Trần Bảo Định (2022). Lá rụng mùa – Mấy vấn đề môi trường sinh thái Nam bộ. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.195.

[3] Trần Bảo Định. sđd, tr.203-204.

[4] Trần Bảo Định. sđd, tr.180.

[5] Trần Bảo Định. sđd, tr.196.


Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...