Skip to main content

"QUỐC HỒN NAM VIỆT" VÀ AN HÀ BÁO

                            "QUỐC HỒN NAM VIỆT" CỦA TRƯƠNG QUANG TIỀN TRÊN AN HÀ BÁO

(Võ Quốc Việt)

***

Môi trường hoạt động báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ XX rất sôi động và đa dạng. Trong bối cảnh đó, An Hà Báo (An Hà Nhựt Báo) ra đời ở Cần Thơ (khoảng thập niên 1910). Tờ báo ra đời nhờ sự cộng lực của Võ Văn Thơm, Trần Đắc Nghĩa, Nguyễn Tất Đoài, Trương Quang Tiền, Phạm Kỳ Xương, Đỗ Văn Y, … An Hà Báo được ấn hành bởi Imprimerie de l’Ouest (ra đời 1911?) – đây cũng là một trong số những nhà in sớm nhất ở Nam kỳ. Với nội dung thông tin đa dạng, An Hà Báo cho thấy những biến chuyển trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất này đầu thế kỷ XX. Đây là trang thông tin có khuynh hướng cổ súy tinh thần dân tộc, nâng cao dân trí cho người lao động bình dân miền Lục tỉnh. Đáng quý có loạt bài xã luận về văn hóa xã hội nêu cao tinh thần giữ gìn phát huy giá trị truyền thống dân tộc bởi sự cộng lực của nhiều cây viết tâm huyết với nền báo chí quốc ngữ Nam kỳ. Nổi bật có một số bài viết của Trương Quang Tiền về vấn đề văn hóa dân tộc. Thông qua đó, người Nam bộ hôm nay ít nhiều nhìn thấy, ở ông cũng như An Hà Báo, tấm lòng thiết tha với giá trị văn hóa quê hương Cửu Long cũng như văn hóa Việt nói chung.


                                                          (Nguồn ảnh: baocantho.com.vn)

Bên cạnh Lương Dũ Thúc, Nguyễn Tất Đoài, Huỳnh Trung Nghĩa, Nguyễn Dư Hoài, Phạm Kỳ Xương, Lê Quang Kiết, Huỳnh Văn Ngà, Đặng Văn Chiểu, Trần Hữu Trân, … thì Trương Quang Tiền cũng là một cây bút kỳ cựu, gắn bó lâu dài với An Hà Báo. Những bài viết của Trương Quang Tiền trên An Hà Báo vừa mang tính thời sự nóng hổi vừa có ý nghĩa lâu dài đến vấn đề văn hóa Nam kỳ xưa và nay. Trong đó, bài “Văn minh với văn minh” của Trương Quang Tiền trên An Hà Báo số 203 (03/03/1921), tác giả đặt ra vấn đề thực trạng lai căng văn minh. Thế nào “văn minh chân chính”, thế nào “văn minh ăn theo”/học đòi văn minh. Nền Tây học trên xứ thuộc địa dù mở mang, nhưng Trương Quang Tiền vẫn ưu tư: liệu nền Tây học có phải đích văn minh cho nước nhà! “Huống chi những phường mạt cưa mướp đắng, mà hễ có chút trao đổi chưng diện, kiểu lạ thức xinh, thì lại cho văn minh; thấy vợ chồng người chiều cập tay đi hóng mát củng nói văn minh, nhứt thiết chuyện gì khoái nhàn thì đả đặt: Văn minh […], còn văn minh mà chẳng thiệt văn minh thì phải hóa văn minh mặt nạ - Nguy thay!!!”(trang 3). Phần nào đó, Trương Quang Tiền đã chỉ ra cho người đương thời thảm trạng nhân sinh méo mó trong bối cảnh “xâm thực văn hóa” hồi đầu thế kỷ XX; đồng thời cũng cho thấy khả năng đề kháng văn hóa của người Nam kỳ thời ấy. Bên cạnh ảnh hưởng của nền “văn hóa tiêu thụ”, hưởng lạc giải trí tầm thường, sa vào hình thức lòe loẹt rởm đời, Tây hóa kệch cỡm thì vẫn còn nhiều người nỗ lực chống lại nguy cơ lai căng mất gốc. Dù có thể vội vàng, nhưng bạn đọc có thể nói đến “hằng số văn hóa” trong xã hội Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Bởi nhờ hằng số ấy, người Nam kỳ giữ gìn được văn hóa truyền thống dân tộc. Một trong số đó: nền tảng nhân văn của giáo dục gia đình/văn hóa gia đình Nam kỳ.

Bằng con mắt tỉnh táo trước các diễn hoạt đời sống tân kỳ, Trương Quang Tiền thận trọng trong việc đánh giá vận động cải cách xã hội. Bàn về vấn đề cải lương (đổi cũ ra mới) đang diễn ra trong xã hội, Trương Quang Tiền chú ý đến hoạt động văn nghệ (cải lương hí kịch). Ở đó, ông nhìn thấy chức năng giáo dục của văn nghệ. “Xem thế, cũng biết nghề diển kịch có quang hệ cho xả hội lắm, người đến xem kịch có thể đem suốt những điều đả diển giải trên sân khấu vào trong ảo tưởng mình, ấy nếu ta gọi hí tràng là một cái trường giáo dục thời tưởng củng không phải là sái” (trang 3, số 207 ra ngày 31/03/1921). Cho nên, cải lương hý kịch/văn nghệ nói chung không chỉ chạy theo nhu cầu giải trí thông thường, mua vui nhất thời mà cần kíp tuyên dương “trung cang nghĩa khí”, phê phán “đồi phong bại tục”. Ông còn đề cao tinh thần dân tộc ở chỗ đả kích lối cải lương hý kịch chỉ bám vào tuồng tích Tàu. “Hát cải lương không phải hát những là Thuyết Đường, Thủy Hử, Chung Vô Diệm, v.v… ấy là những tấn kịch chứa biết bao là lối huyễn hoặc, dị đoan, không sao tinh được, thời há không tài nào mà tự nơi mình đặt ra một lối tiễu thuyết riêng để diển đêm nầy sang đêm khác, cho đến cơn kết cuộc chăng ru?” (trang 4, số 207 ra ngày 31/03/1921). Nếu chỉ vay mượn và sa đà vào việc chiều chuộng nhu cầu hưởng thụ mua vui của quần chúng mà không giúp cho quần chúng thức tỉnh rồi nâng cao thêm sự hiểu biết về văn hóa dân tộc thì quả thực chưa đúng sát với tinh thần “cải lương” vậy.

                              (Nguồn ảnh: https://mientaycogi.com/anh-xua-can-tho-8837/)

Cũng trên tinh thần cổ súy phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, trên An Hà Báo, Trương Quang Tiền có loạt bài “Quốc Hồn Nam Việt” số 220 (ra ngày 7/7/1921) và 221 (ra ngày 21/7/1921). Cốt lõi loạt bài này chính là việc giữ gìn “quốc hồn”. Từ đó, tác giả đề đặt và bàn luận một vài khía cạnh văn hóa dân tộc. Cụ thể, Trương Quang Tiền bàn đến hai vấn đề: (1) giữ gìn và phát triển chữ quốc ngữ; (2) giữ gìn phong tục tập quán thuần Việt, gắn với văn hóa lịch sử xã hội người Việt.

Nước có hồn như nhà có cột; nhưng muốn dựng cột nhà, tất không phải cạy một miếng gạch mà đủ, thời muốn dựng hồn nước không phải chỉ trông vào một người. Hồn nước Nam Việt là tiếng của ta thường nói mỗi ngày, mà tiếng ấy muốn viết ra tức phải dụng đến chữ quốc ngữ. Vậy thì chữ quốc ngữ há chẳng phải là cây kim chỉ Nam để dắt ta đến cái địa vị tối hữu ích về cuộc tiến bộ đang buổi hiện tại và tương lai nầy sao?” (trang bìa, số 220).

Bao nhiêu phong tục ấy, có cái tốt mà cũng phải là không lộn cái xấu; tốt xấu chen lẫn nhau cho đến buổi nầy nhờ Tây học lang khắp ra ta mới vừa tỉnh giấc. Biết đến tiết Trung *, Thanh minh, v.v… là ngày của người Tàu điếu hồn ông Khuất Nguyên, thương tiếc Giới tử Thôi mà chẳng biết đến ngày mồng hai tháng năm là ngày Hưng quốc khánh niệm chính là ngày Đức Gia Long tức vị; không biết đến ngày bà Trưng Trắc tóm thâu 65 thành đuổi người Tô Định, rồi ba năm sau vì thất thế phải liều mình nơi Lảng Bạc, thì thật là bỏ gốc lấy ngọn, tấm lòng lạt lẽo vô tình!” (trang bìa, số 220).

Giữa buổi Lang Sa đặt nền cai trị thuộc địa, tinh thần dân tộc của Trương Quang Tiền trong bài viết này thật sự đáng quý. Đôi dòng về “Quốc Hồn Nam Việt” có thể lay động nhận thức về tinh thần dân tộc Việt mà còn giúp lay tỉnh tâm hồn Việt trong tình thế “dân thuộc địa” bị ngoại bang đô hộ.

Nhưng nói vậy không có nghĩa cực đoan triệt để bài trừ văn hóa ngoại lai, Trương Quang Tiền cũng thừa nhận mối quan hệ phức tạp giữa văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, cũng như buổi giao thời với văn minh Tây phương qua nền giáo dục trong bối cảnh thuộc địa. Tuy nhiên, dựa trên mối quan hệ phức tạp ấy, cần có tinh thần “gạn đục khơi trong”, tâm thế tiếp nhận cởi mở để giữ gìn đường hướng củng cố và phát triển giá trị văn hóa dân tộc. 

Vậy mong rằng – tôi cũng mong như các ngài có dạ nhiệt thành đối với tổ quốc ta – mong rằng: các nhà cựu học các bực hưu quan nên cố thương đời, nhân lúc dư nhàn phiên dị ở sách Tàu, dụng tài năng để công bố quốc dân, lập ngôn chước thuật để giám giới(!) cho kíp hậu sinh thời thật là không hạnh phúc nào bằng vậy. […] Lại mong cho những bực học giả Tây Âu thương lấy nhau cũng thừa công phiên dịch các sách Langsa hoặc sách ngoại quốc ra, hầu để ân cho đoàn em, cho người mình cùng biết thì thật là công phu ấy quí báu vô ngần, không phải uỗng sanh trên trái đất” (trang bìa, số 221).

Bài viết của Trương Quang Tiền mang ý nhắc nhở bạn đương thời cùng gắng sức giữ gìn dòng chảy tiếp nối, trao truyền mạch nguồn vận mạng dân tộc. Thời bấy giờ, sức mạnh “quốc hồn” mới được kiện toàn và hùng tráng. Đó là nền tảng cần thiết cho sự phát triển dân lực và dân trí, đẩy tới sự phát triển cho giống nòi trong bối cảnh thời cuộc ngày càng rộng mở.

Thiết nghĩ, trong thời toàn cầu hóa, vấn đề giữ “quốc hồn” càng quan trọng hơn. Văn hóa dân tộc là mạch nguồn cốt lõi, căn để tồn tại giúp cho giống nòi Việt xác lập vị trí giữa quần quốc thiên hạ. Khuynh hướng đối thoại văn hóa ẩn chứa nguy cơ xâm thực văn hóa, khả lực xuyên văn hóa cũng gắn liền viễn cảnh lai căng biến dị văn hóa. Lẽ đó, vấn đề giữ gìn phát triển văn hóa truyền thống dân tộc nên chăng triển hiện đồng thời nhiều phương diện: cơ chế chính sách, giáo dục tuyên truyền, nghiên cứu học thuật, hoạt động phong trào, … để tận thôn xóm đều trỗi dậy sức sống Việt trong thời đại mới.

 

Rừng Dầu, 08/2022

Võ Quốc Việt

Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...