Skip to main content

TẢN MẠN BẠCH TIÊN DŨNG HAY GIẤC MỘNG KHÔNG THÀNH !


TẢN MẠN BẠCH TIÊN DŨNG HAY GIẤC MỘNG KHÔNG THÀNH !

(Võ Quốc Việt)

     Chuyện tình đẹp nhưng đầy tiếc nuối của hai người năm ấy trong “thung lũng ẩn”, chẳng biết chừng, không chỉ là câu chuyện tình như bao nhiêu chuyện tình giữa nhân gian. Cơ hồ, có thể có, trong mối tình năm ấy là câu chuyện về đời người, số mệnh, thân phận và nghĩa lý thật sự của việc yêu và sống!

     Bạch Tiên Dũng vốn đã ưa hoài niệm hay vì sau này có nhiều thứ để nhớ nên thành ra hoài niệm. Mà có lẽ, từ thuở lưu vong vào đời, Bạch Tiên Dũng đã cảm nhiễm phong khí hoài niệm của đảo Đài Loan. Cho đến sau này, khi Đài Loan đã trở mình và hẳn nhiên có khác đi, có thay đổi (ít mà cũng có thể rất nhiều), nhưng Kenneth vẫn mãi mãi là người của Đài Loan năm cũ và Kenneth cũng chính một phần của Đài Loan năm cũ. Dư vị thời gian, hoài niệm, tiếc nuối, miên man phóng tâm ý vào dòng sự kiện quá vãng của tuổi thanh xuân, khiến cho mỗi chữ mỗi câu của Bạch Tiên Dũng đều mang phong vị vừa ngọt ngào êm đềm, vừa buồn thương chua xót. Thật khó để mọi người cùng thảo luận về văn chương họ Bạch. Đọc văn chương họ Bạch, có chăng, nên để dành ngẫm ngợi riêng tư mà thôi! Đem văn chương của Bạch ra bàn tán, e rằng, dư vị thời gian sẽ tan biến!

     Bạch Tiên Dũng lấy hình ảnh thành phố căng tràn sức sống, đòi hỏi trở mình để diễn tả sự biến đổi của đời người: thời gian đã mất; cũng hay mượn đời cây kiếp hoa để mô tả phần ngon ngọt luyến ái thanh xuân. “Nhật nhật thâm bôi tửu mãn/ Triêu triêu tiểu phố hoa khai”. Cây trồng năm cũ đã cao lớn, trổ ra cành lá xum xuê, chợt một ngày bách ý khô héo, không rõ lý do, chỉ thấy con người đã trải qua không ít chuyện. Bấy giờ, thung lũng ẩn chỉ còn một bóng hình. Bỗng dưng thèm một hơi rượu mơ với vị cua năm ấy! Còn người ấy thì … Vườn sơn trà hẳn còn mà người thưởng hoa đã mất. Một ngụm rượu Thiệu Hưng trở nên vô nghĩa!

     Miên man Bạch Tiên Dũng còn là miên man câu chuyện của tuổi trẻ nồng nàn, nhiệt huyết, có thể khiến mọi người nghĩ nhớ về chính tuổi thanh xuân của mình. Có những dấu vết thanh xuân mãi mãi in hằn vào dòng chảy đời sống, can hệ lịch trình sinh hoạt chữ nghĩa một thời. Âu Dương Tử, Vương Văn Hưng, Trần Nhược Hi, Đới Thiên, Lâm Diệu Phúc, Trần Thứ Vân và Bạch Tiên Dũng có lẽ chẳng nghĩ tới một ngày câu chuyện thanh xuân của họ được nhắc đi nhắc lại nhiều vậy! Thầy Hạ và bọn họ đã từng thổi niềm hứng cảm tươi mới vào văn đàn hòn đảo những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960. Lòng nhiệt huyết (có phần xốc nổi) chẳng khác vết răng non ngứa nướu cắm phập vào phần ngọt nhất và đẹp nhất của đời! Nguyên do ra đời tạp chí “Văn học hiện đại” có thể khiến chúng ta hoài niệm về một dấu ấn khó phai trên văn đàn Đài Loan, mà cũng có thể khiến chúng ta nghĩ lại những gì đã làm được khi tuổi đời mười tám đôi mươi. Kỳ thực, bạn đã làm gì cho thanh xuân! Nghĩ lại, đó chỉ là khoảng trống rỗng hay mớ hỗn độn, hay… phần tươi đẹp nhất đời người! Với Bạch Tiên Dũng, “tờ tạp chí ấy đã trở thành một phần sinh mệnh tôi!”


     Những gì đã trải qua đều không mất đi, ít nhất vẫn còn lại trong tâm hồn Bạch Tiên Dũng, trong tâm hồn Thanh, trong tâm hồn Danny và cả Tường nữa! Ông mãi mãi đa mang, chất chứa tất cả ký ức! “Taxi phóng như bay trên đường, Bạch Tiên Dũng nói, cảnh đêm Đài Bắc còn đẹp hơn cả ban ngày. Rồi ông lại nói, Đài Bắc thay đổi quá nhiều. Hồi ông còn đi học, học sinh đại học đi xe đạp, còn giờ thì xe máy tràn khắp đường phố”. Người Đài Bắc, Khách Nữu Ước và câu chuyện những cánh chim hải đảo hoang dại trong“Nghiệt tử” cũng kết thúc bằng hình ảnh đường phố ngoại ô chạy dài trong đêm hun hút với bóng hình con người lạc loài, không một chốn về dưới ánh đèn khuya! Tâm hồn Bạch Tiên Dũng chẳng khác màn đêm tĩnh lặng với mặt hồ hoa súng trong công viên Đài Bắc. Nhưng Đài Bắc, Quế Lâm, Hương Cảng, Nam Kinh hay Bắc Bình đều không phải nhà. “Bởi vì “mái nhà” ông muốn về có lẽ cũng như những thứ mà xe taxi lướt qua bỏ lại, tan biến trong con đường vô tận nơi màn đêm mịt mùng…”. Chí ít chỉ có căn nhà nhỏ trong “thung lũng ẩn” nơi che chở tạm bợ cho cánh chim hải đảo vẫn còn bay giữa đời tao loạn. Đến giờ này, có lẽ, họ Bạch vẫn mang trong mình trái tim lưu vong!

念天地之悠悠,

獨愴然而涕下


Cảm tạ Fly209 -- An Yên.

Việt, 06/2021.

(*): Bài viết sử dụng tài liệu của An Yên (dựa trên cuộc phỏng vấn Bạch Tiên Dũng của Lâm Hoài Dân đăng trên tạp chí Văn nghệ Sư tử trẻ, 1967)

Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...