THÔI
RỒI DƯƠNG TÍNH TRÙNG DƯƠNG!
(vÕ
quỐc viỆt)
Hơi
sức đâu uống hết quầy rượu Trùng Dương! Sức trâu bò cũng không uống hết được!
Nhưng rõ ràng quầy rượu Trùng Dương độc đáo chủng loại hương vị, đáng thử một lần!
Vài ba lời quảng cáo luống mong bạn lòng xa gần, những ai có nòi tình thói nết môn
đệ Rượu Nho, thử ghé qua quầy bar Trùng Dương, ngồi tỉ tê cùng tomboy Thái Thị
Nguyễn. Một đêm nào đơn côi thảm thương, dưới ngọn đèn vàng võ đường khuya u buồn,
thử ghé qua bar Trùng Dương trên đường Sóng Thần, nhắm nháp một ly Martini Mưa
không ướt đất, một ly Magarita Chung cư, một lèo B52 đắm đuối Lập đông, để thấy
mình cũng dương tính với đời, chứ không hẳn ngu ngơ vô vị/ráo hoảnh/lê thê/lết
thết giữa bãi đời u ám! Thử đi, bar Trùng Dương mở cửa 24/7, kể cả lễ tết!
Martini
Mưa không ướt đất
Một
văn giọng văn xù gai, cứng khừ và chất giọng dửng dưng ương ngạnh.
Lối
dẫn dắt chuyện của Trùng Dương có cái gì đó bất cần. Kiểu như một người đàn bà
ngồi lim dim hút một điếu thuốc lá, … nheo nheo mắt và bắt đầu suy nghĩ. Nói ra
như một hơi thở xòa, ngã nghiêng đứ đừ, dường như không quá chú trọng đến người
nghe. Những suy nghĩ đứt quãng về Cương, Thư, Duẫn. Đầu mối liên kết các sự việc
dường như lỏng lẻo. Hoặc giả chính người viết muốn như vậy, để giấu điều gì đó.
Hoặc tác giả tự “buông thả” theo suy nghĩ và làm “kẻ trong cuộc hiểu người
trong kẹt”, vì quá rành mặt mũi nhân vật
nên không lãi nhãi dài dòng, kể cho tường tận. Việc kể không phải của tác giả.
Việc của tác giả là buông trôi suy nghĩ và đắm mình vào từ trường cảm giác của
những suy nghĩ ấy mạng lại. Một lối viết văn Trùng Dương. Ngàn khơi miên viễn
sóng biển xổ tràn ra mênh mông không bờ bến. Ngàn trùng biển trải ra vô hạn giới.
Từng con chữ của Trùng Dương là con chữ lẩn thẩn, quẩn trí, quanh đi quẩn lại
trong phạm vi hai bàn chân. Rối dò đi lại trên trang viết. Ưng ức, ngột ngạt và
chán chường! Tràn lan ra chữ, giấy là tiếng thở hắt ra, buột rơi như đá rơi vào
lòng hồ lặng im.
“Những buổi chiều tan học kéo nhau
lên đây cả bọn bốn năm đứa duy có mình Thư là con gái. Tại sao thích tham dự
vào những buổi họp mặt của bọn con trai hơn là gần gũi với các bạn gái mà Thư
thường cảm thấy quá e dè ngại ngùng? Duẩn nhớ rằng mình vẫn chỉ coi Thư là một
người bạn trai, dù Thư là người yêu của Cương. Cương vừa thích có Thư tham dự
vào những cuộc họp mặt này vừa không. Ở người con trai ấy có nhiều điều u ẩn và
hơn lãnh đạm. Từ ngày anh đi ngoại quốc, trong những lá thư gửi về Thư chợt “nhận
ra” Cương. Người ta yêu người khác không vì những tương đồng mà vì những điều
có thể rất trái ngược. Thư sống như một con mèo hoang thì Cương khép mình trong
khuôn khổ mực thước, hoàn toàn lệ thuộc gia đình. Cố nhiên chẳng phải vì người
nay hay người kia muốn thế, hay có muốn thì cũng chỉ một phần. Đứng trước
Cương, Thư cảm thấy quá cô đơn nhưng không thể không yêu. Cương thương và yêu
người con gái với một lý do gần giống thế”[1].
Nét
chung thường thấy ở văn xuôi nữ trước 1975, nhân vật thường rất ưu tư, rất hay
suy nghĩ và truy vấn không thôi trên con đường lữ thứ ý hướng. Họ không thể
không suy nghĩ, cật vấn; đồng thời chối bỏ những cật vấn ấy. Họ là một kiểu
ngôi sao “lùn” sụt lún trong chính trọng lực tâm tư của mình. Những tinh cầu
đang giẫy chết. Và người đọc dõi theo họ thường có cảm giác bị bào mòn. Trùng
Dương có lẽ là cây viết tiêu biểu cho hiệu ứng bào mòn tâm khảm. Mòn ở đây có
thể hiểu như phép oxy hóa khử của phi lý thế sự kiểu như “Dionysos” Camus. Và,
cũng có thể hiểu kiểu ăn mòn này như thể mòn mà không ruỗng: mòn đầy, mòn ưng ức,
mòn chất chứa, mòn chật cứng. Hoặc giả hiểu như Phật lý, hiệu ứng bào mòn chính
là kết thằng suy niệm. Đá tảng không ngừng kết tủa. Liệu tôi ép Dương vào khoảng
trắng sẵn có đón đợi trong đầu tôi, hay … chính Dương đã là sự sụt lún tạo tác
hố đen bất khả trong đầu tôi. Kỳ cùng, những luận bàn, phân tách và trình bày
chữ nghĩa ở đây là một cuộc va chạm giữa tôi và Dương – người em gái thất lạc
tiền kiếp. Hẳn Dương chẳng rảnh để trách tôi, và tôi không băn khoăn về những
dè bỉu có thể có (nếu thiên hạ phiền lòng). Khi tôi viết ra những dòng này, cả
tôi và em Thái đã không còn trách nhiệm gì nữa. Trách nhiệm thuộc về những người
đọc bài viết này, bởi vì tôi đã trao lại cái hố đen này cho họ. Điều này khiến
tôi nghĩ đến tính chất vô trách nhiệm của những nhà tiểu thuyết mới Pháp quốc.
Điều
này không hẳn tôi gán cho Dương vào nhóm đó. Không thể như vậy được! Tôi chỉ
đang nói về cách làm văn chương của Dương. Vấn đề trách nhiệm xác lập tính cách
văn chương của em. Trách nhiệm thuộc về ai? Không phải tôi, cũng không phải em,
có lẽ chính là kẻ đọc thứ “n” và sự kết tạo người đọc “n+1” cho đến người đọc nn.
Chữ nghĩa Trùng Dương là một dạng chủng tử với sức ký sinh nhất định. Một khi đã
di căn hoặc chen kết vào cấu tạo DNA của tha thể, nó âm thầm, tưởng rằng không
có nó, nhưng nó đã ở đó trong DNA của người đọc và di truyền. Vật chất di truyền
của nó chỉ là một cảm thức, một cảm giác siêu hình nào đó. Và điều này phải thừa
nhận rằng Dương với môn phái “ngũ long công chúa” mạnh hơn đàn ông. Các ông chớ
có xà quần tỷ thí! Chữ nghĩa các bà, gồm cả em Dương, thường lãng đãng một cảm
thức siêu hình khó nói. Cũng như nói tới là một việc hầu như sai lầm. Cảm thức
siêu hình đó không phải để nói tới, muốn hiểu được hãy cảm, nghĩa là nhập thần.
Cứ kệ “cmnr”! Và bạn thấy nó đâu đó quanh quất thân mình, lãng vãng trong tâm
tưởng. Câu chuyện của Duẩn, Thư nhạt nhẽo, buồn tẻ, không đáng kể. Chẳng có
chuyện gì theo kiểu gặp gỡ -mẫu thuẫn-đỉnh điểm-giải quyết mâu thuẫn-kết thúc.
Duẩn
– người đàn ông mập mạp, ưa giễu cợt, mặt đỏ gay; xàm!
Thư
– có ngoại hình dịu dàng nhưng cứng cỏi và lạnh nhạt; ai để ý đâu!
Thư
và Cương từng yêu nhau; kệ tụi nó chứ!
Cương
– người đàn ông mảnh khảnh, hơi nữ tính, thiếu tính chất nóng nảy của đàn ông;
nghe mắc mệt!
Phấn
– anh bạn chủ nhà, ưa tán tỉnh, muốn cưới vợ là cô giáo; rồi thì sao!
Như
vậy rốt cuộc ‘tính chất có vấn đề’ mà văn chương xưa nay hay rảnh rang kiếm
chuyện bày ra trên con chữ, không có trong địa hạt tâm hồn Trùng Dương. Hoặc:
tính chất có vấn đề của sự đời ở Dương lây lan theo một kiểu khác?
Có
những khối u ác tính/mãn tính trong Mưa không ướt đất. Giây phút nhận thức về sự
phi lý (thực ra tôi không thích từ này, vì thị lý hay phi lý mang tính chủ thể-thời
thể-võ đoán). Phi lý đùn lại trong một khoảnh khắc và nó ở đó. Mãi mãi lộm cộm
trong tâm tưởng, dần dà như ra một khối u, tưởng như nốt ruồi nhưng ngày càng phình
to nhức nhối. Dương thấy thương hại quá khứ. Khối u quá khứ nhức nhối. “Nghĩ
cũng buồn cười. Tôi thấy thương bọn mình dạo ấy lạ, thương cái quá khứ hồn
nhiên đến thơ ngây đó. Sau vụ phát giác đó, tôi thấy như có một mối nghi kỵ rơi
xuống giữa bọn mình …”[2].
Không thể tự dàn xếp lòng mình, thì lòng mình sẽ bị bố ráp – bị khủng bố - bởi
kẻ tặc đảng của Phi Ngã. Phân chia Ngã và Phi Ngã (Tôi và Phi Tôi), khiến cho
tâm thức trở thành một cuộc áp thấp. Không hẳn là một cơn bão nóng nảy càng
quét, mà chỉ là cơn áp thấp quần thư thường xuyên.
Nửa
bão nửa áp thấp như vậy không chỉ giăng giăng trong văn Trùng Dương, mà còn thấy
ở nhiều nhà văn khác nữa. Các nhà văn nam cũng như các nữ văn sĩ. Suy tưởng là những
tầng mây dày và nặng trịch áp sát mặt đất. Buồn bã như đời người và sống là một
dạng cảm sốt hành hạ cơ thể, yêu và suy tưởng là cơn cảm cúm. Suy tưởng phát tiết
bằng sức nóng hầm hập của cơ thể khi phản ứng với một loại cúm mùa chưa kịp
thích nghi. Một khi kháng thể vẫn còn đang thư hùng với loại cúm xa lạ, cơ thể
lên cơn sốt, rét run, mệt nhừ và ánh mắt buông hờ trôi lãng đãng không chủ
đích, nhìn cuộc đời tràn ra chán chường, suy tưởng là một cơn sốt bởi cúm mùa.
Trùng Dương vẽ nên một hình tượng đàn bà, có lẽ là đàn bà trẻ, không chắc,
nhưng có thể đàn bà đã chấp chới bỏ lại tuổi trẻ để bước tới một cái gì chưa hẳn
già. Nhưng cũng không hẳn đàn bà, có lẽ chỉ nên gọi người trẻ. Tuổi thanh niên ảo
tưởng. Đàn bà nửa vời, bởi hai cánh chim đã sướt mướt ướt nước mưa giông, từng
nang lông suy tưởng dầm dề, mệt mỏi rã rượi. Con chim ngồi cú sụ trong hóc cây,
nhìn ngày mưa áp thấp chưa có dấu hiệu kết thúc. Chẳng thế nên Thư đã nói một
câu xanh rờn rợn “nói là nói vậy thôi … Nỗi buồn thực ra tô điểm cho cuộc sống…”[3].
Đặc biệt là một người đàn bà trí thức thì chẳng khác gì liều thuốc độc. Trí thức
có quý báu khỉ gì với một người có của. Trí thức chỉ là một bản án xác quyết nỗi
buồn, người ta như kẻ tù và trí thức như cai ngục, tên cai ngục giật đầu, kéo mắt
cho thấy cảnh chính bản thân bị cưỡng hiếp giữa ngục thất. Huống hồ một người
đàn bà trí thức, chẳng khác gì người đàn bà với nỗi đau nhức nhối bị tước đoạt
dương vật (kiểu như Trần Đức Thảo từng biện bạch), đổi lại là một con dao đã rỉ
sét những vẫn còn khát máu. Thư lạnh lùng nhưng lời nói và cách suy nghĩ của cô
gái nhọn nhoắt như một mũi kim đâm.
“Theo
tôi, báu gì cái trí thức, nhất lại là một người đàn bà trí thức”[4].
Câu
chốt hàng rung lạnh đúng điệu Shaken Martini!
Magarita
Chung cư
Vấn
đề luân lý. Có vẻ như bầy khỉ nhân loại lúc nào cũng thèm khát luân lý. Phải
chăng vì chẳng có luân lý nên truy đuổi tìm kiếm luân lý. Hoặc giả luân lý chỉ
là thứ nhãn hiệu (không hơn) để che đậy cái cần che đậy. Nói ra đây không phải
để bốc phốt hoặc giãy nảy một vài cái gọi là
- trước bệ thờ mỹ danh NHƠN LOẠI; mà những muốn thượng đẳng hàn lâm trí
thức và những nhà luân lý học những bậc đạo đức gia có thể lượng thứ và bao
dung cho kẻ đàn bà phì phèo điếu thuốc đầu tiên trong ngày – một phận đàn bà –
một kiếp giang hồ đỹ điếm – nhởn nhơ phà khói vào người đàn ông luân lý tội
nghiệp đang van lơn cô buông tha cho thằng con trai của ông. Để mà chi vậy? Vì
sao một bậc trưởng thượng địa vị được thiên hạ tôn kính (tức là đại diện, tức
là biểu tượng cho chuẩn mực và quy phạm xã hội) lại phải hạ mình hầu phục và
van vỉ một chút đỹ điếm mạt hạng thế kia? Phải chăng để gìn gữ và bảo vệ cái
ngai vàng luân lý của ông ta – mô thức gia đình quy chuẩn – các mô phạm nhân
tính mực thước. Hay đúng hơn, ông bảo vệ cho gai vàng sáng chói Apolo khỏi mối
nguy hại sứt mẻ suy suyễn ô nhiễm cấu bẩn bởi thói ngã ngớn đàn đúm cợt nhã giễu
nhại tệ lậu đáng xấu hổ của Dionysos.
“Tôi xin cô hãy buông tha con
tôi, hãy trả nó về với gia đình nó, với mẹ nó, cha nó, với đứa em gái đang khốn
khổ vì bị gia đình nhà chồng từ hôn chỉ vì có một thằng anh đàng điếm, sống
chung với …”[5]
Cô
gái giang hồ (môn đệ của Dionysos) hầu như dửng dưng. Bởi bóng tối đùn ra từ
khe hang vực thẳm thân cô nào có thèm bôi xấu tiêm nhiễm chi hết! Đối với cô, chuyện
hết sức tầm phào. Ấy vậy mà, người đàn ông (kẻ hầu phục dưới ánh sáng huy hoàng
điển phạm mô thức của Apolo) thì run sợ và bấn loạn. Bởi ngai vàng chúa thượng
chinh ngự đương run rẩy. Không biết … kẻ môn đệ Apolo có thấy rằng: từ lâu,
ngai vàng hoàng thiên thượng đế bấy giờ đã chẳng còn hơi hám gì của đế thượng hoàng
thiên. Bấy nhiêu năm hầu phục tôn phò “nhân tính” trên ngai “nhân bản”
mà chẳng ngộ ra được: hắn chỉ là kẻ giữ mộ, canh gác nấm mồ của nhân tính. Tử
thi nhân tính dưới nấm mồ phi nhân bản, đến mức cỏ dại chẳng mọc nổi!
Nhưng
cũng xin bè lũ đồng loại, chớ lầm tưởng những kẻ “theo đóm ăn tàn” xập xình cuốn
quần kéo áo theo sau Dionysos là những người đắm đuối rượu nho. Xin hãy cẩn trọng
đôi mắt, cặp tai, hai lỗ mũi và thần khẩu chớ xuất thần vô phương cứu chữa, bởi
những kẻ mạo danh “hippie” thì nhiều mà thực sự hippie thì đếm trên đầu ngón
tay. Nào những lời dối trá ngọt ngào êm dịu, nào những kẻ tuyên thuyết xưng
danh ái tình và tự do, nào những bậc giai nhân tài tử xổ tung giới hạn truy tầm
tuyệt đích, rất có thể bọn họ cùng chung một nấm mồ hư vô, cùng đường bí ị!
Đàn
bà làm văn chương, để mà làm gì chứ? Không riêng chỉ với văn chương, dù làm gì
đi nữa, dù ăn ở đi đứng nói cười ngủ nghỉ cởi quần lột áo, hay gì gì đi nữa,
chung quy chỉ làm một việc duy nhứt. Làm đàn bà! Ngay cả những ai không đàn bà,
những ai là đàn bà nhưng giãy thoát thỏi một phận đàn bà, và những kiếp hồng nhan
đúng chất đàn bà,… chung quy đều dính líu và ít nhiều thực hiện sự đàn bà. Nói
vậy để thấy “đàn bà” không đơn thuần hiện thể mà là một tính thể. Đàn bà, thực
chất là ý hướng đàn bà. Cũng tức là lắm ông cũng có khi rất ư đàn bà. Và các bà
có khi đỡ đàn bà hơn các ông; các bà còn có khi phi thường đàn bà hơn các bà
khác. Nói càm ràm mấy lời này, ngõ hòng mở lối cho thiên hạ thử hạ cố chút lòng
đến mấy lời tỷ tê của Dương – Trùng Dương: tức Dương Tính Đàn Bà.
Hay
Đàn Bà Dương Tính = Trùng Dương.
Người
con gái Cua Đinh, chị đàn bà cá rô đực. Mấy lời khen thiệt lòng quá trời quá đất
này, có thể khiến không ít bậc trưởng thượng chữ nghĩa nhột nhoạt sau hè, nhưng
chắc rằng nếu lột bỏ toàn bộ xiêm áo mũ mạo giày hia, các vị thôn trưởng thượng
tộn có thể hè nhau khóc ròng cho dã thú Đàn Bà Trùng Dương, bởi mấy lời trùng
dương khơi dòng ái tình khổ lụy. Các vị thần khẩu bốn phương tám hướng có nghe
lời thỏ thẻ thủ thỉ trùng dương.
“Thưa ông, tại sao người ta đòi
tôi phải hy sinh, trong khi người ta chẳng chịu hy sinh cho tôi một mảy may? Vợ
ông còn có ông săn sóc. Con gái ông xinh đẹp, học giỏi, nhà giàu, lo gì chẳng có
bao nhiêu kẻ khác chạy đến lạy lục van xin để cưới làm vợ? Còn tôi, tôi có gì
đâu ngoài tình yêu của Tuấn? Tuấn là lẽ sống của đời tôi bây giờ và mãi mãi về
sau. Tại sao, tôi cũng chỉ là một người con gái như trăm ngàn người con
gái khác, mà tôi lại không được quyền yêu đương, không được quyền hưởng hạnh
phúc với người tôi yêu và yêu tôi. Tại sao? Tại sao vậy hả ông? Tại sao vậy hả
trời?...”[6].
Thưa
các vị trưởng thượng hoàng thiên thượng đế, các bậc minh quân anh tuấn thần võ,
các vị có nhận thấy vì sao giới chữ nghĩa Nam Việt Nam hồi ấy cứ hay mượn kiếp
đỹ điếm giang hồ hòng thú thiệt lòng dạ. Cớ làm sao cứ phải quanh đi quẩn lại
vũ trường, giường chiếu, rồi rỉ rả ba lời ái tình ngặt nghèo éo le ngang trái?
Làm bộ như thiên hạ ái tình bấy nhiêu gom hết vào nghịch cảnh đỹ điếm không bằng?
Liệu có phải giới chữ nghĩa bấy giờ, cũng như tomboy Trùng Dương (gốc ở xứ Đoài)
và bằng hữu vườn đào (ngũ long công chúa thủy tề) vận hội hòa mình vào không
gian Nam Việt Nam ngột ngạt. Nỗi ngột ngạt bức bối đòi hỏi một truy cầu nhân
tính đúng nghĩa. Rốt cuộc, dầu có rỉ rả tỷ tê thê thiết tha lòng như thế nào đi
nữa, dầu có gán ghép quy kết gá tội “hiện sinh” gắn bệnh “nữ quyền” gì gì đó
thì, chung quy: Trùng Dương và Ngũ long công chúa thủy tề cũng chỉ có thể nói
đi/nói lại/nói tới/nói lui/nói xuôi/nói ngược/nói quàng/nói xiên chung một “luận
đề” duy nhất: SỐNG và YÊU; hay YÊU và SỐNG; hoặc SỐNG=YÊU. Cùng một số môn phái
thịnh thời bấy giờ, ngũ lông công chúa thủy tề đã góp thêm mấy lời thống hận
cho bọn “yêu quái dục lạc” sống ở vùng âm giới u tối bấy lâu bị trù dập câu nhốt
giới hạn vào địa hạt cấm kỵ. Chung quy, ấy là đại hội kết tập những kẻ tạo phản,
những tên loạn đồ, những phường nghịch tử, những thứ nghịch tặc, những đứa bụi
đường bỏ nhà đi hoang, những o chửa hoang, những thằng du đãng, những con thú
lang thang đầu đường xó chợ trong cuộc hội hè và hội hề đô thị miền Nam. Chính
vì vậy, bọn chúng đáng thương hơn những đồng loại của chúng ta. Và đến cùng,
xin nhận bọn người quỷ ám, xin nhận bọn yêu ma dật dờ trong bóng tối Dionysos
làm đồng loại mến thương! Những muốn ôm hết thảy bọn yêu ma vào lòng thắm thiết!
Ôi yêu ma, đồng loại của ta!
Từ
ngõ Ái Tình, Dương dẫn bạn về lối nhân tính. Sống, yêu, hạnh phúc, làm người, …
Những kẻ làm cuộc đổi dời thay trời đổi đất, hoặc những anh Từ Hải, Hy Văn, thế
nào cũng xỉ vả cười nhạo Dương với ngũ lòng công chúa thủy tề: ôi những con
chim sẻ quanh quất bay chuyền bụi bờ, không thể làm cánh tưởng bay bổng chín tầng
mây xanh, phận bèo bọt không thể hiểu nổi cánh bằng đập cánh che lấp trời cao.
Hẳn không ít kẻ trong thiên hạ cứ băn khoăn, sao cứ phải lải nhải nói hoài mấy
lời tình ái nhạt nhẽo tầm thường quá đỗi. Ủa vậy ra con người có thể phi thường
được chăng? Có thể cao xa siêu vượt được ru? Đành rằng cánh chim bằng che khuất
hoàng thiên, đành rằng chim sẻ chỉ luồn lách cành nhánh bụi bờ. Nhưng đâu ai
nói được rằng chim sẻ đôi cánh không nghĩa lý. Chí ít, chim sẻ thấp hèn đôi
cánh có thể nhẫn nhơ vẩn vơ hạ cố nghe ra lời giun dế tấm lòng. Đồng loại con
người có mấy ai dám vỗ ngực xác quyết bụng dạ ruột phèo mình chẳng đôi khi gáy
ran dăm ba lời giun dế. Chí ít những kẻ như Dương đã dám thổ lộ thoi thóp dầu cửa
họng bị bóp thót nghẹn ứ ít nhiều. Phò suy chẳng phò thịnh, Dương làm chữ nghĩa
làm báo và làm đủ thứ búa xua tùm lum; chí ít Dương dám làm. Tức là tomboy
Trùng Dương đã dám dương tính với đời! Mừng cho Dương vì đã dương tính với đời!
Ranh
giới nhập nhòe giữa lớp diễn vai tuồng và xúc cảm, màn kịch không thật nhưng
xúc cảm thì chân thật quá chừng. Mỹ Dung – cô gái giang hồ trên sân khấu, làm
trò mua vui cho thiên hạ. Ngang trái trong cõi người của đồng loại chúng ta, vốn
chỉ là trò khuây khỏa lấp vào nỗi trống rỗng đời sống tha nhân. Bốn bề những
tha nhân lấp đầy nhau, bởi trời sinh vực đời vực người, bao nhiêu mệnh phần số
kiếp nhào đầu rơi rụng những mong lấp đầy sống, mà hằng thủy đến giờ có lấp nổi
đâu. Lấy cuộc lấp đời, người trở nên nực cười hết biết! Biết tìm đâu nhân tính
trong những cuộc của đời. Mộng và thực, kịch và đời, đỹ điếm và kịch sĩ, Dung
cũng được mà Kim cũng được, … cô gái với mẹ say sưa nói về những dự tính trong
tương lai.
Phù
phiếm = Siêu nghệ thuật[7].
Cuộc
đã thảm bại trước lớp lớp đời. Thái độ phủ chối của mẹ Kim có khiến bạn lòng thấy
bệnh hoạn và đáng thương hại. Cái quán tính siêu ngã phủ trùm đời Kim. Nghe mà
thảm bại hết sức, Kim cứ hết lần này đến lần khác, hết suy nghĩ rồi lại ưu tư,
Kim muốn thoát khỏi mẹ[8]. Không biết có ai nhớ đến Cô
gái chơi dương cầm không? Dương và Kim ngồi thủ thỉ kế bên, có lúc Dương
nói thay cho Kim. Nói đã đời, chỉ thấy Kim và Dương giăng tơ bó mình thành thứ
xác sống trong lọn tơ không đầu đuôi. Nghệ thuật, phó Nghệ Thuật, siêu Nghệ thuật
dằn qua kéo lại, rốt cuộc nghệ thuật theo lối ấy đã tanh bành té bẹ. Cái nghệ
thuật mực thước điển phạm đã phá sản mà cái thuật nghệ đổ tháo hỗn loạn của những
tên “mọi đen-mọi vàng” đầy rẫy Nam Việt Nam cũng chưa nên người ngượp hình hài
gì ráo. Nghệ thuật, phó Nghệ thuật, siêu Nghệ thuật, rốt cuộc chỉ là phi Nghệ
thuật. Thánh thần thiên địa ơi! Vậy thì rốt cuộc những suy tư của Kim để mà làm
gì chứ? Cây búa suy tư kiểu như Kim chỉ là lối đập đầu tự sát. Đập chế mẹ Kim
cho rồi!
Nhân
tính không phải cái mà người ta tạo ra. Nhân tính là cái tình thế mà người ta
thành ra. Kim hay Dương cứ liên hồi ao ước làm cuộc tạo phản, dẫu trở thành kẻ
nghịch tử ngỗ ngược cũng chẳng sao.
“Mẹ đã mớm vào hồn con trẻ một hận
thù đối với người cha không bao giờ biết mặt và đối với bọn đàn ông vốn như
loài ong bướm vờn, hút mật đấy rồi bỏ đi không luyến tiếc. Chính mẹ đã đang tay
khép chặt cánh cửa đời son trẻ của mẹ và đời con gái của tôi bằng những thành
kiến, bằng hoài nghi. Mẹ nặn cho tôi thành hồn nhiên, già dặn, lẳng lơ, đoan
trang, chững chạc, đứng đắn, nề nếp. Tôi đã từng là Lan, là Huệ, là Điệp, là
Dung, là Trinh, là Hồng – nhung tôi chưa bao giờ là tôi”[9].
Ủa
vậy là nghệ thuật chỉ là một hình thái trả thù đời, nghệ thuật chỉ là phương tiện
để nhân tính phục thù thú tính, chỉ là cái để con người che đậy bản năng cấu xé
giết chóc đồng loại, chỉ là thứ giả danh để con người thực hiện ảo vọng làm người
không thành ngoài đời thực, nghệ thuật chỉ là một phiên bản của thú tính học
đòi làm người để mà có nhân tính. Ủa như vậy, người vốn dĩ đã có nhân tính
chưa? Bạn lòng nếu thiếu kiên nhẫn chắc có khi xé tan tành trang sách không chừng.
Dương thiệt cà chớn vì cứ khiến người ta rấm rức khó chịu mỗi khi đọc. Nhưng
trước khi bạn đọc khó chịu rấm rức, chắc Dương đã nổi mình nổi mẩy, ngứa ngáy
rôm rẩy khắp châu thân. Cái hình hài thể phách của Dương bị chứng ngứa ngáy
kinh niên mãn tính, tứ chi cào cấu hồn phách.
Dẫu
gì, phải thừa nhận Kim à (cả Dương nữa, cũng phải thú nhận đi), chính cái siêu
nghệ thuật hay phi nghệ thuật gì đó, cái phá phách ngỗ ngược của phường nghịch
tử, của đám loạn thần cũng khởi dậy bởi chính bào thai tử cung triều ca của MẸ/cái
nghệ thuật tiền hiện. Bởi có mẹ/có nghệ thuật quy thúc mới khởi xuất “khả thể”
nghịch tử sắp sửa. Chẳng phải Dương đã nói đó sao: “Như mẹ đã sống cho tôi
diễn xuất”[10].
Nói vậy, thì Kim và Dương nên quỳ lạy mẹ hiền mẫu thân ác nghiệt ba lạy, cũng
như Tâm với Tuyền phải xá tạ tiền chiến chữ nghĩa ba lần. vậy mới đáng công cốt
nhục cù lao thoát lốt lập thành sử mệnh văn chương. Nhưng mệnh của ai nấy sử!
Chớ có lằng nhằng bắt ép ấn định. Thế hệ “MẸ” với diễn trình đời MẸ, thế hệ “CON”
với diễn trình đời “CON”, chẳng thể trùng khít, in lồng vào nhau. Hai phận người,
hai thế hệ, hai diễn trình đời sống khác nhau, chớ bắt con phải Apolo, con chẳng
có nghĩa vụ phải Apolo. Thằng cha Dionysos cưỡng hiếp MẸ đẻ ra CON, cớ làm sao
bắt con Apolo như cái nòi tình căn cốt của MẸ được. Thành ra Kim đã “cương”[11] trên sân khấu, chỉ những
lúc ấy Kim mới là Kim, còn bằng không chỉ là “…” chẳng có Kim nào hết.
“Tôi nằm trên giường lẩm nhẩm.
Câu đó mẹ thường viết trong các lời đối thoại của nhân vật chính mà thường là
do tôi thủ vai. Tôi cảm thấy có một cái gì không ổn trong tôi. Tôi không mong
cái gì bây giờ và mãi mãi về sau. Tôi chỉ muốn có bây giờ. Bây giờ hay không
bao giờ. Tôi kinh hoàng những gì mãi mãi về sau”[12].
Tính
mệnh của mẹ là để lưu danh mãi mãi về sau, lập thành điển phạm, an ngự trên
ngôi cao chính bệ cho thiên hạ phượng thờ tán tụng thắp nhang cầu khấn. Tính mệnh
của con là chỉ có bây giờ trong giây phút hiện tại độc hữu thống nhất toàn thể.
Thực chất bạn có thấy Kim mà cũng chính là Dương, đã đặt ra tình thế đối nghịch
của hai thế giới quan và hai nhân sinh quan. Vậy, bạn sẽ chọn làm mẹ thiên hạ/làm
má thiên nhiên/làm bà nội vũ trụ hay chọn làm nghịch tử/nghịch tôn/nghịch tặc/nghịch
đồ/nghịch đệ. Xin mời cứ tự nhiên lựa chọn! Hãy cứ mừng vui đón nhận vài câu chửi
rủa bá vơ! Bởi rủa xả bá vơ cũng hay ho như ong ve giun dế rỉ rả, may ra khiến
đêm sâu hoang vu trên đại địa bớt phần nhạt nhẽo!
Rồi
cái ương ngạnh đã xua đuổi được chốc lát dáng hình mẹ thiên hạ! Lục tìm hộp quẹt,
Kim nhấp nháp điếu thuốc đầu tiên trong ngày.
***
Nhiễm
phải kịch độc Dionysos, Dương toàn kể lảm nhảm mấy cái số phận không đâu. Nếu
không phải là nghịch tử thì cũng là nghịch tặc – kẻ đào tẩu khỏi chiến trường
cuộc đời. Thiệt hết nói nổi Dương! Toàn một lũ con hoang lạc loài, phận chó đẻ
đầu đường xó chợ! Dầu có danh phận, lính lác này nọ, nhưng tâm thức bọn ấy chỉ
là tâm thức lạc loài không số không tên không địa chỉ cư trú, vô thừa nhận
trong cõi người. Phận ăn nhờ ở đậu trên chính cuộc hiện hữu của mình.
Nghĩ,
khốn nạn và chó đẻ hết biết, phải không Thuấn Gàn/Thuấn Hạt Tiêu/Thuấn Ớt chỉ
thiên!
Chắc
có bạn nghĩ đến Phi trung tâm, Phi đại tự sự/Tiểu tự sự gì gì đó khi phát hiện
bọn người mà Dương kể. Liệu Dương có biết mấy cái khái niệm long trời lở đất cỡ
đó, hên xui thôi! Nhưng chắc chắn, Dương nghiêng ngó chỉ trỏ thắc mắc về bọn
người như Thuấn, như Kim, bởi chính gút mắc “người” trong lòng Dương! Đó chính
là biểu hiện triệu chứng dương tính! Bằng cách viết, Dương “test” chính lòng
mình trong cuộc diện cô độc thảm thương của Thuấn[13].
Dương
với Thuấn lân la, ăn ké đám cưới. Ai biểu, rồi khi đã ở giữa cái đám cưới tưng
bừng nhộn nhịp nói cười, mắc mớ gì hè nhau khóc rấm rức trong lòng cùng một hơi
rượu mạnh đứ đừ. Cái tình thế - nếu chẳng có cái tình thế đám cưới, chắc Thuấn
vẫn lang thang nhà thổ và ngủ với gái điếm ngon lành; - nếu chẳng có cái tình
thế đám cưới, chắc Dương vẫn làm Mỹ Dung đỹ điếm trên sân khấu chữ nghĩa gọn
hơ. Ai biểu gài thế rồi tự sa chân vô thế, ráng chịu! Có lẽ Dương cũng chấp nhận,
phải nhận rằng chính Dương kiếm chuyện, moi móc ra những sự thể bi kịch, những
sự thể có vấn đề để mà “luận” cái “đề bài” đời sống. Trên mặt bằng chung, Dương
thấy mọi sự chăng có gì đáng chú ý. Nên Dương kiếm chuyện để mà lý sự đời, cho
có chuyện để lý. Cái tính chất bi kịch-có vấn đề, nhờ đó, lộ ra như là tính chất
đặc hữu của thực tại. Lý nào đời lại chẳng có chuyện để mà lý sự, phải không
Dương? Nhờ đó, Dương mới có cái để ăn mày văn chương ba chữ rởm đời!
Ôi
thôi, đời sống cũng chỉ là cái cớ để cơ trí có cái thực thành cơ trí! Nhược bằng
chẳng có cớ sự gì, thì lấy gì cơ trí ong ve rỉ rả. Thuấn – kẻ bi quan, yếm thế,
thất bại toàn diện, thua toàn tập, và vẫn còn chiếu phim chán đời lê thê hơn một
ngàn tập chưa hết. Chẳng hiểu nổi cớ sao Dương có thể lê gót theo Thuấn qua ngần
ấy tập.
***
Hay
cho câu “hy sinh vì tổ quốc”, anh lính về từ mặt trận bị bao vây bởi bầy
con lạ bố. Lớn có nhỏ có, nhưng tất cả đều ngây thơ. Và bởi vì ngây và thơ nên
chúng nó hỏi bố những câu hỏi cũng ngây thơ hết sức. Nhưng những câu hỏi ngây
thơ là những câu hỏi khó trả lời nhứt. Lẽ vì sao? Đơn giản bởi chúng nó chẳng bị
câu thúc buộc ràng bởi bất cứ khái niệm hay quy phạm xã hội gì ráo.
“Con bé đang ngắm nghía đôi nạng,
thì thằng anh lớn của nó đã ra cái điều hiểu biết, quan trọng nói: - Bé Tư ngu
lắm, không hiểu gì cả! Bố hy sinh cho tổ quốc … một cái chân đó. / Con bé Tư mới
năm tuổi càng không hiểu gì hơn. – Thế ông tổ quốc xin cái chân của bố để làm
chi vậy?”[14].
Câu
hỏi khiến cả nhà trong ngày đoàn tụ không biết mở miệng trả lời làm sao, khiến
mẹ nó phải xua tay đuổi bầy con đi chỗ khác chơi. Vậy thôi chứ biết trả lời
sao! Vì rốt cuộc ông tổ với ông quốc là ông nào thì bố nó cũng chẳng rõ. Chỉ biết,
một cái chân còn nằm trên rừng. Nền văn minh chúng ta có những khái niệm thông
đồng. Có thể xem như một thứ khế ước trừu tượng mà hễ muốn chường mặt ra đời
thì phải gánh lấy không thể né tránh. Thứ khế ước siêu hình quỷ dị ấy lại có thể
tùng xẻo da thịt máu mủ con người. Nghĩ cũng khôi hài quá đỗi!
Khi
tất cả chúng ta ngồi đây, chễm chệ salon văn minh thì trên khắp chốn đại địa,
máu vẫn chảy, nước mắt vẫn rơi, thịt da con người làm mồi chụm lửa đạn, nhà cửa
đổ nát tan hoang, thành quách sụp đổ bụi bặm. Con Bé Tư không biết chiến tranh
vì đâu nổ ra, con bé Tư cũng không biết chiến tranh vì ai nên nỗi, cũng chẳng
biết ai chính nghĩa ai phi nghĩa, cũng chẳng biết động cơ mục đích đôi bên giao
tranh, cũng chẳng thể hiểu những luận lý ngoại giao đàm phán gì ráo, … con Bé
Tư chỉ hiểu, chiến tranh đi ngược lại ý hướng sống của con người. Do đó, tất cả
những cuộc chiến trên khắp chốn đại địa này đều là phản nhân tính, dầu phía
nào/bên nào/lập trường nào đều can tội chống lại loài người!
Dù
nhân danh hay mạo xưng bất cứ chủ nghĩa, ý hệ, khái niệm, giao ước gì gì đi
chăng nữa, chiến tranh là phản nhân tính!
Người
về từ mặt trân, mang thân phận “tái ông thất mã”, hay
nói khác, đánh đổi thịt da để trở về cuộc sống đời thường. Nhưng rốt cuộc lại
chẳng thể sống một đời như bình thường hằng mong muốn. Đến nỗi, sống là một việc
con người ta ao ước nhưng chẳng bao giờ sống được một ngày nào đúng nghĩa. Bởi
vì, những kẻ lo sống chẳng bao giờ sống, chỉ những kẻ lo chết mới thực sự sống.
Muốn sống thời phải hủy diệt đời sống. Để những cái tờ tợ cuộc sống trôi tuột
đi, phân hủy ra, lộ diện nguyên hình cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Bảy được tổ quốc
trao tặng tấm giấy có vài câu hoa mỹ, coi như bị ông tổ ông quốc vứt ra bên lề
đời sống, làm một thứ sống thừa, sống ly khai, sống nửa vời, sống bám víu vợ
con, sống ăn hại, sống vất vưởng, sống uất hận, sống ghê tởm, sống đày đọa, sống
sa lầy, … v.v… nhưng tất cả các kiểu sống ấy chẳng có cái nào thực sự sống, chỉ
là tờ tợ cuộc sống. Cuộc đời anh bị ông tổ ông quốc thao túng rồi vứt đi, quay
về với đời thì vợ con phủ quyết hiện hữu của anh. Tóm lại, anh trở thành kẻ trầm
tư mặc tưởng chờ thời! Những kẻ tỏ ra tao nhân mặc khách và ưu tư thế sự rốt cuộc
chỉ là thứ hết thời đánh mất cơ hội làm người, chỉ là thứ giả nhân trú đóng tạm
bợ dưới gầm trời cô quạnh. Nhân sinh, nhân tâm, nhân tính không đủ cho tất cả mọi
người hay “sự con người” vốn dĩ không phải ai cũng có?
“Một
chiếc cùm lim chân có đế
Ba
vòng xích sắt bước thì vương”[15] (Cao Bá Quát)
Hoan
hô Mẫn Hiên Nguyễn Văn Bảy, hoan hô Mẫn Đế Nguyễn Thị Bảy, hoan hô sáu con tiểu
quỷ rượu đế, gia đình Nam Việt Nam ương thối trương phình! Hỡi những kẻ quanh
đi quẩn lại trên cuộc thế, vầy võ u buồn trong những chuyện kiếm sống thường
ngày, những kẻ chẳng bao giờ thoát khỏi được phạm vi chủ thể của bản thân, những
kẻ chết hằng ngày, trương thối ngay giữa lòng đời.
Cuộc
sống chỉ là triệu chứng của cái chết!
***
Bạn
có thất vọng toàn diện vì đồng loại? Liệu bạn có thực sự tin rằng đồng loại
mình có nhân tính hay chỉ là ảo vọng của bầy giả nhân mạo danh?
Để
“test” lại nhân tính của nhân loại, Dương lùa bầy giả nhân từ đô thị về rừng, nghiệm
xét người trong bối cảnh di cư lên miền sơn lâm khoáng dã, coi con người sẽ sống
trải với nhau ra sao khi trở lại cuộc sống ở điểm khởi đầu. Để xem, liệu người
thoát ly đô thị có thực sự trở lại buổi trong trẻo bình minh tính người. Dương
kể rằng:
“Mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều họ
đều chăm chỉ đáp lời gọi của tiếng chuông nhà thờ. Nhưng ngoài những lúc đó, họ
vẫn có thể lượng gạt nhau từng đồng, chửi bới nhau đến khô cổ bỏng họng những
câu tục tằn nhất vì một con gà con thất lạc, vì một trái mít rụng nhầm sang dãy
nhà khác, vì một đường mương bị lấp … Và vị cha xứ ở đây được coi trọng ngan với
một vị lãnh chúa nho nhỏ. Núi rừng bưng bít mọi chuyện một cách thản nhiên”[16].
Nền
văn minh của bạn, đức tin của bạn, … một buổi trưa dậy trễ vì cuộc rượu đêm
qua, ngó ra khoảng sân hanh nắng lơ thơ gió chường qua trên đọt cây phe phẩy, bạn
có cảm thấy ngao ngán bởi cuộc sống vẫn tất tả và tái lặp những vòng quay hư vô
tẻ nhạt? Ngán ngẩm thay những vòng lặp sáng-chiều rồi lại chiều-sáng, không chỉ
rừng mà còn đời sống con người vẫn thản nhiên bưng bít hiện hữu người, dần dà
thui chột “sự con người”. “Sự con người” cứ lăn trở, trôi nổi, tiêu ma mỗi
ngày!
Nhân
tính hay chỉ là quán tính! Không biết bạn nhận định như thế nào … nhưng chắc chắn
VUI HỔNG NỔI !
Cô
em mọi vàng ưa xét lại, từ nay hãy gọi Dương là cô em mọi vàng! Thói hoài nghi xì
ra đầu bút và lấm lem trang văn, Dương nghiêng ngó soi xét sự người trên cuộc
thế, chẳng bao giờ Dương bằng lòng. Cô em chướng khí hết biết! Chính thói rà
soát này giết chết tâm hồn Dương, rúc rỉa tâm hồn Dương. Nếu không chết vì tê
tái thất vọng thì có lẽ Dương đã chạy sạn bụng dạ hoặc giả đã phẫu thuật cắt bỏ
lòng phèo. Bởi Dương chỉ viết ra toàn ám tối âm u trong cõi nhân sinh. Chẳng
nhìn thấy đâu ra thứ ánh sáng thượng tôn thượng đế chiếu diệu bốn phương địa
đàng, mà chỉ có thứ ám tối rượu vang u uất chất chứa mọi ngóc đời sống. Dương gọi
đó là “bí mật của rừng già”. Loài người trong đô thành hay trên rừng già, chung
quy cũng ẩn nấp như bầy giả nhân lạc loài đánh mất sinh cảnh.
“Từ đó, tôi khám phá ra một điều:
người ta khó gột bỏ cái dĩ vãng của mình. Một con đĩ, dù hoàn lương, thì trong
trí thằng chồng và bạn bè của thằng chồng, nó vẫn là một con đĩ tự bản chất.
Con người, trong khi vẫn tự nhận mình là giống vật cao cả nhất trong các giống
vật lại có những quan niệm hẹp hòi nhất … Đời thật bẩn thỉu không chịu được”[17].
Và
“Đời thật chó má, thật hẹp hòi, thật ích kỷ, thật đê tiện”[18], đm đời! Dương toàn giao
du với hạng người bị đời hắt hủi, chơi khăm. Có lẽ vậy, Dương tiêm nhiễm những
uất hận thống thiết bi phẫn của lũ người bên lề. Nỗi thống hận cuộc đời, khiến
bọn ấy dứt khoát ly khai cuộc đời. Nhận ra bộ mặt quỷ quái yêu ma của đời, “đạo
cao một thước ma cao một trượng”, và bọn ấy (những kẻ từng phát nguyện lòng tu)
trở thành thứ ác ma đầu quân quỷ sứ. Miễn dịch với luân lý và phẩm hạnh, miễn dịch
với những đạo đức giả trẻ trâu, bọn người tử tế trở thành quỷ sứ!
Cuộc
“cưỡng hiếp đồng lõa” của Tuyên và người nữ tu[19] có phải là bằng chứng cho
đôi chân ưa bước vào địa hạt cấm kỵ của Dương. Đến nay, những chuyện hiếp giết
tù tội chẳng có gì để mà ngại ngùng hay cấm với kỵ gì nữa, thì bạn bè khỉ đột
đười ươi chợt thấy rằng, sự táo bạo của Dương cơ hồ cũng không mấy bạo táo. Khoảng
lặng và độ lệch thời gian cho phép bạn lòng khỉ đột hôm nay có thể nhìn lại
Dương và câu chuyện cưỡng hiếp tình nguyện năm ấy kỳ thực rất con người. Người
đúng nghĩa con, nên “sự nhân tính” nầy thuộc về “con”. Trong cuộc mây mưa con
người ấy, bạn lòng khỉ đột có nhận ra sự thức tỉnh. Tỉnh thức ấy chính là nhân
tính chứ còn gì nữa!
“Tại tôi yêu nàng. Tôi nghĩ là
tôi yêu nàng. Việc tôi giao hợp với nàng, dù dưới con mắt cậu là một hành động
cưỡng dâm, nhưng tôi thì tôi lại nhìn thấy nó thần thánh, tinh khiết như một thứ
nghi lễ tôn giáo”[20].
Chuyện
đảo chánh, làm báo, làm văn nghệ, làm con buôn, làm người lương thiện gì gì đó,
chỉ là thói luận đề của Tuyên. Chỉ có cuộc mây mưa trên đường về Đà Lạt và mất
hút nhau tại Đơn Dương trong một đêm mưa gió bão bùng mới
thắm thiết thành thật. Hai con người giàu có đức tin đã trở lại thành người
trong phút chốc. Sự người là tình thế không thể phủ quyết! Dẫu Tuyên có bị thiến
đi nữa thì, chẳng ai thiến được nòi tình phất phới dưới gầm trời này! Phải
không Dương?
***
Cứ
nhắc đi nhắc lại Cao Bá Quát[21], bạn có thấy Dương hồ như
đã xem Chu Thần tiên sinh là biểu tượng của bọn ly khai, thoát đời, bất đắc chí
– biểu tượng của xu hướng vận động ly tâm, vượt thoát khỏi thực tại đám đông, để
vận đồng về phía “phi-trung tâm hóa”. Hay một kiểu “siêu nhân Nietzsche” lập
thành hệ giá trị độc đáo. Dương không nói thẳng ra, nhưng mượn cớ Cao Chu Thần
để che đậy thói tạo phản cuộc đời của mình!
“Lúc ấy, anh sẽ trở thành một thứ
Cao Bá Quát bất đắc chí thật sự, một thứ Cao Bá Quát tân thời, chỉ vì chẳng thể
thích nghi được với cuộc sống đang đi dần đến chỗ máy móc của những đua chen, vật
lộn, của những tòa nhà chung cư hiện diện như những con tàu bị kẹt trên đất liền
với những căn nhà chung cư không một góc, xó an toàn cho một tâm hồn mỏng manh
bị đe dọa ngày và bởi chính cả sự im lặng tĩnh mịch của đêm…”[22].
Chung
cư – nguy cơ suy đồi, hao mòn, mục ruỗng, tiêu pha nhân tính. Dương sợ rằng con
người sẽ bị những con tàu chung cư cầm tù. Muốn trào thoát đến tỉnh lẻ, một
vùng cao nguyên nào đó, kỳ thực là sự giẫy giụa trước “cú tụt dốc” vào hư vô
đang trên đà cáo chung. Chung cư = chung cuộc = tận thế nhân tính.
Dương
viết chung cư cầm bằng như lời ai điếu cõi nhân sinh!
Đoạn
“trữ tình” in nghiêng cuối truyện, có phải một dạng tâm thần phân liệt, phải
không Dương? Khối ung nhọt mưng mủ ấy, đến nay, còn khiến Dương nhức nhối hàng
đêm không? Không biết giờ này, Dương còn ôm ắp tín ngưỡng tạo phản?
B52
đắm đuối Lập đông
Lập
đông là một sự lập đông vạn bất đắc dĩ. Cơn mưa giải thoát và mọi người có cái cớ
tản hàng. Nghĩ cũng ngộ, cớ làm sao con người ta truy đuổi vây bắt nhau rồi ngó
lại thành ra chính mình bị cầm tù. Cứ thế giãy giụa, cứ thế vùng vẫy! Ai bắt
đâu! Cái bẫy đời chẳng phải tự vướng vào đó sao? Và ở đây, cuộc truy vấn liên hồi
trong câu chuyện, bám theo nhân vật tôi. Một dạng người ưa suy tưởng nhưng
không sống một giây phút nào. Có lẽ sống theo kiểu Đề Cạc chăng! Kiểu tui tư
duy thì tui tồn tại. Tư duy người không mang lại nghĩa lý nào cho sự hiện hữu,
nó chỉ là bằng chứng cho cuộc sa lầy của con người trong hiện hữu. Nên phân biệt!
Hiện hữu và sự sa lầy trong hữu hiện chẳng giống nhau!
Thông
qua tiết lập đông ảo tưởng trong lời kể của em gái Trùng Dương, thông qua đôi mắt
ngơ ngáo Sơn Tây lưu lạc, bạn có thể nhận ra vài đặc điểm thú dị của giới thanh
niên đô thành năm nào. Kéo lê thê từ những ngày quẩn quanh kinh thành Hồng Hà
cho tới những năm tháng bụi băm ven Đô Thành nhiêu Lộc, rốt cuộc ngoài chuyện
đi tới đi lui, gặp nhau nói vài câu nhát gừng rồi làm tình hoặc uống rượu và cà
phê, thiết nghĩ, cơn cớ nào đã khiến cho thanh niên với thanh xuân nước Việt
rơi vào ao vũng tù đọng bế tắc quanh quẩn như thế? Việc ấy có nghĩa lý gì
chăng? Chí ít, việc ấy cho ta cảm biết được tình thế con người. Cái đà sống hay
cái tình thế mà con người bị dồn đuổi, cả thợ săn lẫn con mồi đều bị dồn đuổi. Lập
đông chỉ là ảo tưởng tư niệm, cứu phạt non nớt và vô vọng cho thanh xuân giãy
chết!
“Những buổi chiều như nhau. Ngần
ấy khuôn mặt vây quanh một chiếc bàn nhắc lại những tin tức xẩy ra trong ngày
mà ai cũng đã đọc qua hay nghe thấy, biết được. Ngần ấy vấn đề đưa ra không lối
thoát. Thời tiết đôi khi cũng thay đổi phần nào câu chuyện bằng vào những hồi
tưởng, những mơ ước về một đôi chuyến đi xa vẫn hoài mộng chưa thực hiện được
(với ý nghĩ: miễn là ra khỏi thành phố này). Như chiều hôm nay với cơn mưa mùa
đông trở về trong trí tưởng”[23].
(Ngoại đề một chút, Dương kể làm
tôi thèm vứt bỏ thị thành lẩn trốn đến tỉnh lẻ lục châu. Ở đâu chẳng được,
Cantho, Sadec, Hatien, Baclieu, Batri, Gocong, Thapmuoi, Kientuong, đâu cũng được!
Miễn là ra khỏi thành phố này, phải không Dương! Thôi, chúng mình cứ thế ra đi!
Hẹn em Trùng Dương dưới vòm trời Nam Việt một ngày. Mình đi thôi em! Từ bỏ!)
Chẳng
có gì đáng kể trong đời để mà viết, thế nên Dương viết về cái sự không đáng viết
đó. Để làm gì chứ! Để thấy rằng nỗ lực tìm kiếm một lối thoát, một nghĩa lý nào
cho đời sống là điều không thể được. Vậy rồi, Dương có phá vỡ được cái trạng
thái Lập động ảo tưởng của thanh niên, có phá vỡ được tình trạng quẩn quanh vô
lối của sinh hiện. E rằng! Dương cũng vầy võ nghểnh cổ ngước đầu nhìn lên miệng
giếng! Những kẻ chờ bị trục xuất, kiểu như Samuel Beckett[24]. Nhân vật bị hư vô hóa, mờ
hóa ri rỉ rì ri gì đó! Cuộc tạo phản bắt đầu từ chỗ trưng ra những con người bị
thui chột, tiêu pha, vô vọng và vô nghĩa! Ôi trần thế thê thảm/thê lương/thê
thiết của chúng ta, cõi trần ai chúng ta đã đi đến bước đường này rồi ư? Bạn có
nghĩ: quá trình vận động từ hiện đại đến hậu hiện đại/hậu công nghiệp chính là
quá trình đi về phía hậu nhân tính, tức phi nhân tính hay không? Không biết bạn
nghĩ sao, chứ bà mẹ cô gái trong Lập đông thì nghĩ vậy.
“Chính đó cũng là điều mà mẹ mơ
ước: tất cả các con nhỏ lại, trở thành những đứa hài nhi, dù cho mẹ có vất vẻ
chăm lo cho tất cả trở lại, cũng được, mà mẹ còn vui sướng là đằng khác. Vì ít
ra, ít ra, khi các con còn nhỏ, mẹ còn biết được các con mẹ muốn gì, cần gì, sữa
và tình thương, lúc nào mẹ cũng sẵn … Bây giờ có nhiều cái các con cần mà mẹ
không sẵn, không có, không biết tìm đâu ra … Con đã khóc rồi đó …”[25].
Mẹ
cho rằng dẫu cơ cực chăm sóc nhưng chí ít vẫn còn có những đứa con có mẹ, còn
hơn là trưởng thành/hiện đại/văn minh nhưng đô thành đầy rẫy những đứa con lạc
loài chết mẹ!
Ôi
sự trưởng thành, những hài nhi u buồn trong đô thị! Ôi nền văn minh vĩ đại của
chúng ta, nền văn minh chết mẹ!
Lập
đông tầm xàm hết biết!
Chuyện
phím quanh bàn con mà Dương kể lể ra, kỳ thực vẫn nhan nhản khắp nơi. Thông tin
búa xua hôm nay trên các trang tin lá cải/lá me/lá mít/lá ổi/lá cóc/lá chùm ruột
mía ghim, v.v… lũ người quỷ ám lạc loài chết mẹ vẫn đem ra bàn phím nhơi nhả
nhai nghiến nút liếm từng bã mía thế sự. Giễu đi cợt lại không biết bao nhiêu
thảm trạng trên cuộc thế đương thời đảo điên: nào chiến sự Đông Âu, nào tranh
chấp hải đảo, nào thi cử thi đua thi chạy bộ giữ ghế, cho tới chạy trốn dịch bệnh
tràn lan trần thế, v.v…. thiên hạ chen nhau búa xua ị đùng khắp đầu đường cuối
hẻm. Đằng sau đó, khi đối diện với bốn vách tường căn phòng, người nằm im thin
thít, ngửi hít mùi hư vô bít bùng bủa vây! Thay vì rối chân rỉ rả khua môi những
lầm than đen tối, những đau khổ tang thương, sao mỗi người chẳng gắng gượng làm
điều gì tốt đẹp, dẫu rất bé mọn, nhưng chí ít có thể bù trừ lại năng lượng tối
vô minh chất ngất trời cao! Có phải không?
***
Mặt
trời thánh tư Apolo, dưới ánh nắng hoàng thiên dương quang huy hoàng, ấy vậy mà
Dương lại thao thiết nhớ nhung anh nhân tình cường tráng Dionysos. Nếu Apolo xứng
danh trượng phu lý tưởng giữa từ đường; thì Dionysos lại tý tởn ranh ma như anh
bồ nhí dẻo dai bền bỉ ở bụi chuối sau hè. Dương nhấn mạnh là… phải bền bỉ, mới
được à nghen! “Người con gái muốn nói khác: thực ra chưa có năm nào tôi ý thức
là tôi thèm muốn nhiều bằng mùa nóng năm nay – thèm muốn một thân thể đàn ông
trẻ, rắn chắc, đầy sinh lực và bền bỉ, nhất là bền bỉ”[26]. Nòi tình Dionysos ẩn chứa
sau Mặt trời tháng tư Apolo. Nắng thao thiết và thèm làm tình đến thao thiết! Chống
chịu cơn rệu rã mục ruỗng, người con gái muốn vùi mình vào thân thể đàn ông, phải
chăng tìm kiếm chỗ trú nắng, trốn mặt trời tháng tư!
Nắng
gió miền Nam khiến cho Dương trở thành con cá mắc cạn. Không riêng Dương, đàn cá
di cư mắc cạn mà Dương gọi là “những người bạn đồng hương, đồng mối lo âu, đồng
sự mệt mỏi”[27].
Vậy nên, Dương phải tò te với anh nhơn tình béo ị mà Dương chỉ xem như nhà phân
tâm học. Không phải để gỡ rối cho Dương mà để cùng Dương sa lầy trong bãi sình
cuộc sống. Cuộc thế sình lầy quá chừng! Nhưng Dương cũng nhây và lầy không kém.
Dương – con cá rô đực – xù gai trườn rột rẹt giữa những búi cỏ thít chặt trên
cánh đồng tù đọng cạn sệt nước. Những ai ưa sầu não, buồn bã, rối rít nghĩ suy
đủ thứ không nên đọc truyện Dương, coi chừng dương tính! Coi chừng nhuốm bệnh,
khọt khẹt, ho hen trào đờm! Văn chương của Dương là một thứ phóng xạ gây ung
thư! Như đã nói ở đâu đó, Ý Thức = Ung Thư. Văn trùng Dương như tấm lưới bủa
vây ý thức để rồi cái nết cá rô đực của Dương khiến bầy cá rô sa lưới cũng giãy
giụa cho trầy vi tróc vẩy.
“Cần
phải có hôn nhân như một cái vỏ bao bọc chuyện đó, nếu không nó chỉ là một cái
gì tội lỗi, ghê tởm!”[28].
Ôi những chàng nhân tình trẻ, bao chàng phi công qua tay, … Dương đã đi trước
thời đại, trước các bà hôm nay táo bạo với phi công trẻ hằng đêm. Nhưng tại sao
mọi người quẩn quanh chuyện vuốt ve, ôm ắp, làm tình, bò tới bò lui trên cái
giường hằng đêm hoặc trên bãi cỏ? Thời đại rũ bỏ, từ bỏ, chối bỏ, chạy trốn, ly
khai! Có thể tránh bãi sình lầy trên mặt đất, nhưng không thể né bãi sình lầy
trong tâm tưởng. Dẫu gì, cá rô đực đàn bà vẫn thèm khát cháy cổ chiếc xe đẩy trẻ
con[29], túp lều bị mưa phong bế,
để cuộc đời chỉ còn hai người với nhau thôi! Bé mọn mà đắt giá vô cùng!
Uống
nước chừa cặn! Bấy nhiêu thôi! Tạm biệt em Thái Thị …!
Mệt
quá kết cho rồi.
Thật
sự, khi đang viết mấy dòng trùng dương, tôi đã trải qua cơn co thắt lòng dạ dữ
dội, đến nỗi phải buông bỏ đi vệ sinh!
Trùng
Dương là nữ văn sĩ thất bại toàn diện. Tomboy Trùng Dương cảm nhiễm cái bi đát
thống hận của thời đại. Năng lượng tối ung bế thành đô, em gái thất lạc đã lạc
loài ngơ ngẩn trong vũng chữ nghĩa. Đôi khi vóng lên vài tiếng thống thiết bi
thảm nhưng thiên hạ chỉ nghe ra như là tiếng thở dài hoặc là niềm chua chát. Dư
vị chẳng bao lâu, không đọng lại được bao nhiêu, Trùng Dương nằm ễnh ra như vết
sẹo xấu xí trên văn đàn Nam Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng vết sẹo xấu xí ấy đã
trọn vẹn nghĩa lý đau thương sẹo sùng trên cõi thế và cuộc thế đương thời! Gửi
em gái thất lạc Trùng Dương cái ôm thắm thiết nồng nàn!
Qua
ánh mắt em gái thất lạc Trùng Dương, bạn có thấy cõi người nhầy nhụa: Khốn nạn
– Nghiệt ngã – Vô luân. Quan niệm nhân sinh rất ư dã nhân, rất chi vượn người,
và quá thể đười ươi! Đôi châu ngọc thảm thương tê dại của buổi hoàng hôn thời đại!
Bốn
câu thơ gửi tặng em gái thất lạc Trùng Dương:
Thôi
rồi dương tính trùng dương
Mưa
không ướt đất chỉ vương nợ đời
Lập
đông thỏ thẻ dâm lời
Chung
cư đồng loại tả tơi đít hồng
Tạm
biệt Trùng Dương đã ngàn khơi! Hẹn em Trùng Dương buổi trùng phùng tái ngộ!
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
·
Beckett, S. (1966). Kẻ bị trục xuất (Biên
Butor dịch). Tuần báo Nghệ Thuật số 26 (9/4-15/4/1966), tr.14-15 &
tr.26-28.
·
Trùng Dương (1967). Mưa không ướt đất (tập
truyện). Saigon: Tập san Văn.
·
Trùng Dương (1971). Chung cư (tập truyện).
Saigon: Nguyệt san Tân Văn.
·
Trùng Dương (1972). Lập đông (tập truyện).
Saigon: Tập san Văn.
[1]
Mưa không ướt đất, tr.9
[2]
Mưa không ướt đất, tr.11.
[3]
Mưa không ướt đất, tr.14.
[4]
Mưa không ướt đất, tr.15.
[5]
Chung cư (tập truyện), tr.9.
[6]
Chung cư (tập truyện), tr.10.
[7]
Chung cư (tập truyện), tr.16.
[8]
Chung cư (tập truyện), tr.16-17.
[9] Chung
cư (tập truyện), tr.17.
[10] Chung
cư (tập truyện), tr.18.
[11] Chung
cư (tập truyện), tr.23.
[13] Chung
cư (tập truyện), tr.30-31.
[14]
Chung cư (tập truyện), tr.51.
[15] Chung
cư (tập truyện), tr.60.
[16] Chung
cư (tập truyện), tr.64.
[17] Chung
cư (tập truyện), tr.67.
[18] Chung
cư (tập truyện), tr.69.
[19] Chung
cư (tập truyện), tr.74-75.
[20] Chung
cư (tập truyện), tr.76.
[21] Chung
cư (tập truyện), tr.57, 58, 60, 101, 103, 114.
[22] Chung
cư (tập truyện), tr.114.
[23] Lập
đông, tr.9-10.
[24] Beckett,
S. (1966). L’Expulsé [Ke bi truc xuat] (translated by Hoang Ngoc Bien). The
Nghe Thuat Weekly News no.26 (9/4-15/4/1966), pp.14-15 & pp.26-28.
[25] Lập
đông, tr.15.
[26] Lập
đông, tr.19.
[27] Lập
đông, tr.22.
[28] Lập
đông, tr.24.
[29] Lập
đông, tr.40-41.
Comments
Post a Comment