Skip to main content

MẠT THẾ LUẬN BỬU SƠN KỲ HƯƠNG: THỨC TỈNH NHÂN TÍNH

 

MẠT THẾ LUẬN BỬU SƠN KỲ HƯƠNG: THỨC TỈNH NHÂN TÍNH

(Võ Quốc Việt)

1.

Hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ, dường như bất kỳ tôn giáo nào cũng có yếu lý đóng vai trò khai mở nhận thức và xây dựng niềm tin tưởng trong lòng người về một thế giới tương lai tốt đẹp. Những vấn đề ấy tựu trung hiệp thành quan niệm “mạt thế” trong hệ thống giáo lý. Những tôn giáo nội sinh ở Nam kỳ nửa cuối thế kỷ XIX (Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa) cũng nói đến thuyết mạt thế với khả năng khai mở, thức tỉnh, giáo hóa nhân tính rất đáng quan tâm.

Thuyết mạt thế xoay quanh những dự báo về ngày tận thế, cuộc phán xét liên quan đến “thiên đường” và “địa ngục”, tái sinh, chuyển thế và người dẫn dắt tinh thần[1], … Xét trên phương diện chức năng, thuyết mạt thế đóng vai trò như những ẩn ngữ răn đe, cảnh tỉnh, giáo hóa, xây dựng nền đức lý thiết thực cho cuộc sống trong giây phút hiện tại. Dẫu rằng bàn đến tận thế và cuộc trùng sinh nhưng ý nghĩa của thuyết mạt thế thực tế thuộc về cuộc sống hằng ngày đang diễn ra một cách sống động. Giá trị thuyết mạt thế, do đó, nằm ở khả năng thức tỉnh nhân tính trong cuộc nhân sinh ở giây phút hiện tại.

2.

Dựa trên nền Phật lý, giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) tiếp thu khuynh hướng mạt thế luận tương đối (relative eschatology)[2]. Khác với lối giảng truyền Mạt thế chung cuộc như một số tôn giáo như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo; Phật giáo đề cập đến quan điểm mạt thế theo lối phủ nhận chung cuộc. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là Duyên khởi luận. Do đó, thay vì thừa nhận chung cuộc tồn tại “người và thế giới” thì Phật giáo quan niệm “mạt thế” như là dòng luân hồi sinh-diệt, hiện hữu-tàng ẩn vô hạn. “Niên như điển, nguyệt như thoi/ Vần xây thế giái luân hồi chẳng chơi![3](tr.83). Theo đó, BSKH cũng đề cập đến mạt thế như là các chu kỳ hiện hữu tuần hoàn. Sấm rằng:

Nhứt Ngươn Đức Phật Thích Ca/ Giáng sanh cõi thế Long Hoa hội kỳ

Người sanh bá tuế sở qui/ Bá niên giảm thọ hạ di thiếu thời.

Giảm chí tam thập đến nơi/ Người cao ba thước là đời cơ nguy.

Tai ương khổ não nhiều kỳ/ Giảm chí vậy thì nay thiệt chẳng sai.

Người cao hai thước chẳng dài/ Ôn hoàng tật bịnh liên lai khốn nàn.

Giảm chí thập tuế bước sang/ Người cao một thước tai nàn bớ dân.

Thiệt là đại biến phàm trần/ Vạn nhơn nam nữ thẳng lần sơn trung” (tr.89)

Chu kỳ vận động Thượng Ngươn tới Hạ Ngươn rồi trùng ngươn: “Thế nay cạn, sự đã rồi!/ Mở mang dời đổi Lập Đời Thượng Ngươn” (tr.86). Đáng nói, giáo lý BSKH chỉ ra nguyên nhân dịch chuyển tam ngươn, nằm ở chỗ suy đồi nhân tính. Bởi nhân tính suy đồi nên nhân sinh dịch chuyển từ thượng đến hạ (tức chiều hướng suy thoái nhân tính, đi ngược lại quan điểm tiến hóa luận Tây phương về mặt xã hội). Nói vậy không có nghĩa mạt thế luận Phật giáo và quan điểm mạt thế BSKH bi quan yếm thế, ngược lại thể hiện niềm tin xán lạn ở buổi tái lai. Một khi, con người biết thức nhận và tái thiết nhân tính, phổ truyền đức lý trong cuộc sống thường ngày, bấy giờ thượng ngươn chẳng đâu xa mà đã mở ra ngay giây phút hiện tại.

Mạt thế đương hồi chung cuộc. Bởi vậy, người tỉnh thức phải biết gắng công tu tập. Quan niệm mạt thế BSKH nhằm mục đích lớn nhất là khích lệ người đời quay về chính đạo, tu sửa nhân tâm, tái thiết nhân tính, góp phần khai đời thượng ngươn. “Phật trời lòng lại xót xa/ Giáo trong thiện chúng Long Hoa mà nhờ” (tr.84). Nghĩa lý Hội Long Hoa nhằm mục đích thức tỉnh con người khỏi u mê/vô minh, rời bến mê tới bờ giác, tránh sa vào chỗ mê lầm, điên đảo, khổ đọa. Cho nên, dầu lấy Hội Long Hoa làm đích nhưng thực chất thức tỉnh con người sống hiện tức khắc ở thời “hiện tại tiếp diễn”. Ở khía cạnh này “Hội Long Hoa” khác gì “phương tiện thiện xảo”/upāya-kosalla để lòng người thực sự trở thành Tại thế thể (Dasein). Cho nên nói, Mạt thế luận BSKH thực chất “phương tiên thiện xảo” để thức tỉnh và tái thiết nhân tính cho cuộc nhân sinh đương thời. Trong đó, người dẫn dắt tinh thần có vai trò quan trọng: “Nay đà gặp Phật giáng sanh, Khá khuyên bá tánh làm lành tu thân” (tr.93). Mang nguồn năng lượng có khả năng lan tỏa, cộng hưởng, truyền cảm hứng tích cực, làm thức tỉnh nhân tâm, người dẫn dắt tinh thần thể như tiếng chuông vang động khiến mỗi người cùng gióng lên tiếng chuông lòng tỉnh thức.

Tiến hóa/phì đại xã hội tiêu thụ khiến lòng người vong bản, ngã về phía thú tính, sống gian tà, bạc ác, hung hiểm, … khiến nhân sinh đảo loạn sụp đổ, riềng mối kiến tạo hệ giá trị văn minh nhân loại đứt gãy. Văn minh hồ như khái niệm giả tạo nhằm che đậy bản chất phân hủy nhân tính đang diễn ra trong hầu khắp mọi mặt đời sống. Thực trạng dã nhân hóa (dehumanization)/ thú vật hóa (animalization)[4] hôm nay trong cuộc sống nhân loại, càng minh chứng cho hồi cáo chung văn minh. Nhưng không có nghĩa loài người chẳng còn cơ hội cứu vãn! Hồi cáo chung tận mạng chỉ là bước khởi đầu Hội Long Hoa. “Bỉ cực thới lai”! Mai hậu xán lán sắp sửa. Mạt thế luận BSKH mở ra niềm tin tưởng tích cực, khích lệ nhân tâm. Xây dựng nền nhân bản mới có thể là con đường khả dĩ giúp nhân loại giãy thoát khỏi “buổi hoàng hôn của những thần tượng”, đập tan mây mù ảo vọng của những giá trị sống “KOLs”, tỉnh thức rồi tái lập hệ giá trị nhân vị hài hòa hệ giá trị nhân sinh. Sự tiến hóa xã hội không chỉ thuần túy và dừng lại ở phương diện tiến hóa tri thức và phát triển tiện nghi vật chất; mà phải là sự tiến hóa tâm linh. Không thức tỉnh, loài người tức thì bước vào hồi hạ ngươn.

Địa ngục và Thiên đường (Hạ ngươn và Thượng ngươn), vấn đề này cần được xem trong mối liên hệ với sự phán xét dựa trên thực trạng sống trải của mỗi cá nhân. Đó là “bản án” có ý nghĩa răn đe người đời. “Sanh tiền mình chẳng biết sao/ Tử về âm cảnh hồn vào ngục môn/ Nhứt nhựt tam đả oan hồn/ Oan thâm nghiệt trọng ai hiềm cứu cho” (tr.93). Thực chất vấn đề địa ngục chỉ là những giới hạn thiết lập “nhân tính”. Chưa vội bàn mức khả tín của thiên đường địa ngục, nhưng hoàn toàn khả tín trong việc tái thiết đạo đức hành vi. Địa ngục thiên đường từ một vấn đề giáo lý trở thành một vấn đề tâm lý và biểu hiện thành vấn đề đức lý. Như vậy, ý nghĩa của vấn đề này không nằm ở khả thể siêu hình của cõi giới trừu tượng, mà nằm ở hiện thể kết hợp TÂM-TÍNH-TÍN.

Người Việt miền Nam vốn gốc lưu dân, không thạo chữ nghĩa, chẳng quen trường ốc, vốn tính thiết thực gần gũi giản dị, không quen nói những “lý siêu hình” viễn vông trừu tượng. Ngược lại, họ bám chặt đời sống, hiện diện ở giây phút hiện tại, bàn những chuyện có ý nghĩa trực diện trong đời sống lao động sản xuất thường ngày[5]. Cho nên, mạt thế luận đối với người bình dân Nam bộ, thực chất là vấn đề lối sống đạo đức. Lấy đó là căn, họ tạo lập các mối quan hệ (giữa mình với mình, giữa mình với người, giữa mình với vạn hữu). Trên dòng lịch đại, họ trao truyền quan niệm sống tử tế đàng hoàng cho con cháu, căn dặn con cháu tránh làm điều thất đức, giữ đường mai hậu cho cuộc sinh tồn. Đó cũng là cách họ giữ gìn sức sống bền chỉ cho nòi giống Việt trên vùng đất bình nguyên Cửu Long. Mạt thế luận hòa quyện nhuần nhuyễn vào văn hóa đạo đức xã hội của người Việt miền Nam.

3.

Những tôn giáo nội sinh ở Nam bộ như BSKH hướng lòng người đến Hội Long Hoa, đánh thức tự thân nhận biết hành vi sống thường ngày, biểu hiện qua việc tái thiết đạo đức gia đình và đạo đức xã hội, bồi tụ niềm tin tưởng đối với Chân-Thiện-Mỹ. Nhất là buổi điên đảo dịch giã, niềm tin tưởng càng có ý nghĩa thiết thực giúp con người nhận diện tiến hóa vật chất không thể thay thế tiến hóa tâm linh. Thượng ngươn thực chất cuộc tái thiết nhân tính cho nền nhân bản mới của văn minh đương thời.

Tựu trung, nghĩa lý của thuyết mạt thế không phải nhắm đến thế giới sau cái chết, không câu dẫn nhân tâm đến cõi hư vô siêu hình; ngược lại khẳng định giá trị nhân sinh ở giây phút hiện tại trong cuộc đời tươi mới đang quẫy đập liên hồi. Mạt thế luận thuộc về tính “hiện tại tiếp diễn”, có khả năng thức tỉnh và tái thiết nhân tính. Nghĩ rộng hơn, vấn đề này can hệ đến nỗ lực tái thiết hệ giá trị người của nền văn minh hiện đại.

Thuyết mạt thế, chung quy, một vấn đề Nhân Bản!

Rừng Dầu, 05/04/2022

Võ Quốc Việt

Tài liệu tham khảo

Kim Định (2017). Cơ cấu Việt Nho. Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn.

Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo - Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo.

Nattier, J. (2008). Buddhist Eschatology. In J. L. Walls (Ed.), The Oxford Handbook of Eschatology. New York: Oxford University Press.

Solomon, A. (2017). One face of Dehumanization: Animalization. Synergy Vol 13 (No.1), 40-51.

Võ Quốc Việt (2021). Phật tính dân gian với Mạt thế luận và đạo đức con người Nam Bộ. Bạt trong tập sách của Trần Bảo Định (2021). Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

 



[1] Xem Võ Quốc Việt (2021). Phật tính dân gian với Mạt thế luận và đạo đức con người Nam Bộ. Bạt trong tập sách của Trần Bảo Định (2021). Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

[2] Nattier, J. (2008). Buddhist Eschatology. In J. L. Walls (Ed.), The Oxford Handbook of Eschatology. New York: Oxford University Press, p.151.

[3] Sấm truyền của Đức Phật Thầy Tây An trong bài viết này dựa trên biên khảo của Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo - Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo.

[4] Adrian Solomon (2017). One face of Dehumanization: Animalization. Synergy Vol 13 (No.1), 40-51.

[5] Kim Định (2017). Cơ cấu Việt Nho. Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn, tr.235.

Comments

Popular posts from this blog

TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN

  TÌM HIỂU PHÊ BÌNH HẬU NHÂN (Võ Quốc Việt) * Trong bối cảnh văn hóa đại chúng thế kỷ XXI, văn học cộng hưởng thực tiễn toàn cầu hóa, số hóa, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Thời đại mà Stefan Herbrechter tạm gọi “hậu văn học” - thời đại mà việc tiếp cận của phê bình hậu nhân “ vừa nhận diện vừa thận trọng đối với xu hướng đương thời trong việc rời bỏ phương tiện và định chế trung tâm của văn chương thuộc về chủ nghĩa nhân văn, với tất cả những dính líu về xã hội-kinh tế-văn hóa-chính trị, với thiết chế quyền lực và thẩm mỹ của nó đằng sau đó ” [1] . Bấy giờ phê bình hậu nhân tiếp cận diễn ngôn nghệ thuật xuyên phương tiện ở một số khía cạnh: không gian hậu nhân (posthuman space), chủ thể hậu nhân (posthuman subject), hình tượng lệch chuẩn (eccentric image). Trong đó, chủ thể hậu nhân (posthuman subject) cơ hồ tương liên với khái niệm thực thể thông tin vật chất (informational-material entity [2] ) của Katherine Hayles trong  How We Became Posthuman . Đặc điểm của thực...

LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN

  LƯỢC BIÊN HẬU NHÂN LUẬN Thuật ngữ “Hậu nhân luận” được sử dụng để chỉ loạt quan điểm lý thuyết đương thời được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu có nền tảng học thuật trong lĩnh vực triết học, khoa học và nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu văn học, lý thuyết phê bình, xã hội học phê phán và nghiên cứu truyền thông. Trong những lĩnh vực nghiên cứu này, hậu nhân luận nêu ra một loạt các sự phá vỡ giả thiết nền tảng của văn hóa phương Tây hiện đại: đặc biệt, hậu nhân luận đề ra lối nhận thức mới về chủ thể người trong tương liên với thế giới tự nhiên nói chung. Lý thuyết hậu nhân đề xuất nhận thức luận mới không lấy con người làm trung tâm và lẽ đó không đặt trọng tâm ở nhị nguyên luận của Descartes. Nó tìm cách làm xói mòn những ranh giới cố hữu giữa con người, động vật và công nghệ. Lý thuyết gia hậu hiện đại Ihab Hassan đã đặt ra thuật ngữ này và còn nêu ra định nghĩa mang tính khai mở trong bài báo với tiêu đề “Prometheus as Performer: Towards a Posthumanist Culture?” (1977). Liên...

LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN

  LADY GAGA VÀ THỰC THỂ HẬU NHÂN Võ Quốc Việt   (lược dịch và luận giải) *** Là nghệ sĩ tiêu biểu của văn hóa đại chúng Mỹ từ thập niên 2010 đến nay, tác phẩm của Lady Gaga thể hiện sự kết hợp rất thú vị giữa các biểu hiện nội tại và ngoại tại của thực thể hậu nhân (Posthuman Entities). Vì các sản phẩm âm nhạc của cô cho thấy ý hướng muốn khuynh đảo các thiết chế nhân tính nhị nguyên của chủ nghĩa nhân văn (có từ thời Phục Hưng và được gia cố thêm từ thời Khai Sáng). Đó là sự xuyên vượt các giới hạn giữa người với máy móc, người với động vật, chủ thể với khách thể, tự ngã với tha nhân, giữa nam với nữ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hiện thân xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc của cô là biểu hiện sáng rõ cho các thực thể hậu nhân trong nhãn quan của các nhà hậu nhân luận. Cụ thể, đó là người máy, quái vật và những sinh vật lai ghép phi nhân. Chưa kể, vượt qua các giới hạn này, sản phẩm âm nhạc của cô cơ hồ đã thúc đẩy thêm nhãn quan phê phán với lập trường giải cấu trúc...