TRẦN BẢO ĐỊNH “GÓI” BÁNH TÉT: HƯƠNG VỊ TẾT QUÊ hay là BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA NAM BỘ
Vì sao lại là câu chuyện
bánh tét[1]
?
Ngày tàn tháng tận, năm hết
thì Tết đến. Con người trong mối cảm thức với thiên địa hẳn sẽ hòa ứng với vận
hội vần xoay, trong lòng không khỏi bồi hồi hoài vọng về thời gian. Và câu chuyện
của Trần Bảo Định càng khiến cho người ta ngậm ngùi nghĩ tưởng về thời quá
vãng. Mặc dù nhắc nhớ về những kỷ niệm và “kỷ vật” của thời quá khứ, nhưng vẫn
còn đó ý nghĩa làm bận lòng con người đương thời trên tư thế “vắt vẻo” giữa hiện
tiền và hơn năm mươi năm của thế kỷ trước. Có lẽ, Trần Bảo Định - CON NGƯỜI HAI
THẾ KỶ.
Song hành dòng chảy thời gian khắc nghiệt với bao nỗi đớn đau do “chiến tranh và hòa bình” hơn nửa thế kỷ là những giá trị văn hóa trong hệ thống văn minh Việt, cụ thể ở vùng đất Nam bộ, vẫn đáng giá để hậu thế suy và ngẫm. Và rồi, sau khi đã ngẫm và suy, tự lòng dạ mỗi người sẽ có đặt để, sắp xếp riêng mình cách thế ăn ở với tiền nhân và hậu thế. Chúng ta cùng “gói” Bánh Tét với Trần Bảo Định để dâng cúng ông bà dịp cuối năm, ngõ hầu trông vọng một năm mới tươi sáng tốt lành.
Vì sao bánh tét lại trở
thành biểu tượng văn hóa Nam bộ ?
Biểu tượng với tư cách
phương thức tư duy, là quá trình hình thành và vận động từ biểu tượng tâm lý đến
biểu tượng thẩm mỹ[2].
Biểu tượng mang lấy “tính ngụ ý một cái gì đó lớn hơn, ám chỉ một điều gì đó
chưa nói hết”[3].
Và một khi có khả năng đi vào đời sống văn hóa như một giá trị phi thời-không,
thì biểu tượng thẩm mỹ ấy tồn tại và biểu hiện như là một bộ phận của hệ thống
đặc trưng cho văn hóa xã hội của cộng đồng người nhất định, thường có liên quan
đến sinh hoạt lao động-sản xuất, lịch sử, chính trị, nghệ thuật, tâm linh, tôn
giáo, v.v…. Thực tế, biểu tượng liên quan đến hoạt động tư niệm trong đời sống
xã hội và tinh thần bởi tính chất đa nghĩa và khả năng kết nối/truyền dẫn đến hệ
thống ý hướng ngoài bản thân nó. Bởi đặc trưng này, biểu tượng có khả năng đi
vào và trở thành một bộ phận của văn hóa xã hội. Từ biểu tượng tâm lý, biểu tượng
thành ra và trở nên có thể tính thẩm mỹ, và một khi thể tính thẩm mỹ của nó vượt
ngoài phạm vi cá nhân, vượt qua giới hạn thời-không, nó (biểu tượng) trở nên và
thành ra một bộ phận cấu thành hệ thống văn hóa, được sử dụng rộng rãi trong đời
sống xã hội và tinh thần. Điều này đồng nghĩa sinh hoạt và vận động văn hóa đồng
thời cũng diễn ra trên sự vận động và sinh hoạt (lập nghĩa và truyền dẫn) của
biểu tượng. Phải vậy nên cách hiểu bánh tét mà Trần Bảo Định đề ra (chứ không
áp đặt), cho thấy cách hiểu và nghĩ tưởng về giá trị văn hóa của bánh tét hầu
như xoay trở qua nhiều trắc diện, phản ánh được tính linh động vốn có của biểu
tượng văn hóa. Sau nữa, nhà văn cho thấy tính linh động ấy ở biểu tượng bánh
tét, song hành với vận động phát triển của văn hóa xã hội người Việt. Mà dấu vết
của sự vận động đó, trải dài theo bước chân chúa Nguyễn trên đường vào Nam, đến
nỗi chúng ta còn nhìn thấy chỗ khác biệt đặc trưng giữa ngày tết Bắc Việt với “câu
đối đỏ, bánh chưng xanh”, còn ở Trung và Nam Việt đầm ấm nồi bánh tét chiều 30
Tết. Gắn với sinh hoạt lao động sản xuất, bánh tét trở thành một “khí cụ” mà tư
duy người sử dụng để nhắc nhớ/truyền dẫn tới các giá trị vượt ngoài biểu hiện tồn
tại của loại bánh ấy, nghĩa là thành ra một biểu tượng. Trên bước đường phát
triển, sinh cơ lập nghiệp, bánh tét đồng hành cùng người lưu dân trong nền nếp
ăn ở, trên phương diện lao động-sản xuất, đấu tranh chống ngoại xâm, nghệ thuật,
tâm linh và tín ngưỡng, … do đó đã trở thành biểu tượng văn hóa. Hơn thế, bánh
tét còn là biểu tượng văn hóa minh chứng cho quá trình vận động song hành lịch
sử phát triển vùng đất mới; hay nói khác đi, đó là món ăn của người mở cõi, là
hành trang ơn nghĩa còn đậm đà trong tâm hồn con người miền châu thổ Cửu Long.
Trần Bảo Định gói bánh
tét như thế nào ?
Tiếp theo, chúng ta băn
khoăn nhà văn xây dựng câu chuyện bánh tét như thế nào, xuất phát từ đâu, hướng
đến điều gì; và ông đã sử dụng những nguyên vật liệu gì để gói bánh?
Vì sao Trần Bảo Định muốn
gói bánh? Hay ăn Tết nhà quê và Ý hướng trở về xóm cũ.
Thời xuân trước hết mang
tính ý hướng[4].
Cái chiều hướng viễn khứ-quy hồi song hiện. Đón xuân tới hay chờ xuân về, chung
quy cũng chỉ một sinh hiện mà thôi. Và đón xuân phải có lễ, lễ này gắn với
nghĩa, lễ nghĩa của người phương Nam khởi đi từ chỗ Tình, chứ chẳng phải lý. Và
phẩm vật đón xuân cốt yếu thể hiện cái tình của con người trước dịp trời đất
giao hòa, tốt tươi, mở phơi cuộc diện và vận hội mới. Người Việt phương Nam dẫu
làm gì cũng chuẩn bị bánh trái chuẩn bị đón xuân. Trần Bảo Định nhắc nhớ bánh tét,
tức là cầm chìa khóa mở ra cõi trời xuân của lối xóm quê nhà. Bánh tét cũng là
chìa khóa thời gian, mở ra miền thương nhớ cũ. Bởi không gian thương nhớ ấy đã
thuộc về thời quá vãng. Trần Bảo Định bước về thời quá vãng hay đã kéo thời quá
vãng trở lại hiện tiền. Chung quy, bánh tét xét như ý hướng tức là phi thời.
Trên “con lộ” dọc theo sông Bảo Định từ Vũng Gù về Mỹ Tho, Ông già Nam bộ nhiều
chuyên bắt đầu chuẩn bị nguyên vật liệu để gói bánh tét cúng ông bà đón xuân
sang.
Nếp mới hay là Tiếng mẹ miền
Nam ròng nguyên, tươi rói.
Nếp với gạo cũng là lúa.
Lúa nước không chỉ khởi đầu nền nông nghiệp, đặt nền tảng văn minh phương Nam
trọng nhu thuận, đối sánh với phương Bắc du mục ưa chinh phục. Bánh trái quê
nhà, lấy lúa làm nguyên liệu để làm bánh, tức là gợi nhớ khởi nguyên của nhân
quầng sinh hiện phương Nam. Nhưng lúa này phải là loại nếp dẻo. Lúa gạo làm
bánh, dẫu có ngọt vị nhưng mau thiu. Lúa nếp dẻo mịn, làm bánh lâu thiu. Nói vậy
ý là nhà văn đã cố công lựa chọn nguyên liệu thích hợp. Bởi có hợp thì mới
thích, và thích rồi thì sẽ hợp, mới đi tới cái lí giao hòa của đất trời phương
Nam, lập thành tam trụ “thiên-nhân-địa”. Trần Bảo Định có sức đề kháng mạnh mẽ,
có lẽ bởi thể tính Mẹ[5] bền vững từ thuở ấu thơ đến
hồi thất thập. Thể tính Mẹ chính là loại Nếp quê nhà, mà nhà văn đã sử dụng để
gói bánh. Biểu hiện dễ nhìn thấy hơn cả chính là thứ ngôn ngữ đậm đà hương vị
làng quê Nam bộ. Giả tỷ chúng ta có đủ sức lực và thời gian phân bua chia tách
để làm rõ từng khía cạnh ngôn từ Nam bộ trong lối văn của Trần Bảo Định đi
chăng nữa, thì công việc ấy cho đến cùng lại có vẻ đã phá hủy chỉnh thể ngôn ngữ
của ông. Chi bằng cứ ăn thử một khoanh bánh tét ! Lúa nếp gói bánh hay ngôn ngữ
Nam bộ, phải chăn nên nắm bắt theo thể điệu cảm ứng sự tác động đến tư duy tiếp
nhận mỗi khi bạn đọc dấn bước vào con ngõ dẫn vào xóm cũ bên dòng sông Bảo Định,
hơn là phân bua-chia tách-luận bàn. Vậy thì bạn hãy thử cảm để rồi nhận. Và sau
nữa, bằng đôi mắt ẩn thức, bạn sẽ nhìn thấy không gian sum hiệp đầm ấm của chòm
xóm cuối năm, trong hơi xuân sắp sửa khắp làng quê.
Nhưn hay là hồn Việt
phương Nam.
Nếp và nhưn ở hai thế đối
lập, nhưng đối lập ở đây không phải triệt tiêu lẫn nhau. Đối lập trong thể cách
lập định đặc trưng đôi bên, chính nhờ đối lập mà đôi bên có nghĩa lý tồn tại.
Nhưn và nếp như âm với dương, như đêm với ngày, như nóng với lạnh, như đôi vầng
nhật nguyệt cô kết và thiết đặt cõi sinh hiện. Bởi vậy, nếu như Nếp – biểu hiện
cụ thể mà tri nhận có thể chộp bắt (tức ngôn ngữ) thì Nhưn – biểu hiện trừu tượng
mà tri nhận có thể nắm níu và suy tưởng. Nới tới nhưn cũng là đề cập cái lý
siêu hình của chữ. Bởi vậy nếm vị nhưn trong bánh tét của Trần Bảo Định phải vượt
qua tri nhận của đôi mắt thịt thà để nhìn nhận bằng đôi mắt ẩn thức. Bấy giờ, bạn
đọc sẽ nhận thấy giọng điệu rặt nòi Nam bộ, bởi đằng sau đó là âm hiển ông bà
tiền nhân, nói qua chất giọng “cà rỡn” hồn nhiên, khề khà, vui tính của ông già
Nam bộ nhiều chuyện. Hồn nhiên nhưng không hờn hợt là bởi giọng âm hiển tiền
nhân, gần hơn là giọng của Mẹ Việt. Nói bằng giọng phi thời, nghĩ bằng ý cộng
thông tiền nhân-hậu thế, Trần Bảo Định trong khoảnh khắc trở thành con sẻ đỏ
(chu tước) hót véo von trên táng cây ven rạch Bà Tàu, lại có khi làm con Giao
Long cuồn cuộn trên sóng nước Vũng Gù xuôi về Mỹ Tho, rồi đắm mình vào dòng Tiền
giang mênh mông bát ngát. Lấy đó làm nhưn, bánh tét của Trần Bảo Định ngọt vị đất
mẹ phù sa.
Dây gói bánh hay là các mối
liên hệ lịch sử, văn hóa, tư tưởng.
Làm sao để buộc ràng ? Hẳn
phải thông rồi liên và kết nối mới có thể buộc. Nhưng buộc ràng ở đây không hiểu
theo nghĩa lý kèm kẹp (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Bởi gói bánh, buộc lạt lỏng
tay thì bánh rã, buộc lạt quá chặt thì bánh sượng nếp chín không đều (có khi
bung lạt đứt dây). Cho nên, trong cách thế gói bánh đã phải chú ý đến thiết lập
tương liên song phương hài hòa. Và Trần Bảo Định dường như chỉ có ý đề ra tương
liên văn hóa chứ không có ý áp đặt cách nghĩ đối với người đọc. Ông có lối viết
truy để vấn chứ không đặt để áp. Cuộc nói chuyện giữa cô Bảy với Cậu Năm về
hình dáng bánh tét giống ling-ga trong văn hóa Chăm chính là bằng chứng cho
cách gói bánh tương liên kèm mà không kẹp, chỉ là truy để vấn. Và lời truy vấn
này, đến khi tiếp nhận, chính là truy vấn chính người đọc, để tự thân mỗi người
tìm hiểu thêm. Tương liên văn hóa hay xuyên văn hóa[6] chính là bó lạt mà Trần Bảo
Định dùng để gói bánh.
Cách gói hay là thao tác
dựng thời tính cho lá chuối gói bánh.
Sở dĩ nói rằng thời tính
bởi vì tính thể như là thời gian ở đây mới là điều đáng chú ý; nhà văn sử dụng
cảm thức thời tính (về mùa xuân) sẵn có của độc giả để tạo lập cảm ứng đối với
văn bản. Thành ra bạn đọc nếu chẳng có sẵn mối hoài xuân thời thể thì ắt hẳn
khó lòng ứng để mà cảm thời thể xuân phơi trong không khí gia đình “má tôi” quay
quần gói bánh tét chiều 30 Tết. Trước hết, thao tác lập định tình đôi lứa (yêu
nhau cởi áo cho nhau), tấm áo tình duyên ví như lá chuối gói bánh luộc sơ hoặc
phơi dưới nắng cho dẻo mềm. Bởi vì dẻo và mềm thì mới thuận tiện cho việc gói,
cũng như hòa hợp với nếp và nhưn bên trong. Tình yêu đó được nhà văn sử dụng làm
lá gói bánh cũng là cách gói bánh của nhà văn. Gói gém trong tình ý kín đáo mà
táo bạo của cậu Năm với cô Bảy, nhờ vậy người ta hiểu rõ kèm mà không kẹp ở cuối
truyện. Kín đáo ở chỗ giữ lễ nghĩa cho trọn tình về sau, táo bạo ở chỗ thổ lộ
trực diện mà duyên dáng qua món ăn kèm với bánh tét, chẳng khác gì chuyện trai
lớn lên dựng vợ, gái lớn lên gả chồng, sanh con đẻ cái. Đối phương hiểu được
tình mà chẳng tỳ trách được lối “thả thính” của người thương. Đành buông một
câu “Đồ quỷ, anh!”. Bàn tay Trần Bảo Định khéo kéo gói từng mảnh lá duyên quê
ôm trọn đòn bánh trên trong. Thứ hai, thao tác lập định thế thái (nhiễu nhương
thời xứ), nhà văn khoác lên thêm một lớp lá thời cuộc. Tao loạn như tấm lá chuối
rách te tua, cũng là chất rượu vừa đắng cay vừa nồng đượm. Cay bởi mất mát, chết
chóc, ly tán, tang thương; nồng đượm bởi tình người và tình đất hoài còn luyến
thương, gợi nhớ. Thành ra, hơn nửa thế kỷ, Trần Bảo Định chẳng thể quên được
hương vị bánh tét chiên mỡ ăn kèm củ cải món qua bàn tay tần tảo của má. Thứ
ba, dựng truyện trong thời cuộc bắn giết, nhà văn Long An còn gói thêm một lớp lá
nhân bản, chằm vá từng vết thương lịch sử trên thân thể mẹ Việt rướm máu, sần sẹo.
Bởi vậy, cuối truyện dù ngậm ngùi hay tiếc rẻ, vẫn còn đọng lại hương vị bánh
tét như nỗi niềm thương mến của mỗi người con xứ sở cho tới khi “rời cõi thế
gian”.
Biểu tượng văn hóa “Bánh Tét”
có những khía cạnh nào ?
Thứ nhất, Bánh tét chứa đựng
triết lý Âm Dương và Tam Tài của người lưu dân Việt[7]: “Ngay nguyên vật liệu để
người Nam Bộ mần thành đòn bánh tét đã là lưỡng nghi của trời đất: Nếp trồng ruộng
nước, đậu trồng ruộng rẫy. Nhưn thịt ba chỉ, là động vật. Thân gồm nếp, đậu, lá
chuối gói, dây buộc … là thực vật. Âm – Dương đòn bánh tét ôm trọn Tam Tài: Vỏ
lá, thân nếp, nhưn … Trong ngũ hành qua màu sắc: lá gói bánh màu xanh, màu của
nếp, màu đậu xanh, màu hột tiêu trộn vào nhưn, hai màu đỏ trắng của thịt heo ba
chỉ. Nghĩa là, đòn bánh Tết của người dân Nam Bộ nó ứng với: Hỏa – Thủy – Mộc –
Kim – Thổ. Do đó, bát quái luôn luôn cay đắng với ngũ hành. Điều cay đắng đó,
nó thể hiện số chẵn và số lẻ, phương Bắc chọn số chẵn, phương Nam chọn số lẻ.
Chẵn – Lẻ có khi Lẻ - Chẵn”[8]. Và cũng bởi phương Bắc chọn
số chẵn nên thiên về cố định, tĩnh, không vận động, có xu hướng triệt tiêu vận
động, giữ vững trạng thái cũ; quen áp đặt thiết chế quản và trị để tạo dựng cái
gọi là thái bình. Ngược lại, phương Nam chọn số lẻ, thiên về động, luôn sinh
sôi nảy nở, ưa phồn thực, giàu ý tưởng, nhanh chóng thích nghi và có thiên hướng
cách tân đổi mới; quen tự do phóng khoáng không ràng buộc câu thúc bởi lề luật.
Theo đó, phương Bắc giữ nhân bằng lễ, phương Nam gìn nhân bằng nghĩa. Vậy rồi,
phương Bắc đi theo đường lý, phương Nam rẽ vào đàng tình[9]. Phải chăng món ăn gói gém
“thế giới quan”, “nhân sinh quan” như bánh tét trong cách thế tồn hữu trên mặt
đất trần gian, nên người lưu dân Việt đã biết dùng món bánh cúng kiếng tỏ lòng
khi trời đất chuyển mình giao hòa, ở thời khắc tiếp giao năm cũ đi qua, năm mới
vừa sang. Bánh tét vì thế cũng là bánh Tết: Biểu tượng thiêng liêng trong thời
khắc con người ngưỡng vọng đón đợi những điều tốt đẹp của năm mới sắp sửa.
Thứ hai, Bánh tét là biểu
tượng ân nghĩa đối với người lưu dân Việt vào Nam. “Má kể, hồi bà ngoại còn sống,
thường dạy má về ân nghĩa của đòn bánh tét. Bà ngoại nói: Thuở lưu dân theo
chúa Nguyễn vào Nam khẩn khoang, chốn rừng thiêng nước độc, khó khăn nhiều nỗi
… Người đi ngày đó, cực lực lao động và không đủ thời giờ nghỉ ngơi, nên nghĩ
ra cách làm bánh để dành ăn, hạn chế nấu nướng vất vả. Thứ bánh ấy, không bánh
gì bường bánh tét”[10]. Vậy nên, bánh tét vừa là
biểu tượng ân nghĩa, vừa là biểu tượng của lòng ghi nhớ. Tưởng tiếc tiền nhân,
thể hiện lòng tri ơn qua món bánh gắn liền với bước đường khai hoang lập ấp, tạo
dựng cơ ngơi sự sản cho con cháu mai hậu, bánh tét chính là sự cô đúc của đạo
lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”; còn trong mái gia đình,
bánh tét chính là biểu tượng của lòng hiếu thảo. Bởi vậy, ngoài dịp lễ Tết, mỗi
khi giỗ quải ông bà, con cháu cũng nấu bánh tét dâng lên bàn thờ cúng bái.
Trong từng lớp vỏ, không chỉ gói gém nếp, thịt, đậu xanh, tiêu đen mà còn gói
gém lòng hiếu thuận và tri ơn người xưa.
Thứ ba, Bánh tét như bằng
chứng lịch sử, góp phần bồi đắp cho lòng dạ người dân nước Nam vững vàng trước
nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc. “Và, truyền thuyết về đòn bánh tét[11] Xuân Kỷ Dậu 1789 của
Hoàng đế Quang Trung mang số lẻ đã đánh đuổi số chẵn của Tôn Sĩ Nghị điếng hồn,
điếng vía, nghe người thời đó nói: Tôn tướng quân vừa chạy, vừa khóc bù non bù
nọt, quăng cả ấn tín, lủi trốn qua sông Hồng”[12]. Trên đường Bắc Tiến ngăn
đường xâm lăng của quân Thanh, bánh tét đã song hành với lòng yêu nước của người
lính Tây Sơn, bấy giờ là đại diện cho con dân Đại Việt đối mặt quân thù. Nguyễn
Ngu Í đã so sánh Quang Trung với Napoleon, trong khi kẻ Âu phụ lòng dân Pháp
thì Nguyễn Huệ đã là “vạn thắng vương” của thế kỷ XVIII. Tiến ra Bắc Hà, hội
quân ở Tam Điệp, gặp các thuộc tướng, Quang Trung chứng tỏ là người nắm bắt
tình hình chiến cuộc thấu tình đạt lý. Mùa xuân năm ấy, trên dưới Tây Sơn ăn Tết
Nguyên Đán sớm, hẹn nhau vào thành Thăng Long mở tiệc khai hạ[13]. Từ món bánh tét của lưu
dân Việt theo chúa Nguyễn vào Nam, cùng vua Quang Trung ra Bắc, phải chăng người
viết có ý nhắc nhở đến mối ưu tư đằng đặng trong lòng của Cậu Năm trước thời cuộc,
nỗi trăn trở của kẻ làm trai ý thức trách nhiệm với quốc gia dân tộc.
Thứ tư, Bánh tét và mối
giao lưu văn hóa Việt – Chăm – Phù Nam – Chân Lạp: “Có người cho rằng: Đòn bánh
tét mang hình tượng Linga từ sự giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm với
tín ngưỡng phồn thực. Miền đất Nam Bộ vốn của Vương quốc Phù Nam và về sau thuộc
xứ sở Thủy Chân Lạp. Văn hóa Việt không chịu ảnh hưởng văn hóa Phù Nam, không
giao thoa với văn hóa Thủy Chân Lạp thì thôi, hà cớ chi giao thoa với văn hóa
Chăm, để đòn bánh tét Việt mang hình tượng Linga cúng lễ tết ông bà ngày Tết?”[14]. Trên đường Nam tiến, lưu
dân Việt đã gặp gỡ, chung sống và hẳn nhiên không thể không giao lưu tiếp biến
văn hóa với những tộc người khác. Trong đó, phải kể đến người Chăm và Khmer. Trần
Bảo Định đã lưu ý đến khía cạnh “xuyên văn hóa” qua trường hợp bánh tét giữa
người Việt và người Chăm. Sự giao thoa trên phương diện ẩm thực này hẳn nhiên cần
thêm bằng cớ lập luận, nhưng nét tương đồng về tín ngưỡng phồn thực và tục thờ
sinh thực khí của hai tộc người là điều có thể nhìn thấy[15]. Và nét tương đồng này tạo
điều kiện thuận lợi cho việc xuyên vượt văn hóa ở nhiều khía cạnh. Chung quy,
hình tượng bánh tét ẩn chứa nghĩa lý vượt ra ngoài sự tồn tại trực quan của nó,
nghĩa là đã trở thành biểu tượng. Cụ thể là biểu tượng cho sức sống và tính
năng sản, thể hiện nguyên vọng thịnh vượng của con người nói chung, dựa trên phồn
thực và sáng tạo nhiệm mầu của trời đất.
Thứ năm, Bánh tét hay là
sự hun đúc cốt cách, giá trị con người. Bởi nếp khác gạo. Huống hồ, muốn bánh
tét ngon thì phải chọn loại nếp dẻo. “Hột lúa nếp khác hột lúa gạo. Hột lúa nếp
có chấm đen ở phần đuôi, còn hột lúa gạo thì không. / Bánh tét gói nếp, lâu
thiu. Bánh tét gói gạo, dù gạo dẻo, mau thiu. Cùng là lúa, nếp khác gạo! Cùng
là người, có năm bảy thứ người …”[16]. Bởi vậy, gói bánh không
phải chỉ quan tâm chuyện lựa chọn nguyên vật liệu phù hợp và chất lượng; mà từ
đó người lưu dân ngẫm nghĩ lại chuyện đời và chuyện người. Phải chăng ở đây “má
tôi” muốn nói đến chuyện gá nghĩa phu thê giữa Cậu Năm và Cô Bảy; hoặc Trần Bảo
Định muốn nói đến chuyện nhìn nhận đánh giá con người ở nhân gian, sao cho cuộc
sống “lâu thiu”, giữ gìn được hương vị thơm dẻo đậm đà.
Thứ sáu, Bánh tét qua cách
ăn còn là biểu tượng hòa hợp giữa người với người, nhắc nhở con cháu mai sau xử
thế phải chăng giữa nhơn quần xã hội. “Món ăn người mình, ngoài món ăn chính
còn có món ăn kèm. Kèm nhau cho đúng điệu đời chớ không là “kèm kẹp”. Kèm mà kẹp
là thứ chơi “cha thiên hạ”. Vả lại, “món ăn kèm” không là “món ăn phụ”. Cũng
như, trai lớn lên phải có thiếu nữ kèm. Bởi cái kèm đó, mới thành vợ thành chồng
và sanh con đẻ cái”[17]. Giữa bánh tét và củ cải
món, mối quan hệ không chỉ xây dựng trên tính lý Âm-Dương, mà còn biểu thị cách
thế ứng xử. Do đó, bánh tét trở thành biểu tượng luân lý. Chẳng phải tam
cương ngũ thường kinh sách thánh hiền, ngay trong đòn bánh tét đã cho thấy quan
niệm luân lý của người nhà quê. Cách ăn ở giữa mình với người, giữa mình với vũ
trụ, giữa mình với chính mình, lập thành các riềng mối nghĩ tưởng và cách thế ứng
xử. Trên căn để ấy, người bình dân Nam bộ thể hiện ra cả hệ thống cách thế sinh
sống lao động, tựu trung ở chỗ Kèm mà không Kẹp, hay nói theo lối nhà quê: “vừa
mình vừa người”. Điều này càng được xác quyết hơn nữa bởi xu hướng lập định mối
quan hệ hài hòa cân bằng giữa các mặt đối lập[18]. Nhưng cần hiểu rõ, hài
hòa cân bằng của phương Nam khác với ổn định của phương Bắc. Bởi, hài hòa
phương Nam lập thành bởi tương liên qua lại hai chiều, không phải lối trấn áp,
chế định như phương Bắc nhằm mục đích quản và trị (cân bằng một chiều). Nói tới
đây, hẳn chúng ta nhìn thấy luận đề đạo đức phương Nam bắt đầu bằng lối Nhu –
hay Nhu đạo. Nhu (hay là nho), chung quy là mềm dẻo linh hoạt không cứng đọng,
áp chế một chiều. Phàm cái gì năng sản linh động thì gần với sự sống, cái gì cứng
đọng cố định gần với sự chết. Và càng cố gắng biện minh, che đậy, lộng giả
thành chân, lấy cái chết hí họa giả ngụy làm sống thì dễ sa vào cuồng vọng. Điều
này chẳng khác gì xa rời dân gian, mà rời xa dân gian khác chi xa rời sinh giới,
khắp trời đất sẽ chẳng có chốn dung thân. Nhưng an trú ở nhu đạo thì khác, Nhu
chính là ở chỗ song phương tác động để lập thành thể tính động, cũng tức là có
khả năng cải biến qua lại, khiến cho cả hệ thống đức lý cùng chuyển động, di dịch,
không ngừng đổi mới sao cho phù hợp. Bởi vậy dân mình có câu “ăn theo thuở ở
theo thời”. Khác với đức lý như là đức trị, nghĩa là dùng đức để trị, hay nói
trắng ra là áp chế đức như là pháp, ngoài mặt là đức còn cốt tủy bên trong là
pháp, hoàn toàn một chiều, cải biến đơn phương theo ý muốn chủ quan của những
người thiết định. Ở phương Nam, đức và pháp thuộc về dân, phép vua cũng thua lệ
làng, bởi cơ chế lập thành và vận hành đức và pháp của người bình dân xuất phát
từ chỗ tình. Tình hay Nhu kỳ thực là hai mặt của một thể tính.
Thứ bảy, Bánh tét trên hết
là biểu tượng cho tình yêu quê hương. “Do đó, trước Tết mươi ngày, má tôi đào củ
cải trắng trồng ở liếp ruộng đem vè xắt lát phơi thiệt dốt để bỏ mắm. Mùi củ cải
quyện cùng mùi nước mắm trong hũ tạo nên hương vị nhà quê, khiến những con người
một nắng hai sương, những người con xa xứ, không thể nào quên quê cha đất tổ. /
Ra Giêng nhà cực ăn, má tôi thường lấy củ cải bỏ mắm ăn với banh tét chiên mỡ.
Trời đất ơi, sao mà nó ngon khôn tả! Ngon đến nỗi trên nửa thế kỷ trôi qua cuộc
đời, tôi vẫn còn thèm thuồng, còn luyến nhớ!”[19]. Cắm rễ vào não tủy ấu
thơ, hương vị bánh tét gắn liền với quê hương cùng bao sản vật, gắn với người
thân lối xóm bà con, còn là bóng hình mẹ - điểm tựa tâm hồn. Cảm nghiệm hương vị
bánh tét, nhà văn xót xa cho công mẹ tảo tần giữ lấy và trao truyền hồn quê cho
con cháu. Tình quê – tình mẹ bồi đắp tính người cho con, trọn suốt kiếp nhân
sinh.
Tạm kết
Ông già Nam bộ nhiều chuyện đã gói bánh. Bạn lòng gần xa hãy bắt nồi nấu bánh. Hun nóng tâm hồn, nhuốm lên ngọn lửa lòng nồng đượm, giữ cho lửa vừa phải, không yếu cũng chẳng quá lửa, sao cho nồi bánh tét chín tới vừa thơm mềm vừa dẻo mịn, gợi trong tâm tưởng bao người xa xứ hương vị Tết quê. Thắp một nén nhang tưởng nhớ ông bà cố tổ, hồi niệm công ơn “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, cho mảnh đất phương Nam ngày nay con cháu sum vầy trong tình chòm xóm. Cũng qua đó, bạn lòng thức tưởng, để lần hồi quay về chắp nối hồn và cốt quê lẩn khuất bao phen trước sóng gió thời cuộc. Bạn hãy thử lột từng lớp vỏ, cảm nhận hương vị thơm dẻo đậm đà của món bánh tét, chắc sẽ cảm thấy đâu đó hơi hám của những người lưu dân đầu tiên đặt chưn trên mảnh đất phương Nam rừng thiên nước độc. “Rồi chiến tranh tràn về cái làng nghèo ven sông Bảo Định. Người làng lần lượt đùm túm nhau đi tản cư. Gia đình ba má tôi tan đàn xẻ nghé. Hương vị Tết từ nồi bánh tét, nấu bằng lửa quê nhà cuối năm không còn. Tiếng bửa củi, tiếng má dặn: Khúc củi nào khó bửa, thường gọi là củi đầu trâu, lựa để riêng, dành cho việc chụm nồi bánh tét … chỉ còn là hoài niệm”[20]. Sau chiến tranh, đời sống kinh tế thị trường và guồng quay hiện đại hóa cày xới làng quê, phá vỡ các thiết chế văn hóa truyền thống. Âu cũng là lẽ thường tình, một khi điều kiện tồn tại không còn thì sự vật hiện tượng ắt phải biến mất. Nhưng con người đương thời và hậu bối cũng nên đắn đo, sao cho hồn cốt quê nhà dẫu có biến nhưng không mất, cũng như hương vị Tết quê qua nồi bánh tét đêm giao thừa trước sân nhà, mãi còn luyến nhớ khôn nguôi.
(https://vanhocsaigon.com/tran-bao-dinh-goi-banh-tet-huong-vi-tet-que-hay-la-bieu-tuong-van-hoa-nam-bo/)
Tài liệu tham khảo
1.
Trần Bảo Định (2017), Ông già Nam bộ nhiều
chuyện – Dấu chưn lưu dân, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
2.
Nghi Hoàng (2018), Bánh Chưng hay Bánh
Tét, Tạp chí Xưa&Nay số 492 (2/2018), tr.25-27.
3.
Nguiễn Ngu Í (1967), Hồ Thơm – Nguyễn Huệ
- Quang Trung (1752-1792) hay Giấc mộng lớn chưa thành (bạt của Hồ Hữu Tường),
Về Nguồn xuất bản, Saigon.
4.
Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi
giáo miền Tây Nam phần Việt Nam, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Saigon.
5.
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt
Nam (tái bản lần 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
6.
Trần Văn Toàn (1958), Xã hội lý và xã hội
tình, Tạp chí Đại học số 2, Viện Đại học Huế, tr.8-21.
7.
Vũ Anh Tú (2008), Tín ngưỡng phồn thực Việt
Nam trong dòng chảy văn hóa Đông Nam Á qua các lễ hội nông nghiệp, Tạp chí
Nghiên cứu Đông Nam Á 9/2008, tr.65-71.
8.
Võ Quốc Việt (2013), Từ biểu tượng tâm lý
đến biểu tượng thẩm mỹ, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM số 52,
tr.141-150.
9.
Võ Quốc Việt (2020), Bước đầu tìm hiểu văn
chương Trần Bảo Định (Kiếp Ba khía – tái bản), Nxb. Tổng hợp TPHCM, tr.271-293.
10.
Võ Quốc Việt (2020), Ngọn đuốc giữa đêm
phù sa châu thổ (lời bạt tập truyện Mùa hoa nắng của Trần Bảo Định), Nxb. Tổng
hợp TPHCM, tr.311-321.
11.
Trần Quốc Vượng (chủ biên, 2006), Cơ sở
văn hóa Việt Nam (tái bản lần thứ 8), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
12.
Wellek R., Warren A., (2009), Lí luận văn
học, Nxb Văn học, Hà Nội.
13.
Bùi Bá Linh (28/5/2007), Triết lý Âm Dương
– Ngũ Hành trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam, Báo Sài Gòn giải phóng
Online
(https://www.sggp.org.vn/triet-ly-am-duong-ngu-hanh-trong-nghe-thuat-am-thuc-cua-nguoi-viet-nam-264934.html).
14.
Nguyễn Thông (27/06/2015), Nghe Giáo sư
Khê kể chuyện ẩm thực quê hương, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ TPHCM
(http://tphcm.chinhphu.vn/nghe-giao-su-khe-ke-chuyen-am-thuc-que-huong).
15.
Võ Quốc Việt (16/9/2020), Từ đụng độ văn
minh của Samuel P. Huntington đến quan điểm xuyên văn hóa của Mikhail Epstein –
nghiên cứu trường hợp “Bóng chiều quê” của Trần Bảo Định, Trung tâm Văn hóa học
Lý luận và Ứng dụng
(http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/vhh-nghe-thuat/3952-vo-quoc-viet-tu-dung-do-van-minh-cua-samuel-p-huntington-den-quan-diem-xuyen-van-hoa-cua-mikhail-epstein-nghien-cuu-truong-hop-bong-chieu-que-cua-tran-bao-dinh.html)
[1]
Trần Bảo Định (2017), Bánh tét hương vị Tết quê (trong tập Ông già Nam bộ nhiều
chuyện – Dấu chưn lưu dân), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.112-118.
[2]
Võ Quốc Việt (2013), Từ biểu tượng tâm lý đến biểu tượng thẩm mỹ, Tạp chí Khoa
học Đại học Sư phạm TPHCM số 52, tr.141-150.
[3]
Wellek R., Warren A., (2009), Lí luận văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.336.
[4]
Võ Quốc Việt: “Xuân tự thân đã nói đến thời gian. Thời xuân dễ hiểu là ba tháng
khởi đầu trong năm âm lịch, cũng là khai nguyên của một vòng tuần hoàn. Mà
trong thời tính khai nguyên, mang tính khai mở đã ẩn ý khai phóng cho một chiều
hướng của thời tính. Thế nên, tự thân xuân đã mang tính ý hướng thuộc về chiều
kích thứ tư của sinh hiện. Đó là cái vectơ ý hướng của vận hội đang triển nở.
Là ban đầu ! Xuân là tiếng chớp lòe rạch mở trời đất hồng hoang, chẻ đôi thiên
địa. Là búa thiêng đặt định trời đất !
Từ chỗ mang tính ý hướng về
thời tính, xuân mang trong nó tự tính về sự bắt đầu. Xuân là sự bắt đầu của sự
sống. Đời từ chỗ xuân mà thành ra đời sống. Sự lập thành sinh mệnh của đời khởi
đi từ xuân. Đấy là vạch xuất phát của sinh hiện. Sự sống của ban đầu/ban sơ
chính là thể tính căn cơ của xuân vậy ! Vì là sự sống và ban đầu nên xuân cũng
là cái gì trẻ trung, tràn trề, còn tinh khôi, mới mẻ. Mang trong nó niềm hoan lạc
ngất ngây, còn trinh nguyên vẹn tròn, chưa bị tiêu ma nung chảy, chưa bị phôi
pha tan biến; xuân nghĩa là hỉ lạc ròng nguyên của sinh hiện trần thế”.
[5]
Xem Võ Quốc Việt (2020), Ngọn đuốc giữa đêm phù sa châu thổ (lời bạt tập truyện
Mùa hoa nắng của Trần Bảo Định), Nxb. Tổng hợp TPHCM, tr.311-321.
[6]
Võ Quốc Việt (16/9/2020), Từ đụng độ văn minh của Samuel P. Huntington đến quan
điểm xuyên văn hóa của Mikhail Epstein – nghiên cứu trường hợp “Bóng chiều quê”
của Trần Bảo Định, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng
(http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/vhh-nghe-thuat/3952-vo-quoc-viet-tu-dung-do-van-minh-cua-samuel-p-huntington-den-quan-diem-xuyen-van-hoa-cua-mikhail-epstein-nghien-cuu-truong-hop-bong-chieu-que-cua-tran-bao-dinh.html)
[7]
Xem thêm:
Bùi Bá Linh (28/5/2007), Triết
lý Âm Dương – Ngũ Hành trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam, Báo Sài Gòn
giải phóng Online (https://www.sggp.org.vn/triet-ly-am-duong-ngu-hanh-trong-nghe-thuat-am-thuc-cua-nguoi-viet-nam-264934.html).
Nguyễn Thông (27/06/2015),
Nghe Giáo sư Khê kể chuyện ẩm thực quê hương, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
TPHCM (http://tphcm.chinhphu.vn/nghe-giao-su-khe-ke-chuyen-am-thuc-que-huong).
[8]
Dấu chưn lưu dân, tr.114.
[9]
Xem thêm Trần Văn Toàn (1958), Xã hội lý và xã hội tình, Tạp chí Đại học số 2,
Viện Đại học Huế, tr.8-21.
[10]
Dấu chưn lưu dân, tr.116.
[11]
Theo một số lập luận của Nghi Hoàng trên Xưa và Nay số 492, có thể thấy bánh
chưng bánh giầy đã xuất hiện từ trước đời Trần. Mặc cho những vấn đề về liên
văn hóa Hán-Việt nhập nhằng mà tác giả bài viết đề cập đến thì vai trò tâm linh
tín ngưỡng của bánh chưng, bánh giầy là không thể chối cãi, nhất là dịp lễ Tết.
Vậy thì lời dụ của Hoàng Đế Quang Trung vào ngày giáp Tết xuân Kỷ Dậu 1789 cho trên
dưới Tây Sơn ăn tết sớm, hẳn không thể thiếu món bánh truyền thống. Và ở Bắc Việt,
món bánh truyền thống ấy tồn tại dưới hình thức bánh chưng-bánh giầy. Tây Sơn vốn
ở đàng Trong, món bánh dùng ăn Tết sớm Kỷ Dậu hẳn là Bánh Tét. Cho nên, chi tiết
dã sử dựa trên lời truyền miệng trong chốn dân gian mà Trần Bảo Định đưa vào
bài viết không phải là vô căn cứ. Ngược lại, nhờ đó bánh tét trở thành chìa
khóa lịch sử và tinh thần yêu nước của tộc Việt. Huống hồ, một số lập luận (gồm
cả ý kiến của Nghi Hoàng và Trần Quốc Vượng) đặt ra, phải chăng nguồn gốc ban đầu
của món bánh ấy là bánh tét chứ chẳng phải bánh chưng. Vì hình dạng bánh tét gần
với tín ngưỡng phồn thực của tộc Việt (văn minh lúa nước phương Nam), còn hình
tượng bánh chưng bánh giầy (vuông tròn), có lẽ bị ảnh hưởng bởi Hán Nho từ thế
kỷ X trở về sau. Xem thêm: Nghi Hoàng (2018), Bánh Chưng hay Bánh Tét, Tạp chí
Xưa&Nay số 492 (2/2018), tr.25-27.
[12]
Dấu chưn lưu dân, tr.114-115.
[13]
Nguiễn Ngu Í (1967), Hồ Thơm – Nguyễn Huệ - Quang Trung (1752-1792) hay Giấc mộng
lớn chưa thành (bạt của Hồ Hữu Tường), Về Nguồn xuất bản, Saigon, tr.16.
[14]
Dấu chưn lưu dân, tr.115
[15] Xem
thêm:
-
Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo miền
Tây Nam phần Việt Nam, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Saigon, tr.45-57.
-
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam
(tái bản lần 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.127-132.
-
Vũ Anh Tú (2008), Tín ngưỡng phồn thực Việt Nam
trong dòng chảy văn hóa Đông Nam Á qua các lễ hội nông nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu
Đông Nam Á 9/2008, tr.65-71.
-
Trần Quốc Vượng (chủ biên, 2006), Cơ sở văn hóa
Việt Nam (tái bản lần thứ 8), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.92-93.
[16]
Dấu chưn lưu dân, tr.116.
[17]
Dấu chưn lưu dân, tr.117.
[18]
Đã được nói tới trong Lời bạt của Võ Quốc Việt trong lần tái bản Kiếp Ba Khía
(2020).
[19]
Dấu chưn lưu dân, tr.118.
[20]
Dấu chưn lưu dân, tr.117.
Comments
Post a Comment