NGỌN
ĐUỐC SÁNG GIỮA ĐÊM PHÙ SA CHÂU THỔ
Nếu
như bạn đã cảm nghiệm sâu sắc đời sống con vật, cây cối qua những tập Kiếp Ba
khía, Đời Bọ hung, Bông trái quê nhà, … cho đến nét đẹp thâm trầm in dấu thời
gian của người Việt lưu dân trên vùng đất mới; sau nữa, chắc bạn đã nghe thấy hồn
cốt phương Nam ngàn đời mà sự tươi mới và sức sống bền bỉ còn in đậm trong đời
sống sinh hoạt, chiến đấu của con người Nam bộ; thì hẳn bạn cần phải tìm đến Mùa
hoa nắng để cảm nghiệm vẻ đẹp hiếm có của mối tương giao trời đất nhiệm
màu, đơm ra những bông hoa tươi tắn như nụ mai bung vỏ lụa trổ vàng đón xuân. Mùa
hoa nắng ấy là hoa hay là người?
1.
Cảm thức siêu hình từ loài cỏ cây.
Ba
truyện đầu nói về ba loài hoa: Cỏ May, Cỏ Mực, Xấu Hổ. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy ba
câu chuyện này dường như nằm ngoài cấu trúc chỉnh thể của tập truyện. Nhưng nếu
bạn nhận thấy cảm thức siêu hình hay Siêu hình luận lý về Thể xác (Dụng/Khí), Thể phách (Thể/Lý) hay Tiên -
Tục, chắc bạn sẽ nhận thấy đây là sự khai mở cho việc diễn hoạt biện chứng Tam
Tài trong phần sau.
Kể về loài cây cỏ, Trần Bảo
Định có thể khiến người ta kinh ngạc về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tri kiến
thực vật học với các truyền tích dân gian, nhào nặn trong trí tưởng tượng giàu
ưu tư của tác giả để hình thành các tình tiết/chi tiết của lời kể. Đó là câu
chuyện cỏ may nặng lòng (Tình) với chàng lau rồi đa mang tính mệnh bám víu.
Chuyện trinh nữ ngã nghiêng trước mưu toan Mai Dương mà lập thành thể tính xấu
hổ (Tính). Hay như Màu mực em, cảm thức về con “tiểu quỷ” của Freud khiến người
ta nghĩ đến vấn đề tính dục (tục) sẽ trở thành nguy cơ loạn tâm, đảo điên sinh
hiện. Đáng nói ở chỗ cỏ mực đã phản tư (hồi tưởng cố quận) về chính cái tục đó
(Tâm). Tự thân cỏ mực đã trở thành phản cỏ mực/phi cỏ mực; cùng một lúc là A và
Phi-A (vượt lên trên luận lý Aristote) để lập thức. Bởi vậy chỉ có cỏ mực nhìn
ra hiểm họa thần trí điên loạn, sinh hiện đảo điên. Nguy cơ này ắt hẳn không chỉ
gói gọn trong câu chuyện mà còn có tính dự cảm về sự mục ruỗng cùng đường của
nhân sinh đầu thiên niên kỷ thứ III khi mà các hệ giá trị lần lượt bị phá hủy
và sụp đổ (chẳng phải đó là buổi hoàng hôn mà Nietzsche đã nói đến hay sao!). Biểu hiện của nó là
sự tẩy trừ/chối bỏ của triết học phương Tây đương đại, sự ngụy tín của xã hội
con người trên khắp các châu lục, văn chương đi đến phản văn chương, …. Sự thất
bại của Aristote, sự thất bại của Descartes, sự thất bại của Hegel, sự thất bại
của Nietzsche, sự thất bại của Freud, sự thất bại của Sartre, sự thất bại của
Heidegger (hay sự thất bại của Beckett, sự thất bại của Grillet), …. khi tất cả
cùng đi nhặt nhạnh từng mảnh tim người nhưng ai nấy đều bất lực trong việc hồi
sinh trái tim nhân tính. Chung quy, đó là sự thất bại của truy vấn hữu thể học
mấy ngàn năm Tây phương. Triết lý chỉ còn là cái xác ve trơ trọi bâu trên thân
gỗ mục. Nhưng Cỏ May, Cỏ Mực và Xấu Hổ đã tìm đến chỗ an nhiên/an vi sau
bao trận cuồng phong trời đất. Vì sao vậy ? Bởi do đã cảm ứng được lẽ dịch biến
của thái nhất xoay vần. Dịch đi từ nội phân dựa trên dị biệt tính tự tại (cũng như hạt và phản hạt).
Nghĩa là một khi phá bỏ luận lý nhất nguyên, rơi vào tác loạn nhị nguyên, nghĩa
là động, động thành hai, thành ba, thành năm, thành tám, thành sáu mươi tư,
…. Câu chuyện Bông cỏ may sau rốt chỉ còn lại tiếng lòng của người con gái. Tiếng
lòng khởi đi từ sự thấu cảm của người viết trước loài cây cỏ. Điều này càng cho
thấy cảm ứng siêu hình Tâm-Tính-Tình lần lượt sẽ diện hoạt phân dạng ra khắp cõi
nhân sinh. Đây là phép phân dạng mà Tây phương mãi đến hậu bán thế kỷ XX sau
Thiên chúa mới nhìn thấy qua hình học phân dạng (Fractal Geometry); nhưng từ
lâu lẽ dịch của Việt tộc đã cất giấu trong đó Mô thức/hình học phân dạng của
muôn loài trong cõi trời đất. Vậy nên, điều mà tác giả mang lại không phải chuyện
cổ tích hay thần thoại về loài cây cỏ; kỳ thực là một cảm thức siêu hình về
vòng tuần hoàn của sinh hiện.
2. Thủy tính hay khí phách người phụ
nữ Nam bộ.
Nước tự trong bản thân nó
vừa có tính nhu thuận thiên về âm. Bởi vậy nước chảy xuôi, tràn lấp, thấm nhuần.
Yếu tính của nước còn có sự bao trùm, nhấn chìm. Khí khách của nước có thể đến
mức “tức nước vỡ bờ”. Nghĩa là nước đến cực hạn nhu thuận chuyển hóa thành sức
mạnh (trong âm có dương trong dương có âm). Nước gần với Đạo nên thuận theo Đạo.
Phàm cái gì nghịch đạo cũng là nghịch nước. Nghịch nước sớm muộn gì cũng bị quật
ngã, nhấn chìm (Năm Thẹo hoàn toàn khuất phục trước lòng vị tha của bà Tư Vạn).
Sức tiêu diệt cũng như khai thiên của Hồng Thủy bao đời đã minh chứng.
Trong Mùa
hoa nắng, nhân vật nữ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Người đàn
bà Nam bộ mang trong mình yếu tính của nước với khí phách bội phần Hồng Thủy. Một
đằng giữ lấy sự thuần nhất khai nguyên của con nước tác tạo sự sống. Một đằng
thịnh nộ bão giông nhận chìm bất công/bất nghĩa/bất nhơn. Nước biểu hiện cho cơ
chế điều hòa cân bằng và bảo toàn của Đạo. Hai người đàn bà ở gãnh Mù ù có lẽ
đã đi đến tận cùng của đạo Nhơn giữa thiên địa. Má Hai trong Tết Ông Tý đối diện
với lão Xệ yêu râu xanh, má không giận bừng bừng như lửa. Má vẫn giữ được sự
bình tĩnh. Khí phách của má chính là thái độ bình tâm dứt khoát sắp xếp việc
nhà, chuẩn bị cho gia đình sẵn sàng chống trả cái ác. Và trong tâm của má, cơn
đại Hồng Thủy đã dâng cao tới đỉnh điểm. Bà Tư Thịnh, Bà Tư Vạn, Cô Năm Hạnh biểu
tượng cho khí phách của người phụ nữ cũng chính là khí phách của nhân dân. Và
văn xuôi Trần Bảo Định đi vào lòng người cũng bởi vì khí tiết xuất phát từ
chính tấm lòng trọng nghĩa của nhân dân (nhân chủ) chứ không hề dựa trên bất cứ
ý thức hệ của chính thể nào.
Như đã nói, biểu hiệu khí
phách của người đàn bà Nam bộ là cơn hồng thủy trước bọn cường ác, đồng thời là
con nước lớn ròng đong đầy tình quê. Một tiếng phải nghĩa, đáng giá ngàn vàng.
Sáu Xe và Sáu Dũng một tiếng thành vợ chồng. Cái ngàn vàng phải gửi chỗ Nghĩa.
Vì Nghĩa đó là nghĩa lớn. Nghĩa trong căn cơ là vì người. Đằng này nghĩa với
quê hương. Nên đó là khí phách của người nữ trao gửi nghĩa lớn đối với giống
nòi. Má Bảy lẫn Sáu Xe đều nguyện ý thu xếp cho yên việc nhà để Sáu Dũng tòng
quân. Nghĩa lớn gộp với tình người, những người đàn bà Nam bộ ấy chính là từng
con rạch cái mương âm thầm chuyên chở dòng nước quê hương, ngàn đời tưới tắm và
dung dưỡng cố thổ quê nhà, làm cho mảnh đất đau thương nở ra bông trái ngọt
lành.
Thế chẳng phải bên ngoài
tượng mềm yếu (âm tính) nhưng bên trong cương kiện chánh trực (dương tính) - là
nước đó sao ! Người phụ nữ Nam bộ đã bẩm thụ con nước quê hương chằng chịt từ
thuở tấm mẳn đến khi xế chiều. Tự trong bản mệnh đã có căn tính của nước. Phải
chăng chính thủy tính đó đã dạy cho Việt tộc biết cách ứng phó với vó ngựa hiếu
sát cướp bóc từ phương Bắc và súng đạn bất nhân từ phương Tây. Khí phách của Nước
cứ trụ ở trời Đông Nam đối chọi với Tây Bắc lập thành cán cân thiên địa. Lại
nói, từ thuở chúa Nguyễn vào Đàng Trong, yếu tính của Việt tộc cũng theo chân,
để con nước Việt tộc chảy mãi đến vùng đầm lầy cuối nẻo. Đến đây, ta có thể hiểu
được nguồn cơn khí phách của người đàn bà Nam bộ. Có thể tôn xưng đó là hồn cốt
Thủy nữ của Việt tộc trong hình bóng của Tư Thịnh, Tư Vạn, Năm Điền, Năm Hạnh,
Sáu Xe, Bảy Nhơn,… và còn biết bao nhiêu hình bóng khác còn lẩn khuất giữa đêm
phù sa châu thổ nghĩa tình.
3. Nữ tính hay muôn ngàn rễ giữ gốc,
giữ đất quê nhà.
Có lời bàn “Nhà khó cậy vợ
hiền”, bởi vậy gốc làm sao thiếu rễ. Và rễ có sâu, gốc mới vững. Trần hiền nội
đối với Tiến sĩ Phan cầm bằng như rễ cả cắm sâu thủ tiết cho người trai trả nợ
tang bồng. Lại nói, bà Hai Cúc (?) với bà Tư Thịnh quả đúng là từng búi rễ bền
chặt giữ gìn hương lửa và đất đai cố thổ quê nhà. Hai người đàn bà ấy sống trọn
vẹn và đi đến chỗ tận cùng của Tình và Nghĩa.
Chịu đựng hy sinh để giữ
gia đình, giữ quê hương làng xóm, giữ phong tục nếp nhà, giữ lề thói ăn ở, giữ
cốt cách nhân nghĩa; người phụ nữ trong gia đình còn là điểm tựa cho chồng con
trong đời sống hằng ngày cũng như các sinh hoạt xã hội. Hơn nữa, người phụ nữ
là rễ bởi vì đã dung dưỡng và tạo động lực cho chồng con sống trọn vẹn tình
nghĩa với quê hương, giống nòi. Còn nhớ, má Hai mới cầm chắc tay tía Hai mà
nói: “Đe ai thì đe, dọa ai thì dọa; nhưng với mình, thì đe dọa cũng bằng
không!” (Tết Ông Tý). Họ chính là từng nhánh rễ nhỏ bé để góp phần tạo nên sự
kiêu hùng vĩ đại của đấng mày râu. Bao nhiêu trượng phu của đất Nam Kỳ vẫn còn
nợ những người phụ nữ ấy một lời tạ ơn. Càng thấy, rễ có sâu thì gốc mới vững
vàng. Công nâng khăn sửa túi của bà Năm Điền[1] đối
với Tú Chiểu: “người phụ nữ làng Thanh Ba - biết lấy tuổi thanh xuân và cả đời
mình nuôi dưỡng, bảo vệ cái nghĩa lớn trong tâm hồn và trái tim người chồng
vĩnh viễn không nhìn thấy mặt trời”. Chính từng cái rễ nhỏ ăn sâu vào đất (Điền)
mà lời vẫy gọi lửa lòng (Chiểu) trong đêm mới thắp sáng chữ nghĩa. Chính vậy, gốc
phải chịu ơn rễ. Và cái đẹp của rễ chính là vẻ đẹp thầm lặng gắn chặt với đất mẹ
sâu dày.
Nhưng vì đâu rễ có thể cắm
sâu vào đất đai quê nhà ? Vì những cái rễ như Tư Thịnh, Năm Điền đã thấm nhuần
nghĩa nhơn xứ sở, đã bẩm thụ thiên tính và địa tính rồi thành ra nết ăn ở đối
đãi lập thành nhân tính. “Người đất này, tánh tình xởi lởi, còn ăn hết thôi
nhưng, rất ghét và khinh cái bọn "nhân diện thú tâm"!”. Nữ tính – đã
có một cuộc tranh luận, thậm chí có thể gọi là cách mạng ở trời Tây để giành lại
cho phụ nữ quyền phụ nữ. Nữ tính hồ như là cái bị nam quyền tước đoạt. Bấy giờ
đàn bà cần phải giành lại. Trước hết, họ hạ bệ Nam quyền bằng nhiều cách. Thứ nữa,
họ khẳng định và bày phơi riêng biệt từng khía cạnh nữ tính. Vậy nên, nữ tính
Tây phương chính là giãy thoát tách biệt, chia lìa. Ngược lại, nữ tính của hồn
Việt chính là giao hòa, bồi tụ. Nữ tính này đã có bản mệnh của Việt tộc. Đi xa
hơn Tây phương, nữ tính hồn Việt đã về lại căn cơ lòng mẹ (mẫu tính) mà từ đạo
lập đức bản nhiên thành ra tính mệnh khai sinh và hy sinh. Hằng số nữ tính
chính là thi triển đến tận cùng hai yếu tính này. Người đàn bà Nam bộ vì thế là
những người đàn bà tiêu biểu cho
thời cuộc và đất đai quê mình… Bởi hy sinh nên có nữ tính; vì khai sinh nên có
Mẫu tính. Ấy là căn cơ bung nở hoa nắng trên khắp dải đất bình nguyên phương
Nam.
4. Thể tính của Mùa hoa nắng
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng THỜ mẹ KÍNH cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao)
THỜ MẸ - Bởi vì sao vậy ?
Tính khai sinh – là khởi nguyên, đánh dấu bước chuyển từ
không thành có. Má Bảy Nhơn (vô cực/thái cực) cho đến Tư Thiệt, Năm Thà chẳng
phải là con đường phiên biệt của quê hương tan rã hay sao ? Mẹ sinh ra vốn dĩ
Thiệt Thà mà sau rồi phân chia, để đến mức răng môi máu chảy. Từ nỗi đau banh
da xé thịt đến nỗi đau da thịt cắn xé lẫn nhau, mẹ là người chịu đựng.
Tính dung dưỡng – là căn cơ của sinh hiện vận động và phát triển. Nhưng sự vận động và
phát triển nhiều khi ẩn chứa đối nghịch nội tại. Mặc dù trái hay phải, dù Đàng
Ngoài hay Đàng Trong, đều là con của mẹ. Lòng mẹ là khởi sinh, dung dưỡng cả những
gì nghịch phản, triệt tiêu nhau. Vì tình thương và khai sinh đã ẩn chứa nhất
nguyên thể tính. Vì vậy “hoa nắng” nhất nguyên (Má Bảy Nhơn, Trần hiền nội, Dì
Sáu) đã ngời lên khả năng dung chứa và chữa lành. Cũng bởi vậy, dung dưỡng (bao
dung/bỏ qua) là mẫu số có thể cứu vớt tâm hồn con người trong thời
ly loạn, là tình thương cứu chuộc hố ngăn cách trở ruột thịt Trong-Ngoài.
Tình thương - nỗi đau banh da xé thịt, mẹ là người chống chịu. Rồi nỗi đau huynh đệ
tương tàn, chỉ có mẹ thấu biết. “Ai Quốc gia ai Cộng sản đâu con? Tụi bây là ruột
thịt và đều do má đẻ ra...”. Nỗi đau thấu trời, một mình mẹ trải qua. Nên hơn
ai hết, tính mệnh của mẹ từ đau thương đến bi thương. So ra, Mẹ Việt đã bi
thương biết bao nhiêu lần. Từ bi thương đến tang thương, lòng mẹ vẫn còn
Thương. Trong thương đã có dịch, ấy là đức hóa giải, sửa trị, hàn gắn. Vì lòng
mẹ có tha thứ. Từ Mẹ ra đi rồi sẽ trở về Mẹ. Các phản lực tương tranh/tương triệt
dẫu có muôn vàn khác biệt vẫn cùng chung mẫu số muôn đời. Thành ra, tính mệnh của
Mẹ là Tang Thương, cũng là Chuyển Hóa. Tình thương chính là sự mầu nhiệm của thể
tính Việt tộc nơi người phụ nữ miền Nam nói chung.
Tính người - Chẳng khi không mà Trần Bảo Định đặt tên Nhơn cho nhân vật Má Bảy. Bởi hoa
nắng gửi gắm lại hạt giống cho mùa sau. Tính người của hoa theo đó cũng được
trao truyền. Cho nên nói mẹ phương Nam làm riềng mối cho con. Mẹ đẻ con ra. Mẹ
nuôi con lớn. Mẹ dạy con khôn. Từ chỗ không tồn tại mà thành ra tồn tại, từ chỗ
vỗ tri thành ra hữu tri. Từ chỗ “phi nhân” thành ra “thị nhân”.
Mẹ giữ cho con cốt người. Từ cái tên tục mẹ đặt cho đến lời răn dạy khuyên lơn,
mẹ vẫn âm thầm trao truyền và gìn giữ cốt người cho con. Thượng cổ Nữ Oa thổi sinh khí vào đất sét, còn bà mẹ
miền Nam mớm cho con bầu sữa con người; để con có nhân hình lẫn nhân tính. Nhân
tính vì thế là bản thể của con. Đến đây, ta có thể hình dung phần nào tầng mức
sâu dầy của nhân bản phương Nam.
Kết
Đi giữa Mùa hoa nắng của Trần Bảo Định,
có lẽ độc giả sẽ ngỡ ngàng vì câu chuyện: Bông cỏ may, Màu mực em, Tôi Hoa Xấu
hổ ! Dễ thấy, truyện loài vật của Ông già Nam bộ nhiều chuyện ở các tập truyện
trước có thiên hướng ngụ ngôn và truyện cười thì đến đây truyện mang hơi hướng
thần thoại và cổ tích. Khi ta thâm nhập vào sinh giới truyện từ khía cạnh này,
ta mới ngỡ ngàng nhận thấy chuyện về ba loài hoa cỏ ấy chính là ánh nắng trời
(Thiên) tác luyện cùng với Gãnh Mù U, Rạch Miễu, Ba Dừa, Xẻo Rô, Thanh Ba (Địa)
để trổ ra muôn ngàn bông hoa nắng (Nhân) rợp tràn đất Nam Bộ. Theo đó, ba câu
chuyện lập thành bộ kiềng ba chân – thiết định cấu trúc chỉnh thể của Tam Tài.
Đây chính là sự khai mở cho việc thâm nhập vào toàn bộ tập truyện. Từ Tam Tài
khai mở Tâm-Tính-Tình, ta có thể hiểu ra ý nghĩa nhan đề tập truyện Mùa (Địa)
Hoa (Nhân) Nắng (Trời/Thiên). Và hoa nắng ở đây chính là sự chiếu rọi của
“thiên tính” xuống “địa tình” lập thành “nhân tâm”. Hoa nắng chính là con người
trong nghĩa lý trọn vẹn tốt đẹp của tính người.
Bên
cạnh đó, nghĩa tình quê nhà bền chặt đã giúp Trần Bảo Định có khả năng Nam bộ
hóa (Việt hóa) các tư tưởng: Sinh thái học nhân văn, Luận lý Tây phương, Hán
Nho, Phật Giáo, Đạo giáo, …. Đây là sức đề kháng mạnh mẽ của loài chim phương
Nam trước muôn vàn tiếng hót ngoại lai, giữ gìn đúng bản nguyên tiếng hót quê
mình.
Từ
chỗ ngó thấy sự thay đổi về nhận thức luận và thế giới quan, ta nhìn ra sự chuyển
hướng trên cuộc du hành chữ nghĩa của Trần Bảo Định. Từ Sinh thái học nhân văn,
Xuyên văn bản đến Minh triết phương Nam; sau tới Thương những ngày và Mùa
hoa nắng thì Trần Bảo Định càng vượt qua ranh giới văn chương và phi
văn chương. Điều này phải chăng trang viết của ông đã đi thật xa (khứ viễn) để
trở về (hồi quy) trong yếu tính của Văn (文).
Cũng có nghĩa là trở về căn tính thấm nhuần-chất phát-nhất nguyên-uyên ủy của
ca dao (kinh thi Việt tộc). Phải chăng chính tên gọi và bút danh của tác giả
cũng đã bao hàm tính mệnh “hộ pháp” cho hồn thiêng Việt tộc. Trần Bảo Định trở
thành “ngọn đuốc sáng” soi rọi lại những khoảng tối mịt mù giữa đêm phù sa châu
thổ, là người bà con thân thuộc bám lấy đất mẹ để giữ gìn các giá trị truyền đời
của tộc Việt mà cho đến nay e rằng đã bị thời gian phủ mờ đến nỗi chỉ còn lẩn
khuất trong đời sống của người Việt lưu dân trên đất Nam bộ.
Đọc Mùa hoa nắng, mỗi người sẽ tự chiếu rọi nắng trời vào táng lá cây đời để từng chùm hoa nắng rập rờn trong lòng dạ. Từ bông cỏ may đến bông vạn thọ, cách kết truyện của Trần Bảo Định luôn để lại nỗi niềm suy tưởng dìu dặt, vừa thấm vừa nhuần, vừa ngậm ngùi vừa bâng khuâng, chẳng đánh mà đau, chẳng xui mà khiến lòng người lân la nghĩ ngợi.
Ví như “Trăm năm biết mấy tinh thần”.
[1] Người vợ Lê Thị
Điền vừa nuôi con vừa nuôi chồng, giúp chồng bốc thuốc, tu chép thơ văn. Tấm
lòng cương liệt, khí khái của thơ văn Tú Chiểu không phải không có sự cộng hưởng
bởi tiết nghĩa của bà Năm Điền. Về việc tỵ địa của Tú Chiểu, TBĐ bỏ vào ngoặc
kép, kẻ đương thời ắt tự xét lấy. Cũng như tấm lòng với cố hương bản quán, ấy
là nỗi niềm của Hai Chiểu hay của Năm Điền, hẳn người đời cũng sẽ rõ khi đọc
qua câu chuyện cúc vạn thọ.
Comments
Post a Comment