Về hướng PHẢN TIỂU THUYẾT trong cách thế của MỌI ĐEN
[Võ Quốc Việt]
(Cha nội Michel Butor vô rừng ko biết làm gì !)
Về Tính bất định
và Tính hỗn loạn; Chúng ta đã nhìn thấy “siêu
nhân” càng quét các thần tượng ung nhọt trong triết lý Tây phương mấy ngàn năm;
chúng ta cũng nghe thấy Zarathustra đã tuyên xưng dưới đôi cánh đại bàng bay chất
ngất thượng phương tuyệt đích, hay bò theo dấu vết con rắn thấu tri để lại trên
mặt đất và chúng ta trở về Nam Việt để bắt gặp TTT. Bằng đôi cánh đại bàng và nọc
rắn, chúng ta đi vào văn xuôi TTT. Và ở đó, tiểu thuyết của TTT chính là
giây phút mà trật tự vốn có của con người bị sụp đổ. Tiểu thuyết của TTT từ gốc
rễ căn cơ khởi phát cho đến hiển lộ, luôn là cuộc đảo hoán và truy vấn về/và hữu
thể. Truy vấn không ngừng nghỉ, trên con đường thiên lý, kẻ lữ khách phân
thân từ Zarathustra đã lững thững bước đi một mình giữa chập choạng sương tối
mù khơi. Người lập thành căn cơ Đen và trở thành MỌI. Con MỌI Việt Nam. Đối với
Mọi, “Nghệ thuật trước hết là một lối nhận thức đời sống. Nhận thức nào cũng bắt
đầu bằng sự chia lìa cần thiết giữa một ý thức và đối tượng của nó. Cấp độ của
sự nhận thức cao thấp là tùy theo sự chia lìa ấy sâu xa hay hời hợt. Hằng ngày
người ta sinh sống trong một thế giới nhân loại được xếp đặt quy định trong một
trật tự được tự nhiên hoá không nghi ngờ không dò hỏi, người ta sống yên ổn thoải
mái với những thói quen, tiếp nhận hạnh phúc cũng như sự phiền muộn như những
trái cây ngon ngọt hay đắng chát của Tạo Hoá ban cho, nhưng rồi một cơ hội nào
đó trật tự kia bị xô lệch bởi những người khác, người ta có thể ngạc nhiên rồi
quên đi khi trật tự vãn hồi, người ta có thể hoảng kinh vì không quên được trước
cái trật tự giả tạo. Người ta cảm thấy từ đấy sự chia lìa giữa mình với đời sống
xung quanh, giữa mình với mình, người ta tự hỏi, người ta cố gắng tìm cách trả
lời, người ta hoài nghi. Như một cơn địa chấn – nói theo Nietzsche – con người
lúc bấy giờ thấy mặt đất điên đảo dưới chân mình, một mình mình gánh nặng cả đời
sống trên hai vai”[1]. (Liên hệ đảo hoán của
Nietzsche và truy vấn của Heidegger). Nietzsche đã gieo cấy một cơn bão nơi mảnh
đất Nam Việt và cơn bão ấy cộng hưởng với tính thể nhân vị buộc lòng phải đối
diện của một lứa người Nam Việt không thể chối chạy khỏi chính mình. Tự con người
Nam Việt ấy là có sẵn một cơn áp thấp mà gió giông cường hãn đã bồi thêm vào cuộc
đảo hoán toàn diện hay có thể nói là thời của bất định và hỗn loạn.
(Cha nội A.R.Grillet)
(Mọi Tuyền)
Từ các nếp gấp
triền não hay triền đồi tâm tưởng, Tâm Thanh sẽ Tuyền trong cách thế nhìn. Nhìn
nghĩa là có một chiều hướng (nhìn về, nhìn tới, hay nhìn thấy nghĩa là đã phóng
ra ý thức chộp bắt đối tượng/tha thể, nghĩa là bất khả vô chiều hướng). Chung
quy là vấn đề cái nhìn. Nghệ thuật đen là sự trở về của cái nhìn. Mọi trở về với cái nhìn, ở đây có nghĩa là nguyên khai, trở lại
giây phút căn cơ phát xuất cái nhìn. Làm nghệ thuật theo cách thế của Mọi là trở
về hay trả về sự tinh khiết thuần nhất của ánh mắt. Hay nói khác đi cũng chính
là trả lại sự chân xác của thế giới cụ tượng như nó vốn dĩ. Mà lối triết lý của
những bậc thức giả thượng thừa thường thâu tóm trong những định đề luận lý uyên
thâm. Nhưng Mọi và Nghệ thuật đen không ham cái thói nết bệnh hoạn đó. Bọn Mọi
nhìn như thể nhìn lần đầu tiên. Mà Tuyền gọi là cái nhìn trực giác/trực hiện
theo ngôn ngữ thông thường. Tức là ngôn ngữ ca dao. Thứ ngôn ngữ chất phác tinh
ròng đẹp ban mai nhất nhất. Cho nên chẳng lạ gì Tuyền tự nhận mình là thi sĩ ca
dao. Vì Tuyền đã nhìn và lập thức bằng cái nhìn của Mọi, cũng như Mọi đã nhìn
thế giới bằng con mắt của thế giới. “Sự khác biệt giữa lối nhận thức nghệ thuật
và lối nhận thức triết lý là: lối nhận thức thứ nhất thiên về cụ tượng, cố gắng
thâu tóm lấy sự toàn thể của thực tế lúc xuất hiện trong một ý thức khởi nguyên
thông suốt – một thứ trực giác, theo ngôn ngữ thông thường -; lối nhận thức thứ
hai thiên về quan niệm, cố gắng vượt từ những kinh nghiệm riêng tư đạt tới những
ý tưởng chân xác phổ biến nhờ sự can thiệp của lý tính trong ý thức bằng sự sử
dụng luận lý. Lối nhận thức của nghệ thuật, so với lối nhận thức triết lý, tất
nhiên là mơ hồ hẹp hòi, nhưng lại giữ được tính cách cụ thể mạnh mẽ xúc động,
tránh xa sự trừu tượng, cuộc phiêu lưu tách rời khỏi thực tế của một ý thức mãi
đuổi theo sự tuyệt đối mà ra khỏi thế giới nhân loại lúc nào không biết”[4].
Vấn đề cái nhìn về thế giới là một vấn đề hết sức căn bản khiến người ta khép
Phản tiểu thuyết thành ra là phản tiểu thuyết hay trường phái cái nhìn. Nhưng
cũng chính ở vấn đề cái nhìn mà Mọi hay Phản tiểu thuyết xác lập một thế giới
quan, một nhận thức luận gồm cả ý nghĩa về một phương pháp nhận thức (lập thức).
Nghệ thuật đen
nằm trên con đường đi từ Hiện sinh luận có tính cách Hiện tượng luận đi về phía
Cái nhìn của Phản tiểu thuyết. Tại sao chúng
ta dám cả gan nói đến vấn đề này ? Tất nhiên không thể đồng nhất hai vấn đề lập
thức và lập thức sự lập thức với nhau, cũng như không thể ép uổng Thanh Tâm Tuyền
vào chung nhóm Phản tiểu thuyết của văn chương Pháp. Chúng ta không có quyền lếu
láo và cà chớn cà chua như vậy ! Cái đáng quan tâm là sự diễn hoạt và biến chuyển
của cái ý thức siêu hình về đời sống. Hay chí ít, đó là cách thế Phản tiểu thuyết
của Mọi. “Nghệ thuật đen chính là cái ý thức siêu hình trước những cảnh ngộ
trong đời sống hôm nay, là biểu thị sự tự do của những con người bằng xương thịt
trong những tình thế có thực của kiếp người, là lời kêu gọi cất lên cùng mọi
người trong cuộc hành trình lịch sử phải sống”[5].
Chỗ giao nhau – ý thức siêu hình về đời sống – Mọi không nói về đời sống trong
cách thế luận lý Apollo, Mọi sợ hãi lối luận lý đó, cầm bằng như Grillet cho rằng
những gì ông suy ngẫm và nói ra viết nên không có tính cách “trí thức” như
Sartre hay Camus[6]. Mọi ly khai thông qua việc
xác lập cái ý thức siêu hình đó. Cái ý tức siêu hình lập thức không theo cách lập
thức Apollo. Cách lập thức Apollo đối với Mọi là một cách lập thức què, một
cách lập thức mà sau nữa sẽ trở thành nấm mồ chôn chết thức nhận, cũng có nghĩa
là không thể lập thức, bất khả lập thức. Sự lập thức chân thực và vươn đạt đến
chỗ siêu hình về đời sống. Có lẽ sẽ còn có thể nói thêm nữa về chỗ giao thoa
này giữa Mọi và lối lập luận trắc nết hết biết của những kẻ Phản đồ tiểu thuyết.
Nhưng cái thói trắc nết đó lại rất được Tuyền ưa chuộng, vì rằng nó phù hợp với
thói nghịch ngợm rất ư là Mọi của Tuyền vậy.
Thế rồi từ sự kết
hợp giữa lối quan sát hiện tượng học và cái nhìn của Phản tiểu thuyết, Mọi đạp đổ tính chất phổ quát luận lý của chính thống thể. Cũng
như sự triển hạn vô bờ của bọn Phản tiểu thuyết. Khi mà một cái hắt xì hơi cũng
có thể viết thành một quyển tiểu thuyết thì một nghiệm số bất kỳ cũng có thể lập
thành một phương trình diễn hoạt. Vậy thì chúng ta sẽ có thể lập thành cái
phương trình diễn hoạt như thế nào, chúng ta có thể cơi mở ra hệ trục tọa độ
nào, chúng ta có thể tiếp chạm với các trục số như thế nào và bao nhiêu trục số.
Lập thức được vấn đề này rồi, chúng ta có thể nhận thấy sự quan tâm đối với các
vấn đề đó không còn nghĩa lý nữa. Bởi vì vấn đề là chúng ta đang bám vào nghiệm
số nào, nghiệm số như thế nào ! Vậy ra, cái chung quy là chúng ta phải tìm thấy
Mọi, phải biết Mọi/cái nghiệm số đó như thế nào ! Một con Mọi độc đáo tự nó sẽ
căng trải ra cái thế giới trong cách thế của nó. Vì rằng “không có ý thức nói
trống không bay lượn trong không không, nói ý thức là nói ý thức của một người,
người bằng xương bằng thịt với những điều kiện sinh hoạt trong xã hội trong lịch
sử và trong cảnh ngộ. Ý thức phát động để cấu thành nhận thức tiếp xúc ngoại vật
không độc nhất bằng đường lối tư duy; bởi ý thức của một người chính là người ấy
với mắt mũi chân tay đầu tóc cho nên một người có thể ý thức và nhận thức, một
cách mù tối nhưng cụ thể nguyên vẹn hơn, bằng da thịt bằng cảm xúc giác quan.
Nghệ thuật đen chuộng sự cụ thể, trong phép thể hiện của nó thường dùng lối nhận
thức thô sơ này bởi ở đấy ngoại vật còn giữ được nguyên hình thể, tính chất của
nó. Do đó trong nghệ thuật đen dẫy đầy những xúc cảm đứng lại ở giác quan còn
thô kệch xù xì khó chịu, ý thức “thuần tuý” băng hoại bám vào mở rộng ngoài da
thịt thành một thứ dục tình suồng sã”[7].
Như vậy các chất điểm mà ý thức Mọi bám lấy có vẻ mang đầy tính nghịch phản với
hệ giá trị của chính thống thể Apollo, đâu đâu cũng là bọn phiến loạn. Thành
ra, chúng ta không thể bám lấy các chất điểm tri kiến/nghiệm số/ý thức Mọi để
mà lần mò khai mở một thế giới nào rốt. Duy chỉ có các chất điểm ấy tự ràng
rít, kết liên thành ra một “hệ sinh thái” của chính nó. Vậy nên, nếu như lối tư
niệm Apollo chỉ vò võ quanh đi quẩn lại trong cương vực thế giới vốn có và được
bầy đàn thừa nhận thì lối tư niệm của Mọi đã nối dài thêm sinh giới bằng cách lật
đổ các bờ bọng giới hạn. Nói khác đi, sự diễn hoạt của nó triển hạn trong một tập
hợp bất xác định. Nghĩa là một cõi giới mãi mãi mới mẻ và bất khả lượng ước. Vậy
nếu, cõi giới bất khả lượng ước thì chúng ta có thể giải thích nó hay không ?
Lại nói, Tuyền
không ưa lý luận, cách luận lý kiểu Apollo, Tuyền không ưa lập thức theo kiểu
đó. Sự lập thức trực quan mang tính bản chất của Tuyền hay của Nghệ thuật đen
không nhằm giải thích thế giới: “Sở dĩ nghệ
thuật đen không đưa lại một lời giải đáp thì chỉ có tính cách cá nhân của tác
giả, là một trong rất nhiều lời giải đáp khác nhau, không thể tìm tính cách
chung bởi như thế phản nghệ thuật”[8].
Liên hệ với tính vô trách nhiệm của người viết trong lối Phản tiểu thuyết. Thế
giới không phải để giải thích. Ai lại đi phanh thây xẻ thịt thế giới. Những tên
đồ tể luận lý mang tính trí thức ấy đã phân hủy thế giới trong não bộ khép kín
và chặt chẽ của cái nư khoa học thực chứng ngông cuồng ấu trĩ và hạ đẳng. Tuyền
chỉ ngã vào lòng thế giới. Người viết có thể hoàn toàn là một kẻ vô trách nhiệm.
Tại sao người viết phải chịu một trách nhiệm nào đó trong khi cái ý thể tác
thành trong mối quan hệ cộng sinh giữa người viết và kẻ đọc (∞n) lại
đổ hết lên vai người viết. Không thể có một lối lý luận nào ép uổng người viết
vào trong lồng rọ của tính chất trách nhiệm. Và theo đó, người viết không phải
chịu trách nhiệm về việc lý giải thế giới. Người viết theo lối nghệ thuật đen
chẳng phải đã từ khước lối viết đó rồi hay sao. Cho nên, ngay cả kẻ đọc cũng
không việc gì phải ôm vào mình cái trách nhiệm lý giải thế giới.
Vậy Mọi đến với
thế giới trong cách thế như nào ? Xuất phát điểm của Mọi khi đến với thế giới
và lập thành Nghệ thuật đen: “Người làm nghệ thuật hôm
nay rất khiêm nhượng không muốn khoác cái bộ dạng lố bịch của một người thầy đời
bằng những câu giải đáp nông cạn lý tưởng vô ích và hào nhoáng chỉ lòe được đám
học sinh hay bọn trí thức một dúm; hắn biết rõ hắn chỉ là một cá nhân hèn mọn,
cái kiến thức chuyên môn về các địa hạt tinh thần khác, nếu có, chỉ là một mớ
kiến thức phổ thông sở đẳng so với những bậc thức giả mỗi ngành, trước mắt các
bậc ấy những câu giải đáp của hắn chỉ là một trò múa rối của kẻ tự kiêu ngu ngốc,
hắn tự định rõ vị trí của hắn trong hoạt động tinh thần nhân loại là tận dụng hết
năng khiếu thực tế của mình để biểu diễn cái đời sống tầm thường hiện thực hằng
ngày nơi ấy vẫn ẩn nấp trong mỗi thời khắc những vấn đề siêu hình (vẫn hiểu
theo nghĩa rộng) mà ngày nay ảnh hưởng tới từng khía cạnh vụn vặt nhất của cuộc
sinh hoạt”[9].
Xin trao hết phi thường và thượng thừa cho các bậc vương giả Apollo, Mọi chỉ
xin giữ lấy phần hẹn mọn của đời. Có thể trần truồng thô kệch nhưng đó là sự
chân thực. Và Mọi cũng như Tuyền xin trả lại tấm áo tri kiến, xin gửi lớp áo mũ
rộng thùng thình thêu dệt đủ loại rồng phượng hoa mỹ mà thượng tôn trí thức chủ
cả đã ban tặng. Mọi trở lại trần truồng dã thú, trở lại xác thịt nóng thổi, trở
lại trong hơi thở xộc xệch của kẻ lang thang trên sa mạc. Như vậy, mọi đã gửi đến
những thức giả khoa học hàn lâm ban bệ lẫy lừng những tâm tư chán ngán. Và những
ai thức giả hàn lâm khoa học cũng đừng lấy hệ giá trị bầy đàn của khoa học thực
chứng và lối tri kiến hời hợt của ngữ ngôn và lý trí để áp chế con Mọi (con Mọi
đen Việt Nam Thanh Tâm Tuyền) vào trong guồng quay ngu xuẩn và nông nỗi của tư
niệm thượng tôn trí thức. Vậy nên, giả bằng không thể dung thứ, con Mọi đen đã
thẳng thừng đoạn tuyệt (cũng có thể hiểu là tạo phản) với tất cả tính cách
chính thống thượng quyền của lý trí thực chứng và cái nhìn tập quán bầy đàn
quen thuộc vốn dĩ đã khô chết như lá cây rụng đày dưới gót chân mùa đông. Hoặc
chúng ta cũng có thể hiểu, đây là sự giẫy giụa và tiếng than van chính thống thể
hãy buông tha con Mọi – lũ mọi Đen Việt Nam như là Thanh Tâm Tuyền.
(VQV - 6/2020)
(Hãy chấp nhận Đen để cảm nghiệm vẻ đẹp của Mọi Đen)
[1]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
[2]
Nguyễn Thị Từ Huy (2009), Alain Robbe-Grillet – Sự thật và diễn giải,
[3]
Phan Lạc Phúc trình bày và giới thiệu (1965), Alain Robbe Grillet và quan niệm
viết tiểu thuyết (phỏng vấn của Jacqueline Piatier và Madeleine Chapsal),
[4]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
[5]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
[7]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
[8]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
[9]
Thanh Tâm Tuyền (1960). “Nghệ thuật đen”.
Comments
Post a Comment