BIỂU TƯỢNG
GIỮA VÒNG VÂY THẠCH TRẬN
(Trích Biểu tượng thẩm mỹ trong thơ TTT - Kỳ 2)
Võ Quốc Việt
a) Biểu tượng và hình ảnh
Vì sự tồn tại cùng vai
trò đặc biệt của biểu tượng và hình ảnh trong tâm lí người nên chúng tôi cho
rằng cần thiết phải phân biệt ranh giới giữa chúng. Hơn nữa, việc trình bày mối
liên hệ giữa chúng đặc biệt hỗ trợ cho những diễn giải về biểu tượng thẩm mỹ
trong phần tiếp theo. Không chỉ thế, đề đặt vấn đề nghiên cứu một đối tượng cụ
thể, hầu như khoa học nào cũng xác định ranh giới giữa những đối tượng liên
quan; và xem đó là nhiệm vụ trước hết. Chúng tôi không có ý định xác lập một
khoa nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam; nhưng việc phân biệt và xác lập mối liên
hệ giữa biểu tượng với hình ảnh, kí hiệu, cổ mẫu thật sự cần thiết. Vì công
việc này giúp chúng tôi tránh được những hiểu lầm khi trình bày các tiểu mục
tiếp theo.
Nhìn chung qua khảo sát,
chúng tôi nhận thấy cách hiểu về hình ảnh như sau : “image” trong tiếng Anh và
tiếng Pháp, “imago” trong tiếng Latin, “imagine” trong tiếng Ý, “bild” trong
tiếng Đức: là sự phối ứng (scheme) tinh thần mà ở đó cảm giác hoặc nhiều yếu tố
cảm giác của nhận thức (hay một hình ảnh trước đó) được hồi sinh. Những hình
ảnh của tinh thần được mang lại trong dạng tập hợp được biết đến như là hình
tượng”[26;p.516]. Và “hình ảnh”: “Một phẩm chất thuộc về cảm giác được khôi
phục lại bởi trí não khi kích ứng cảm giác ấy đã không còn nữa”[53;p.141].
Chung quy, hình ảnh được hiểu là cái được tái tạo lại trong trí não ta khi các
tác động gây ra nó đã không còn nữa.
“Trong tâm lí học, từ
“hình ảnh” biểu thị một sự tái tạo về trí tuệ, - hồi ức – và không nhất thiết
nhìn thấy được của một kinh nghiệm đã qua về tình cảm, hoặc được khắc sâu trong
các cảm giác” [25;tr.333]. Theo đó, hình ảnh không nhất thiết phải được nhìn
thấy khi chúng ta sử dụng nó vào việc gì đó. Có thể thấy, không nhất thiết
người thầy học cũ hiển hiện trước mặt, nhưng tôi vẫn có thể bất chợt nhớ về quá
khứ rõ ràng đến mức chạm tay vào được. Ngoài ra, hình ảnh còn thể hiện kinh
nghiệm đã qua về tình cảm, hoặc được khắc sâu trong các cảm giác. Và hình ảnh
vẫn ở mức khả tri và có độ chính xác cơ bản của giác năng, dễ dàng nắm bắt bằng
giác năng. “Ezra Pound xác định hình ảnh không phải “như một bức tranh được tái
tạo mà như như một sự tái tạo cái tổng hợp tinh thần và tình cảm trong một thời
điểm riêng biệt”, như một sự gắn kết “các tư tưởng rất xa lạ với nhau làm một””
[25;tr.334]. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến quan điểm của
I.A.Richards: “Mặt cảm giác của hình ảnh bao giờ cũng có rất nhiều ý nghĩa. Cái
mang lại sức mạnh cho hình ảnh không chỉ là tính sinh động của nó như của một
hình ảnh, mà còn là khả năng của nó trở thành một sự vật nhận thức, một khả
năng có một mối liên hệ đặc biệt với sự cảm thụ cảm giác” [25;tr.334]. Với ý
kiến trên, quan niệm về sự tri nhận trực tiếp mà hình ảnh gây ra thật sự giúp
ích hữu hiệu cho việc phân định với biểu tượng.
Như Richards đã nêu, hình
ảnh trở thành một sự vật nhận thức. Nó được nắm bắt trực tiếp không thông qua
bất cứ một phương thức truyền tải thông tin nào khác. Nó dung chứa nó, chỉ về
nó, nó là cái biểu hiện cho nó thế thôi. Nó là mục đích cuối cùng mà nó muốn
truyền tải. Thế thì, về cơ bản, hình ảnh mang một bản chất khác hẳn biểu tượng.
Vì biểu tưởng luôn trên đường trừu tượng hóa. Biểu tượng không phải là cái cuối
cùng, là mục đích của việc thông tin. Nó truyền dẫn đến một cái gì khác. Cái gì
nằm ngoài ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp của nó, như quan điểm của phân tâm
học.
Qua đó, biểu tượng ắt hẳn
đã thiết lập rất nhiều mối liên hệ xung quanh nó, và chủ yếu là với nội dung mà
nó truyền dẫn. Trong khi hình ảnh chỉ có mối liên hệ cảm thụ về mặt cảm giác.
Và điều này cũng nằm ngay chính bản thân hình ảnh chứ không phải một cái gì
khác ngoài nó.
Tuy nhiên, giữa hình ảnh
và biểu tượng vẫn có mối liên hệ nhất định. Hình ảnh chính là tiền thân, chất
liệu và môi trường của biểu tượng. Đặc biệt, biểu tượng thẩm mỹ cần có vũ trụ
riêng của nó. Điều này là cần thiết để xác định giá trị và ý nghĩa. Vậy nên bên
cạnh những biểu tượng trong hệ thống của nó, các biểu tượng con cũng cần có
nhiều hình ảnh trong mối quan hệ liên tưởng để xác định vị trí, vai trò của nó
trong tác phẩm nghệ thuật và qua đó, biểu tượng có được ý nghĩa của mình. Hình
ảnh thật sự cần thiết cho sự tồn tại của biểu tượng.
Không những thế, nếu hình
ảnh chỉ mang tính rời rạc và khá độc lập với các yếu tố khác trong hệ thống của
nó thì biểu tượng lại là một sinh thể sống thực thụ và vì thế biểu tượng có khả
năng tác động lại các yếu tố xung quanh, trong đó có hình ảnh. Nhưng hình ảnh
cũng có sự vận động nhất định. Theo nhà nghiên cứu Francis Galton (1822-1911)
thì hình ảnh trừu tượng hay các hình ảnh tổng hợp phần nào là những ước định
trong văn học [25;tr.333]. Khi đã có sự ước định, nghĩa là người ta trao cho
hình ảnh đó trọng trách chuyển chở một cái gì khác ngoài nó. Khi đó, đời sống
của hình ảnh đã thay đổi. Qua đây, chúng ta thấy hình ảnh trừu tượng hay những
hình ảnh tổng hợp (mang dấu ấn của những cơn rối loạn tinh thần – theo cách
nghĩ của Francis Galton) đã dần thay đổi bản chất và có những khả năng cơ bản
đầu tiên để trở thành biểu tượng. Nhưng trước khi trở thành biểu tượng, hãy còn
một chặng đường khác.
b) Biểu tượng với kí
hiệu
F. de Saussure đã cho rằng cần thiết phải phân biệt biểu tượng và kí
hiệu. “Người ta đã dùng
từ “biểu trưng” (symbole) để chỉ dấu hiệu ngôn ngữ, hay nói cho đúng hơn, để
chỉ cái mà chúng ta gọi là dấu hiệu. Nếu chấp nhận danh từ này thì có những chỗ
bất tiện, mà như vậy, chính là do nguyên lý thứ nhất đã nói ở trên (tính võ
đoán). Biểu trưng có một đặc tính là không bao giờ hoàn toàn võ đoán, nó không
phải là trống rỗng, ở đây có một yếu tố tương quan thô sơ nào đấy giữa năng
biểu và sở biểu” [16;tr.142]. Saussure trình bày hết sức cơ bản và cụ thể sự
khác biệt giữa kí hiệu (dấu hiệu) với biểu tượng (biểu trưng), trước hết là ở
tính võ đoán của kí hiệu. Trong khi biểu tượng lại có thêm yếu tố hình hiệu, có thêm mối liên hệ (dẫu là mơ hồ) giữa
năng biểu và sở biểu. Ở Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Thu Hà cũng chịu ảnh hưởng từ ý
kiến của Saussure khi cho rằng “cũng là một tín hiệu nhưng các dấu hiệu chỉ là
những sự biểu đạt để biểu nghĩa hoàn toàn mang tính chất võ đoán ( như ngôn
ngữ, các công thức toán học…), còn biểu tượng có sự đồng nhất giữa cái biểu
hiện và cái được biểu hiện do thao tác của trí tưởng tượng của con người” [73].
Dẫn theo Lotman, ý kiến của F. Saussure trên Tạp chí Sông Hương: “Trong các
trường hợp này, khi hiện diện một tương quan giữa biểu đạt và nội dung, và đặc
biệt nhấn mạnh trong ngữ cảnh này là tính quy ước của quan hệ đó thì các nhà
nghiên cứu thường nói đến chức năng biểu tượng và các biểu tượng. Đồng thời
Saussure đã đối lập các biểu tượng với kí hiệu quy ước, sau khi nhấn mạnh trong
biểu tượng có yếu tố hình hiệu (ikon). Chúng ta nhớ lại, Saussure đã viết về
vấn đề này rằng, cái cân có thể là biểu tượng của công lí, bởi vì về mặt hình
hiệu, nó chứa đựng tư tưởng về sự công bằng, mà chiếc xe trượt thì không” [67].
Cũng theo Lotman (nguồn đã dẫn) thì dựa trên một số hệ thống phân loại có ý
kiến cho rằng biểu tượng được xác định như là kí hiệu. Trong đó, cái vỏ biểu
đạt chứa ý nghĩa, mà ý nghĩa này lại là “một kí hiệu loại khác”. Vậy thì
rõ ràng, biểu tượng và kí hiệu có mối liên hệ mật thiết nhưng chúng hoàn toàn
có thể và cần được phân biệt.
Hình thành khoa nghiên cứu về biểu tượng nói chung, người ta cần phải xác định ranh giới
giữa nó với các đối tượng liên quan (dẫu cho các ranh giới không phải lúc nào
cũng rạch ròi, dứt khoát). Như đã biết, dấu hiệu không chỉ biểu
lộ sự vật đối tượng mà còn đại diện cho đối tượng. Hay “sign” là cái đại diện và đứng tên cho đối tượng,
còn symbol là “cái truyền dẫn” cho việc hình dung khái quát về đối tượng. Kí hiệu bị cô kết vào đối tượng phía
sau nó. Còn biểu tượng cho phép hình thành và truyền chuyển đến quan niệm về đối tượng; quá trình
này hoàn toàn linh động. Và trong đó, “Symbolization là hoạt động điển hình của trí
não người, như là cái sơ đẳng, liên tục và tiếp thu những ấn tượng cảm tính” [30;p.374]. Có thể nói,
ngay khi hình thành lĩnh vực “symbology” đầu thế kỷ XX nhầm giải tỏa những cuộc
tranh luận kéo dài về ý nghĩa biểu tượng thì ngay sau đó, người ta lại sử dụng
nhầm lẫn và hiểu biết mơ hồ về ranh giới giữa biểu tượng và kí hiệu. Để đến sau
này, giữa biểu tượng học và kí hiệu học lại có sự xâm lấn ở đối tượng nghiên
cứu.
Kí hiệu học xem biểu
tượng thuộc về phạm vi
nghiên cứu của nó (Todorov, Eco..): “Kí hiệu như là bất cứ gì có thể được nắm bắt như
một vật thay thế mang tính gợi mở đến một thứ khác….một kí hiệu là thứ (….) đại
diện cho vật thể mà ở đó vật ấy bị vắng mặt” (U.Eco) [50;p.11]. Theo Todorov,
“Biểu tượng sau nữa trở thành một trường hợp đặc biệt của kí hiệu” [50;p.11].
Biểu tượng là một trường hợp đặc biệt của kí hiệu hay một chặng đường
khác trong quá trình biến đổi của kí hiệu. Kí hiệu đơn thuần chỉ là kẻ đứng tên
hộ. Mối quan hệ giữa nó
và đối tượng mà nó đại diện có thể hoàn toàn võ đoán, hoặc giả có liên hệ thì
hoàn toàn khô đét và hầu như bị quy định. Trong khi đó, nếu sự cố định ấy của
kí hiệu bị phá vỡ và tạo đà cho cuộc tái thiết quan niệm về đối tượng thì khi
ấy kí hiệu đang chuyển hóa thành biểu tượng. Biểu tượng trước hết cũng là kẻ đại diện, nhưng hơn thế, biểu
tượng tác động ngược trở
lại cái đã thuê mướn nó, buộc cái đứng sau lưng biểu tượng phải triển khai ý nghĩa của nó.
Chính ở điểm này, biểu tượng có khả năng truyền chuyển đến điều gì đó trừu tượng. Chung
quy, nếu xem “Sign” và “Symbol” là một “Icon” trên màn hình vi tính, khi ta “click”
vào “Sign” sẽ hiện ra một đối tượng cụ thể đã cố định; còn khi “click” vào “Symbol”
ta nhận được một đối tượng đang triển khai ý nghĩa. Đáng nói ở các
nhà kí hiệu học là cách nhìn biểu tượng như là một chặng đường tiếp theo của kí
hiệu. Biểu tượng là một bộ phận của kí hiệu, nhưng là một trường hợp đặc biệt,
là chặng đường tiếp theo của kí hiệu (khi nó phá vỡ tính cố định và võ đoán đối
với những gì đứng sau nó).
Và theo Trần Tố Loan: “Biểu tượng gần gũi
với kí hiệu, ẩn dụ, phúng dụ… Nhưng nếu kí hiệu, ẩn dụ, phúng dụ tạo ra những
mối liên hệ lâm thời, rời rạc, những quy ước đơn giản giữa cái biểu đạt và cái
được biểu đạt, có tác dụng biểu nghĩa thì biểu tượng tạo được sự đồng nhất giữa
cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức” [72]. Như vậy chung
quy, quan niệm chung nhất về sự khác biệt giữa kí hiệu và biểu tượng là ở tính
lâm thời của mối
quan hệ giữa năng biểu và sở biểu. Trong đó, mở rộng ra, biểu tượng – kí hiệu -
ẩn dụ - phúng dụ không chỉ là một đối tượng được tạo thành mà còn hàm ẩn ý
nghĩa là một thao tác, một phương thức. Khi Trần Tố Loan so sánh biểu tượng với
ẩn dụ và phúng dụ thì những thuật ngữ ấy còn cho biết chúng như những thao tác kĩ thuật. Và dù
ở bình diện thao tác đi chăng nữa, giữa biểu tượng và kí hiệu vẫn có những khác
biệt cơ bản. Hành động biểu tượng thuộc về khả năng gây ra ở tiếp nhận sự liên
tưởng, gây ra một
“vùng nghĩa áp thấp” chuyển động và càn quét vào tư duy người tiếp nhận. Còn kí
hiệu tạo ra “một chân trời tĩnh lặng”, ta nhận được những mảnh màu cố định trên
nền trời. Hành
động kí hiệu cứ như cách người ta xé dán từng mảng màu với nhau, và điều đó bị
chi phối mạnh mẽ
bởi yếu tố ngẫu nhiên – mặc định – quy ước.
Đối với phân tâm
học, kí hiệu là kết quả
của thói quen được xã hội chấp nhận. “Người ta cũng còn dùng những phù hiệu,
những chữ chỉ chức tước, địa vị. Tuy những chữ dùng như thế tự nó không có ý
nghĩa gì, nhưng vì đã được phổ thông cho nên chúng trở nên có ý nghĩa đối với
chúng ta, hay vì chúng ta đã có ý định gán cho chúng những ý nghĩa ấy. Tuy
nhiên, những chữ ấy không phải là biểu tượng đó chỉ là những dấu hiệu, chỉ làm
cho ta nghĩ đến những đồ vật liên quan tới chúng mà thôi” [12;tr.107]. Ở đây, Freud
còn nói thêm rằng biểu tượng “còn gợi lên những ý nghĩa khác thêm vào ý nghĩa
ước định hiển nhiên của nó. Biểu tượng gợi lên cái gì mờ mịt, xa lạ hay tàng ẩn
đối với chúng ta” [12;tr.107]. Và ý kiến của Jung
gần như thể hiện đầy đủ hơn
cả, giữa biểu tượng và kí
hiệu (dấu hiệu) hẳn nhiên có sự phân biệt rõ ràng. Nhưng chúng ta nên hiểu
rằng, biểu tượng đối với phân tâm
học hơn hết vẫn là biểu tượng tâm lý. Biểu tượng trong quan niệm của Jung,
chính xác hơn, là biểu tượng tồn tại như một thứ ngôn ngữ giấc mơ, là tiếng nói
cội rễ của những ức chế - phức cảm – mặc cảm đè nén ở tầng vô thức được cơ hội trở đi trở lại trong
sinh hoạt của chúng ta. Và ở đây, chúng ta nhận thấy sự khác biệt càng
thêm rõ ràng. Tự bản thân kí hiệu, trước hết, là một vật đại diện (về điểm này nó cũng giống
biểu tượng).
Nhưng không dừng lại ở tính võ đoán như kí hiệu, biểu tượng tiếp tục vận động.
Sự vận động này có được vì bản thân biểu tượng còn mang vào trong nó yếu tố
hình hiệu. Và trước khi làm
vật đại diện, bản thân biểu tượng đã có một nội dung khả tri nào đó. Tất nhiên, kí hiệu cũng có cùng một
xuất thân như thế nhưng kí hiệu đã hạn chế khả năng vận động của nó bởi tính võ
đoán. Kí hiệu rơi vào vòng vây của trạng thái “bị quy ước”. Sự có mặt thêm yếu
tố hình hiệu đã thúc đẩy vật đại diện (hay biểu tượng) vận động. Vật đại diện kia chuyên
chở thêm những ý nghĩa khác nữa (những ý nghĩa tàng ẩn và tố cáo chân thật nhất cho những gì bị chôn giấu
vào địa hạt phi ý thức).
c).
Biểu tượng và cổ mẫu (archétype)
Ở
luận văn này, chúng tôi cho rằng sự phân biệt biểu tượng và cổ mẫu thật sự cần
thiết. Vì những gì được trình bày ở chương 2 về hai biểu tượng nước và đất dưới
góc độ phân tâm vật chất mà nhiều người sẽ nhầm lẫn. Tất nhiên Bachelard đã
hình thành cho mình con đường nghiên cứu thật sự riêng biệt và độc đáo, nhưng
chịu ảnh hưởng từ Freud, chất liệu tưởng tượng của Bachelard vẫn có thể khiến
nhiều người nhầm lẫn với cổ mẫu. Và thực tế cho thấy giữa biểu tượng và cổ mẫu
rất khó xác định ranh giới cụ thể.
Trong
phần này, chúng tôi cho rằng trước tiên cần khảo sát và mang lại cái nhìn cơ bản
về cổ mẫu. Sau đó, dựa trên những hiểu biết vừa khảo sát và đánh giá, chúng tôi
làm rõ nét khác biệt giữa cổ mẫu và biểu tượng cũng như mối liên hệ giữa chúng.
Jung
là người trình bày một cách rốt ráo về điều này. Chúng tôi có ý định tiếp tục
khảo sát ý kiến của Jung về cổ mẫu sau khi đã khảo sát về biểu tượng. Sau đó,
chúng tôi cho rằng nên đề cập thêm một vài ý kiến mà qua đó ít nhiều giúp cho
vấn đề được bổ sung hoàn thiện hơn. Chính việc trình bày quan niệm về cổ mẫu, chúng
tôi có dịp so sánh giữa nó và biểu tượng.
Trước
tiên, chúng tôi trình bày ý kiến của Jung . “Chúng (nguyên tượng) tồn tại tiền
ý thức (pre-consciously) và có lẽ chúng đã tạo thành các ưu trội trong cấu trúc
của tinh thần nói chung”[41;p.25]. Chính những ưu trội này cho thấy thiên hướng
của tinh thần. Một nhà nghiên cứu nào đó phát hiện rằng chú gà con vừa mở mắt,
vỏ trứng còn dính lông, chợt thấy bóng diều hâu đã chạy nấp vào mẹ; trong khi
chúng lại không phản ứng như thế nếu đụng độ một loài thú to lớn nào khác (ví
dụ này chỉ nhằm giúp chúng ta hình dung về các điểm nhấn ưu trội). Đó chính là
các ưu trội hay những điểm nhấn kích ứng trong cấu trúc tinh thần đã được cài
đặt, hay nói khác đi, chúng đã được kế thừa từ giống nòi. Tinh thần người,
trong cấu trúc của nó, cũng có những điểm ưu trội mà nhờ đó xuất hiện các thiên
hướng cho phép chúng ta hình thành diễn trình tư tưởng mang hình thức và nội
dung phổ quát cho giống nòi. Cổ mẫu gần như là cái hằng số chung cho cơ cấu
tinh thần. Đó là tiếng nói siêu cá nhân, tiếng nói của giống nòi khi đứng trước
tự nhiên và các mối liên hệ với tự nhiên. Nói bằng cổ mẫu là nói bằng sự linh
thiêng của tổ tiên.
Jung
cũng đã nói về “vết tích tối cổ” (mà Freud đã nhận thấy từ trước) bằng quan
niệm: “Cái chúng ta gọi là “bản năng” chỉ là một khích động sinh lý mà giác
quan chúng ta cảm giác được. Nhưng những bản năng ấy cũng bộc lộ bằng những
hình ảnh của giấc mơ mà chúng thường biểu lộ bằng những hình ảnh có tính cách
biểu tượng. Tôi gọi những cách biểu lộ ấy là siêu tượng” [7;tr.98]. Bên cạnh
đó, ông còn chỉ rõ môi trường tồn tại của cổ mẫu: “Nội dung của vô thức cá nhân
chủ yếu là những cung bậc (tone) phức cảm...chúng tạo thành phương diện cá nhân
và riêng tư của đời sống tâm linh. Nội dung của vô thức tập thể, mặt khác, được
biết đến như là những nguyên tượng”[40;p.4]. Đó là một đối tượng phức tạp. Thế
nên, đưa ra một vài ý kiến trao đổi, chúng tôi e rằng chỉ có thể hình dung cơ
bản về cổ mẫu; và chủ yếu vẫn nhằm để làm rõ ranh giới giữa nó và biểu tượng.
Chung quy, qua những ý kiến vừa được trình bày, Jung cho thấy biểu tượng chỉ là
một trong nhiều cách biểu lộ của cổ mẫu. Và cổ mẫu thuộc về vô thức tập thể. Nó
là cái khuynh hướng vận hành phản ứng tinh thần và khi đi vào phạm vi vô thức
cá nhân thì nó được biểu lộ qua các biểu tượng. Cổ mẫu là tiếng nói linh thiêng
của giống nòi nhưng biểu tượng là kết quả của sự va chạm với đời sống cá nhân
và riêng tư. Biểu tượng lại là tiếng nói thầm kín của một tâm hồn cụ thể và độc
đáo.
Về
mối quan hệ giữa biểu tượng và cổ mẫu, xin dẫn thêm một ý kiến của Jung: “Sự
phản ứng tất yếu và cần thiết từ vô thức tập thể biểu thị chính nó trong những
ý tưởng được hình thành một cách nguyên tượng ”[40;p.21]. Hay cổ
mẫu là cách hình thành các ý tưởng và các bộ phận của đời sống tâm linh (trong
đó có biểu tượng). Tình trạng hình thành các bộ phận này là tất yếu và cần
thiết. Cho nên cổ mẫu cũng là cái lẽ đương nhiên của tâm linh. Nó là điều kiện
tất yếu cho sự triển khai tâm linh. Và nó chính là cách triển khai các phản ứng
như thế trong cấu trúc tinh thần. Cơ hồ, cổ mẫu đã tạo ra các khuynh hướng vận
hành đời sống tinh thần trong đó có biểu tượng. Vậy nên, mối liên hệ giữa
nguyên tượng và biểu tượng cũng tất yếu như con người sống nghĩa là phải có một
trương độ. Biểu tượng cũng là một đối tượng có lịch sử và nguồn gốc. Cổ mẫu có
lẽ chính là khởi nguyên vô hình của biểu tượng.
Chúng
ta cũng có thể hình dung mối liên hệ giữa chúng như giữa Có – Không. Có từ chỗ
Không mà thành. Nhưng Không chẳng phải là yên lặng. Không nhưng trong lòng đã
ngụ sẵn động năng gây ra biến chuyển. Thành ở biến động nên Không đã là Có. Có
chính là cái biến động của Không. Không nhờ cái động năng siêu hình mà thành Có.
Cổ mẫu thuộc về khoảng vô thức tập thể khó bề truy giải, tưởng là không, tưởng
là một đại lượng siêu hình. Nhưng bản chất của cổ mẫu đã có sẵn khuynh hướng vận
hành. Vì sự động ấy mà cổ mẫu được biểu hiện. Một trong những biểu hiện của nó
là biểu tượng. Hay cổ mẫu là khuynh hướng, là cách biểu lộ dưới hình thức biểu
tượng những bản năng nguyên thủy của tâm lí. Hoặc một dẫn chứng nữa khả dĩ rõ
ràng hơn. “Siêu tượng (hay cổ mẫu) nằm trong khuynh hướng tạo ra những ý tượng
như thế chứ không phải chính những ý tượng ấy; ý tượng ấy có thể khác nhau rất
nhiều về chi tiết, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn một ý chính yếu” [7;tr.97].
Kì
thực, Jung không chỉ cho thấy sự khác biệt giữa biểu tượng và cổ mẫu mà còn
nhìn thấy chúng liên hệ mật thiết với nhau. Một cổ mẫu sâu xa nào đấy đã chi
phối, đã xúi giục, đã lập trình việc triển khai ý tượng và biểu tượng trong
hoạt động tâm lí; và nên nói thêm rằng không chỉ chi phối trong phạm vi vô thức
mà còn trong quá trình tràn ra ý thức. Vậy thì khả năng điều hành của cổ mẫu đối
với biểu tượng, khi đã thể hiện ra, không phải khi nào cũng vượt khỏi tầm với
của ý thức người. Vậy nên việc truy hồi về cổ mẫu là công việc khả dĩ đối với
chúng ta. Công việc của người nghiên cứu cổ mẫu xem ra có vẻ gần gũi với công
việc của nhà khảo cổ học. Nhà nghiên cứu cổ mẫu trong văn bản văn học lần theo
những dấu vết tiềm tích (các hình ảnh lặp đi lặp lại hoặc các motif và cả các
bộ phận trào ra từ vô thức cá nhân) để định vị vai trò và đặc trưng của nó
trong cấu trúc tinh thần. Đặc biệt, biểu tượng trong khuynh hướng vận hành của
cổ mẫu cũng là một trong những manh mối giúp ích đắc lực cho cuộc truy hồi này.
Tựu
trung, Jung cho thấy cổ mẫu khởi đi và hình thành từ vô thức tập thể; là thiên
hướng và cơ tầng chung của siêu cá nhân thúc đẩy thực thi hành vi tâm lí trong
các quá trình sinh hoạt tinh thần. Nhưng biểu tượng lại thiên về phương diện cá
nhân và riêng tư (biểu tượng tố cáo các ám ảnh và khát khao sâu kín của của tâm
hồn người cụ thể và độc đáo), nó thuộc về cái vô thức cá nhân. Biểu tượng là
những nét rườm độc đáo trên phông nền chung là cổ mẫu.
Tiếp
theo chúng tôi muốn trình bày thêm vài ý kiến và trao đổi xung quanh vấn đề
này. Theo Jean Knox: “Jung mô tả cổ mẫu như là việc tổ chức những khuôn khổ
không được kinh nghiệm một cách trực tiếp”[41;p.25]. Trong khi đó, biểu tượng
thuộc về vô thức cá nhân. Đó lại là một chân trời khác. Và khác với “collective
unconscious”, vô thức cá nhân hình thành từ những kích ứng bị ý thức khước từ.
Nó hình thành vì sự dồn nén của những tương tác ít nhiều gây hấn với ý thức và
những lúc như thế ý thức người thường có khuynh hướng nhượng bộ. Nghĩa là vô
thức cá nhân hình thành và tồn tại song hành cùng ý thức mà liên hệ giữa chúng
là cơ chế dồn nén – hoán vị. Nhưng ít nhất các yếu tố bị ý thức khước từ và
chìm vào “đáy hồ” vô thức cá nhân cũng đã được kinh nghiệm một cách trực tiếp.
Ở phần trước, chúng tôi đã có đề cập rằng “có” biểu tượng nghĩa là chúng ta đã
gặp nó trước đấy rồi. Thế nên, giữa biểu tượng và nguyên tượng là sự khác biệt
về môi trường tồn tại cũng như nguồn gốc hình thành của chúng.
Thành
viên của “International Association for Analytical Psychology”, Erich Neuman
(1905-1960) cũng là một trong những học trò xuất sắc của Jung. Ông đã tiếp tục
quan niệm của Jung về cổ mẫu trong những nghiên cứu về “The Great Mother”. Và
đây là một trong số những quan niệm của ông (chúng tôi cho là có thể làm rõ hơn
vấn đề trong mục này): “Biểu tượng của cổ mẫu là những biểu lộ bằng hình ảnh
tinh thần đặc biệt được nhận thức bởi ý thức và rất khác nhau đối với mỗi cổ
mẫu riêng biệt. Những khía cạnh khác biệt của cùng một cổ mẫu này lại cũng được
biểu hiện qua nhiều hình ảnh rất khác nhau”[48;p.4]. Ở đây chúng tôi nhận thấy
Erich Neuman đã trình bày rất rõ về sự khác nhau của biểu tượng và cổ mẫu. Vì
cổ mẫu là khuynh hướng tạo ra những biểu tượng trong môi trường vô thức cá
nhân. Những biểu tượng của cùng một cổ mẫu đã vô cùng khác nhau, nhưng đến lượt
nó, biểu tượng lại biểu lộ bằng rất nhiều hình ảnh tinh thần mà ý thức có thể
nắm bắt được. Thế nên, chúng tôi cho rằng, tìm về cổ mẫu cần bắt đầu từ hình
ảnh lặp đi lặp lại hoặc những motif nhằm xác định biểu tượng và ý nghĩa của một
loạt biểu tượng rồi từ đó mới có thể truy hồi về chính cổ mẫu chủ yếu.
Ngoài
ra Erich Neuman còn xác định mối liên hệ giữa biểu tượng và cổ mẫu như sau: “Cấu
trúc của cổ mẫu là một hệ thống tổ chức tâm linh phức tạp, bao gồm động năng
(dynamism), biểu tượng (symbolism) và nội dung cảm giác, mà trung tâm và sự
thống nhất vô hình giữa chúng là ở chính cổ mẫu ấy”. ”[48;p.4]. Vậy nên cổ mẫu
là cơ tầng hay là hằng số chung của những bộ phận tâm linh, cho phép chúng liên
hệ và hợp tác vận hành tạo nên sự thống nhất nhịp nhàng giữa các phản ứng tinh
thần. Cụ thể, biểu tượng chính là một bộ phận của cổ mẫu.
Tựu
trung, sự phân biệt giữa biểu tượng và cổ mẫu đều bắt nguồn từ phạm vi tồn tại
của chúng. Nếu cổ mẫu gắn liền với những vết tích cổ sơ thì biểu tượng là kết
quả của sự vận hành các thiên hướng như thế trong môi trường và phạm vi chủ yếu
là vô thức cá nhân.
Ở
Việt Nam, quyển “30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa” (Nxb Khoa học xã hội, 2008)
do Bùi Quang Thắng chủ biên với bài viết của Bùi Lưu Phi Khanh về vô thức tập
thể và cổ mẫu đưa ra một góc nhìn sơ lược về đối tượng mà chúng tôi quan tâm trong
tiểu mục này. “Còn với vô thức tập thể, những nội dung của nó đã được Jung cố
gắng tìm kiếm thông qua việc nghiên cứu các huyền thoại, các chuyện cổ tích,
phân tích giấc mơ, nghiên cứu và điều trị y học, nghiên cứu tôn giáo, giả kim
thuật và từ đó phát hiện ra cổ mẫu (archetype) là yếu tố cấu thành của vô thức
tập thể. Có thể nói không sai rằng toàn bộ cổ mẫu chính là nội dung của vô thức
tập thể, hay so sánh một cách đơn giản hơn, vô thức tập thể là một vòng tròn bao
quanh tất cả các cổ mẫu......Các cổ mẫu này có tác dụng dẫn đường và điều phối
sự phát triển tâm lí con người từ một tâm thần nguyên thuỷ chung thành những cá
nhân riêng biệt mà Jung gọi là quá trình cá nhân hoá (individuation).”[66]. Ý
kiến này trình bày được quan niệm về cổ mẫu và mối quan hệ với vô thức tập thể.
Tuy nhiên, quan điểm này chưa cho thấy cổ mẫu với chiều sâu bản chất vốn có trong
khi chúng tôi băn khoăn về bản chất cổ mẫu để có thể gợi ra vài nét khu biệt
với biểu tượng. Có thể với đặc điểm tập tài liệu ấy, tác giả không có nhiều
điều kiện để phát triển quan niệm.
Nhìn
chung, ở Việt Nam, sự quan tâm đến phân tâm học đã nảy nở từ trước 1975 và có
được những thành tựu nghiên cứu nhất định. Chúng tôi không đào sâu vào lịch sử
vấn đề trong phạm vi của tiểu mục này. Thay vào đó chỉ tập trung tìm hiểu những
quan niệm tiêu biểu gần đây bên cạnh những so sánh với thành tựu nghiên cứu
phân tâm học trước đó. Kì thực, đây là một vấn đề rộng lớn, đòi hỏi nhiều thời
gian và công sức.
Đến
với nghiên cứu biểu tượng bằng cái nhìn so sánh (với cổ mẫu), chúng tôi bắt gặp
ngay một trở ngại rất lớn. Đó là việc đụng chạm đến một lĩnh vực nghiên cứu
chuyên sâu mà C. Jung phải bỏ ra cả quãng thời gian dài lao động nghiêm túc – ấy là vô thức tập thể. Và so sánh biểu tượng
với cổ mẫu, chúng tôi nhận thấy khó có thể tránh khỏi liên quan đến huyền
thoại. Tài liệu nghiên cứu của PGS.TS. Đào Ngọc Chương cho thấy rằng nếu chúng
ta nghiên cứu so sánh biểu tượng với cổ mẫu mà lờ đi huyền thoại quả là việc
làm thiếu sót. Tuy nhiên, công việc đặt ra lớn đến mức vượt khỏi phạm vi của
luận văn này. Cho nên, chúng tôi chỉ tóm lược vấn đề và chủ yếu đứng trên quan
niệm tiếp thu, học hỏi; Từ đó gợi thêm một vài nét khu biệt cần thiết giữa biểu
tượng với cổ mẫu mà tập sách đã trình bày một cách hệ thống và sâu sắc. Đó cũng
là lí do khiến chúng tôi quan tâm đến công trình này.
Trong
nhiều nỗ lực định nghĩa và trình bày đặc trưng huyền thoại, chúng tôi đặc biệt
chú ý đến một tóm lược của tác giả. “Từ huyền thoại đến hệ huyền thoại (Des
mythes aux mythologies) đã chú ý đến ba đặc điểm / ba phương diện của huyền
thoại: Hình thức là một câu chuyện; cơ sở là một niềm tin tôn giáo, trang
nghiêm; vai trò là giải thích tình trạng thế giới”[1;tr.17]. Và “chính cây cầu
cổ mẫu đã nối huyền thoại với vô thức tập thể”[1;tr.95] Đi vào vô thức tập thể,
huyền thoại ghi những dấu ấn mà chúng ta có thể bắt gặp qua cổ mẫu. Thế thì,
với những đặc trưng về niềm tin tôn giáo và vai trò giải thích thế giới, cổ mẫu
cho thấy cuộc truy tìm huyền thoại chẳng khác gì lần theo những dấu vết bí ẩn
nằm sâu trong địa hạt phi ý thức; và cổ mẫu vì thế là một cách hiểu/truy nguyên
về thế giới trong khi biểu tượng hướng đến việc biểu hiện thế giới. Hơn hết,
một khác biệt có vẻ rõ ràng hơn, đó là, bộ ba phương diện huyền thoại-cổ mẫu-nghi
lễ mang dáng vẻ “cổ sơ” trong khi biểu tượng mang khá nhiều nét hiện đại (vì nó
nảy nở trong cuộc va chạm với ‘quá trình cá nhân hóa’).
Bên
cạnh đó, tác giả công trình còn chú ý đến quan niệm của nhà nghiên cứu Luc
Benoist. Ông cho rằng huyền thoại xuất phát từ mutus với nghĩa im lặng.
Thế nên, huyền thoại mang dáng dấp bí ẩn. Và phương thức huyền thoại hóa là con
đường tạo ra chất “huyền” cho văn bản. “Chính từ đây ông gắn huyền thoại
với bí ẩn như là một thực thể mà bản chất không thể diễn tả được, và, theo ông,
chỉ có thể diễn tả được bằng biểu tượng....vì thế biểu trưng được ông coi như
là yếu tố khu biệt thể loại của huyền thoại”[1;tr.23] Trong khi cổ mẫu có thể
được xem là nội dung của huyền thoại và gắn liền với vô thức tập thể, thì, biểu
tượng và khả năng thực hiện biểu trưng cũng là nét đặc trưng của cổ mẫu. Đến
đây, chúng tôi phần nào hình dung được cấp độ nội hàm của từng khái niệm. Tuy
nhiên, điều đó hẳn còn vội vàng.
Phải
nói ngay rằng, ở Việt Nam, theo sự khảo sát của chúng tôi, công trình nghiên
cứu Phê bình huyền thoại của PGS.TS. Đào Ngọc Chương đã tiến hành nghiên
cứu một cách toàn diện và mang lại nhiều phát kiến sâu sắc. Công trình vừa có
tầm bao quát vừa đi sâu vào từng khía cạnh vấn đề song song với việc liên hệ -
so sánh một cách rộng rãi. Lượng tri thức mà công trình mang lại là rất lớn.
Đặc biệt với quan niệm, “chính cảm quan siêu tự nhiên về thế giới mới là yếu tố
cổ sơ của huyền thoại” [1;tr.25](mà cổ mẫu là biểu hiện cho cái nhìn siêu tự
nhiên ấy) cho thấy sự gần gũi đặc biệt giữa huyền thoại – cổ mẫu với biểu tượng
thẫm mỹ. Kì thực, chúng ta vốn dĩ bị khuôn định trong tự nhiên và tư duy logic
khoa học (con người hiện đại đánh mất sự hồn nhiên mặc khải buổi hồng hoang).
Và huyền thoại là chứng tích cho thứ triết học nguyên thủy thời ấu thơ của nhân
loại, khi mà con người chưa sa đà vào tư duy logic. Như đã nói, huyền thoại gắn
liền với vô thức tập thể. Trong khi, biểu tượng (đặc biệt là biểu tượng thẫm
mỹ) trong địa hạt phi ý thức đã thoát khỏi trục không thời gian thường nghiệm,
vượt thoát khỏi vòng kiểm soát của ý thức. Biểu tượng đang trên đường trôi về
hướng “cảm quan siêu tự nhiên”. Chính ở đây, mối liên hệ giữa biểu tượng với
huyền thoại cũng như cổ mẫu trở nên rõ ràng và có thể được thừa nhận. “Và vì
thế những cổ mẫu hay là những hình thức cổ xưa, nguyên thủy, tức ‘những biểu
tượng phổ quát’ của nội dung huyền thoại đi vào tác phẩm văn học”[1;tr.97] Khi
biểu tượng thẩm mỹ trôi về phía “cảm quan siêu tự nhiên”, nó trở nên có tính
phổ quát. Và một đặc điểm nữa, cổ mẫu gắn với hiện tượng “phóng chiếu”
(projection), trong khi biểu tượng đặc trưng bởi tính truyền dẫn. Thế nhưng,
cảm quan siêu tự nhiên đẩy quá trình truyền dẫn đó đến chỗ thay đổi bản chất.
Biểu tượng đến gần hơn với khả năng phổ quát, nghĩa là khi đó, nó trở nên có
thể “phóng chiếu” được. Qua đây, chúng tôi đã nỗ lực trình bày về mối liên hệ
cũng như sự chuyển hóa giữa biểu tượng và cổ mẫu sau khi cho thấy nét khác biệt
giữa chúng. Thông qua so sánh, chúng tôi cơ hồ nhận thấy đời sống tinh thần
người mặc dù có sự khu biệt giữa địa hạt ý thức và phi ý thức với tầng bậc và
cấp độ khác nhau, nhưng hãy còn đó rất nhiều mối quan hệ. Giữa hình ảnh, biểu
tượng cũng như cổ mẫu hay huyền thoại luôn tồn tại khăng khít và hài hòa từ đời
sống xã hội đến tác phẩm văn nghệ.
Võ Quốc Việt
(Mình
đã chú thích nguồn và số trang. Bà con tự coi ở TLTK trong LV của em nhé !
Biểu
tượng thẩm mỹ trong thơ TTT)
Comments
Post a Comment