Thể xác – Biểu tượng của ám ảnh và tội lỗi
Con người đã
lầm tưởng văn minh vật chất với sự phát triển thần kỳ của khoa học tự nhiên sẽ
thúc đẩy con người vươn đến tầm cao mới nhưng thực tế chứng minh điều ngược
lại. Nửa cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản thay đổi bản chất và mở rộng
phạm vi khai thác thì ngay trong bản thân nó đã nảy nở mầm mống đầu tiên của
những vấn đề về con người. Cứ thế, con người ngày càng buồn hơn, cô độc hơn. Từ
Kierkegaard, Nietzsche và sau này là Jaspers, Marcel, Sartre và Heidegger, Âu
Châu quan tâm sâu sắc đến thân phận con người trong đời sống tư sản. Và hai
cuộc đại chiến chết chóc, mất mát, khủng hoảng, bấn loạn, tất cả hình thành một
không khí “hiện sinh”, buộc mọi người phải suy nghĩ về chính mình, về mọi người
xung quanh, về con người với tất cả việc thực hiện cuộc sống đang có. Chủ nghĩa
hiện sinh ra đời trong hoàn cảnh ấy. “Hiện sinh” ám vào từng ngóc ngách đời
sống, không một ai có thể phớt lờ. Triết học Hiện sinh trở thành một hiện
tượng.
Đời sống ở
những đô thị Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 cũng chìm trong bất ổn. Hơn
hai mươi năm người dân chung sống với chiến tranh. Đời sống bấy giờ cũng tràn
ngập không khí “hiện sinh”. Đó là điều kiện phù hợp cho sự du nhập của triết
thuyết này vào không gian đô thị Miền Nam Việt Nam thời ấy. Theo Thụy Khuê
trong bài tưởng niệm Trần Thái Đỉnh, quyển “Triết học Hiện sinh” lúc ấy đã trở
thành best-seller. Đó thực sự là hiện tượng lạ đối với một tác phẩm biên khảo
triết học. Điều này cũng chứng tỏ con người quan tâm đến “hiện sinh”, ý thức
được cuộc “hiện sinh”, ý thức được những vấn nạn trong bản chất cuộc làm người
của chính mình và đồng loại. Và khuynh hướng hiện sinh ấy không đâu rõ nét hơn
văn chương. Có thể nói, đâu đâu trong sáng tác của những nhà văn bấy giờ cũng
tìm thấy đôi nét hiện sinh, vài chi tiết băn khoăn về thân phận. Nổi cuộm là
hiện tượng những nhà văn nữ thời kỳ này: Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ,
Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương .....với thật nhiều ám ảnh dục tình. Ở địa hạt
khác, các nhà thơ lại có cách thể hiện khuynh hướng hiện sinh riêng biệt. Đó là
Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Bùi Giáng....Với Thanh Tâm Tuyền,
chúng tôi nhìn thấy những biểu tượng “hiện sinh”, thể hiện nỗi “ưu tư” của tác
giả trước những vấn đề bản chất của việc làm người.
Thể hiện qua
những hình ảnh về thân thể con người đi đến sự hình thành biểu tượng thể xác,
và thông qua đó, Thanh Tâm Tuyền cho thấy những ám ảnh trong tâm hồn và lương
tri. Đồng thời, biểu tượng thể xác còn đại diện cho tội lỗi, nỗi buồn và mặc
cảm về tội lỗi của chính mình, của mọi người xung quanh và đồng loại. Với biểu
tượng thể xác, nhà thơ gần như thể hiện được hai phạm trù cơ bản của thuyết hiện
sinh là Phi lý và Buồn nôn.
Con người
trong thơ Thanh Tâm Tuyền dường như đương úp mặt vào hai tay, với tư thế đớn
đau, cuồng loạn. Đó là con người trên bước đường thực hiện cuộc hiện sinh của
mình. Con người trong giai đoạn quá độ - nhảy vọt hiện sinh (theo Lê Thành
Trị). Đó là những kẻ rơi vào vòng xoáy ưu tư (souci) – chính ưu tư nối kết các
đặc trưng Dasein. Thế là kẻ ấy bắt đầu ý thức về cuộc sống, về tồn tại của
chính mình. Kẻ ấy thoát khỏi tính đồ vật, thoát khỏi hàng “động vật bậc thấp”.
Tại sao Thanh Tâm Tuyền miêu tả nhiều về giai đoạn ấy trên con đường hiện sinh,
và gắn liền với nó là mùa giông bão của thể xác ? Biểu tượng thể xác truyền dẫn
đến nội dung hiện sinh rõ nét nhất. Bởi chính ngay giai đoạn quá độ ấy, cuộc
hiện sinh hiện lên rõ ràng nhất, dữ dội nhất, khóc liệt và dứt khoát nhất. Ưu
tư là bước nhảy cho cuộc thay đổi toàn diện về “chất”, để chúng ta không còn là
chú “linh trưởng” hạnh phúc của đám đông (khối người – masse).
Nói về ưu tư
hay lo âu trong thuyết hiện sinh, chúng ta có rất nhiều cách hiểu. Ở luận văn
này, chúng tôi không có ý định xác lập lại quan niệm về các phạm trù cơ bản của
chủ nghĩa hiện sinh. Mỗi ý kiến sẽ có đóng góp riêng.
Theo Sartre,
“con người bị kết án tự do”. Và hắn muốn làm thượng đế thế nên đời hắn là cả
chuỗi “đam mê vô ích”. Với bản án nghiệt ngã ấy, con người hoặc ngoảnh đi, hoặc
rơi vào vòng xoáy ưu tư nặng nề mang tính chất siêu hình. Dựa vào đó, Nguyễn
Đắc Vĩnh cho rằng lo âu hay ưu tư bắt nguồn từ tự do (“Từ sự tự do lựa chọn
nhất định dẫn dến cảm tính lo âu. Lo âu là lo về cái gì đó xa xăm, mơ hồ, không
rõ rệt, không trực tiếp uy hiếp cuộc sống của Hiện sinh thể, nó mờ mờ ảo ảo,
bâng khuâng nhưng day dứt, bồn chồn, làm cho tâm hồn ở trạng thái căng thẳng,
vò xé và không có nguyên nhân gì rõ rệt. Cơ sở của lo âu bắt nguồn từ lựa chọn”[23]).
Tự do có đầy rẫy trong thơ ThanhTâm Tuyền, không khó để tìm thấy một loạt đắn
đo về vấn đề tự do trong thơ ông (“Người ta chỉ yêu khi tự do”). Như Bùi Giáng,
có tự do lựa chọn trước “con đường ngã ba ngã bảy của tư tưởng” nên con người
trong thơ Thanh Tâm Tuyền mới bị đẩy đến bước đường ưu tư. Đã có ưu tư là đã có
vươn lên (“Con người phóng thể không ưu tư, vì họ sống như một sự vật của gia đình và xã hội: họ không
ưu tư vì họ cứ việc sống thừa ra, sống như mọi người. Trái lại con người đã
tỉnh ngộ không thể không ưu tư. Ưu tư là bắt đầu vươn lên..Ưu tư không giống sợ
hãi...ưu tư chỉ là xao xuyến, băn khoăn về tương lai chưa rõ rệt....Để người
khác hoặc đoàn thể quyết định thay, tức là thoái vị làm người tự chủ và tự
do”.[3tr.47]). Vươn lên từ đâu, từ đêm trường Phóng thể (từ dùng theo cách hiểu
của Trần Thái Đỉnh), từ chỗ thấp hèn khước từ tự do, khước từ đặc ân khẳng định
nhân vị của mình, chối bỏ cơ hội được trở thành “Người hùng”, thấp hèn vì tin
vịn vào những lời “cổ nhân”, và còn hèn vì cứ cho là đủ với những khuôn mẫu có
sẵn ù lì thật đáng nôn mửa. Vì hắn lựa chọn, hắn không thể theo một khuôn mẫu
nào sẵn có. Nếu có khuôn mẫu, hắn không đắn đo gì, hắn cứ tự động hành động như
một cái máy được lập trình. Cuộc đời thú vị vì chúng ta có cơ hội hình thành
bản chất của mình. Con người là dự phóng. Nhưng đó cũng là điều đáng sợ nhất.
Đứng trước tự do, hẳn có rất nhiều kẻ hoảng sợ. Tự do không hẳn là món quà
tuyệt vời với những cỗ máy sống, hay những bóng ma nhợt nhạt của đám đông. Thể
xác người trong thơ Thanh Tâm Tuyền đang diễn ra cuộc vật lộn như thế. Cuộc vật
lộn giữa “có” như đồ vật, và “có” như chủ thể trải nghiệm cuộc hiện sinh của
mình, như hữu tại thế. Biểu tượng “Thể xác” khắp mọi ngõ ngách trong thơ Thanh
Tâm Tuyền rên xiết và lên tiếng về những biến động thánh thần trong cuộc đời
mình. Biểu tượng này gắn liền với mối lo âu, “sự ưu tư”. “Anh đốt dần xác thịt
như cành mọn / Giữa chiều mùa đông ở đây trong cốt tuỷ / Tuyệt vọng trần
truồng” (Sầu khúc 4 – Liên-đêm-mặt
trời tìm thấy, 1964)
“Thể xác” ở
đây đã tỉnh ngộ. Thanh Tâm Tuyền ác độc như một “người hùng”. Cuộc đảo hoán giá
trị (transvaluation) trong thơ ông gây ra những xáo trộn vĩ đại ở tư duy thơ.
Từng xăn-ti-mét sinh thể con người rục rịch thức tỉnh, và chúng đã tỉnh hẳn.
Để, chúng ý thức nghiệt ngã về mớ bừa bộn đã có, đang có, và e rằng khó mà cải
biến trong sắp tới. Và Thể xác xuất
hiện trong vai diễn của một kẻ bấn loạn, đớn đau và cô độc. “Tôi gọi tên tôi
cho đỡ nhớ/ Thanh Tâm Tuyền” (Phục sinh
– Tôi không còn cô độc, 1956). Hay:
“Hắn bước ra giữa sân khấu dìu theo một / bóng hình tưởng tượng. Không, một
bóng / hình trong suốt. Hắn gục đầu vào vai người / ấy mà khóc, không nước mắt,
chỉ thấy hai / luồng khói đục thở ra theo lỗ mũi mờ mịt / cả gian phòng làm sặc
sụa khán giả” (Sầu khúc 5 – Liên-đêm-mặt
trời tìm thấy, 1964)
a. Thể xác
trước những ám ảnh mòn ruỗng - phân hủy
“...Tôi còn
nghe dưới lưng tôi cỏ hoang
bứt rứt, côn
trùng nỉ non, thân xác phá hoại.”
(Hơi thở - Liên-đêm-mặt trời tìm thấy,
1964)
Vậy tại sao
biểu tượng thể xác lại hiện lên với trạng thái phá hủy – tự hủy. Điều này có ý
nghĩa gì ? “Mưa xuống bên ngoài, ngoài cửa sổ. Những bàn tay níu lấy vòng sắt
lạnh / Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau, không quen nhau / Thân mật ngó lên mái
tóc rối màn trời khuya / Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ / Sau một ngày
làm việc em mơ về khói ấm khuôn mặt riêng / Tôi nghĩ về cuộc đời thầm thầm hằng
ngày” (Một chỗ trên ô tô buýt – Liên-đêm-mặt
trời tìm thấy, 1964)
Đoạn thơ trên
hẳn đã hé lộ tâm sự của lũ thể xác “rệu rã” trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Như cuộc
đời, những hành vi – con người đồ vật. Nỗi ám ảnh mà cũng là sự khinh khi, lại
pha vào chút thương hại. Đối với những kẻ “sinh vật”, Nietzsche cho đó là mớ
vật liệu cho con người siêu nhân. Sau này, Sartre thâu tóm loại người ấy vào
khái niệm rất đặc tả: “Buồn nôn” (Nausée). “Buồn nôn là gì ? Là trạng thái sinh
hoạt lầm lì của thường nhật”.[3;tr42]. Buồn nôn là tình trạng sống vô vị, thừa
ra, sống như người ta, trở thành người ta chung chung, chứ không trở thành
mình. Không ý thức được hoặc khước từ quyền định đoạt, tự quyết và lựa chon
hình thành bản chất con người mình. Buồn nôn hầu như liên đới với tất cả những
khái niệm chính của chủ nghĩa hiện sinh. Đó là bọn người đám đông, là người
không tự sống cuộc đời mình. Bọn người họ có đấy, nhưng chẳng có họ một lúc
nào. Bọn họ sống mà đã và đang chết, vì họ chưa tồn tại, như bà chủ nọ hay cô
gái kia đăm đăm kiếm tiền, ăn ngủ và thỏa mãn sinh lí. Cái tình trạng hiện vật
ấy, chưa biết – chưa thấy – chưa tin hay lẩn tránh thừa nhận việc làm mình, họ
đã quên khả năng có ý nghĩa hoặc sợ mình có ý nghĩa. Những anh, những em, những
bằng hữu, cố tri như thế trong thơ Thanh Tâm Tuyền không thiếu. Thế nên họ đang
có nhưng họ đang chết dần, chết mòn, mục ruỗng ra hết thẩy. Cuộc sống sền sệt
trôi đi. Con người cũng “thầm thầm” như cuộc sống. Một mảng lớn trong thơ Thanh
Tâm Tuyền chỉ là những thể xác ủ ê, mệt mỏi, bị cuộc đời sinh vật bào mòn, quẩn
quanh trong vài chuyện tẻ nhạt. “Anh ôm ghì sự bất lực đói khát, mũi dao nhọn
giữa lòng tin / Thân thể này không của anh cũng không của em”(Đêm -
Liên-đêm-mặt trời tìm thấy, 1964).
Cơn phóng thể
tràn ngập đời sống. Những kẻ bị thôi miên, mê mệt trong giấc mộng ban ngày.
“Tôi là người là một người khác / Những người chết còn mở mắt đây” (Đừng bắt tôi từ biệt – Liên-đêm-mặt trời tìm
thấy,1964). Những kẻ đi lại với sinh mạng rỗng tuếch. Người đã chết. Bọn họ
đã chết và đang chết như thế nào ? Lũ thể xác đứ đừ mưu toan sống như hàng sinh
vật, Thanh Tâm Tuyền nhìn đến họ bằng ánh mắt mệt nhọc, tuyệt vọng nhưng cũng lắm
khi nóng nảy muốn xốc họ dậy, muốn giật tóc, tát thẳng vào mặt cho cơn mê man
bỏ chạy đi. Thơ Thanh Tâm Tuyền vì thế lắm khi hiện hình như con tàu đầy xác
sống trôi bồng bềnh giữa vùng biển chết, im lặng- tịch mịch – nặng nề; lắm khi
là khu rừng của những kẻ tự sát, để tuổi thanh xuân phân hủy dưới gốc cây.
“Những hồn ma hoang đầu ngọn cây / Xác chết rữa nát / Trong kẹt rừng khô / Ðêm
thức dậy mở mắt mắt đã mù / Hai con sâu
nằm trên chân mày đang khoét lỗ / Con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên / Mỏ ngậm
quả tim đựng hình ảnh đời người / Ðời
người thản nhiên như tên gọi” (Đêm – Liên-
đêm-mặt trời tìm thấy, 1964)
Có những anh
hùng chết hiên ngang “tạc vào thế kỷ” nhưng Thanh Tâm Tuyền đã mang vào thơ lũ
kí sinh cuộc đời. Và ngay cả cái chết cũng không thoát khỏi hàng sinh vật. Thậm
chí, thông qua cái chết, lũ thể xác trong thơ Tâm Tuyền càng ghi dấu dáng vẻ đồ
vật lầm lì của chúng. Ôi con người cũng chết như giun dế, con người bi đát và
rẻ rúng. Sống trong môi trường bất ổn Nam Việt bấy giờ, thể xác con người
thường khi đã trở thành mớ vật chất vô nghĩa, không đáng một xu. Thậm chí chính
bản thân lũ thể xác ấy cũng không còn băn khoăn về việc sống để xác lập các giá
trị độc đáo. Chúng cứ sống, dự phần thôi, và chen chân vào mảnh đất đầy rẫy
“zombie”. Đời người cũng chỉ là cái để gọi và hầu như không có nghĩa lí gì. Có
thể sáu mươi năm trôi qua nhưng họ không tìm nổi một lí do thuyết phục cuộc đời
ghi nhớ tên mình.
Thơ Thanh Tâm
Tuyền đầy rẫy thể xác biết đi, trong trạng thái mệt mỏi, rệu rã. Hay những thể xác
hao mòn từng phút giây, đờ đễnh chờ cuộc đời trôi đi vô nghĩa (chúng ta sẽ liên
hệ điều này như cái chết hàng ngày của nước). Thanh Tâm Tuyền đã nhìn thấy điều
đó, nghĩa là đã bước vào địa hạt hiện sinh. Thấy được kẻ phóng thể, nghĩa là đã
tự cắt mình khỏi liên hệ với bầy người ấy. Đôi khi, biểu tượng thể xác – những
thân tàn hoang dại – còn biểu lộ một Tâm Tuyền cuồng nộ thánh thần, muốn trở
thành Hoàng đế, thành Người hùng. Nhưng chắc chắn đó là vị Hoàng đế cô độc. Cảm
nhận về đời người nhếch nhác trôi đi trong các đô thị Nam Việt bấy giờ ghi dấu
ấn mạnh mẽ vào khuynh hướng hiện sinh kiểu Sartre ở Thanh Tâm Tuyền. Biểu tượng
thể xác do đó có thể nói là sự phản ứng lại trạng thái sống phóng thể của con
người, những gì mà Thanh Tâm Tuyền vừa hốt hoảng - vừa tuyệt vọng - vừa thịnh
nộ nhận ra nơi đồng loại của mình. Qua những thể xác mòn ruỗng hằng ngày đã cho
thấy một nỗi buồn thường trực, đầy rẫy, đè nặng lên toàn bộ cuộc sống. Thể xác
gói gém những suy nghĩ hiện sinh bước đầu của nhà thơ.
Thế xác sợ
chết, sợ hư vô. Cái chết chồm ra từ nội tâm cuộc sống thường trực có dáng vẻ
chắc chắn. Cuộc đời vì thế trải ra ảm đạm từ mọi ngõ ngách. Ám ảnh về cái chết
đơn độc trong thơ Thanh Tâm Tuyền là sự hãi hùng êm dịu. Cái chết nhẹ nhàng
lườn theo cuộc sống với những ưu tư siêu hình, vững chãi kiểu như “con người
thì phải chết” hay “muốn làm người là điên/ con người thì cô độc/ không phép
thuật nhiệm mầu”. Và cái chết là sự kiện dữ dội trong chuỗi tồn tại người. Vậy
mà người đối diện với chết như con chuột bị dồn vào chân tường. Người không hề
suy niệm hay băn khoăn để quyết cho cái chết một giá trị độc đáo. “Tôi đã hốt
hoảng”. Thanh Tâm Tuyền nhận ra điều đó. Thế nên đã bước vào cõi đêm tối hãi
hùng một cách cô độc. Và bi kịch ở đây là sự nhận thức rõ ràng và chắc chắn về
cái chết, về tận diệt. Chết ở đây là nỗi sợ cái vô nghĩa tràn ngược từ giấc mơ
sang đời thực ngày một dày đặc hơn, rõ ràng hơn. “Có những ngôn ngữ của sự vật
im lìm kín / tiếng, giọng ấm như tấm chăn đơn đêm trở / lạnh. Anh đã qua những
đêm hãi hùng mà / bóng tối trống trơn như lỗ huyệt, hình hài khô / mục như ác
mộng và tử thần bỏ mặc một lá / cây già. Bây giờ, và những bây giờ mãi mãi, /
màu đêm như lòng đen mắt ấy là con tim cao / vời tử thần về nhịp múa”. (Mặt trời tìm thấy – Liên-đêm-mặt trời tìm
thấy, 1964)
Biểu tượng
thể xác mang lại sự hình dung chung về những kẻ ì ra giữa đời sống, hoặc những
kẻ bị sức nặng của đời sống đè bẹp. Thể xác nằm rệu rã làm chứng tích cho vũ
trụ thơ đau thương trong thời đại u buồn - ảm đạm – thịnh nộ. Biểu tượng thể
xác đóng vai trò là những điểm “bấu víu” trước tiên cho những ai muốn nhập lãnh
thổ - khoảng trời hiện sinh của Thanh Tâm Tuyền. Tử thần kéo lê vạt áo đen như
hố thẳm trên khắp ngõ ngách đời sống. Đó là chất hiện sinh đặc sệt như cuộc đời
ù lì tăm tối bị vây quanh bởi những nỗi ám ảnh thường trực.
b. Thể xác
trong tâm trạng bấn loạn, tuyệt vọng
Sự bấn loạn
là trạng thái vùng vẫy của hữu thể. Vì hắn thấy đêm dài phóng thể đã trải qua
và hắn chờ đến bình minh. Khi đã thực hiện cuộc nhảy vọt hiện sinh, con người
phải đứng trước dự phóng của mình, phải lên kế hoạch cho việc trở thành mình.
Đó là một trạng thái chệch choạng. Đó là giờ phút của những mâu thuẫn rối bời
mà Sartre là điển hình. Chính ở Sartre đã biểu hiện những thái cực đối nghịch
về cuộc đời. Điều ấy cho thấy cuộc vật lộn với hiện sinh. Sartre không chỉ là
một triết gia, mà còn là bằng chứng cho triết thuyết của mình. Trở lại với
Thanh Tâm Tuyền, đấy cũng lại là khối mâu thuẫn lớn.
Những biểu
hiện của thể xác cho thấy một tinh thần vừa hốt hoảng vừa đớn đau vật vã đẩy
người đọc vào miền liên tưởng chắc chắn về hiện trạng thối rửa của tâm hồn bằng
ngôn từ vừa “triết học” vừa “bình dị”. “Tôi buồn khóc như buồn nôn” (Phục sinh – Tôi không còn cô độc,
1956). Tình trạng bấn loạn của “thể xác”
còn biểu hiện qua trạng thái cô độc tận cùng, gây ra những hỗn loạn, phân mảnh
trong nhận thức về chính bản ngã. Đẩy con người và chính nó vào trạng thái tự
ngã – tha nhân hoán chuyển. Không còn đâu là người, đâu là mình nữa. Mình cũng
đã đánh mất mình, không rõ đâu là mình, như thế nào là mình; mà cũng chẳng rõ
người là gì, người là như thế nào, người và ta liệu có phải một không ? người
và ta liệu có phải riêng không? Ta đây phải chăng chỉ có một hay đã có nhiều ta
cùng một lúc. Sự phân tách hoán chuyển đầu nguồn ý hướng càng đẩy hắn đến chỗ
cô độc một cách tuyệt đối. Một trạng thái phóng thể đầy rối loạn và tuyệt vọng.
“Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” (Phục sinh –
Tôi không còn cô độc, 1956).
Dường như có
một dòng chảy xô bồ của những hình ảnh linh động... Thơ Thanh Tâm Tuyền ở điểm
này như sóng biển sục sôi – là biển lửa. Những con sóng cao chồm tới rồi hốt
hoảng hụt hơi, không giữ được điềm tĩnh. Bị cuốn nhào vào những suy tư bất
chợt, bị cuốn đi nhanh chóng với những ác mộng hiện ngay trước mắt.... Thể xác
cứ thế quay cuồng, rồi mệt lã. Từng chữ mở ra miền đất dữ mà giông bão thường
trực với tâm hồn. “nắm tay tròn cáu giận / má phừng lửa yêu thương / môi bỏng
niềm tủi cực / đêm qua ai thét giữa đêm dài”. (Phiên khúc 20 – Tôi không còn cô độc, 1956)
Nhưng Thanh Tâm
Tuyền cũng có những buổi chiều âm thầm và cử động thân thể nhẹ nhàng trầm tĩnh.
Đó là cử chỉ của một con người khép nép, trầm mặc hay sầu muộn. Thể xác kia đi
lại “rất tình” trên từng quãng cuộc đời. “Cỏ của hoa và hoa của cỏ/ những ngón
tay những ngón chân những nụ cười / nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng
chín / cho thơm đường hôm nay đến sớm mai / hôn từ những ngày dài tội lỗi /
chưa quên”. ( Cỏ - Liên-đêm-mặt trời tìm
thấy, 1964)
Hai trạng
thái đối lập. Hiền đấy nhưng đôi khi nóng nảy, hốt hoảng, điên cuồng trong
những lo âu tuyệt vọng. Bên ngoài là hình dáng thâm nghiêm, uyển chuyển; bên
trong da thịt sôi dậy đớn đau, rên xiết, quằn quại với những con sâu siêu hình
bò ngoậy trong xác thân. Vừa yên đấy vừa loạn đấy. Vừa tĩnh đấy lại vẫn động ở
chiều sâu tâm thức. Thế nên, những bạn bè thân thiết nhận xét Thanh Tâm Tuyền
là một con người chừng mực, điềm đạm; nhưng rất có thể, bên trong tâm hồn kia
là mùa giông bão nhiệt đới song song những biến động của thời đại và số phận
con người. Phải nói rằng nhà thơ chưa khi nào hết băn khoăn về số kiếp con
người và cuộc hiện sinh, luôn thường trực đắm chìm vào những băn khoăn về cái
chết và tình yêu. Đó chắc chắn là những biến động cội rễ gây ra trạng thái hỗn loạn
– bất ổn của việc thể hiện dòng hình ảnh hay chính là máu mạch suy tư về cuộc
hiện sinh này. “Với hết tự do còn ở ngón tay ngón chân tóc / Với hết hồn thơ
nghiến chặt giữa hai răng giữa xương tủy / Như loài rễ cây độc / Anh chọn tình
yêu không / Điên như đá”. (Bài hát buồn –
Liên-đêm-mặt trời tìm thấy, 1964).
Thơ Thanh Tâm
Tuyền là những nỗi buồn chắc chắn, vừa là những cơn điên của một triết gia mang
dáng vẻ thâm trầm vừa là kẻ tình nhân u uẩn không thôi. Từng gam màu cảm xúc
kết tinh. Những thể xác bị đóng đinh giữa bức hình tuyệt vọng. Buồn chán như
chính tuổi trẻ giữa mùa giông bão. Trong cơn bấn loạn những thể xác bị xô về
ngõ cụt. Nên thể xác cứ bấu víu lấy nhau. Họ còn trẻ và ưu tư nhiều về đời
mình. Tuổi trẻ đứng trước tự do và tự quyết. Họ tuyệt vọng trốn đi cùng
nhau. “Dù một chút, đau thương, từ chối,
tổ quốc / ta chạy dài trên địa ngục, xoè
mở hai bàn / tay anh khóc đó - những ngón tay gầy / trơ xương chọn. Con đường đi buổi chiều /
hấp hối, ôi buổi chiều sương mù”. (Nói về
dĩ vãng – Liên-đêm-mặt trời tìm thấy, 1964)
c. Thể xác
- khát khao giải thoát và phục sinh
Chúng tôi xin
phép trích dẫn nguyên văn bài thơ Phục Sinh trong tập Tôi
không còn cô độc (1956). Theo dòng mạch tư tưởng của bài thơ, chúng ta
nhìn thấy sự phát triển của biểu tượng Thể xác qua từng cấp độ truyền dẫn đồng
thời tóm tắt được những đắn đo hiện sinh tương đối rõ nét.
“Tôi buồn
khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thuỷ
tinh
tôi gọi tên
tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm
tuyền
buổi chiều
sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một
chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ
linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói
không màu
tôi buồn chết
như buồn ngủ
dù tôi đang
đứng trên bờ sông
nước đen sâu
thao thức
tôi hét tên
tôi cho nguôi giận
thanh tâm
tuyền
đêm ngã xuống
khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng
khăn đỏ ơi
này một con
chó sói
thứ chó sói
lang thang
tôi thèm giết
tôi
loài sát nhân
muôn đời
tôi gào tên
tôi thảm thiết
thanh tâm
tuyền
bóp cổ tôi
chết gục
để tôi được
phục sinh
từng chuỗi
cuộc đời tiếp nối
nhân loại
không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ
quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là
kinh cầu
những thế kỉ
chờ đợi
tôi thèm sống
như thèm chết
giữa hơi thở
giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa
trái tim
tâm hồn anh
vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch
như một lần sự thật”
Chúng tôi
nhìn thấy một tâm hồn đẹp. Cả bài thơ là dòng chảy phát triển của “thể xác”
trong mọi tư thế. Trước tiên là sự thức tỉnh. Rồi nó quay cuồng trong đớn đau
tuyệt vọng. Băn khoăn – ưu tư về chính mình, về các giá trị của nó. Rồi nó phát
hiện đã sống như thế nào trước kia và xúi giục lòng căm phẫn chính mình. Muốn
tự sát – tự hủy, nó muốn giết chết đời người phóng thể ấy. Hơn nữa, nó cũng
nhận ra những tội lỗi khó bề gột rửa; vì tội lỗi còn hằn mãi trên dòng thời
gian đã mất. Thế nhưng, nó vẫn luôn khát khao được phục sinh. Chúng tôi cho đó
là tấm lòng nhân đạo của Thanh Tâm Tuyền. Hơn bao giờ hết, chúng tôi muốn nhấn
mạnh khát khao giải thoát con người của nhà thơ cho thấy sự quan tâm đến các
giá trị nhân bản; và đó cũng là khao khát của nhà thơ trước những giá trị nhân
bản bị đe dọa trong đời sống bấy giờ. Điều này không phải là không có ý nghĩa
trong đời sống hiện nay.
Nhìn chung,
biểu tượng thể xác trong thơ Thanh Tâm Tuyền sau những giờ khắc khổ đau tuyệt
vọng vẫn nhen nhóm một ước ao giải thoát; để có thể phục sinh và tốt đẹp; để có
lại và làm lại những giờ phút con người đích thực, sáng tạo những giá trị thực.
Qua đó, biểu tượng này không chỉ đơn thuần là cơn bão đen tối trong tâm hồn và
khêu gợi đổi thay trong việc làm người mà còn là ánh sáng hy vọng nếu chúng ta
đủ bình tâm nhìn nhận.
Comments
Post a Comment