“NHẬT
THỰC” CỦA VI THÙY LINH DƯỚI GÓC NHÌN KÍ HIỆU HỌC hay TÔN GIÁO TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI NỮ
[Võ Quốc Việt - Khol V., 2018]
Cắn giập cuống chiều
Bốn bề gió thốc
Nắng đen mặt người
Đất như ngừng thở
Khóc cười mệnh bạc
Em vẫn tìm Anh
Tìm trong bóng đêm
Tìm ngày rát nắng
Hơi thở cũng lạnh
Mặt trời mặt trời
Mặt trời quá xa
Anh còn xa hơn
Em nhìn bằng tim
Anh đừng đi nữa!
Ngày thì nhật thực
Đêm thì nguyệt thực
Sông thành sa mạc
Anh thì hư vô
Sót một tiếng kèn
Mắt như lá úa
Anh đừng xa nữa
Đường mờ lòng tay
Anh đừng xa nữa!
Em bỏ tất cả
Em quên tất cả
Quên cả tên mình
Quên cả tuổi mình
Quên cả lối đi
Chỉ còn nhớ Anh
Nam mô a di đà...
1998
Nguồn: Đồng tử, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh,
2005
1.
Đặt vấn đề
Trong số các nhà thơ nữ đương đại, có lẽ Vi
Thùy Linh là người viết về tình yêu nhiều hơn cả. Phàm là thơ ca, ít nhiều đều
có nói đến tình yêu. Vi Thùy Linh cũng nằm trong số đó. Và mỗi nhà thơ đều mang
đến một hương vị tình yêu khác nhau. Ở Vi Thùy Linh có lẽ là thứ tình yêu đầy
khao khát và nhục cảm. Ngay trong tập Đồng tử, Linh đã cho thấy một hồn thơ rất
lạ. Một hồn thơ nữ tính rất mực và cũng rất bạo liệt quay cuồng. Thơ Linh là
khát vọng tình yêu. Tình yêu là khởi nguyên, là nguồn sáng tạo, là địa điểm thi
triển các mối mạch cảm xúc của một tâm hồn nữ tính.
Linh đến với thơ là một quá trình thoát thai.
Sự thoát thai Linh và sự Linh thoát thai. Trước hết là sự bừng vỡ của một tâm hồn
thơ và sự bừng vỡ của tâm hồn đó để tạo nên các thi phẩm: Đồng tử, Linh, Khát,
ViLi in love. Sự xuất hiện của Linh cho đến giờ vẫn khuấy động dư luận. Tuy
nhiên càng về sau, thơ Linh cũng như các ấn phẩm khác cho thấy sự đằm thắm và nồng
nàn hơn giai đoạn đầu. Phải chăng đó là giai đoạn mà sự nữ tính đã phát triển
thành mẫu tính, từ một cô gái trở thành đàn bà trong ý nghĩa sâu thẳm và toàn
hiện của nó.
Người ta hay nói và khám phá thơ Linh bằng
nhiều ngõ đường khác nhau. Và ở đâu dù bằng ngõ lối nào thì thơ Linh cũng đâm
chồi thành những đóa hoa dị sắc, kích thích sự tưởng tưởng của tâm hồn. Nhưng
có lẽ cách đi vào thơ Linh từ phía kí hiệu học hãy còn chưa được nhiều người
nói đến. Đi vào thơ Linh bằng kí hiệu học là tháo rời truy nguyên bản thể của
thơ Linh. Và chính ở đó, có lẽ, người đọc sẽ tìm thấy bản nguyên thơ của một
tâm hồn rất đậm đà. Một người đàn bà rất Việt Nam. Bài viết này trước hết khởi
đi từ dự phóng như thế.
2.
Tôn giáo tình yêu từ cặp đối lập biện chứng
2.1.
Cấp
độ ký hiệu đơn (từ)
-
Ký hiệu
là danh từ: cuống chiều, gió thốc, Nắng, mặt người, Đất, mệnh bạc, Em, Anh,
bóng đêm, ngày rát nắng, Hơi thở, Mặt trời, tim, Ngày, nhật thực, Đêm, nguyệt
thực, Sông, sa mạc, hư vô, tiếng kèn, Mắt, lá úa, Đường, lòng tay, tất cả, tên
mình, tuổi mình, lối đi, Nam mô a di đà...
Lời thơ của sự kì bí, mê hoặc và ám mị, tôn
giáo của đam mê, trên cội cây đam mê ám muội của tâm hồn mọc lên nảy ra những
đóm hoa quằn quại đẹp một cách man dại, sặc sụa và sầu nghiện,…
-
Ký hiệu
là động từ: Cắn giập, Bốn bề thốc, đen mặt, ngừng thở, Khóc, cười, vẫn tìm,
Tìm…đêm, Tìm ngày, nhìn bằng tim, đừng đi nữa, nhật thực, nguyệt thực, sa mạc,
hư vô, lá úa, Anh đừng xa nữa, Đường mờ lòng tay, Anh đừng xa nữa, Em bỏ tất cả,
Em quên tất cả, Quên cả tên mình, Quên cả tuổi mình, Quên cả lối đi, Chỉ còn nhớ
Anh, Nam mô a di đà...
ð
Vi Thùy
Linh là nhà thơ của động từ. Là nhà thơ của tính nữ chủ động. Khi mà Âm thịnh,
nguyệt hưng, khai mạc đêm từ linh, khởi nguyên và cũng là căn cội của sáng tạo,
âm tính trở thành chủ tính, khi mà niềm tin trở thành đức tin thì tình yêu trở
thành tôn giáo.
ð
Vi Thùy
Linh sử dụng nhiều danh từ như động từ. Hoặc bằng cách giản lược câu, Vi Thùy
Linh biến đổi từ loại của ngôn ngữ để rất cả nội dung đều ồ ạt, xộc đến, xâm lấn
trực tiếp vào người tiếp nhận. Mỗi từ như một nụ hoa bừng dậy, phô diễn hết tất
cả sự căng đầy mê đắm của nó. Mỗi từ là một ký hiệu kết dệt thành mạng lưới thần
thông. Qua đó, người đọc nhìn thấy cái điếng đét co giật đến mức cuồng dại của
một niềm khao khát tột độ muốn thu nhận, cào hốt, càng quét, gồm thâu hết rất cả.
Bài thơ Nhật thực như một sự chiếm lĩnh trọn vẹn, sự thèm khát cùng cực của một
trái tim động dục thuần nhất đến mức phi thường.
-
Các cặp
kí hiệu đối lập:
+ Nắng/trời – đất
+ Bóng đêm – Ngày
rát nắng
+ Em – Anh
+ Nhật thực – Nguyệt
thực
+ Sa mạc – Hư vô
|
Yêu là định mệnh
làm nên bản thể của cuộc đời, của việc sống. Nhưng định mệnh của yêu là chia
cách. Nhưng yêu thì không thể chịu được sự chia cách đó. Nên em phải luôn hướng
về anh, chồm với về phía anh mãi hoài. Em với anh như trời với đất, tuy cách
biệt và định mệnh ngó nhìn lẫn nhau nhưng không thể nào gồm thâu chung quy về
một mối. Đó là bản thể đau thương của tình cũng là biện chứng nhị nguyên của
mệnh. Định mệnh của yêu là bất toàn, bất thành nên tình yêu mới còn. Và sự tự
tín đó biến tình yêu thành một thứ bùa chú, một niềm tin của lòng tán tưởng.
Sống nghĩa là tụng ca cho tình yêu.
|
2.2.1.
Khổ 1: Hồng nguyên của nữ tính và tình yêu
Cắn, thốc: tín hiệu của sự khai sinh, mở ra
vũ trụ của sự vần xoay trời đất (Nắng/trời – Đất). Đó cũng là cặp phạm trù âm
dương. Sự vần xoay đối chuyển vận hành phối ứng của âm dương đã khai sinh ra vũ
trụ. Ấy là vũ trụ của tính nữ và tình yêu. Để đặt bước cho nữ quyền đi về phía
ái quyền. Và ái quyền là sự cô đặc của tính nữ vậy.
2.2.2.
Khổ 2: Mệnh – Yêu là bản thể
Cặp phạm trù Khóc-Cười: hai kí hiệu động từ
là sự chăng móc của các chất điểm thị phi. Vì khi âm dương đã khai mở, đã thành
đời thì mệnh cũng thành. Mệnh chuyển thành ra đời. Đời có nghĩa là khóc cười.
Đó là nghĩa của thị phi, là cay đắng ngọt bùi. Đời hiện ra trong khoảng dao động
của hai kí hiệu khóc cười, vui buồn, đau khổ hạnh phúc. Chính ở chỗ đó, biện chứng
âm dương của đời đã lập thành. Và sự biện chứng đó là mệnh.
Nhưng ứng với mệnh để vượt lên trên mệnh: + Vẫn
(khẳng định): Tìm + Tìm = Ngày + đêm è thành ra tất cả. Yêu là bản nhiên của mệnh đến
nỗi mệnh là tình vậy. Có những người sinh ra để yêu, để cuộc đời sẽ chỉ có thể
là cuộc tình (cuộc đời = cuộc tình). Tất cả đã bộc lộ sự độc tôn của tình yêu
trong hành trì cuộc đời. Tình vừa là bản thể, là cứu cánh, là hệ lụy, vừa là mục
tiêu là chất liệu, tình là cái không thể cưỡng lại được. Thành ra nói tình là mệnh
vậy.
2.2.3.
Khổ 3: Tính – Yêu là khởi hành
Kí hiệu mặt trời: là bệ đỡ để nói về anh. Vì
mặt trời là khởi nguyên của sự sống. Mặt trời thì xa (Anh còn xa hơn). Nhưng em
không thể không về anh, không thể không thi triển cuộc đời về phía anh cũng như
cây cỏ muôn loài không thể không hướng về mặt trời. Các tín hiệu thẩm mỹ phát
ra dồn dập và được xâu kết với nhau bằng phép so sánh, tăng tiến. Và khi yêu,
nghĩa là đã bắt đầu. Bắt đầu con đường lưu đày trên hành trình yêu và sống. Bởi
sống là yêu, mà yêu là tìm, nghĩa là lưu đày trong chia cắt, nghĩa là bị bắt buộc
chung cuộc khởi hành. Chỉ là bắt đầu đi, lưu chuyển, khai triển, nối dài nối
mãi cuộc đời. Nhưng nối đến kỳ cùng cũng không thể về đến anh được. Bởi không
thể chạm đến anh (không thể lên đến ngôi cao Thượng đến) cũng như không thể về
đến tuyệt đích, sống chỉ là dao dộng tiệm cận với hằng hữu. Bởi chạm đến hằng hữu,
có anh rồi, nghĩa là sụp đổ và hư vô.
2.2.4.
Khổ 4 và 5: Tận diệt – Trọn vẹn tình yêu
Cặp kí hiệu
|
Nghĩa lý
|
Nhật thực – Nguyệt thực
Sa mạc – Hư vô
|
Từ hồng nguyên khai
phóng đến khởi hành thi triển: Càng thực hiện tình, càng lao vào mệnh càng đi
về phía tận diệt. Bởi nhật nguyệt là tinh chủ nắm giữ chu kỳ của trời đất. Đó
cũng là sinh diệt, sự xoay chuyển của hoàn vũ. Người ứng theo đó cũng có tròn
khuyết cũng có mọc lặn, nghĩa là có sinh diệt. Tình và mệnh cũng có sinh diệt.
Hơn nữa tình là tình chia cắt, mệnh là mệnh lưu đày. Nên càng thực hiện mệnh
và tình càng hao mòn, càng đâm đầu dấn thân vào chỗ tận diệt. Vậy thành ra,
đi đến tận cùng của Tình-Mệnh là cõi chết. Đó là chân trời hư vô.
|
2.2.5.
Khổ 6 và câu cuối: Vô cực hạn – Tôn giáo tình
yêu
Bỏ - quên – chỉ
còn:
|
Các kí hiệu chỉ
đích sự hư vô đẩy chủ thể đến chỗ phủ định, chối bỏ, rũ ruồng tất thẩy. Chỉ
còn anh ! Anh là tình yêu mà cũng là mệnh. Đó là đi đến vô cực hạn. Chối bỏ
chính mình nhưng không thể chối bỏ mệnh của mình, đó là sự phụng hiến cho
tình và mệnh vậy
|
Nam mô A di đà…
|
Nguyện chú cho tình
yêu. Nam mô (cung kính đảnh lễ) là lời vô cùng khi tình và mệnh đã trở về
hông nguyên. Từ khởi thủy hồng nguyên, giây phút xao động của âm dương để
thành ra hữu hiện để thành ra có tình và mệnh, sau nữa là tình và mệnh vận
chuyển khởi phát tạo thành đời. Đời kì cùng là đến chỗ tận diệt. Tận diệt
chính là chỗ muôn vàn để từ có trở về không. Trở về không là trở về bản nhiên
của Đạo. Đó là khi tình yêu thực sự đã trở thành tôn giáo vậy.
|
2.3.
Cấp
độ ký hiệu cực cấp (mô hình nghệ thuật)
HỒNG NGUYÊN NŨ
TÍNH VÀ TÌNH YÊU
|
MỆNH/YÊU LÀ BẢN
THỂ
|
TÌNH/YÊU LÀ KHỞI
HÀNH LƯU ĐÀY
|
TẬN DIỆT/ TRỌN VẸN
TÌNH YÊU
|
VÔ CỰC HẠN
TÔN GIÁO TÌNH
YÊU
|
|
3.
Từ kí hiệu cực cấp đến cấu trúc phản tư trong
bài thơ Nhật thực
3.1. Cấu trúc tín hiệu thẩm mỹ ở cấp độ hình
thức
3.1.1. Nguyên tắc tương đương hay quy tắc kết nối kí hiệu ngôn ngữ để
phát ngôn
Theo Jakobson: “Sự tuyển lựa được tiến hành
trên cơ sở của sự tương đương (équivalence), sự tương tự (similarrité), và sự
khác loại của những đồng nghĩa và phản nghĩa; trong khi ấy sự kết hợp, tức xây
dựng lớp ngôn ngữ, đặt trên tình trạng tiếp cận nhau”. Tuy nhiên có sự khác biệt
rõ ràng giữa việc tổ chức câu văn xuôi và câu thơ. các câu trong văn xuôi được
tổ chức theo chuỗi tiếp nối mang tính chất tuyến tính, thế nên, các yếu tố ngôn
ngữ được kết hợp với nhau nhờ vào mối quan hệ tương cận, hợp lí. Còn trong thơ,
chức năng thi ca cho phép nhà thơ tư duy và tổ chức tín hiệu ngôn ngữ theo một
lối khác, đó là kết hợp ngôn ngữ trên cơ sở của sự tương đương. Điều này được
R. Jakobson khẳng định: Trong thơ, “chức năng thi ca chiếu nguyên tắc tương
đương của trục lựa chọn lên trục của sự kết hợp. Sự tương đương được nâng lên
hàng biện pháp tạo tác (procédé constitutif) của lớp ngôn ngữ”[1] [16, 24].
Có thể hiểu các yếu tố tương đương trong văn
bản thơ là những yếu tố có thể thay thế cho nhau dựa trên mối quan hệ hỗ phù,
nghịch phản hay tương đồng. Từ đó, nhà thơ phối hợp và trình diễn chuỗi nối tiếp
trên dòng thơ, hình thành nên văn bản. Vậy nên, kết cấu tương đương là thủ pháp
rất điển hình.
Ở đây, Vi Thùy Kinh đã sử dụng tối đa nguyên
tắc tương đương.
“Mặt trời mặt trời
Mặt trời xa quá
Anh còn xa hơn”
Hay
Ngày thì nhật thực
Đêm thì nguyệt thực
Sông thành xa mạc
Anh thành hư vô
Với bài thơ này, chúng ta có thể tìm thấy rất
nhiều kết cấu tương đương, ở các cấp độ khác nhau với tần số dày đặc. Gần như
khổ thơ nào cũng được kết cấu theo lối tương đương. Tương đương về ở mức độ kí
hiệu từ, ngữ, dòng thơ, khổ thơ. Tương đương cả ở mức độ ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Có thể
nói Vi Thùy Linh rất ư tham lam. Linh muốn nhân lên hàng triệu hàng vạn lần tất
cả những gì diễn ra trong bài thơ. Đặc biệt là việc em đi tìm, về sự xa cách với
anh, về chuyện em đã quên tất cả chỉ còn nhớ anh. Hình ảnh bị đan cài vào cảm
xúc và Vi Thùy Linh giày vò chúng nhiều lần, lặp lại, trùng điệp chúng vạn lần,
nhay nhứ từng biến động trong tư tưởng. Vản bản thơ theo đó trở thành một kết cấu
đa tầng, đa chiều, trở thành một kết cấu vẫy gọi tối đa cho sự tiếp
nhận.
Chung quy, cấu trúc tương đương xuất hiện vô
cùng trịêt để trong bài thơ này. Vừa tham gia vào hoạt động tạo nghĩa, vừa nhấn
mạnh, mở rộng ý, đa tầng hoá cái được biểu đạt mà còn tu sức cho dòng âm và tạo
nên hiệu ứng âm thanh thật sự sống động, tưởng như một cơ thể trong quá trình
sinh sôi không ngừng nghỉ.
“Anh đừng xa nữa
Em bỏ tất cả
Em quên tất cả
Quên cả tên mình
Quên cả tuổi mình
Quên cả lối đi
Chỉ còn nhớ anh…”
Cấu trúc tương đương đã làm nên sự ám ánh
trong thơ Vi Thùy Linh, đặc biệt là bài thơ này.
3.1.2. Nguyên tắc song song hay quy tắc kết nối kí hiệu ngôn ngữ để phát
ngôn
Có thể hiểu đơn giản nguyên lý song song
trong thơ ca là hiện tượng lặp lại hay sóng đôi của các kí hiệu ngôn ngữ. Cơ bản
có 3 hình thức song song: tương đồng, đối ngẫu, tương hợp. Có thể thấy bài thơ
Nhật thực này có một cấu trúc rất cân bằng. Phân chia thành hai phía với mỗi 2
khổ 4 câu và 1 khổ thơ 6, 7 câu; với cấu trúc “các khối kí hiệu”:
Cuộc đời + em = tình yêu với anh
Cuộc đời khóc liệt + em mệnh bạc = Anh xa
cách
Cấu trúc này hàm chứa triết lý của tác giả về
đời sống. Nơi mà ai ai cũng diễn kịch Shakespear. Thành ra có lần, sau này Vi
Thùy Linh ước chỉ đóng vai không tên trên sân khấu bi kịch thôi.
Đi sâu hơn, có thể tìm thấy sự song hành ở rất
nhiều tầng mức. Có thể tìm thấy sự song hành trong từ vựng, ngữ pháp. Nói
chung, vản bản Nhật thực thể hiện tối đa hiệu ứng có được từ nguyên tắc tương
đương và nguyên tắc song song trong việc xây dựng văn bản thơ.
3.1.3. Chủ âm hay tính thể của kí hiệu ngôn ngữ
Coi tác phẩm như 1 cấu trúc của những yếu tố
chức năng và liên lập, Jakobson đưa ra một khái niệm rất cơ bản: Chủ âm. Nhờ chủ
âm mà cấu trúc thoát khỏi tình trạng chết cứng và ngưng đọng. Nhưng chủ êm vang
lên ở đâu. Hãy lắng nghe tiếng nói của kí hiệu. Đó là các chất điểm phát ngôn
trên hệ thống các kí hiệu trong toàn văn bản. Và bản giao hưởng có được tiếng
nói của tất cả các chất điểm kí hiệu như thế đã tạo thành chủ âm cho văn bản
thơ.
Vấn đề này thiên về mặt ngôn ngữ thơ. Nghĩa
là tính thơ của ngôn ngữ. Từ đấy, vấn đề lại tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngữ
âm học. Chúng ta phải đá động đến tính chất âm vị, hình vị, vần, nhịp, thanh điệu,
trọng âm và chung quy là mô hình dòng âm của các kí hiệu trên dòng thơ.
Có thể nói, chủ âm là “màu sắc” chính yếu của
bài thơ. Các yếu tố dòng âm bị chi phối bởi nó và vì nó mà có nghĩa. Một yếu tố
như thế trong bài thơ này là Ngữ điệu, bắt nguồn từ việc coi trọng sự hoà
thanh. Thơ Vi Thùy Linh nói riêng và thơ đương đại Việt Nam nói chung không
quan trọng chuyện vần nhịp, nó phá vỡ mọi kết cấu âm thanh có khuynh hướng đi
vào mô phạm. Thơ đương đại cũng như thơ Vi Thùy Linh chỉ tôn thờ ngữ điệu. Nó rất
gần với nhạc, nhưng nhạc đây là thứ nhạc Jazz đầy biến tấu.
Thơ có thể mờ nhạt về vần, có thể yếu về nhịp
nhưng sự hòa âm và điệu thì không thể thiếu nếu muốn tác phẩm đi vào lòng người.
Theo Đặng Thai Mai trong bài giảng về Chinh phụ ngâm cho rằng: kỹ thuật thơ trước
hết là kỹ thuật hài hòa về âm hưởng và tiết tấu. Đó chính là điệu. Điệu gồm nhạc
điệu tự nó và ngữ điệu.
Lại nói về nhạc điệu tự nó, đó là đặc điểm của
vỏ ngữ âm mà sự kết hợp giữa chúng có sự hòa âm và gây ra nhạc tính. Cũng có thể
nói, đó là nhạc tính của vỏ ngữ âm của mỗi âm vị được kết hợp lại. Còn ngữ điệu,
nó là hoạt động sống của từ. Gồm ngữ điệu giai đoạn và ngữ điệu hòa âm. Cơ sở của
ngữ điệu là sự xác định luân phiên của giọng cất cao lên và giọng hạ thấp xuống,
đem lại màu sắc âm thanh và mang một lượng nghĩa nghệ thuật góp phần vào nội
dung của tác phẩm. Về điểm này, ngữ điệu vừa thuộc về hình thức nghệ thuật nhưng
cũng đã trở thành một bộ phận của nội dung với vai trò chất liệu.
Ngữ điệu hay quá trình xây dựng ngữ điệu
trong dòng thơ cũng giống như quá trình phối khí trong âm nhạc. Ngữ điệu là màu
sắc, là tính tình của hồn thơ, là động thái của hồn thơ, là cá tính của thơ. Với
những cảm xúc tinh tế của con người, việc sử dụng ký tự ngôn ngữ để ghi lại nội
dung ấy dường như không phải lúc nào cũng đạt đến mức mong muốn. Đó là độ lệch
giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Tuy nhiên, màu sắc âm thanh mà tác giả
xây dựng từ vỏ ngữ âm ấy luôn luôn biểu hiện sâu sắc và độc đáo trạng thái tình
cảm và nội dung nghệ thuật mà tác giả muốn hướng tới. Nếu chỉ sử dụng ký tự
ngôn từ và tin tưởng vào nó thì tác phẩm nhiều khi không có sinh khí, nhưng việc
xây dựng ngữ điệu cho dòng thơ ấy chính là cho dòng thơ một sức sống. Lại nói
thêm, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt được hình thành trên
khung ngữ nghĩa chung của cộng đồng nên đôi khi chưa thể hiện hết tâm ý của tác
giả, bởi mỗi con người đều có những sắc thái cá tính khác nhau, đặc biệt là các
nhà thơ. Bởi vậy, ngôn ngữ thường có dường như đã trở thành điều ràng buộc với
tác giả. Song song với qúa trình xây dựng, sáng tạo ngữ điệu, gia công nhạc
tính, tác giả cũng tạo ra một lớp từ tiềm năng.
Về những bộ phận của ngữ điệu, theo
Tô-ma-sep-ky, ngữ điệu trong thơ là âm thanh biểu hiện ở giọng lên cao và xuống
thấp, lời chậm lời nhanh. Giọng mạnh hay yếu. Cho nên ngữ điệu bao gồm các dấu
hiệu như: song cực cao độ, song cực cường độ, song cực trường độ, sắc thái âm vị,
trong đó, thanh điệu và trọng âm đóng vai trò quan trọng để hình thành ngữ điệu.
Cụ thể, trong Tiếng Việt, thanh điệu được sử
dụng trên cở sở phân chia âm vực của mỗi thanh.
Âm khu cao : sắc, ngã
Âm khu trung : không dấu
Âm khu trầm : huyền, hỏi, nặng.
Và rõ ràng ở đây, ngữ điệu Nhật thực có được
là ở việc tổ thức trật tự thanh điệu.
Nếu như ba khổ đầu thuộc một bố cục song hành
như đã nói chỉ kết thúc dòng âm bằng thanh điệu ở âm vực cao thì ba khổ còn lại
kết thúc bằng thanh điệu ở âm vực trung hoặc thấp. Trong mỗi khổ thơ, mỗi câu
thơ cũng có sự hoà thanh.
Chẳng hạn
“Ngày thì nhật thực
Đêm thì nguyệt thực
Sông thành sa mạc
Anh thì hư vô”
Khổ thơ có sự bố trí cân đối các bộ phận
thanh điệu, sao cho kí mã phù hợp nhất từng nốt cảm xúc, với độ dồn nén, xoã nở,
hay ngân nga vô tận. Hai thanh điệu ở âm vực thấp (thực) bị lặp lại, nén cao độ
ở âm vực thấp kết hợp với âm vị ư ( )
là một âm vị có độ mở miệng cực nhỏ, hỗ trợ tối đa cho thanh nặng, tạo ra một
âm tiết thể hiện tốt nhất sự dồn nén, chịu đựng, cùng cực. Thành ra, tại điểm
này, chính cái biểu đạt đã tạo ra nghĩa, và nó lấn lướt cả cái được biểu đạt, nắm
lấy quyền ý nghĩa cho dòng thơ.
Qua ví dụ trên cho thấy, các yếu tố trong ngữ
âm thơ trường hợp Nhật thực, như âm vị, âm tiết, trọng âm, thanh điệu,… bị chi
phối bởi ngữ điệu, đây chính là chủ âm của thơ VTL nói riêng và thơ đương đại
VN nói chung. Có thể thấy, VTL không quan tâm vần, nhịp, chỉ có ngữ điệu hoà âm
là quan trọng hơn cả.
3.2. Cấu trúc phản tư của tín hiệu thẩm mỹ
Là cấu trúc mà ở đó các phổ biến quay về các
đặc thù để nghiệm thu chân lý của chính nó. Ở đây, chính là sự vong thân của ý
hướng tính nữ về phía anh khi đã đi đến cùng cực của sự chờ và sự yêu. Khi đó ý
hướng ấy quay lại các trụ cột đặc thù của mình chứng nghiệm một lần nữa và tan
chảy vào tổng thể cấu trúc. Có thể nói là cái chết hiển linh.
Nhật thực có ba trụ cột (ba chất điểm kí hiệu
cực cấp) chính tạo nên vũ trụ thơ trong chính bản thân nó. Đó là
- Nhật thực: (sự giao thoa của hai chất thể
kia, nơi ngày và đêm gặp nhau, nơi thái cực và vô cực không còn ý nghĩa nữa,
nơi mà hai chất thể kia chuyển hoá vào nhau) ở bài thơ này đó là những đại lượng
mẫu thuẫn tự thân.
- Thái cực : là chất thể có ý hướng chủ động,
năng sản, khứ viễn.
- Vô cực: là chất thể có ý hướng chủ tĩnh, kết
thúc, dừng lại, hồi quy.
Ngay ở khổ đầu ba chất thể này đã xuất hiện
- Nhật thực: “cắn giập cuống chiều/ bốn bề
gió thốc”.
- Thái cực: “nắng đen mặt người”
- Vô cực: “đất như ngừng thở”
ở đây cấu trúc của chúng đc liên hệ với nhau
bằng liên hệ đối nghịch và chuyển hoá.
Sau nữa các khổ thơ tiếp tục là phát sinh của
ba chất thể ấy, ạo thành một mô thức thu nhỏ của mô thức vừa kể. Đến khổ cuối
và câu cuối thì sự phản tư mới đc thực hiện. Ở đây, các chất thể mất đi đặc
tính của nó và. Ở đây còn duy nhất nhật thực, còn em, còn sự quên lãng, và chờ
đợi là có ý nghĩa. Bài thơ là thái cực mà vô cực, mô thức của 1 quá trình khứ
viễn hồi quy, sự phản tư của chất thể. Cho nên thơ Vi Thùy Linh là sự giằng xé,
đối nghịch và chuyển hoá lẫn nhau của khát khao và tuyệt vọng trong tình yêu và
cuộc sống.
4.
Kết luận
Thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn
mang đến một trắc diện khác trong thơ Vi Thùy Linh (ít nhất là ở bài thơ Nhật
Thực).
Dưới góc nhìn kí hiệu học, thơ Linh dường như
hiện lên như một vũ trụ luận tình yêu. Tất nhiên, người ta vẫn hay nói suốt về
tình yêu trong thơ Linh. Tuy nhiên, trong bài viết này, tình yêu trong thơ Linh
là một tôn giáo. Đó là sự biện chứng giữa tình và mệnh, giữa đời và thơ.
Tình yêu vì sao lại trở thành một tôn giáo ?
Bởi niềm tự tín bất diệt và vĩnh hằng, cái tận diệt để muôn vàn trọn vẹn trong
bài thơ Nhật thực cho thấy Linh đã trôi về phía Hư vô. Hư vô hóa tình yêu để
tình yêu tuyệt đích. Và hư vô đi liền vói phủ định và chối bỏ. Nhưng dù cho chối
bỏ đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể chối bỏ tình và mệnh. Do thế, nói Nhật
thực là sự phúng hiến cho tình yêu.
Bằng cách tháo rời các lớp kí hiệu, rồi sau nữa
kết thông các mắc điểm kí hiệu ấy để diễn dịch lập ngôn lập nghĩa cho dòng thơ,
cho khổ thơ, chúng ta càng tiến sâu hơn vào cõi giới của tình yêu. Có thể nói,
khi đạt đến kí hiệu cực cập, chúng ta đã có thể khám phá ra nỗi thần cảm và sự
dị hương dị sắc bấy lâu nây vẫn được nói đến trong thơ Linh. Chính ở đó, cái chất
đàn bà trác tuyệt của Linh cũng được vén màn phơi mở.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Jakobson
R. (2008). Thi học và Ngữ học (Trần Duy
Châu biên khảo). Hà Nội: NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
2.
Vi Thùy
Linh. (2005). Đồng tử. TP.HCM: NXB
Văn nghệ.
[1] Roman Jakobson (2008), Thi học
và Ngữ học (Trần Duy Châu biên khảo), Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học,
Hà Nội.
Comments
Post a Comment